Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2017

Đại hội 19 và giấc mơ lâu dài của Tập Cận Bình



 Báo Nikkei


 tcb1.jpg


Tập Cận Bình sẽ bắt đầu Đại Hội Đảng lần thứ 19 ở vị thế lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Khi Đại Hội Đảng kết thúc, ông Tập có thể trở thành Mao Trạch Đông của thế kỷ 21.



Nhiệm kỳ 5 năm đầu đã qua, ông Tập lần lượt củng cố quyền lực tuyệt đối vào tay. Chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” của ông tóm hàng loạt tỷ phú, những đối thủ chính trị và một loạt quan chức cấp tỉnh. Gần đây, báo chí Trung Quốc bắt đầu gọi ông bằng cái tên “Thống soái Tối cao”, chức danh tương tự Mao Trạch Đông trước kia. Về kinh tế, ông loại ảnh hưởng của Lý Khắc Cường, nắm đầu ngọn cờ cải cách. Trên lĩnh vực thông tin, chính quyền TQ cũng đẩy mạnh nắm chặt.



Giờ, khi Đại Hội Đảng đến gần, ông Tập tiếp tục hành trình mở rộng quyền lực. Ý đồ tiếp tục nắm quyền nhiệm kỳ 3 ngày càng hiện rõ. Willy Lam, chuyên gia Trung Quốc ở Hong Kong, bình luận: “Tập không vội vã lựa người kế nhiệm”.



Nếu thành công, Tập có thể sẽ lèo lái Trung Quốc tiếp trong kỷ nguyên mới. Ngay khi nắm quyền, ông Tập đã vạch ra “Giấc mơ Trung Hoa” với sứ mệnh “Đại hồi sinh nước Trung Hoa”, phục hồi vị trí siêu cường của xứ Thần Châu trên thế giới. Nhiệm kỳ đầu, ông xây dựng vị thế đối trọng Trung Quốc với Mỹ (thành công tương đối): xây dựng ngân hàng AIIB đối trọng với World Bank và ADB cùng “Vành đai, Con đường” 1.000 tỷ USD đang đẩy mạnh xuống phía Nam và Trung Á. Khi Trump đắm đuối “America First” thì Tập lặng lẽ, nhanh chóng lấp đầy vào những “khoảng trống” mà Washington rút lui.



THANH TRỪNG “CLB QUÝ BÀ”



Tôn Chính Tài được coi là ngôi sao đang lên. Vươn lên nhanh chóng, ông trở thành Bộ trưởng Nông nghiệp năm 43 tuổi. Năm 2012, ông trở thành Uỷ viên BCT năm 49 tuổi. Giờ ở tuổi 54, Tôn từng được kỳ vọng sẽ vươn lên tiếp để vào “CLB tối cao” Thường vụ Bộ Chính trị, chính thức một vị trí ứng viên để kế nhiệm ông Tập một ngày nào đó.



Nhưng mọi việc không suôn sẻ vậy. Sáng 14/7, Tôn thức dậy vẫn là Bí thư Trùng Khánh, một trong 4 thành phố trực thuộc trung ương với 30 triệu dân và nền kinh tế mạnh. Tới buổi tối, ông từ ngôi sao nền chính trị trở thành nghi phạm cuộc điều tra tham nhũng. Cơ quan chức năng tóm và di lý ông ra Bắc Kinh vì “vi phạm kỷ luật” – quan chức tiếp theo bị dính trong chiến dịch “ruồi hổ” của ông Tập. Danh sách điều tra lúc này của "ruồi hổ" đã là xấp xỉ 1 triệu người.



Cùng chiều đó, ở thành phố Thanh Đảo, cách đó khoảng 700 km, tương lai chính trị của Tôn bị giáng thêm cú nữa khi Viện kiểm sát Tối cao lục soát một dinh thự cách không xa quê nhà ông. Trong dinh thự đó có bà Hồ Dĩnh, vợ ông. Khi các quan chức trình lệnh bắt bà, bà hỏi: “Các vị đùa àh?”



Cú kẹp gọng kìm loại ngay ngôi sao chính trị đang lên chỉ vài tháng trước Đại Hội Đảng. Thông điệp ngầm của ông Tập: Đừng vội chọn người kế vị tôi!!!



Hầu hết trong số 7 thành viên Thường vụ Bộ Chính Trị sẽ nghỉ kỳ này vì quy định tuổi – trừ ông Tập và ông Lý Khắc Cường – cùng 64.



Giới quan sát đang theo dõi ai sẽ gia nhập “CLB tối cao” này khi những ứng viên mới đều có khả năng kế nhiệm Tập một ngày nào đó. Nhưng lúc này, cuộc chạy đua kế nhiệm Tập có thể sẽ không rõ ràng – như cách Hồ Cẩm Đào hay Tập từng được chọn từ rất sớm trước kia.



Ông Tập sẽ 69 tuổi khi hết nhiệm kỳ hai vào 2022, nhưng giới quan sát đều cho rằng ông đang ngắm tới nhiệm kỳ 3, bỏ qua quy định bất thành văn về nghỉ hưu ở tuổi 68.



Đồng minh của ông Tập hiện đang cạnh tranh quyết liệt với những đệ của hai lãnh đạo tiền nhiệm – Giang Trạch Dân (91t) và Hồ Cẩm Đào (74t).



Tôn Chính Tài được coi là người của ông Giang và đã bị loại. Việc bị loại của ông dường như bắt nguồn từ chiến dịch “hổ ruồi” suốt mấy năm nay.



Tháng 1/2015, Mao Hiểu Phong, Chủ tịch ngân hàng Dân Sinh, bất ngờ từ chức sau khi bị điều tra tham nhũng. Ông Mao bị cáo buộc thành lập “CLB quý bà” trong ngân hàng – để cung cấp những dịch vụ có lợi cho vợ của các quan chức cấp cao. Trong số này có bà Cốc Lệ Bình, vợ của Lệnh Kế Hoạch, cánh tay phải của Hồ Cẩm Đào và đã ngã ngựa ngay sau khi ông Tập nhậm chức.



Hồ Dĩnh, vợ Tôn Chính Tài, từng làm tại ngân hàng này và đồng thời là thành viên của “CLB quý bà”. Trong khi một số nói thành viên CLB chỉ “tập luyện yoga” thì nguồn tin khác nói “Vợ ông Tôn là nhân vật trung tâm của CLB và mọi người đều rất ngại, sợ rằng làm gì đó trái ý bà”.



“CLB quý bà là nguồn cơn để loại ông Tôn”, một nguồn tin nói. Nhưng có lẽ ngoài việc chuyện CLB này, việc ông Tôn là nhân vật thân cận ông Giang là nguyên nhân quan trọng khác. Ông Tôn cũng thân cận Giả Khánh Lâm, đồng minh thận cận của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân.



Giống ông Tôn, Hồ Xuân Hoa, bí thư tỉnh Quảng Đông, cũng được coi là ứng viên để kế tập ông Tập. Nhưng ông có vẻ thoát được số phận tương tự ông Tôn dù có quan hệ gần gũi với ông Hồ Cẩm Đào – có lẽ là nhờ việc biết im lặng hơn trong các hoạt động chính thức.



Cuối tháng 1, ông Hồ Cẩm Đào bất ngờ xuất hiện ở một phiên chợ hoa Quảng Châu cùng ông Hồ Xuân Hoa. Cả hai cùng xuất thân từ Đoàn Thanh niên, tổ chức với 90 triệu thành viên.



Nhiều người cho rằng vị cựu chủ tịch TQ muốn nhân sự kiện để công khai ủng hộ nhân vật thân cận mình trở thành người lãnh đạo kế tiếp. Nhưng một số nguồn trong đảng đánh giá khác: “Ông Hồ Cẩm Đào xuất hiện để nhắc nhở ông Hồ Xuân Hoa: Đừng có phô trương quá”.



Nguồn khác cũng nói thông điệp của vị cựu lãnh đạo là: ông Tập đã có kế hoạch, đừng có lộ tham vọng sớm quá – điều đó là nguy hiểm. Cũng có nguồn nói vị cựu lãnh đạo đã cam đoan với ông Tập rằng ông Hồ Xuân Hoa sẽ “không bao giờ phản bội”. Tháng 4, ông Tập khen ngợi vị lãnh đạo Quảng Đông: “Tôi đánh giá cao khả năng điều hành của đồng chí ở Quảng Đông”.



Cùng lúc này, ông Tập giới thiệu Trần Mẫn Nhĩ, một quan chức kín tiếng thân cận ông trở thành Bí thư Trùng Khánh, thay thế ông Tôn.



THỐNG SOÁI TỐI CAO



Cuối tháng 8, một chiếc xe đặc biệt ập tới một đơn vị quốc phòng ở Bắc Kinh và chở đi tướng Phòng Phong Huy, một trong những thành viên cấp cao của Quân Uỷ Trung ương Trung Quốc, vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật” – từ thường dùng cho các vụ tham nhũng.



Thời điểm hạ bệ ông Phòng được coi là bất ngờ khi chỉ một tuần trước ông mới hội đàm với tướng Joseph Dunford, chủ tịch Hội đồng liên quân Mỹ. Ông Dunford dẫn theo vợ với hy vọng sẽ xây dựng mối quan hệ cá nhân tốt với tướng Phòng, người được Washington dự đoán sẽ nắm chức vụ Phó chủ tịch quân uỷ Trung ương quyền lực. Ứng viên số 1 thay thế ông Phòng lúc này là tướng Lý Tác Thành, Tư lệnh mới của lực lượng lục quân – người hoàn toàn không có tên trong Quân uỷ Trung ương hiện tại.



Giống như Mao, ông Tập rất hiểu triết lý “họng súng đẻ ra chính quyền” và rất quyết liệt trong việc nắm quân đội.



Kể từ tháng 7, Xinhua bắt đầu gọi ông Tập là “Zui gao tong shuai” (Thống soái Tối cao), chức vị trước đó chỉ dành cho Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình – những người nắm tuyệt đối quân đội trong giai đoạn nắm quyền.



Cuối tháng 7, ông Tập xuất hiện tại lễ duyệt binh lớn ở vùng tự trị Nội Mông để kỷ niệm 90 năm thành lập quân đội Trung Quốc. Ông duyệt binh khi mặc bộ đồ rằn ri quân phục thay vì bộ đồ đại cán thông thường. Thông điệp rất rõ ràng: ông Tập nắm quyền tuyệt đối quân đội.



Ông Tập có vẻ đã học được bài học từ ông Hồ Cẩm Đào khi chính quyền của người tiền nhiệm luôn ở thế chông chênh về chính trị khi những quan chức thân cận ông Giang vẫn còn nắm chặt PLA.



Với Trung Quốc, để hiện thực “giấc mơ Trung Hoa”, họ cần giành lại vị thế siêu cường như nhà Thanh từng có trước giai đoạn Chiến tranh Nha phiến 1840-42 – giai đoạn bắt đầu thế kỷ bán thuộc địa sau đó mà người Trung Quốc vẫn coi là “nhục nhã”.



Nhưng giấc mơ sẽ không thể thành hiện thực nếu Trung Quốc thiếu một quân đội mạnh. Thông điệp ông Tập nêu ra hồi tháng 8 là một câu cũ của Mao nói về sự phục tùng của quân đội: “Nguyên tắc của chúng ta là Đảng kiểm soát họng súng chứ họng súng không bao giờ được kiểm soát đảng”.



ĐI HAY Ở VƯƠNG KỲ SƠN?



Viết thêm chút về Vương Soái ca, người đến giờ chưa ai rõ tình hình đi ở thế nào, đặc biệt sau khi ông bất ngờ tiếp cả Lý Hiển Long lẫn Steve Bannon – ông trùm hắc ám, cựu chiến lược gia trưởng của Trump – cách đây vài tuần. Với nhiều quan chức Trung Quốc, gặp Vương Kỳ Sơn, người điều hành chiến dịch "ruồi hổ" còn đáng sợ hơn cả trình diện Diêm Vương.



Lý do Vương ở lại thì rất đơn giản: cánh tay phải của Tâp trong chiến dịch “ruồi hổ”, rất rành kinh tế (Lý Quang Diệu thời còn sống hay ca ngợi vị cựu phó thủ tướng và cựu thị trưởng Bắc Kinh này là “kỳ tài chính trị") và Vương ở lại thì sẽ có tiền lệ quan chức ở lại khi đã quá 68 tuổi (Vương đã 69).



Một loạt nguồn tin của Nikkei nói ông Vương bày tỏ ý muốn nghỉ. “Vương có vấn đề sức khoẻ và muốn kết thúc sự nghiệp khi ở đỉnh cao với thành công trong chiến dịch chống tham nhũng”, một nguồn nói.



Ông Vương, ông Tập có quan hệ thâm sâu từ thời phong trào “Thượng Sơn, Hạ Hương” (Lên núi, về vùng nông thôn) của Mao Trạch Đông trong Cách mạng Văn hoá. Trí thức trẻ thành thị khi đó được đưa về nông thôn sống và cả Tập và Vương đều được gửi về các gia đình nông thôn ở tỉnh Sơn Tây trong giai đoạn cuối 1960 để sống đời “Hạ Hương”. Giai đoạn vất vả này là nền tảng cho mối thâm tình đôi bên.



Sự “biến mất” của ông Vương trong giai đoạn mùa hè khiến có một loạt tin đồn đoán. Đơn giản vì mỗi lần có trận “đả hổ” lớn, ông thường biến mất – vì vậy mùa hè này là quãng lo sợ với nhiều quan chức. Sự biến mất của ông có lẽ trùng với cuộc đả tướng Phòng Phong Huy (???). Nhiều quan chức cấp tỉnh thường ví những lần ông biến mất này là “Shen yin” – Shen là “Thần” còn Yin là “ẩn”.



Việc Vương Kỳ Sơn tái xuất hiện sau gần một tháng “shen yin” là chi tiết đáng kể - Lý Hiển Long không giấu ý muốn tìm hiểu về việc chuyển giao quyền lực ở ĐH tới trong cuộc gặp với ông Vương. Việc ông Vương xuất hiện cùng vợ cũng đáng kể khi ông dường như trong tình trạng sức khoẻ tốt, rất khác với lời đồn ông bị ung thư gan trước đó.



Chuyện ông Vương đi/ở chưa rõ nhưng chắc chắn một nhân sự chất lượng và hiểu sâu về kinh tế như vậy ở lại sẽ định hình rất nhiều chính trường Trung Nam Hải giai đoạn sắp tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét