Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

Thách đố Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng



Nguyễn Đình Cống


Vừa qua, ngày 22 tháng 10 Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng CSVN (HĐLL) kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Theo báo cáo cũng như theo phát biểu đánh giá của Tổng Bí thư thì HĐLL đã đạt nhiều thành tích to lớn trong việc phát triển, bảo vệ vững chắc nền tư tưởng của Đảng, đổi mới tư duy lý luận về CNXH, góp phần làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 30 năm đổi mới. HĐLL rút ra 5 bài học: 1- Kiên định vững vàng về chính trị… 2- Bám sát thực tiễn, gắn kết nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn đổi mới… 3- Xây dựng và phát huy môi trường dân chủ… 4- Đoàn kết, phát huy trí tuệ đội ngũ nghiên cứu… 5- Xây dựng bộ máy tinh gọn…

Tổng Bí thư đề nghị: HĐLL tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, nội dung, phương thức hoạt động theo tinh thần kiên định và sáng tạo…, cần quán triệt sâu sắc đường hướng tổng quát đã được Đảng ta nêu lên và khẳng định tại Đại hội lần thứ XII…

Lý luận là để vận dụng vào thực tế. Muốn biết thành tựu của HĐLL như thế nào thì cứ nhìn vào thực tế để đánh giá. Thực tế chỉ ra rằng: trong Đảng thì tự diễn biến và suy thoái ngày càng tăng, phải ra hết nghị quyết này đến nghị quyết khác về xây dựng và chỉnh đốn mà không sao khắc phục được, xã hội thì mọi loại tệ nạn càng ngày càng trầm trọng, đặc biệt là sự băng hoại về đạo đức. Thế thì thành tích to lớn của HĐLL được vận dụng ở chỗ nào? Hay thành tích đó chỉ là một số báo cáo được xếp trong các ngăn tủ hoặc các bài báo chẳng mấy ai quan tâm, chỉ trong nội bộ HĐLL tự đánh giá, tự khen. Trong việc này xin thách HĐLL công bố những đóng góp thực tế cho lãnh đạo và đã vận dụng thành công trong thực tế. Phải chăng đó là những việc sau: Điều 4 của Hiến pháp, Điều 258 của Bộ luật Hình sự và những điều luật bất công khác; là Chỉ thị 15 không được điều tra đảng viên khi chưa có lệnh của cấp ủy; là quy chế bầu cử mất dân chủ trong Đảng mà kết quả đạt được dân chủ đến thế là cùng; là lấy tam quyền phân công thay tam quyền phân lập; là dân chủ theo lối Đảng cử dân bầu và dùng hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc để loại bỏ những người ứng cử tự do; là 19 điều cấm đảng viên với những lỗi sơ đẳng về logic; là trộn lẫn khái niệm tự diễn biến và suy thoái đạo đức trong việc chỉnh đốn Đảng; là lập luận ta đánh ta trong việc chống tham nhũng; là những thủ đoạn để đàn áp dân oan bị đối xử bất công hoặc những người biểu tình hòa bình, tay không; là cách tạo ra những bản án bỏ túi, kết án nặng những người vốn là vô tội, chỉ vì không ngoan ngoãn chịu chấp nhận sự toàn trị của Đảng; là âm mưu dùng bọn dư luận viên để chửi rủa, mạt sát những người đấu tranh cho dân chủ; là việc quy cho Việt Tân là tổ chức khủng bố để vu vạ và đàn áp những người bất đồng chính kiến; là các quy trình để cán bộ Đảng đưa con cháu vào làm quan; là việc dựa vào ý thức hệ CS để chịu nô dịch vào Trung Quốc, để xem việc mất đất, mất biển cho bọn bành trướng Đại Hán và để cho chúng ngang nhiên hủy hoại đất nước và dân tộc là hợp quy luật và truyền thống lịch sử v.v…

Tôi còn thách HĐLL tổ chức một số hội thảo khoa học công khai, mời rộng rãi các trí thức ngoài Đảng, các nhà khoa học nước ngoài tham dự để đánh giá, phản biện những công trình nghiên cứu.

Thực ra, vào năm 1995, Viện Mác Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, tiền thân của HĐLL có đề tài NCKH số 01-02-1995 nghiên cứu sự phát triển của các nước Bắc Âu theo con đường xã hội dân chủ do một số người tiến hành (Đào Duy Quất, Nguyễn Hoàng Giáp, Trần Nhâm, Hồ Châu, Trần Nhu, Lưu Đạt Thuyết, Thái Vân Long, Đặng Công Minh). Kết quả NC chắc bị quy chụp là xét lại và tự diễn biến nên bị xếp xó.

Trong thời gian gần đây tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, một ủy viên của HĐ có viết một số bài được dư luận quan tâm. Tuy vậy ông Hoàng cũng chỉ mới viết ra được một phần sự thật và chẳng có lý luận gì sắc sảo. Trước đây tôi đã có 2 bài góp ý với ông (Cảm nghĩ về bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng tháng 6/2015 và Trao đổi thêm với ông Vũ Ngọc Hoàng tháng 7/2015). Gần đây tôi viết bài: Ông Vũ Ngọc Hoàng bốc thuốc cho Đảng, trong đó chỉ ra rằng ông đã dũng cảm viết ra những sự thật đau lòng. Tuy vậy như thế chưa đủ vì chỉ mới đề cập đến một phần của sự thật, ông chưa đụng chạm đến nguồn gốc của các hiện tượng. Mà nói (hoặc viết ra) chỉ một phần sự thật thì có khi còn xấu xa, tồi tệ hơn nói dối.

Nếu cho rằng trong 20 năm qua HĐLL đã đóng góp cho Bộ Chính trị Đảng nhiều ý kiến trong lãnh đạo và quản lý xã hội thì chắc rằng phần nhiều ý kiến đó là không phù hợp với quy luật phát triển, thế mới gây ra những thảm họa cho xã hội như đã biết. Thế mà không hiểu sao HĐLL được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất (chắc chắn trước đây đã được nhiều huân chương khác). Thế mới biết việc chạy huân chương cũng không có gì khó và giá trị của huân chương cũng chẳng cao quý như nhiều người tưởng.

Tổ chức của HĐLL có trên 40 thành viên và phần lớn là giáo sư, tiến sĩ. Công việc chính là nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, nghĩa là làm nghiên cứu khoa học (NCKH) thuộc các lĩnh vực xã hội, chính trị, nhân văn, kinh tế, giáo dục. Không biết ông Tổng Bí thư và các tiến sĩ của HĐ khi làm và bảo vệ luận án, cũng như sau này được phong giáo sư có biết về phương pháp luận NCKH và sáng tạo hay không mà trong việc làm (của HĐ) và trong chỉ đạo (của TBT) phạm phải những lỗi sơ đẳng về sáng tạo và NCKH.

Tôi rất buồn cười khi đọc kỹ 5 bài học được rút ra sau 20 năm hoạt động của HĐLL. Hầu như là những câu sáo vẹt, chỉ làm theo mẫu là trong báo cáo nhất thiết phải có bài học. Đó là báo cáo theo mẫu lập sẵn của các tổ chức chính trị xà hội chứ không phải của một cơ quan NCKH. Hơn nữa bài học 1- Kiên định lập trường chính trị, cũng như lời giáo huấn của TBT (tinh thần kiên định và sáng tạo,… cần quán triệt sâu sắc đường hướng tổng quát đã được Đảng ta nêu lên và khẳng định tại Đại hội lần thứ XII…) là mang tính phản khoa học, phản sáng tạo.

Cố giáo sư Nguyễn Văn Đạo (nguyên Chủ tịch Hội đồng KH tự nhiên thuộc HĐ KH quốc gia, Giám đốc đầu tiên của Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có phát biểu về NCKH như sau: “Là một công dân, bạn có nghĩa vụ tuân thủ đúng mọi quy tắc và pháp luật, còn là một người NCKH bạn có quyền nghiên cứu mọi thứ ở trên đời, không bị hạn chế gì hết”. Về sáng tạo, nhiều nhà khoa học thế giới thống nhất rằng, sáng tạo là dám nghĩ ra, dám làm những việc ngược với thông thường, chưa ai làm. Như vậy thì kiên định và sáng tạo là mâu thuẫn nhau, cái kiên định sẽ bóp chết sáng tạo, muốn có sáng tạo thì phải xa rời kiên định.

Giữa NCKH và đường lối của Đại hội thì đúng ra phải lấy kết quả NCKH để dự thảo đường lối cho Đại hội sắp tới chứ lấy đường lối của ĐH cũ để khống chế NCKH thì còn đâu tính chất khoa học và sáng tạo của nghiên cứu để phục vụ cho ĐH mới.

Trong những nhiệm vụ sắp tới, ngoài việc nghiên cứu đổi mới thì HĐLL còn cần phải: Kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu thù địch, sai trái, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng. Cần chú trọng đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, đấu tranh không khoan nhượng bằng luận cứ khoa học sắc bén, giàu sức thuyết phục, bằng sức mạnh của niềm tin không thể lay chuyển váo chân lý, làm thất bại mọi mưu toan, hành động xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, chế độ và sự nghiệp đổi mới của nước ta.

Nghe ra thì rất hay, rất chính đáng, nhưng ngẫm nghĩ kỹ thì thấy sai với con đường khoa học chân chính. Theo nhận thức khoa học thì việc thảo luận, đối thoại, tranh luận, đấu tranh tư tưởng là nhằm mục đích cao đẹp tìm ra cái nào đúng, chỉ ra cái nào sai chứ không phải để cố tình bảo vệ một quan điểm nào đó. Ừ thì quan điểm đó là của quý vị. Quý vị cho là đúng, đem áp đặt cho người khác thì cứ công khai, trung thực nói toẹt ra, đây là sự áp đặt. Còn khi đã bày ra “đấu tranh bằng luận cứ khoa học sắc bén giàu sức thuyết phục, bằng sức mạnh của niếm tin không thể lay chuyển vào chân lý…” thì phải tôn trọng các quy tắc tối thiểu của cuộc đấu tranh bằng ngôn luận. Đó là đấu tranh về quan điểm, về tư tưởng dựa trên sự tự do và bình đẳng của hai bên chứ không phải sự áp đặt, sự đàn áp.

Khi HĐLL đã có niềm tin không thể lay chuyển vào chân lý thì tôi mạnh dạn thách đố HĐ đối thoại trực tiếp, công khai (giống như kiểu đối thoại giữa 2 ứng viên Tổng thống Mỹ) để HĐ chứng minh rằng đường lối, quan điểm của Đảng theo Chủ nghĩa Mác Lê nin là hoàn toàn đúng; còn chúng tôi, một số đại diện cho trí thức, doanh nhân (những người phản biện) cam đoan sẽ vạch ra những ngụy biện, những dối trá, những sai lầm của các vị, sẽ chứng minh rằng chủ trương của Đảng không còn phù hợp, mà để phát triển đất nước cần thay đổi đường lối, thay đổi thể chế. Việc đối thoại như vậy đã có một số người như các ông Chu Hảo, Nguyễn Trung đề xuất. Trước đây có vài lần tôi đã hưởng ứng các đề xuất ấy, nay nhắc lại. Nếu HĐLL không dám tổ chức những cuộc đối thoại công khai như vậy thì xin đừng nói đến, xin đừng viết ra những câu vô nghĩa về niềm tin, về chân lý mà các vị đang theo đuổi.

Thế thì việc bảo vệ đường lối của Đảng có cần không. Cần lắm chứ. Nhưng đó phải là đường lối đã được qua nghiên cứu thật sự khoa học, thật sự công minh, qua đối thoại công bằng để rút ra những điều hợp quy luật khách quan chứ không phải đường lối lạc hậu và sai lầm. Mà việc bảo vệ đường lối là của các cơ quan khác của Đảng chứ không phải của HĐLL. Trong thời thịnh trị của chế độ phong kiến thường có Hội đồng các “Gián quan” để phát hiện những sai trái của vua. HĐLL tuy không phải gồm các gián quan, nhưng những nghiên cứu phải độc lập thì mới có giá trị.


Nguồn:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét