S.T.T.D Tưởng Năng Tiến
“Lúc bấy giờ ta cho hai ông anh trong phe tiếp âm, Bờ Hồ có
thể nói là tổng phát hành của hai đài. Dân có thú giải trí duy nhất rẻ và mát
là ra ngồi nghe hai ông anh tự khen tài giỏi rồi bắt đầu chửi nhau…” (Trần
Đĩnh. Đèn Cù I, Westminster, CA: Người Việt, 2014).
Tôi cũng có “cái thú giải trí” tương tự vào những
ngày hè (năm 1987) ở thành phố Sisophone, Cambodia. Từ đây, tôi nghe
được rất rõ cả hai đài Hà Nội và Khmer Đỏ phát thanh bằng tiếng Việt.
Cả hai cũng “tự khen tài giỏi rồi bắt đầu chửi
nhau” ra rả suốt ngày là “bọn phản động.” Theo đài phát thanh thứ nhất
thì thủ phạm gây ra cảnh chiến tranh điêu tàn diệt chủng cho dân tộc Cao Miên
chính là bọn phản động khát máu Pol Pot và Ieng Sari, tay sai của bọn giặc bá
quyền Bắc Kinh. Còn theo đài phát thanh thứ hai thì tập đoàn lãnh đạo phản
động Hà Nội, tay sai của quan thầy Liên Xô, mới là thủ phạm gây ra một nước
Kampuchea đau thương và tang tóc.
Lịch sử rồi cũng sang trang. Khmer Đỏ đã tan hàng.
Nhà đương cuộc Hà Nội thì hết hung hãn từ lâu, và hiện đang mỗi lúc
một thêm nhũn nhặn trong vòng tay anh bạn Trung Quốc vỹ đại. Hai nước
Trung/Xô cũng không còn hục hặc.
BBC lại vừa loan báo một tin vui: “Phát biểu tại cuộc họp
báo 5/9 sau khi hội nghị G20 kết thúc ở Trung Quốc, Tổng thống Nga Vladimir
Putin tuyên bố ủng hộ lập trường của Trung Quốc không công nhận phán quyết của
Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague trong vụ kiện biển đảo của Philippines.”
Tình cảm giữa các nước anh em XHCN (xa xưa) bỗng trở
nên mặn mà, và nồng ấm thấy rõ. Thế giới vô sản lại trở nên đoàn
kết như chưa thể hề có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra ráo trọi.
Mọi người đều thở phào nhẹ nhõm nhưng chỉ riêng nhà
văn Nguyễn Đình Bổn thì không. Ổng buồn lòng thấy rõ, và phàn nàn
quá xá:
Tuyên bố này quả đã xát muối vào lòng dân Việt, nhất là những
người sinh ra tại phía bắc tổ quốc, những người từ lâu xem nhà nước Liên Xô là
thần tượng và khi nhà nước đó sụp đổ cái quán tính dai dẳng đó vẫn làm họ tiếp
tục “yêu mến” Putin sau này.
Với những người sinh ra và lớn lên tại phía Bắc, từ người
bình dân cho đến người có học, gần như suốt một thời gian dài, họ chỉ được dạy
về một Liên Xô hùng mạnh, bất khả xâm phạm, một nền văn hóa Nga rực rỡ, một đất
nước tươi đẹp, những con người nhân hậu…
Bẽ bàng! Đúng là quá bẽ bàng! Nó giống như một cô gái bị người
yêu giáng cho một bạt tai nảy lửa, khi mà lòng yêu vẫn còn tràn đầy trong tim,
sau đó tặng thêm vài lời thô bỉ rồi quay ngoắt đi cùng một cô gái khác giàu có
hơn!
Kể thì cũng có hơi bẽ bàng (chút đỉnh) và chỉ
“hơi” thôi, chớ nói là “quá bẽ bàng” thì tui e là không hoàn toàn
đúng. Tui cũng vô cùng lấy làm tiếc là đã không thể chia sẻ với nhà
văn Nguyễn Đình Bổn về cách so sánh (“như một cô gái bị người yêu giáng
cho một bạt tai nảy lửa”) của ông:
Theo tôi thì đây là một cái tát của một thằng ma cô
dành cho một con mụ thập thành, chứ chả phải là cô gái nhà nhà
lành (vừa) bị người tình vũ phu phụ bạc. Có phải lúc nào người dân
miền Bắc cũng được Đảng Nhà Nước “dạy về một Liên Xô hùng mạnh, bất khả
xâm phạm, một nền văn hóa Nga rực rỡ, một đất nước tươi đẹp, những con người
nhân hậu” đâu?
Cũng có bữa đực, bữa cái; lúc này, lúc khác đấy
chứ:
Khi Việt Nam kịch liệt lên án Liên Xô, chị Nona người Nga,
giáo sư đại học ở ta, vợ Nguyễn Tài Cẩn, mấy lần mếu máo bảo tôi là đi đường chị
vẫn bị người lớn trẻ con ném đá, và chửi “đ. mẹ con xét lại!” Dân Việt Nam say
mê chính trị lắm, mà thể hiện chủ yếu bằng gạch đá và chửi tục, chị nói.
Nhân Nona nói đến gạch đá tham gia chống xét lại, tôi hỏi
chị có biết quân đội 12 nước xã hội chủ nghĩa đá bóng với nhau ở Hà Nội hồi sắp
ra Nghị quyết 9 không. Nona nói có, có nghe. Bảo kinh hoàng lắm.
Tôi nói chính tôi chứng kiến. Tôi cùng ngồi xem với Trần Đức
Hinh cục trưởng điện ảnh và Khánh Căn, báo Nhân Dân, sau này thông gia với Tố Hữu.
Hôm ấy quân đội Liên Xô đấu với ai đó, tôi không nhớ – hình như Anbani ...
Dần lại thấy có những bị cói và sọt đan kín phủ báo ở chân mấy
người xem gần chỗ chúng tôi. Thì ra đựng đầy đá củ đậu. Trận đấu bắt đầu được
chừng mười lăm phút, người xem ở khắp bốn phía sân vân động thình lình nhất tề
nhè vào cầu thủ Liên Xô ném đá tới tấp. Ba chúng tôi kinh ngạc. Khánh Căn nói
phong trào quăng đá này nhất định là phải có tổ chức từ trên rồi. (Trần Đĩnh.
Đèn Cù II, Westminster, CA: Người Việt, 2014).
Ôi, tưởng đâu và tưởng ai? Chớ từ trên thì còn có
nhiều vụ ngu xuẩn hơn nhiều. Sau khi ném đá củ đậu vào “bọn xét lại
Liên Xô,” trên lại có sáng kiến độc đáo là ghi đích danh “bọn bá
quyền Trung Quốc xâm lược” vào hiến pháp cho nó khỏi quên. Đã thế,
rồi còn giận cá chém thớt một cách rất tiểu nhân và bất nhân nữa:
“Sáng sớm ngày 9 tháng 4 năm 1979, phòng tổ chức mời vợ tôi
lên. Cuộc gặp mặt gồm Bùi Đình Phảng, bí thư đảng ủy, Nguyễn Đình Mão, phó bí
thư kiêm bệnh viện phó, Nguyễn Gia Hòa, đảng ủy viên, trưởng phòng Tổ Chức Hành
Chính cùng một số nhân viên …
Sau vài lời rào đón, Nguyễn Đình Mão bảo vợ tôi:
– Việt Nam và Trung Quốc đã xảy ra chiến sự, Chúng ta đang
chống quân bá quyền, bành trướng Trung Quốc. Chị là người Việt, nhưng chồng chị
là người Hoa. Chúng tôi đang giải quyết anh ấy nghỉ chế độ mất sức. Còn chị muốn
tiếp tục công tác, chị phải làm đơn ly dị và trả lại 3 cháu cho anh ấy, nộp cho
chúng tôi.
Vợ tôi bàng hoàng … Thấy vợ tôi im lặng, trưởng phòng tổ chức
Nguyễn Gia Hòa an ủi:
– Chúng tôi muốn giúp đỡ, cho chị lối thoát chứ không có ý
gì khác. (Lâm Hoàng Mạnh. Vui Buồn Đời Thuyền Nhân, Tiếng Quê Hương,
Falls Church, Virginia: 2011).
Cũng theo cung cách “giúp đỡ” này mà trên đã đứng ra
tổ chức những chuyến vượt biên để cho những gia đình người Hoa có
“lối thoát” thân:
Cuối thập niên 70 cùng với những ghe vượt biển mong manh còn
xuất hiện những thuyền nhiều tầng được Công an Biên phòng hộ tống ra tận cửa biển,
do chính nhà nước đứng ra tổ chức dưới tên gọi Vượt biên Bán Chánh thức. Với
chính sách bài Hoa, chính quyền muốn triệt tiêu “đội ngũ Hán gian” nhưng trong
thực tế là những gia đình Hoa kiều đã sinh sống nhiều thế hệ trong Chợ Lớn và
có cả những thanh niên Việt mua khai sinh Tàu để ra đi.
Giá trung bình là 12 lượng vàng cho người lớn và 7 lượng
vàng cho trẻ em, cùng hai trăm đồng “cụ Hồ” cho thị thực khai sinh ma. Ðóng cho
chủ tàu và công an thị xã điểm xuất phát. Chuyến tàu MT-603 khởi đi từ Mỹ Tho
đêm 29 rạng 30 tháng 5-1979 chứa 405 thuyền nhân đã đâm vào bãi ngầm Trường Sa
bốn ngày sau đó. Ngày 21 tháng 6-1979 khi được Hải quân Phi Luật Tân cứu đưa
vào hải đảo Liminangcong, điểm danh còn đúng 285 người. Tôi ở trong số những
thiếu niên đi chuyến tàu này, ghi lại dưới dạng tiểu thuyết. (Trần Vũ. Biển
San Hô, Tuần Báo Trẻ, Dallas, Texas: 2015).
Đó là chưa kể “những chuyện độc ác đếu giả như lấy vàng bạc
của người ta xong lại cho tàu đuối theo xả súng giết chết hết hay đục thuyền
cho đắm. Chính con rể tôi nói đơn vị anh đã đi vớt thuyền nhân bị đắm tàu ở
ngay tại bên kia cầu Sài Gòn, thường chờ cho qua phao zê-rô mới rút nút, vâng,
đục thuyền ra cắm nút vào rồi đến lúc sẽ rút nút ra, nhưng lần ấy đem rút sớm
quá, xác người nằm san sát nhau trên sông như củi rều vậy.” ( Đèn Cù II, sđd,
trang 92).
Ấy thế mà không bao lâu sau trên lại mặt dầy, mày
dạn lục tục kéo nhau sang Tứ Xuyên để dự Hội Nghị Thành Đô, rồi
chữa hiến pháp để đổi lấy một liều thuốc an thần có tên là Bốn
Tốt & Mười Sáu Chữ Vàng.
Ảnh: RFA
Chả ai được biết nội dung và những thoả thuận (hay
thoả hiệp) của hội nghị này nhưng ai cũng rõ là Hà Nội đã không
nhận được vàng (thật) như mong muốn. Thế nên trên lại quay ra ve vãn
“những thế lực thù địch phương Tây” để có thể được vay vốn ODA, được
dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế, và cấm vận vũ khí sát thương ... nhưng mồm
vẫn cứ lu loa: Sơn thủy tương liên. Lý tưởng tương thông.Văn hóa tương đồng.Vận
mệnh tương quan.
Với cái tính bữa đực/bữa cái, và cái thói lá
mặt/lá trái như thế thì bị chúng “giáng cho những bạt tai nẩy lửa”
là phải (giá) chứ có oan ức có oan ức gì đâu mà kêu than là “quá
bẽ bàng!”
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét