Nguyễn Vũ Bình
Trong thời gian gần
đây, có nhiều ý kiến của cộng đồng mạng cũng như phong trào dân chủ đặt vấn đề
và bàn luận về chủ đề lãnh tụ, ám chỉ lãnh tụ của phong trào dân chủ. Dù có nhiều
ý kiến và cách thể hiện khác nhau nhưng khi vấn đề được đưa ra thảo luận ít nhiều
phản ánh mong muốn rất chính đáng của nhiều người thuộc phong trào dân chủ. Đó
là mong muốn về một sự tập hợp và dẫn dắt của một cá nhân xuất chúng nào đó.
Mong muốn của một số người đã trở nên thái quá, khi gắn mác lãnh tụ cho người
này, người kia hoặc tôn sùng cá nhân, ví dụ suy tôn người dẫn chương trình làm
thủ tướng tương lai, MC Phan Anh ngay trong và sau sự kiện Phan Anh huy động được
một nguồn tài chính lớn cứu trợ đồng bào lũ lụt ở miền trung. Phần lớn mọi người
hiểu về vấn đề lãnh tụ rất giản dị: đó là người giỏi trong đối nhân xử thế, thu
phục được nhiều người tập hợp xung quanh mình. Hiểu như vậy không sai nhưng
chưa đủ, bài viết này tìm hiểu vấn đề lãnh tụ và đối chiếu vào hoàn cảnh của
phong trào dân chủ Việt Nam hiện nay.
Có nhiều cấp độ của
lãnh tụ, lãnh tụ của một đảng phái (ví dụ lãnh tụ Quốc Dân Đảng Nguyễn Thái Học,
lãnh tụ của Phật giáo Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ...), lãnh tụ của một phong trào có
tính chất ngắn hạn, và lãnh tụ của một cuộc khởi nghĩa, của dân tộc. Chủ đề của
chúng ta tập trung vào lãnh tụ cấp độ cao nhất, lãnh tụ của cuộc đấu tranh dân
chủ, hay lãnh tụ của dân tộc, đất nước.
Trước hết, hiểu một
cách chung nhất, lãnh tụ là người tập hợp và dẫn dắt một số đông quần chúng để
đấu tranh và theo đuổi một mục tiêu nhất định. Đó là cách hiểu bao quát nhất,
nhưng đi sâu tìm hiểu, chúng ta thấy để xuất hiện, hay hình thành được một lãnh
tụ cần có những yếu tố quan trọng sau đây.
1/ Các yếu tố cần
thiết để xuất hiện và tạo lập một lãnh tụ
a - Một đồng thuận
cao về mục tiêu kết hợp. Một khối đông người tập hợp lại với nhau bao giờ cũng
có mục tiêu chung. Mục tiêu chung càng rõ ràng, giản dị thì số người tham gia
càng lớn. Không phải vô cớ mà phần lớn lãnh tụ xuất hiện trong lịch sử đều là
những người dẫn dắt nhân dân đấu tranh, khởi nghĩa để thay đổi một triều đại,
chính phủ hay một chế độ nào đó. Đồng thuận cao và mạnh mẽ nhất cho mục tiêu kết
hợp của một dân tộc đó là giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ. Đây là điều dễ hiểu,
bởi vì khi một con người được sinh ra trong một đất nước bị đô hộ, chiếm đóng
thì mong muốn và nhu cầu thường trực của người dân từ nhỏ tới khi trưởng thành
là giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ, chiếm đóng. Việt Nam trước năm 1945 chính
là ví dụ sinh động, dễ hiểu nhất cho sự đồng thuận cao mục tiêu kết hợp để giải
phóng dân tộc. Như vậy, mục tiêu càng cụ thể, rõ ràng và mạnh mẽ bao nhiêu thì
sự đồng thuận trong kết hợp sẽ càng lớn bấy nhiêu. Điều đó đồng nghĩa với sự
thuận lợi cho việc xuất hiện người tập hợp, dẫn dắt quần chúng, hay xuất hiện
lãnh tụ bấy nhiêu.
b - Yếu tố quan
trọng của lãnh tụ: đưa ra con đường và giải pháp thực hiện mục tiêu được nhiều
người tin tưởng và đi theo. Đây là mấu chốt, cốt lõi của cá nhân để trở thành
lãnh tụ. Chúng ta đều biết rằng, với mục tiêu có đồng thuận cao, có nhiều người
có chủ trương, đường lối và giải pháp khác nhau, nhưng chỉ có người có con đường
và giải pháp được nhiều người ủng hộ, tin tưởng và đi theo mới trở thành lãnh tụ.
Yếu tố này rất dễ bị nhầm lẫn với khả năng đối nhân xử thế, thu phục nhân tâm của
người đứng đầu tổ chức, mặc dù đối nhân xử thế, thu phục nhân tâm là một phẩm
chất quan trọng của lãnh tụ. Nhưng chúng ta cần hình dung, nếu một người rất có
khả năng thu phục nhân tâm, nhưng không có con đường và giải pháp rõ ràng để thực
hiện mục tiêu của tổ chức, thì liệu người đó có thể tập hợp được đông đảo quần
chúng hay không? Ở đây chúng ta cần hiểu thêm một vài khía cạnh nữa.
- Người đưa con
đường và giải pháp thực hiện mục tiêu không nhất thiết phải là người nghĩ ra
con đường và giải pháp đó. Có thể là người bạn, đồng chí hay quân sư nghĩ ra
con đường và giải pháp mà lãnh tụ chỉ là người đưa ra và chịu trách nhiệm để tập
hợp quần chúng. Trong một số trường hợp, lãnh tụ là người có sáng kiến, nghĩ và
đưa ra con đường và giải pháp.
- Chúng ta không
loại trừ, có một số người, vì yêu mến, tin tưởng và quý trọng người đứng đầu và
đi theo lãnh tụ chứ không nhất thiết phải đồng ý về con đường và giải pháp thực
hiện mục tiêu. Tuy nhiên, đó không thể là số đông, có tính chất quyết định mà
chỉ là số ít mà thôi.
Như vậy, chúng ta
cần hiểu, yêu cầu quan trọng nhất đối với lãnh tụ, đó là đưa ra con đường và giải
pháp thực hiện mục tiêu của tổ chức, thực hiện khát vọng của đông đảo nhân dân
được nhiều người tin tưởng và đi theo. Cốt lõi của lãnh tụ chính là giải pháp.
c - Ý thức xây dựng
hình tượng lãnh tụ của tổ chức. Khi đã có điều kiện cần và đủ nêu trên, thì một
yếu tố không thể thiếu để tạo lập lãnh tụ, đó là ý thức xây dựng hình tượng
lãnh tụ trong tổ chức và quần chúng nhân dân. Việc xây dựng hình tượng lãnh tụ
gắn với việc phổ biến, tuyên truyền và giải thích con đường và giải pháp thực
hiện mục tiêu chung của tổ chức, nhân dân. Đồng thời kết hợp với kỹ thuật tuyên
truyền và xây dựng hình ảnh, hình tượng cá nhân của lãnh tụ. Một tổ chức đứng dắn
xây dựng hình tượng lãnh tụ cần kết hợp hai yếu tố này, nếu thiếu hoặc thiên về
một trong hai yếu tố sẽ dẫn tới hạn chế số người tham gia, ủng hộ hoặc trở
thành tổ chức thiếu trung thực, không bền vững./.
Hà Nội, ngày 24/10/2016
N.V.B
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét