Ông Vũ Huy Hoàng trong một dịp trả lời báo chí
năm 2015
Việc cảnh cáo cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Vũ Huy
Hoàng là "nhẹ", theo cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam.
"Sai phạm của ông gây thiệt hại cho nhà nước rất lớn,
suốt trong thời gian dài, nhất là thời ông Trịnh Xuân Thanh còn làm dầu khí và
liên quan đến một số người khác. Những sai phạm như thế không chỉ là vi phạm
hành chính mà còn có dấu hiệu của tội phạm hình sự nữa," ông Trần Quốc
Thuận nói với BBC Tiếng Việt.
Ngày 24/10, Ủy ban kiểm tra Trung ương Việt Nam ra thông báo
sau kỳ họp thứ VII, "Đánh giá, quy hoạch cán bộ một số trường hợp không
đúng nguyên tắc, quy trình; để ông Vũ Huy Hoàng, Bí thư Ban cán sự đảng tự ý đề
nghị phê duyệt bổ sung quy hoạch chức danh Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với Trịnh
Xuân Thanh và một số trường hợp khác."
Thông báo đề cập đến việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải (con
trai Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng) lần lượt vào các vị trí kiểm soát viên Tổng công
ty Thuốc lá Việt Nam; tham gia Hội đồng Quản trị và Phó Tổng Giám đốc Tổng Công
ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Thông báo cũng nói ban cán sự Đảng Bộ Công Thương "vi
phạm trong việc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh".
'Dấu hiệu hình sự'
"Dấu hiệu hình sự là thiếu trách nhiệm, là thiếu kiểm
soát, gây thiệt hại cho nhà nước nhiều nghìn tỷ, chứ không phải chỉ có 3.300 tỷ
của ông Trịnh Xuân Thanh thôi, mà ngoài ra còn liên quan đến nhiều vụ khác nữa,"
ông Trần Quốc Thuận giải thích với BBC Tiếng Việt trong trường hợp ông Vũ Huy
Hoàng.
"Mà theo luật pháp Việt Nam là gây thiệt hại nghiêm trọng
cả ngàn tỷ thì đó là dấu hiệu của tội phạm hình sự."
Báo chí tại Việt Nam chạy nhiều bản tin với bình luận quyết
định xử phạt là "quá nhẹ".
Ông Vũ Trọng Kim, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, được báo
Tuổi Trẻ dẫn lời nói "Cảnh cáo là hình thức chưa đảm bảo cho sự răn đe với
tội phạm, đây chưa nói là tội phạm nhưng cần làm rõ những dấu hiệu như đã nêu tại
kết luận".
"Niềm tin của nhân dân xuống thấp"
BBC hỏi luật sư Trần Quốc Thuận về ý kiến cho rằng vụ việc
có vẻ đang được xử lý dè dặt, ông cho biết: "Ý kiến đó là đúng. Bởi vì đó
là một trong số ít cán bộ cao cấp của đảng và nhà nước này bị kỷ luật."
"Ông Vũ Huy Hoàng ngoài việc thiếu trách nhiệm còn có
dấu hiệu liên quan đến lợi ích vật chất nữa. Mà nếu có dấu hiệu lợi ích vật chất
thì tại sao không truy và xử đến cùng, tận nguồn tận gốc?"
"Cứ nói hoài, hô hào hoài, phê rồi tự phê, rồi rút kinh
nghiệm, dân làm sao họ chịu được? Tiền đó suy cho cùng cũng là tiền mồ hôi nước
mắt của nhân dân mà để thất thoát nhiều thế mà không xử thì lòng dân sao mà yên
được," vị cựu Phó chủ tịch Văn phòng Quốc hội nói.
"Nghị quyết trung ương vừa qua cũng nói niềm tin đã rất
xuống thấp. Như ông Nguyễn Đình Hương nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương
cũng nói chỉ cần gió lay nhẹ thì cây cũng đã đổ. Ông nói đến chế độ và niềm tin
của nhân dân tiếp tục xuống thấp lắm."
"Nếu vụ này chỉ khoanh trong Bộ không thì không ổn vì vụ
ông Trịnh Xuân Thanh mà muốn được bổ nhiệm xuống dưới tỉnh, thì theo phân cấp
quản lý, những chức vụ đó phải do Ban tổ chức Trung ương có ý kiến mới được bầu,
chứ không phải tự nhiên được bầu, nghĩa là phải có phê duyệt mới được bầu."
"Nghĩa là không chỉ có tỉnh Hậu Giang đó hay ông Vũ Huy
Hoàng. Mà nếu như không làm đến nơi đến chốn mà cứ làm nửa vời như thế thì chẳng
đáp ứng được gì, mà nên xử lý cho tận nguồn gốc, bóc tách ra chứ còn bây giờ.
Chứ còn đôi khi bóc tách ra người ta ỷ lại, rồi cấu kết với nhau người ta có phản
ứng ngược."
"Tôi cho rằng vụ này cũng có dấu hiệu tích cực một chút
là đã đụng đến những ông có tầm cả nước là ông bộ trưởng, ông nguyên trung ương
đảng, nhưng tôi chưa thấy làm đến nơi đến chốn, chưa tận gốc, mà làm chưa tận gốc
thì rất khó lấy lại niềm tin của nhân dân," ông bình luận về sự việc đang
diễn ra với nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng.
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét