Hồ Tây ở Hà Nội. (Ảnh tư liệu)
Cuối tháng 10, thu về. Có những buổi sáng sớm thức dậy mở cửa
đã thấy chút hơi lạnh tràn vào phòng, cảm giác rất khoan khoái. Hà Nội may mắn
có tiết trời 4 mùa, đặc biệt là mùa thu, thế nào lại rất hợp với Hà Nội. Ngày
tôi sinh ra ông nội định đặt tên tôi là Thu Hà, vì tôi sinh ra vào giữa mùa thu
tại Hà Nội. Nhưng mẹ bảo cái tên nghe man mác quá, mẹ tôi thì muốn một cô con
gái cứng cáp và có cá tính một chút. Những ngày thu như thế này khiến tôi không
màng tới thế giới, đọc tin trên báo đài, như vụ gần đây nhất là chuyện lùm xùm
quanh clip một anh đàn ông đánh không thương tiếc một chị nhân viên hàng không
mặt đất tại sân bay Nội Bài. Người người chia sẻ, nhà nhà chửi bới, bàn ra tán
vào. Tôi tự hỏi trong một mùa đẹp và thơ như thế, sao mọi người không nhẹ nhàng
với nhau hơn? Và thế là tôi cũng mặc, dành thời gian để hưởng thụ chút thu ngắn
ngủi.
Nếu bạn từng đi dọc cuối đoạn đường Hoàng Hoa Thám nối sang
Phan Đình Phùng sẽ có mùi hoa sữa phảng phất. Hương ngai ngái của hoa sữa ban
sáng sẽ khiến dọc cánh mũi cảm thấy cay cay, nhưng khoan khoái, khiến bất cứ kẻ
mơ ngủ gà gật nào cũng phải tỉnh phút chốc như gặp một liều caffeine vậy. Tôi
cũng nghe nhiều người phàn nàn về mùi hương nồng nặc vào buổi tối, trên những
con đường trồng toàn cây hoa sữa. Nhưng Hà Nội vào mùa thu là thế, nhờ vào
hương hoa ấy mà mãi chẳng đổi thay. Tôi cũng từng nhìn thấy mùa thu ở những đất
nước khác. Ở Mỹ, trên các nẻo đường, cây hai bên đường đổi màu hàng loạt trong
một cái chớp mắt. Đủ tông màu từ vàng sang đỏ hòa lẫn với nhau khiến người lữ
khách phải dừng lại mà cảm nhận thứ màu như tranh vẽ ấy. Sự “thay da đổi thịt”
của thiên nhiên Mỹ khi sang thu khiến tôi rùng mình kinh ngạc. Thứ sắc màu
vàng, cam, đỏ ấy trở thành một biểu tượng nghệ thuật ở phương Tây và lan sang cả
văn hóa phương Đông. Đến mức cứ nhắc đến thu là người ta lại mong đợi lá vàng,
lại chụp ảnh những con đường trải đầy lá rụng.
Hà Nội thì khác, mùa thu đánh thức bắt đầu từ khứu giác. Bên
cạnh hương hoa sữa, còn là hương của sương sớm nữa. Có lẽ bây giờ nhắc đến hồ Tây
thì hơi buồn, người ta sẽ chỉ mỉa mai thứ mùi hôi tanh của cá chết hàng loạt những
ngày vừa qua. Người Hà Nội, họ chỉ thấy buồn. Vì nếu sống cùng Hà Nội, bạn hẳn
đã từng bắt gặp vài người dân lột hết đồ, đứng câu cá trên cây cầu bằng đá hoặc
gỗ được bắc hướng ra giữa hồ Tây. Lớp sương lạnh phủ trắng mặt hồ khiến hình ảnh
đó trở nên tĩnh lặng, chậm chạp và thơ hơn bao giờ hết. Cá chết, ở góc khuất
ven hồ, vẫn có người đứng đó, cầm chiếc cần câu thẩn thơ và lặng yên, như một
thói quen rất Hà Nội. Bởi người Hà Nội yêu Hà Nội theo một cách rất khác, họ
không chạy đi khi Hà Nội xấu xí, không quay lại xô bồ khi Thủ đô đẹp đẽ và hào
nhoáng. Và nhất là trong những ngày thu sang, nắng vàng và gió se lạnh, họ chỉ
muốn sống chậm hơn để cảm nhận và thương yêu Hà Nội một cách trọn vẹn nhất.
Nếu khoảng 10 năm trước đây, tiết trời này cộng thêm thứ âm
thanh rè rè trên loa phường, hay phát những bản nhạc với giọng hát của Cẩm Vân
hay Thanh Hoa thì thơ quá. Bây giờ loa phường bị dẹp vì khiến dân tình khó chịu.
Cũng ít nhạc sĩ chịu sáng tác bài hát về Hà Nội hơn, có lẽ bởi cuộc sống trôi
qua nhanh và thay đổi từng ngày, trong khi cái hồn của Hà Nội thì cũ kỹ. Thu về,
cái hồn cũ kỹ ấy như rõ nét hơn, qua những thứ hương trong gió, qua cái mùi nồng
ngọt dễ chịu của nước vối được ủ trong chiếc ấm tích của bà cụ ngồi dưới quán
cóc liêu xiêu, thi thoảng là tiếng rao đêm khắc khoải đầu con ngõ nhỏ (cái này
thì bạn bè bảo tôi tự tưởng tượng ra, vì thời đại này đâu còn ai tự rao nữa,
người ta ghi âm vào rồi bật lên cho đỡ cực!), mà rõ ràng đêm qua tôi còn nghe
thấy, còn chạy xuống mua cả túi bánh mì nóng hổi bọc kỹ dưới lớp vải dày. Cũng
có thể, là tôi mơ hay chăng?
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét