Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016
Những nghịch lý quyền lực của Tổng thống Duterte
Nguồn: Richard Javad Heydarian, “Contradictions of Duterte’s Presidency”, East Asia Forum, 04/10/2016.
Biên dịch: Trịnh Ngọc Phương Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Nhậm chức chưa đầy ba tháng, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã phải đối mặt với một nghịch lý quyền lực. Duterte đã tập trung đủ quyền lực chính trị để tái cơ cấu và làm hồi sinh các thể chế yếu kém của nhà nước này. Ông nhanh chóng mở rộng quyền kiểm soát lên hệ thống chính trị, biến bản thân mình thành tổng thống quyền lực nhất tại Philippines kể từ khi chế độ Ferdinand Marcos sụp đổ.
Không lâu trước đó, Duterte từng bị coi là một kẻ ngoại đạo, không có chỗ đứng trong nền chính trị dòng chính của Philippines. Giờ đây ông đang nắm thế “siêu đa số” trong quốc hội, điều theo nhiều nhà phê bình đã biến quốc hội thành cơ quan “đóng dấu” cho các quyết định của tổng thống. Nhà lãnh đạo Philippines cũng đã “bẻ nanh vuốt” của một hệ thống tòa án vốn lâu nay thiếu ngân sách và yếu ớt, một cơ quan vốn đang nỗ lực nhằm kìm hãm chiến dịch chống ma túy triệt để của ông (trong đó có việc tiêu diệt tội phạm không qua xét xử – NBT).
Thật ra, trong vòng vài năm tới, Duterte sẽ bổ nhiệm đa số các thẩm phán tại Tòa án Tối cao, làm gia tăng ảnh hưởng của nhánh hành pháp đối với những người bảo vệ hiến pháp. Với vai trò tổng chỉ huy quân đội, vị tổng thống Philippines mạnh mẽ cũng đã thực hiện một chiến dịch lôi kéo quân đội và các cơ quan chấp pháp.
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Philippines (PNP) đã hoan nghênh luận điệu chống tội phạm không khoan nhượng và sự hậu thuẫn vô điều kiện của ông dành cho cơ quan này. Ronald Dela Rosa, cựu phó thị trưởng thành phố Davao, hiện đang lãnh đạo Cơ quan này. PNP cũng đã hứa hẹn sẽ đem lại sự tiến bộ trong vấn đề lương bổng, trang thiết bị, đào tạo và bảo vệ nhân viên về mặt pháp lý.
Quân đội Philippines – thế lực trước đây thường có mối quan hệ căng thẳng với chính phủ – có vẻ như đã nghiêng về phía cựu thị trưởng Davao, người hứa sẽ tăng cường quyền lợi y tế và dịch vụ chăm sóc khẩn cấp, đồng thời tăng gấp đôi lương và đảm bảo chăm lo cho gia đình họ.
Trong một tháng, Duterte đã thăm 14 doanh trại quân đội, nhấn mạnh tầm quan trọng mà ông dành cho việc chiếm lấy trái tim và khối óc của những người lính. Gần như toàn bộ những bài diễn văn quan trọng của Duterte đều được phát biểu trước quân đội, rất nhiều trong số họ đã bị thuyết phục bởi lối nói chuyện cứng rắn của ông. Ông khẳng định rằng quân đội sẽ không bị bỏ qua khi bàn luận các vấn đề liên quan đến quốc gia, cụ thể là cuộc tấn công kiểu gây sốc của Duterte chống ma túy và tội phạm có tổ chức.
Duterte cũng đã gầy dựng quan hệ với xã hội dân sự, đa phần nhờ vào việc ông bổ nhiệm các nhà hoạt động môi trường hàng đầu và các nhà vận động cánh tả vào nội các. Thành phần tiến bộ của xã hội dân sự giờ đây sở hữu tầm ảnh hưởng chưa từng có trong một số Bộ, bao gồm Bộ Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, và Bộ An sinh và Phát triển Xã hội.
Một điều rõ ràng là Duterte cũng rất nhận được nhiều ủng hộ của cử tri. Cuộc thăm dò gần đây nhất cho thấy mức độ ủng hộ đối với ông đang ở mức 91%, một mức cao kỷ lục. Mặc dù chỉ số ủng hộ của ông khó duy trì mức cao như thế trong tương lai, việc Duterte quyết tâm triệt hạ nạn buôn bán ma túy đã nhận được sự ủng hộ của số đông, những người đã luôn mong mỏi một phong cách lãnh đạo kiên quyết hơn, nếu không muốn nói thậm chí là độc đoán hơn.
Tuy nhiên phong cách lãnh đạo dân túy kiểu chuyên quyền của Duterte lại vấp phải nhiều căng thẳng trong lĩnh vực đối ngoại, cụ thể là đối với phương Tây. Trong vài tuần qua, vị tổng thống Philippines hay vạ miệng đã lâm vào hết vụ tranh cãi này lại đến vụ tranh cãi khác về mặt đối ngoại, đầu tiên là với đại sứ Hoa Kỳ, tiếp theo là Tổng thống Mỹ Barack Obama, và gần đây nhất là Ủy ban Liên minh Châu Âu.
Tâm điểm của sự tranh luận là mối quan ngại ngày càng tăng của quốc tế đối với tình trạng nhân quyền của quốc gia trong bối cảnh Duterte đang quyết tâm loại bỏ vấn nạn ma túy trong nhiệm kỳ của mình. Washington và Brussels – cùng với những nhóm bảo vệ nhân quyền, các cơ quan truyền thông quốc tế và địa phương, cùng giới trí thức theo tư tưởng tự do – ngày càng chỉ trích mạnh mẽ bất kỳ chính sách tận diệt nào để chống ma túy.
Thay vì nhượng bộ, chính quyền Duterte đã thề sẽ chuyển hướng các mối quan hệ quốc tế của Philippines khỏi phương Tây và hướng về các cường quốc phương Đông. Trước chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 10 của mình, Duterte đã bóng gió về khả năng gia tăng hợp tác quân sự với cường quốc châu Á này, trong khi xóa bỏ việc tuần tra chung cùng Mỹ trên Biển Đông.
Nhà lãnh đạo Philippines thậm chí đã đe dọa trục xuất Lực lượng Đặc biệt Mỹ khỏi đảo Mindanao vốn vẫn còn nhiều xung đột, nơi binh sĩ Philippines đang leo thang cuộc chiến chống các nhóm cực đoan. Giữa những biến động ấy, thị trường chứng khoán đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng vì sự gia tăng bất định chính trị, với việc các tập đoàn lớn cảnh báo về những hệ lụy kinh tế gây ra bởi cuộc chiến chống ma túy của Duterte và sự đối đầu với phương Tây.
Các cơ quan xếp hạng tín dụng hàng đầu như Standard & Poor đã ra cảnh báo về tình trạng suy giảm mức độ dự đoán được trong chính sách của chính quyền mới vốn đang cố gắng tập trung vốn liếng chính trị vào những ưu tiên khẩn cấp nhất. Tuy nhiên, chính quyền Duterte được dự đoán sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ lớn của công chúng cũng như có được ảnh hưởng lớn lên các thể chế trong tương lai.
Nhiều người hy vọng rằng Duterte sẽ dần chuyển hướng sự chú ý sang những thách thức then chốt như phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư và xóa đói giảm nghèo khi ông bắt đầu hiểu hơn về những yêu cầu trong việc điều hành đất nước.
Richard Javad Heydarian là Giáo sư Trợ lý về Khoa học Chính trị tại Đại học De La Salle, Manila.
Nguồn:
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét