Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

Về Tam Chủng Chiến Pháp của Quân Đội Trung Quốc


Tác giả: Elsa Kania - Biên dịch: Bùi Thạch Hồng Hưng


Ý tưởng Chiến Lược Mới Nhất của Quân Đội Nhân Dân Trung Hoa về Tam Chủng Chiến Pháp





Phản ứng của Bắc Kinh trước phán quyết bất lợi của Tòa trọng tài về vụ kiện Biển Đông đã làm nổi bật một khía cạnh quan trọng trong chiến lược quân sự của nước này, đó là “tam chủng chiến pháp” (). Bao gồm mặt trận truyền thông (舆论战), mặt trận tâm lý (心理), và mặt trận pháp lý (法律), tam chủng chiến pháp đã trở thành những thành tố cốt yếu trong tiếp cận chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông và xa hơn thế. Vào thời bình cũng như thời chiến, việc áp dụng tam chủng chiến pháp là nhằm mục đích kiểm soát những cuộc tranh luận hiện hành và gây tác động vào nhận thức theo hướng có lợi cho Trung Quốc, đồng thời gây tổn thương năng lực đáp trả của các đối thủ.



Bắc Kinh đã tìm cách vô hiệu hóa quá trình tố tụng và đã đạt thành công nhất định trong việc làm suy yếu sự thống nhất của đồng thuận ủng hộ phán quyết, cùng lúc đưa ra tín hiệu cưỡng chế và các hành động từ chối nhằm trừng phạt Philippines. Phản ứng của Trung Quốc cũng bao gồm “chính quy hóa” “đội tuần tra tác chiến” trên Biển Đông bằng máy bay ném bom H-6K, cũng như các đòn Tấn công Từ chối Dịch vụ phân tán (DDoS) chống lại các trang mạng của chính phủ Philippines (China Brief, ngày 4/2). Vào năm 2005, Quân uỷ Trung ương Trung Quốc (Central Military Commission) đã phê chuẩn – và các văn phòng Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, và Tổng cục Vũ khí cùng nhau ban hành rộng rãi- những hướng dẫn chính thức (gọi là gangyao, 纲要, mang nghĩa “phác thảo” hay “thiết yếu”) cho mặt trận truyền thông, mặt trận tâm lý và mặt trận pháp lý, trong đó chính thức tích hợp các khái niệm này vào giáo dục, huấn luyện và trù bị của Quân đội Nhân dân Trung Hoa (PLA) cho các cuộc chiến đấu quân sự[1]. Mặc dù những gangyao này không được công bố rộng rãi, nguồn tham khảo mở của PLA về tam chủng chiến pháp, tính từ giữa những năm 2000, đã cung cấp một nguồn tư liệu có giá trị cho phân tích và so sánh[2].



Một vài tài liệu gần đây cho thấy quan điểm của chính quyền về tam chủng chiến pháp và mô tả các mức độ hội nhập của nó trong tư duy chiến lược và chương trình đào tạo cán bộ của PLA. Những tài liệu này bao gồm các phiên bản mới nhất của những ấn phẩm có sức ảnh hưởng của PLA về chiến lược quân sự, phiên bản Khoa học của Chiến lược Quân sự (SMS, 战略学) năm 2013 của Học viện Khoa học Quân sự (AMS) và SMS năm 2015 của Đại học Quốc phòng Quốc gia (NDU), cũng như giáo trình giảng dạy được sử dụng bởi NDU, Nhập môn Mặt trận Truyền thông, Mặt trận Tâm lý và Mặt trận Pháp lý (舆论战心理战法律战概论)[3] Các tài liệu này cho thấy việc Trung Quốc sử dụng tam chủng chiến pháp để chuẩn bị về mặt nhận thức cho chiến trường được xem là tối quan trọng nhằm hướng tới đạt được lợi ích trong cả thời bình lẫn thời chiến.



Ba tài liệu chiến lược học đáng chú ý về Tam chủng chiến pháp:



Chiến lược Quân sự học 2013 (2013 Science of Military Strategy [军事科学院军事战略研究部]):



Phiên bản AMS SMS 2013 đã nêu bật vai trò của tam chủng chiến pháp như một lực lượng đa nhiệm trong các hoạt động quân sự cũng như trong nhiều bối cảnh chính trị và ngoại giao tương tự[4]. Đặc biệt, tài liệu này đã giới thiệu khái niệm huayuquan (话语权) thông qua việc sử dụng thông tin, niềm tin và tâm lý (信息一信仰一心智). Mặc dù trong cách sử dụng phổ quát và bình dân hơn, cụm từ này dường như để ám chỉ “quyền phát biểu” hay “tự do ngôn luận”, từ quan () trong văn cảnh này dường như không phải theo nghĩa về các quyền (权利) mà là về sức mạnh hoặc uy quyền (权力). Theo đó, khái niệm này đề cập đến năng lực kiểm soát diễn biến câu chuyện trong một kịch bản sắp sẵn, và do đó có thể được dịch thành “quyền lực diễn ngôn”.[5] Để giành thắng lợi, huayuanqian đòi hỏi “vận dụng tích hợp” mặt trận truyền thông, mặt trận tâm lý và mặt trận pháp lý. Các hoạt động của tam chủng chiến pháp nên bổ sung và củng cố lẫn nhau trong những cuộc chiến tranh tương lai hoặc trong các cuộc đấu tranh chính trị và ngoại giao.



Theo tài liệu này, việc sử dụng tam chủng chiến pháp trong từng tình huống cụ thể nên được áp dụng dựa trên bối cảnh trận đánh và kết quả mong muốn. Cụ thể, các tác giả lập luận rằng việc đạt được sự ủng hộ và tình cảm của dư luận quốc tế, trong lúc giành lấy thế chủ động bằng con đường ngoại giao, có thể “cung cấp một cột trụ quyền lực cho toàn bộ trận đánh”. Ví dụ, nếu cần phải che giấu mục đích trận đánh, sử dụng công cụ tuyên truyền để gây ảnh hưởng lên công luận có thể củng cố kế “dương Đông kích Tây” (东击西)[6]. Cũng tương tự vậy, các cuộc triển khai tam chủng chiến pháp có thể có một “lực lượng áp chế tâm lý” (心理震慑力) chống lại kẻ thù. Mặc dù tài liệu này không định nghĩa tam chủng chiến pháp hay thảo luận chi tiết hơn về việc sử dụng chúng, việc tập trung vào tầm quan trọng của chúng, bao gồm cả các mánh khoé lừa bịp, đã cho thấy có một sự công nhận về ứng dụng tiềm tàng của tam chủng chiến pháp trong một loạt các tình huống thuộc một phạm vị nhất định.



Nhập môn Mặt trận Truyền thông, Mặt trận Tâm lý và Mặt trận Pháp lý 2014 (2014 Introduction to Public Opinion Warfare, Psychological Warfare, and Legal Warfare [舆论战心理战法律战概论]):



Tài liệu này, vốn nhằm phục vụ cho mục đích giảng dạy (学科教材) của NDU, đã trình bày tổng thể về tam chủng chiến lược một cách chỉnh chu, bao gồm cả các nhiệm vụ chính yếu, phát triển mang tính lịch sử, nền tảng lý thuyết, những nguyên tắc, cách áp dụng và các chiến thuật cơ bản[7]. Tài liệu đã miêu tả những nỗ lực bền bỉ của NDU để phát triển một “tam chủng chiến pháp học” (“), được xem như một “bước cách tân quan trọng” trong công trình chính trị của PLA, và để tích hợp các khái niệm này vào chương trình giảng dạy của trường[8]. Điều này được thể hiện qua việc họ nghiên cứu nhiều tiền lệ khác nhau về truyền thống, lý tưởng và đương đại, từ sự nhấn mạnh của người Trung Quốc cổ đại trong việc sử dụng “mánh khóe” (谋略) cho đến sự tham gia của quân đội Mỹ vào các hoạt động tương tự. Ở cấp độ cơ bản, mục đích chính của tam chủng chiến pháp là nhằm gây ảnh hưởng và tấn công tâm lý đối phương thông qua các “vũ khí” là thông tin cụ thể và truyền thông. Đặc biệt, tam chủng chiến pháp được cho là tối quan trọng để tăng cường “quyền lực mềm” (软实力) của PLA và góp phần vào chiến thắng trong những cuộc chiến tranh tương lai. Khi chiến tranh đã hướng tới thông tin hoá nhiều hơn, (信息化), tam chủng chiến pháp rõ ràng đã đạt được “bước đột phá” vượt ra khỏi “mô hình và phạm vi truyền thống”, trở thành một khía cạnh “hữu cơ” trong chiến pháp và chiến lược quốc gia.



Trong khi tam chủng chiến pháp “tràn ngập” “cả khóa học” về đấu tranh quân sự, chức năng của chúng cũng đã được mở rộng và thích ứng với các nhiệm vụ quân sự ngày càng được “đa dạng hóa” của PLA. Cụ thể, các chức năng liên quan bao gồm:



    Kiểm soát công luận (舆论控制)

    Làm suy yếu sự quyết tâm của đối thủ (意志挫)

    Chuyển đổi cảm xúc (情感转化)

    Định hướng tâm lý (心智诱导)

    Làm sụp đổ tổ chức (của đối thủ) (组织瓦解)

    Phòng hộ tâm lý (心理防御)

    Hạn chế thông qua luật (法律制)



Trong bối cảnh rộng hơn, những sứ mệnh chính là nhằm chiếm lĩnh “cơ hội có tính quyết định” (先机) trong kiểm soát công luận, tổ chức tấn công và phòng vệ tậm lý, tham gia vào các cuộc chiến pháp lý, và chiến đấu vì nguyện vọng nhân dân và công luận. Dưới sự bảo hộ của các sứ mệnh này, cần phải có nỗ lực đoàn kết tư tưởng quân sự và dân sự, chia cắt địch thành những nhóm nhỏ, làm suy yếu sức mạnh chiến đấu của địch, và tổ chức tấn công pháp lý.



Theo tài liệu này, việc thực hiện tam chủng chiến pháp nên được định hướng bởi các nguyên lý cơ bản nhất định. Những nguyên lý này nhấn mạnh sự tích hợp [tam chủng chiến pháp] với các vấn đề chính trị trong nước và ngoại giao; xoay quanh việc triển khai các chiến dịch quân sự; nhanh chóng lợi dụng “cơ hội có tính quyết định” (先机); tham gia vào tấn công và phòng thủ và chú trọng về tấn công; và kết hợp giữa hoà bình và chiến tranh (战结合). Những nguyên tắc này hướng đến nâng cao khả năng tiếp cận đồng bộ cao bao gồm chủ động chuẩn bị về nhận thức trong thời bình để có thể cho phép PLA nhanh chóng giành lấy thế chủ động trong viễn cảnh khủng hoảng hoặc xung đột.



Về tổng thể, tài liệu này của NDU đã nhấn mạnh trọng tâm của PLA trong các khía cạnh thông tin, phi động học của chiến tranh hiện đại và những nỗ lực rộng lớn nhằm tạo nên một lối tiếp cận lý thuyết phức hợp, tập trung vào vận dụng, giáo dục, huấn luyện và kiến tạo một lực lượng chuyên ngành. Vượt ra khỏi lối áp dụng truyền thống của tam chủng chiến pháp, tài liệu này cũng trình bày những nỗ lực đổi mới việc áp dụng các khái niệm này vào những bối cảnh mới, như chống khủng bố và bảo vệ sự ổn định (反恐维稳), gìn giữ hòa bình quốc tế, bảo vệ giao thông và hộ tống (保交护航), hay đóng và kiểm soát biên giới (边控边).



Chiến lược Quân sự học 2015 (The Science of Military Strategy [战略学]):



Phiên bản NDU SMS 2015 cung cấp một cái nhìn tổng quan về mặt trận truyền thông, mặt trận tâm lý và mặt trận pháp lý, cùng hướng dẫn liên quan đến việc áp dụng các mặt trận này. Theo tài liệu này, mặt trận truyền thông bao gồm việc sử dụng công luận như một vũ khí bằng cách tuyên truyền thông qua nhiều hình thức truyền thông khác nhau nhằm làm suy yếu “ý chí chiến đấu” (战斗意志) của đối phương, trong khi đảm bảo sức mạnh ý chí và đoàn kết giữa quan điểm quân sự và dân sự ở phía ta. Mặt trận tâm lý tìm cách làm suy yếu sức mạnh chiến đấu, tính quyết tâm và quá trình đưa ra quyết định của đối phương, trong khi cường điệu hóa các mâu thuẫn nội bộ khiến đối phương bị tan vỡ (阵营). Mặt trận pháp lý hình dung việc sử dụng tất cả các khía cạnh của luật, bao gồm tư pháp, công pháp và luật chiến tranh nhằm mục đích bảo đảm cho việc giành lấy “lợi thế nguyên tắc pháp lý” (法理优势) và bác bỏ tính hợp pháp của đối phương. Mỗi thành phần của tam chủng chiến pháp được triển khai trong lãnh vực nhận thức (认知领域) và dựa vào thông tin để tạo nên tính hiệu quả.



Tài liệu SMS 2015 nhấn mạnh “mối liên kết chặt chẽ” của tam chủng chiến pháp như “một chỉnh thể” có thể được sử dụng một cách tổng hợp. Từ góc độ của tác giả, mặt trận truyền thông và mặt trận pháp lý triển khai chủ yếu ở mức độ chiến lược, trong khi mặt trận tâm lý thường được áp dụng ở mức độ chiến thuật và chiến dịch. Nếu được áp dụng hiệu quả, tam chủng chiến pháp sẽ có tiềm năng thiết lập những điều kiện có lợi để giành được thành công trên chiến trường và chiến thắng cuối cùng.



Đối với mặt trận truyền thông, các yêu cầu được phác thảo là “làm nhụt chí đối phương bằng cách phô trương sức mạnh” (先声夺人), “tạo đà để kiểm soát tình thế” (势控局), “tấn công các điểm chiến lược” (击要害), và “tìm cách hạn chế tổn thương” (趋利避害). Cụ thể, điều tối quan trọng là phải trở thành người đầu tiên đưa ra thông tin trong một sự kiện bất ngờ và tích cực định hướng công chúng nhằm đạt được và bảo lưu thế chủ động trên “chiến trường công luận”. Ngoài việc khai thác lỗi của đối phương, còn cần phải phản công những nỗ lực của đối phương tham gia vào mặt trận truyền thông. Ví dụ về lối tiếp cận này đã được phản ảnh trong những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gây ảnh hưởng lên dư luận trong nước và quốc tế về vai trò của Mỹ tại châu Á. Một mặt Trung Quốc cáo buộc Mỹ là nguyên nhân của các căng thẳng trong khu vực cũng như việc “quân sự hoá” các tranh chấp lãnh thổ trên biển, Trung Quốc cũng đồng thời thường xuyên lên án “bá quyền” cũng như mưu cầu “an ninh tuyệt đối” của Mỹ.



Các nguyên tắc được mô tả rõ ràng cho mặt trận tâm lý tập trung vào “tích hợp lẫn nhau giữa [tấn công tâm lý] và tấn công vũ trang” (与武力打击相结合), “triển khai tấn công và phòng vệ cùng lúc, trong đó tấn công được ưu tiên hơn” (攻防并举以攻为主), và “sử dụng tổng hợp đa dạng các đội hình lực lượng” (综合运用各种力量). Liên quan đến vấn đề này, mặt trận tâm lý được hình dung là gắn chặt với tất cả các loại hình và giai đoạn của chiến dịch quân sự nhằm tăng cường tính hiệu quả của các cuộc tấn công truyền thống. Việc áp dụng mặt trận tâm lý cũng nên tập trung vào lợi dụng “thời khắc quyết định” và “ra đòn phủ đầu” để giành lấy thế chủ động, dựa vào nỗ lực của đội hình đa dạng các lực lượng của mặt trận tâm lý, trong đó có cả lực lượng vũ trang, hậu cần và xã hội. Ví dụ phản ánh lối tiếp cận này là sự tăng cường áp lực tâm lý chống lại cũng như mưu toan hăm doạ Đài Loan trong nhiều thời điểm căng thẳng hoặc khủng hoảng, đặc biệt là trong suốt giai đoạn cầm quyền gần đây của bà Thái Anh Văn, vốn được triển khai bởi “Căn cứ Tam chủng Chiến Pháp” của Quân đội Trung Quốc, Căn cứ 311 ở Phúc Châu (China Brief, Ngày 21/4). Quân đội Trung Quốc dường như đang trong quá trình hướng đến ban hành chính thức học thuyết thế hệ thứ năm, và những phác thảo chiến dịch cơ bản (战役纲要) và quy tắc chiến tranh (战斗条令) có thể bao gồm hướng dẫn sửa đổi trong việc thực hiện tam chủng chiến pháp, dựa theo trọng tâm gần đây của PLA trong việc nâng cao khía cạnh “khoa học” trong tam chủng chiến pháp. Mặc dù tư liệu về vấn đề này còn hạn chế, ba tài liệu chiến lược học được phân tích ở trên đã cho thấy những quan điểm mới nhất của PLA trong diễn tiến phát triển tư duy chiến lược về tam chủng chiến pháp và từ đó có thể cung cấp các phân tích về việc thực hiện các khái niệm này của PLA.






Chú thích:



[1] Wu Jieming [吴杰明] and Liu Zhifu [刘志富], An Introduction to Public Opinion Warfare, Psychological Warfare, [and] Legal Warfare [舆论战心理战法律战概论], National Defense University Press, 2014, p. 1.



[2] Về các cuộc tranh luận trước đây về tam chủng chiến pháp, xem:Mark Stokes and Russell Hsiao, “The People’s Liberation Army General Political Department Political Warfare with Chinese Characteristics,” Project 2049, October 14, 2013. “China: The Three Warfares,” prepared for Andrew Marshall, Director of the Office of Net Assessment, by Professor Stefan Halper, May 2013. Dean Cheng, “Winning Without Fighting: Chinese Legal Warfare,” Heritage Foundation, May 21 2012. Dean Cheng, “Winning Without Fighting: Chinese Public Opinion Warfare and the Need for a Robust American Response,” Heritage Foundation, November 26, 2012. Dean Cheng, “Winning Without Fighting: The Chinese Psychological Warfare Challenge,” Heritage Foundation, July 12, 2013.



[3] Chiến lược Quân sự học (The Science of Military Strategy [SMS]) là một tài liệu nhà nước, được sử dụng trong công tác giảng dạy cho sĩ quan cấp cao của PLA, thể hiện rõ tư tưởng của PLA về các bối cảnh và cơ chế đa nhiệm trong chiến lược quân sự. Phiên bản mới nhất AMS của SMS là trọng tâm của quyển sách gần đây (Joe McReynolds, China’s Evolving Military Strategy, Jamestown Foundation, 2016), nhưng có ít phân tích hơn được công bố về phiên bản 2015 của NDU. Vì AMS đóng vai trò trực tiếp hơn trong tạo dựng chiến lược quân sự, tài liệu SMS 2013 có tính thẩm quyền nhiều hơn so với phiên bản năm 2015. Dù vậy, phiên bản của NDU cũng trình bày những quan điểm gần đây và có lẽ có ảnh hưởng đáng kể đáng để nghiên cứu sâu hơn. Đồng thời, cũng cần phải nhắc lại rằng các văn bản này chủ yếu mang tính lý thuyết và phản ánh quan điểm của một số viện nghiên cứu có ảnh hưởng, hơn là quan điểm chung của toàn bộ Quân đội Trung Quốc. Theo đó, nội dung của các tài liệu này về tam chủng chiến lược không nên được xem như là diễn xướng chính thức về lối tiếp cận chiến lược và học thuyết của PLA, mà nên được xem là những thành tố để thiết lập thêm những cuộc tranh luận lý thuyết về những khái niệm này mà có thể cung cấp thông tin cho các phân tích trong tương lai về đề tài này..



[4] Academy of Military Science Military Strategy Research Department [军事科学院军事战略研究部], eds., The Science of Military Strategy [战略学]. Military Science Press, 2013, p. 131.



[5] John Costello and Peter Mattis, “Electronic Warfare and the Renaissance of Chinese Information Operations,” in Joe McReynolds, China’s Evolving Military Strategy, Jamestown Foundation, 2016.



[6] Được lấy từ “36 Kế”, vốn được cho là của Tôn Tử và Gia Cát Lượng, dường như bắt nguồn từ nhiều khía cạnh khác nhau trong lịch sử quân sự truyền miệng và viết của Trung Quốc.



[7] Wu Jieming [吴杰明] và Liu Zhifu [刘志富], Nhập môn Mặt trận Truyền thông, Mặt trận Tâm lý và Mặt trận Pháp lý [舆论战心理战法律战概论], NXB Đại học Quốc phòng Quốc gia, 2014, trang 1–7, 14–20, 62–69, 121–132, 133–143, 226.



[8] Tài liệu được xây dựng với sự giúp đỡ lớn từ NDU bắt đầu từ năm 2009 và được chấp bút bởi hội đồng học giả dưới sự đứng đầu của hai giáo sư cấp cao của NDU.



Elsa Kania vừa tốt nghiệp Đại học Harvard và đang làm việc như chuyên viên phân tích tại Nhóm Chiến Lược Dài Hạn.



Bùi Thạch Hồng Hưng là nghiên cứu sinh thạc sĩ lãnh vực Quan hệ quốc tế và là cộng tác viên của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.






Nguồn:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét