Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

‘Cơm với cá…’



Tạp ghi Huy Phương


Phương Tây có thành ngữ “bread and butter” để nói về một thức ăn căn bản, cần thiết hay với nghĩa bóng là nghề nghiệp chính hay lương hướng căn bản của một con người. Cũng tương tự như vậy, người Việt chúng ta có thành ngữ “cơm với cá,” nhưng cơm với cá còn có thêm ý nghĩa trong đời sống, gần gũi, thương yêu, vì đi theo vế đầu, “cơm với cá” là một vế thứ hai liên hệ, mật thiết hơn: “Như mạ với con.”

Cá được gắn liền với bữa cơm hàng ngày của người Việt Nam thân thiết và đậm đà như thế nào. Nhớ mẹ là nhớ đến cơm với cá. Có dân tộc nào có được một câu ca dao đặc biệt như Việt Nam:

“Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương!”

Đây không phải là món sơn hào, hải vị trong những bữa cơm của những gia đình giàu có, mà là món ăn đơn giản ruộng đồng của người nông dân. Lúa được gặt từ ngoài đồng do bàn tay vất vả của nông dân làm nên, nhưng con cá, như của thiên nhiên cho, có sẵn trong ao hồ, kinh lạch, ruộng đồng, không phải bỏ công nuôi như bầy gia súc.

Ca dao Việt Nam cũng có nói đến: “Mồ côi cha, ăn cơm với cá. Mồ côi mạ liếm lá đầu đường!” Như vậy món cá trong bữa ăn cũng không phải là món sơn hào hải vị, nhưng cũng chưa phải là món ăn bần cùng, mạt hạng.

Con cá đã là món ăn căn bản, của một gia đình trung bình, giá trị cao hơn con ốc một bậc, vì con ốc không được coi như một món ăn dùng với cơm: “Mẹ ơi đừng đánh con đau, để con bắt ốc hái rau mẹ nhờ…” hay như thành ngữ “mò cua, bắt ốc” để nói đến một đời sống vất vả, nghèo hèn, cơ cực…

Nhưng nói đến “cơm với cá” trong bữa ăn căn bản của người Việt, thì phải nghĩ đến món cá kho, vốn đơn giản, với cá kho nước, cá kho khô hay cá kho tiêu.

Cá kho khô (kho tiêu) thì chỉ có cá và gia vị muối, nước mắm, ớt tiêu, đường, nhưng với nhiều loại cá, dân quê lại cầu kỳ thêm rau răm (lót dưới đáy nồi) như kho cá kèo, cá bống thệ, củ nghệ tươi giã nhuyễn cho cá lòng tong, lá gừng non cho cá trê, gừng lát cho nồi cá kho. Mùa lụt của dân quê còn các loại cá bống, cá cấn, cá mại, khi được “cất rớ” lên và khi cho vào nồi, cá đang còn nhảy lưng tưng.

Nước Việt Nam có bờ biển dài 3,260 km (không tính các đảo) và với một địa thế đầy sông rạch, nên dân chúng tha hồ ăn cá và cá không phải là món ăn quý hiếm như ở các nước có địa thế nằm sâu trong lục địa. Ngoài các loại cá sông (cá nước ngọt) còn có cá biển (nước mặn) với các món ngon như là cá chiên, cá xốt cà, cá hấp, cá canh. Các loại cá biển đắt tiền hơn cá sông, có nhiều acid béo omega-3 là chất béo tốt có trong các loại cá như cá hồi, cá ngừ, cá thu và cá mòi, cá nục giúp làm giảm nguy cơ chết sớm, không thiếu trong các bữa ăn của người Việt Nam.

Người Nhật có tuổi thọ cao nhất thế giới vì họ tiêu thụ gần 10% thực phẩm cá của thế giới mặc dù dân số của họ chỉ chiếm 2%, nghĩa là mỗi người dân Nhật ăn cá gấp năm lần so với người dân khác trên trái đất. Ngoài các món rau quả, chính hàm lượng acid béo omega-3 được bổ sung do thức ăn từ cá, hàng ngày giúp người Nhật sống lâu và khỏe mạnh.

Cá tốt cho tim, giúp làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Cá cũng có thể giúp các bà mẹ trẻ vượt qua chứng trầm cảm sau sinh, tiêu thụ cá thường xuyên có thể thúc đẩy hoạt động của bộ não và giảm nguy cơ mắc bệnh lú lẫn, cá cũng có thể giúp ngăn ngừa ung thư hay tránh bị viêm khớp dạng thấp, viêm đường ruột, vẩy nến, các bệnh viêm nhiễm.

Việt Nam có 63 tỉnh, thành phố, trong đó đã có 28 tỉnh, thành phố có biển, với 125 huyện ven biển và 12 huyện ở đảo. Lẽ ra người Việt Nam phải sống lâu, sống hạnh phúc, no đủ vì sống gần biển. Trước hết vì chính phủ hèn, ngư phủ Việt Nam không cảm thấy an toàn khi ra khơi làm nghề cá. Giới chức trách nhiệm về ngành cá cho biết chỉ trong hơn hai năm qua, “hơn 4,000 tàu cá Việt Nam gặp nạn với hơn 2,300 ngư dân thương vong, mất tích trên Biển Đông!”

Từ ngày xảy ra vụ Formosa làm ô nhiễm biển bốn tỉnh miền Trung, hầu hết ngư phủ không còn ra khơi đánh cá, khiến các nhà máy chế biến bị thiếu nguyên liệu phải tạm ngừng sản xuất hoặc sản xuất với công suất rất thấp để duy trì và giữ chân công nhân. Nhiều hợp đồng thương mại quốc tế bị hủy bỏ. Báo cáo của các doanh nghiệp cho thấy, đến thời điểm giữa Tháng Tám, ngư dân vẫn chưa ra biển trở lại nên chắc chắn những tháng cuối năm, nhiều công ty chế biến thủy sản sẽ ngừng hoạt động.

Chúng ta đã thấy ngư dân vốn đời này qua đời khác sống nhờ biển, nay phải bỏ xứ đi làm thuê, chạy xe ôm để kiếm sống đợi ngày biển sạch. Ngay trẻ em vị thành niên vùng Thừa Thiên-Huế cũng vì hoàn cảnh cha mẹ khó khăn, bỏ sang Lào kiếm ăn qua ngày.

Tình trạng này không biết bao giờ mới chấm dứt, nếu Formosa vẫn còn đó! Không những Formosa còn đó, mà nhiều Formosa khác đang mọc lên trên đất nước Việt Nam, đang có hàng triệu tấn chất thải, được đổ vào đất cha ông. Điều này sẽ không bao giờ chấm dứt, nếu trung ương đảng Cộng Sản còn đặt quyền lợi của phe nhóm, băng đảng trên quyền lợi của 88 triệu rưỡi đồng bào! (2015, dân số Việt Nam có 93 triệu người, trong đó có 4 triệu rưỡi đảng viên Cộng Sản).

Nói đến con người Việt Nam là phải nói đến cơm với cá như là một truyền thống của dân tộc. Bây giờ biển độc, không cá, rồi đến lúc cơm cũng không còn.

Dân tộc Việt Nam từ nghìn xưa muốn ăn cá, nhưng ngày nay, số phận tai ương của đất nước sinh sản ra đảng Cộng Sản. Hiện nay đảng Cộng Sản Việt Nam có một Bộ Chính Trị muốn ăn thép, và muốn ăn cả vàng, thì dân lấy cá đâu ra cá mà ăn?

Người Việt Nam có một bờ biển dài như thế mà nay không có cá để ăn thì tội của đảng Cộng Sản không thể dung thứ được.


Nguồn:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét