Sợ các “thế lực thù địch” và “bọn phản động” trong ngoài nước lợi dụng mà không “quản” được, Quốc Hội CSVN tiếp tục xếp xó các Luật Về Hội và Luật Biểu Tình, không biết đến bao giờ.
Theo tin các báo trong nước, Quốc Hội “con dấu cao su” của chế độ, sau khi đã bàn qua tán lại cả ngày Thứ Ba 25 Tháng Mười, 2016, dự thảo Luật Về Hội lại “xin lùi” để trình ở kỳ họp sau, không biết năm nào vì “dự án luật rất nhạy cảm này.”
Cách đây 10 năm, một dự thảo đầu tiên về Luật Hội thấy đưa ra Quốc Hội của chế độ nhưng lại xếp xó ngay đó. Cho đến nay, sửa đi sửa lại hơn chục lần, lần này được đưa ra vẫn thấy vấn đề “không đơn giản.” Chế độ Hà Nội muốn vừa được tiếng thơm là “tôn trọng quyền con người” nhưng lại nhất quyết muốn “quản chặt chẽ” để “thế lực thù địch” và “phản động” không thể lợi dụng mà đánh phá.
Nhận định về cái dự thảo Luật Hội Đoàn, theo tường thuật của VNEconomy, ngày 23 Tháng Mười, Liên Hiệp các Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam (VUSTA) góp ý kiến cho rằng nhà cầm quyền “vẫn nghiêng về việc tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động hội” và “chưa luật hóa đầy đủ quyền lập hội theo tinh thần Điều 25 Hiến Pháp 2013.” Tức là nhà nước ra luật để “quản” chứ không cho người ta quyền tự do thành lập hội đoàn.
Không những vậy, cái dự thảo nói trên còn đưa sáu tổ chức chính trị – xã hội con đẻ của đảng CSVN (MTTQ Việt Nam, công đoàn Việt Nam, Hội Nông Dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHPN Việt Nam, Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam), hội không có tư cách pháp nhân (hội không đăng ký), hội không có hội viên (quỹ, các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức phi chính phủ,…) ra khỏi đối tượng áp dụng của luật nói trên. VUSTA chỉ trích như thế là không phù hợp, không bình đẳng giữa các hội đoàn.
Dự thảo Luật Hội không cho phép thành lập một hội đoàn mới “trùng lặp” với lĩnh vực chính của một hội đoàn khác đã có, tức là giới hạn tới tối đa chứ không phải tự do lập hội như hiến pháp chế độ xác định. Trong khi thủ tục thành lập doanh nghiệp chỉ mất ba ngày làm việc thì việc đăng ký thành lập hội lại mất 60 ngày làm việc, tức là gấp 20 lần.
Ngày 24 Tháng Chín, dự án Luật Về Hội đã được Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ CSVN Nguyễn Thái Bình “trình Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội cho ý kiến.” Tuy “khẳng định quyền lập hội là một trong các quyền cơ bản của công dân đã được hiến pháp ghi nhận” nhưng Ủy Ban Pháp Luật của Quốc Hội Chế Độ lại cũng nhắc nhở rằng phải “đề phòng các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lợi dụng để hình thành các tổ chức đối lập chống phá đảng và nhà nước, xâm hại đến an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.”
Hiện nay tại Việt Nam, tính đến Tháng Mười Hai, 2014, cả nước có tới “52,565 hội (483 hội hoạt động phạm vi cả nước và 52,082 hội hoạt động phạm vi địa phương), trong đó có 8,792 hội có tính chất đặc thù” theo báo cáo của ông bộ trưởng Bộ Nội Vụ CSVN. Tất cả những cái hội này đều là cánh tay nối dài của đảng CSVN, không phải các tổ chức quần chúng độc lập.
Trước đây hơn ba tháng, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội CSVN đã loan báo “Chưa đủ cơ sở để báo cáo Quốc Hội đưa dự án Luật Biểu Tình vào chương trình 2017” dù đã được thông báo thông qua ở khóa họp cuối năm 2016 từ Tháng năm vừa qua. Tương tự như dự Luật Về Hội, dự luật về Luật Biểu Tình bị cho là “dự án luật phức tạp, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn,” nên phải lùi.
Năm ngoái, ngày 16 Tháng Ba, 2015, tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam dẫn lời ông chủ nhiệm Ủy Ban Khoa Học-Công Nghệ và Môi Trường của quốc hội chế độ, Phan Xuân Dũng, góp ý kiến: “Luật Biểu tình, Luật Về Hội dù rất khó nhưng nợ dân quá lâu rồi, đừng có lùi.”
Bây giờ thì vẫn lùi vì sợ các “thế lực thù địch” và “phản động” trong ngoài nước xúm vào lợi dụng chống phá chế độ, không “quản” được. (TN)
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét