Ngoại trưởng John Kerry tiếp đón Thường trực
Ban bí thư Đinh Thế Huynh tại Washington DC sáng 25/10/2106
Ông Đinh Thế Huynh đang có chuyến thăm Hoa Kỳ theo lời mời của
Ngoại trưởng John Kerry, trong chuyến công du đầu tiên trên cương vị Thường trực
Ban Bí thư Đảng CSVN. Được biết ông Huynh đáp xuống Mỹ vào ngày 24/10/2016, một sự
kiện chưa được báo chí Việt Nam nhắc tới.
Ông John Kerry tiếp đón ông Huynh vào lúc 11 giờ sáng 25/10
tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở Washington DC, theo trang web chính thức của Bộ
Ngoại giao Hoa Kỳ, nhằm thảo luận quan hệ song phương.
Chuyến đi của ông Đinh Thế Huynh tới Hoa Kỳ kéo dài từ
23-31/10/2016.
Ở vị trí hiện thời, ông Huynh là một trong năm lãnh đạo chủ
chốt của đất nước, bên cạnh 'tứ trụ'.
Trong hệ thống quyền lực của Đảng Cộng sản, ông là người đứng
thứ hai, chỉ sau Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và được cho là một trong các ứng
viên hàng đầu thay thế khi ông Trọng nghỉ hưu.
'Thảo luận mọi vấn đề'
Ông Đinh Thế Huynh là người "đóng vai trò quan trọng
trong việc phát triển quan hệ Việt - Mỹ", Ngoại trưởng Kerry phát biểu
tại buổi gặp gỡ, và tuyên bố phía Mỹ muốn thảo luận về nhiều vấn đề nhân chuyến
thăm của vị quan chức cộng sản cao cấp này.
"Chúng tôi có nhiều sáng kiến khác nhau trong việc muốn
hợp tác với Việt Nam."
"Chúng tôi đã bắt đầu một số sáng kiến trong các lĩnh
vực ứng phó khẩn cấp, hợp tác chống khủng bố, tăng cường khả năng bảo vệ việc
tuân thủ pháp luật trên Biển Đông," Ngoại trưởng Hoa Kỳ phát biểu.
Ông John Kerry cũng nhấn mạnh rằng Washington sẽ tiếp tục thảo
luận với phía Việt Nam về mọi vấn đề, gồm cả chủ đề nhân quyền và quyền tự do
thành lập nghiệp đoàn, đồng thời cam kết thúc đẩy việc phê chuẩn Hiệp định
Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Việc ông Huynh tới thăm Hoa Kỳ chỉ năm tháng sau khi Tổng
thống Mỹ Barack Obama tới Việt Nam hồi 5/2016, được cho là một chỉ dấu rõ
rệt về việc Hà Nội tiếp tục muốn tạo ảnh hưởng quan trọng trong quan hệ với
Hoa Kỳ, trang tin chuyên về quan hệ quốc tế The National Interest bình luận.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng từ Hoa Kỳ trong bài viết đăng trên
nghiên cứu cogitasia.com bình luận bằng tiếng Anh:
"Ông Đinh Thế Huynh muốn nghe được đảm bảo từ Hoa Kỳ về
tương lai của TPP và 'sự xoay trục' sang châu Á, nhất là tính cam kết sâu đến
đâu của Hoa Kỳ khi ở lại trong vùng."
"Hoa Kỳ thì muốn biết quan điểm của Việt Nam, các kế hoạch
tương lai về TPP và của ASEAN trong lúc Philippines tỏ ra thay đổi chính sách rất
cực đoan."
Hiện Hà Nội và Washington đang hợp tác với các đối tác an
ninh khác nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như nhằm đạt an
ninh hàng hải và tự do đi lại trên biển tại khu vực Biển Đông.
Hai quốc gia cũng đang chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động
đóng góp binh lính cho các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
Từ 2014 đến nay, Việt Nam đã gửi lực lượng giữ hòa bình tới
Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.
Trong chuyến thăm Trung Quốc, ông Đinh Thế
Huynh đã gặp gỡ một số lãnh đạo cao cấp của Bắc Kinh, trong đó có ông Lưu Vân
Sơn, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc
Ngay trước khi khởi hành đi Mỹ, 23/10, ông Đinh Thế Huynh đã
có chuyến thăm Trung Quốc trong ba ngày, 19-21/10/2016.
Tại buổi gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc
Kinh hôm 20/10, ông Đinh Thế Huynh được Hoàn cầu Thời báo dẫn lời nói rằng
việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia
chính là chiến lược nhất quán, là lựa chọn chính trị của Việt Nam và của Đảng
Cộng sản Việt Nam.
Cũng trong khoảng thời gian mấy ngày qua, đã có một số sự
kiện đáng chú ý diễn ra tại Biển Đông.
Hôm 21/10, tàu USS Decatur của hải quân Hoa Kỳ đi qua vùng
biển gần quần đảo Hoàng Sa nhằm "củng cố sức mạnh hàng hải Hoa Kỳ ở khu vực",
điều mà Bắc Kinh cho là hoạt động "trái phép" và khiêu khích".
Hôm 22/10 Việt Nam đón ba tàu hải quân Trung Quốc ở cảng Cam
Ranh, là chuyến thăm đầu tiên của hải quân Trung Quốc tới cảng biển quốc tế
thuộc tỉnh Khánh Hòa, nơi từng là căn cứ hải quân, không quân của Hoa Kỳ thời
Chiến tranh Việt Nam và sau do Liên Xô quản lý trong gần 25 năm, rồi trao lại
cho Hà Nội vào năm 2002.
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét