Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

Cả nước tức cười chuyện kê khai tài sản

Văn Quang

clip_image002


Trong tuần này lại rộ lên thông tin trên hầu hết các cơ quan báo chí tại Việt Nam lề trái cũng như lề phải (Có thể tạm định nghĩa báo lề phải là báo của Nhà nước, báo lề trái được xếp vào loại… phản động).

Chuyện kê khai tải sản là chuyện trở thành chuyện quá khôi hài và không ai tin nổi. Trong 10 năm thực hiên “kê khai tài sản” mà chỉ phát giác duy nhất 1 người không trung thực.

Có ai tin nổi chuyện này không? 100% là KHÔNG. Nhưng đó lại là chuyện bình thường của các quan. Hãy nghe các quan báo cáo:

Ủy ban Nhân dân TPHCM vừa có báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Theo đó, việc kê khai minh bạch tài sản của cán bộ, công chức, viên chức chưa phát huy hiệu quả cao, còn nặng hình thức; chủ yếu quản lý bản kê khai, chỉ sử dụng khi có vấn đề phản ánh, tố cáo.

Bản kê khai của cán bộ chưa được kiểm tra xác minh giữa tài sản kê khai và tài sản thực tế cũng như nguồn gốc tài sản của người kê khai.

Cụ thể, từ đầu năm 2007 đến hết tháng 6/2016, chỉ 1 trường hợp xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập và đã bị kết luận kê khai không trung thực. Trường hợp duy nhất là chuyên viên Đội quản lý trật tự đô thị thuộc Phòng Quản lý đô thị huyện Bình Chánh vào năm 2014.

Chính quyền TPHCM vẫn chưa kiểm soát được các nguồn thu nhập khác ngoài lương của những người hưởng lương từ ngân sách, nhất là chưa kiểm soát được thu nhập, tiêu dùng của người có chức vụ, quyền hạn.

Việc tặng quà để được việc, nhận quà biếu có tính chất hối lộ vẫn còn ngấm ngầm diễn ra, rất khó phát hiện, khó định giá quà tặng nào là vi phạm, thiếu cơ chế giám sát.

Thật ra ai cũng biết kê khai “gọi là có” cho ra vẻ các quan liêm chính thôi chứ làm sao tìm ra anh nào gian anh nào không. Người dân ngay sát nách nhà quan cũng khó biết, có ai dại gì nói ra đâu.

Người dân thấy nhà cửa ruộng đất của quan hay của con trai con gái các quan các quan là chuyện “bình thường”.

Chỉ có thằng nghèo có nhà có đất mới bị soi mói thôi. Còn tài sản của con quan chuồn ra nước ngoài chẳng ai biết. Chỉ có mấy ông bà người Việt ở nước ngoài tò mò ngắm nghía thôi.

Các quan chuẩn bị sẵn con đường “hạ cánh an toàn” đúng bài bản. Thế nên lại rộ lên tin đồn nhiều quan đang rục rịch đầu tư ở Mỹ hay ở một nước nào đó để lấy thẻ thường trú làm công dân một nước khác bằng mồ hôi nước mắt của dân Việt Nam.

Như thế thì người Việt nghèo muôn năm là đúng rồi. Ôi dân Việt Nam của tôi! Đừng khóc nữa. Hiểu rồi. Bao giờ diệt hết được bọn tham quan vô tổ quốc này mới khá được.

Anh cán bộ tép riu bỗng dưng nổi tiếng là ai?

Đó là ông cán bộ Đội quản lý trật tự đô thị thuộc Phòng Quản lý đô thị huyện Bình Chánh.

Có thể nhờ sự “hy hữu” này khiến một cán bộ “quèn” bỗng dưng nổi tiếng vì là người duy nhất mang tiếng “không trung thực” trong việc kê khai tài sản của TPHCM suốt một thập kỷ qua. Với “tốc độ” 10 năm mới có 1 người, tất nhiên phải chờ đến năm 2026, mới phát hiện thêm một trường hợp kê khai không trung thực nữa?!

Vì sao lại có việc suốt 10 năm qua, TP Sài Gòn với rất nhiều đối tượng thuộc diện kê khai mà chỉ duy nhất vị cán bộ “độc đắc” này?

Phải chăng là sự trung thực đến 99,9999…% của cán bộ, công chức hay ở đây không có tiêu cực, tham nhũng vì những tài sản tham nhũng, chẳng ai dại mà kê khai?


Trên toàn quốc cũng chỉ có 17 người không trung thực

Còn trên phạm vi cả nước thì sao? Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, 10 năm qua, cả nước mới xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực.

Với 63 tỉnh thành, nếu 17 trường hợp kia ở 17 tỉnh, thành phố khác nhau thì cho đến nay, vẫn có tới 46 địa phương không phát hiện được một cá nhân nào kê khai không trung thực, dù chỉ tầm cỡ nhân viên Đội quản lý trật tự đô thị thuộc Phòng Quản lý đô thị cấp huyện như ở TPHCM.

Nhân vật thứ hai nổi danh là ai?

clip_image004

Căn biệt thự to đùng của ông Trần Văn Truyền tại Bến Tre

Nhân vật thứ hai, gắn với sự kiện thảm họa ô nhiễm biển ở các tỉnh miền Trung.

Người “trúng số độc đắc” ở đây là ông Đặng Bá Lục, Chi cục trưởng Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường (TN&MT) Hà Tĩnh.

Thông báo với báo chí ngày 22/8, ông Phạm Quang Đệ, Chánh Thanh tra Sở Nội vụ Hà Tĩnh cho biết, ông Lục đã “nhận hình thức kỷ luật là khiển trách. Còn lại là xin rút kinh nghiệm”. Riêng ông Giám đốc Võ Tá Đinh chỉ xin rút kinh nghiệm.

Ôi cái tinh thần phê và tự phê của Hà Tĩnh. Một sự kiện thảm khốc như vậy mà kỷ luật một ông Chi cục trưởng tức là cấp trưởng phòng của sở với hình thức khiển trách thì sao có thể gọ là nghiêm minh, trung thực, khách quan được.

Kiểu này là kiểu các quan thường dùng vẽ rồng vẽ rắn cho đẹp để lừa dân, dù chẳng lừa được ai cả. Nhưng thằng dân đen có biết cũng chào thua chẳng làm gì được.

Bạn Bùi Hoàng Tám viết trên báo Dân Trí (tại Việt Nam):

“Nếu với “định mức” kỷ luật như thế này, để cách chức một ông lãnh đạo sở, có lẽ phải chờ đến thảm họa cỡ… hủy diệt Thái Bình Dương chắc?”

Người dân chưa ai quên vụ ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, chiếm nhà chiếm đất xây biệt thự to đùng giữa Bến Tre chỉ bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã biểu quyết thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
Tài sản tham nhũng “trốn” đi đâu?

Đã 10 năm Luật phòng chống tham nhũng có hiệu lực thi hành và cũng chừng ấy năm thiệt hại do các vụ tham nhũng được phát hiện trong 10 năm qua là gần 60.000 tỷ đồng và trên 400ha đất, nhưng chỉ thu hồi được 4.670 tỷ đồng và hơn 219ha đất.

Đó là chỉ có 118 trường hợp bị xử lý hình sự, 800 trường hợp bị kỷ luật về hành vi tham nhũng và để xảy ra hành vi tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình quản lý vì một số vụ án lớn chưa quy được trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.

Dù không ngạc nhiên, nhưng nhiều người không khỏi xót xa khi số tiền thiệt hại do tham nhũng được nêu ra tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng diễn ra ngày 12/7, lên tới 60.000 tỷ đồng.

Họ nghi ngờ đặt dấu hỏi khi trong số hàng triệu người thuộc đối tượng kê khai tài sản chỉ phát hiện và xử lý kỷ luật được 17 người do không trung thực.

Kê khai để hộc bàn

Vậy, số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng do tham nhũng đã thất thoát đi đâu? Ai là người tham nhũng? Còn những con sâu mọt nào đã, đang tiếp tục đục ruỗng ngân sách quốc gia, tiền thuế của dân mà chưa bị phát hiện?

Ngoài 17 trường hợp khai báo gian dối thì gần một triệu người khác phải chăng đã trung thực? Ai đã kiểm tra, giám sát để khẳng định điều này?

Vì thế, việc khai thì cứ khai còn có đúng hay không, có trung thực hay không, có được công khai, kiểm tra, giám sát hay không là chuyện không ai làm. Vì thế, chỉ phát hiện ra 17 người gian dối trong gần một triệu công chức có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập.

Rất nhiều dư luận cho rằng “bản kê khai tài sản mang tính hình thức, để hộc bàn thì không có ý nghĩa gì cả”.

Đó chính là đang là lỗ hổng to tướng cho nhiều người lợi dụng để che giấu tài sản chiếm đoạt được của Nhà nước, của nhân dân, mà chỉ khi đã “hạ cánh an toàn” họ mới công khai mở công ty này; xây dựng biệt thự, mua nhà nọ, đất kia.

Các quan và toàn thể gia đình lúc đó coi như dân thường cứ ung dung làm giàu, không anh nào “tố” anh nào như một cái luật ngầm “anh tố tôi, tôi tố anh là bỏ mẹ cả lũ”.

Các quan còn mải họp

clip_image006

Khi còn làm quan thì không ít người đã nói rằng “nghề” của cán bộ là… họp. Bởi việc tham dự hết cuộc họp này tới cuộc họp khác đã chiếm khá nhiều thời gian làm việc của bộ máy hành chính.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng than với ông Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng, đồng thời là Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, rằng một trong khó khăn nhất là… họp.

Năm 2002, trong một cuộc họp kiểm điểm thực hiện nghị định về việc phân cấp cho TPHCM, một vị phó giám đốc sở đã đưa ra con số vô cùng quái lạ. Đó là cán bộ của sở phải tham dự tới 192 cuộc họp các loại trong 1 tuần.

Gần 15 năm sau, dường như “căn bệnh” họp hành không giảm cho dù đã có không biết bao nhiêu cuộc cải cách hành chính, lề lối làm việc nhằm tăng cường hiệu quả của bộ máy hành chính. Họp nhiều nhưng vẫn xuất hiện những văn bản pháp quy chưa đi vào cuộc sống thì đã “chết yểu”.

Theo dõi việc họp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, người ta mới biết hơn 2.000 tỷ đồng cứu trợ cho các tỉnh ĐBSCL vẫn còn treo ở đâu đó, chưa tỉnh nào rút được một xu. Số tiền này theo kế hoạch phải được phân bổ trong tháng 5 và 6, mỗi tỉnh được khoảng 80 tỷ, để khắc phục hậu quả hạn mặn, hỗ trợ nông dân tiếp tục làm ăn, canh tác.

Ở miền Trung, 4 tháng sau sự cố nhiễm độc biển do Formosa gây ra, ngư dân vẫn gác mái chèo chờ đợi, nhìn ngư cụ rỉ sét, xuống cấp từng ngày. Việc thống nhất số tiền bồi thường đã hoàn thành từ tháng 6. Đến nay, Formosa đã chuyển xong 500 triệu USD, nhưng phương án phân bổ kinh phí bồi thường, hỗ trợ ngư dân vẫn chưa có.

Chính phủ hứa và tuyên thệ rồi vẫn thế

Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đã thống nhất hành động và tuyên thệ trước quốc dân đồng bào về quyết tâm xây dựng một chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động và phục vụ nhân dân. Thế nhưng, vẫn còn những câu chuyện thực tế, như Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói: “Chủ trương của Thủ tướng là xử lý cấp bách để giải quyết tình trạng hạn mặn, đơn giản thủ tục để triển khai được ngay. Vậy mà giờ bao nhiêu cà phê, hồ tiêu bị hạn đã chết lâu rồi, đâu thể chờ các bộ họp xong được”.

Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phân trần, chuyện giải ngân chậm trễ là do Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn không thống nhất được quan điểm dù đã họp lên họp xuống nhiều lần.

Thì ra các quan đều mải họp lên họp xuống, họp toát xì cấu, họp đến nỗi nhiều quan gủ gục, làm dân chờ dài cổ, đến khi cái văn bản được ra cũng lại không thực hiện được đành xếp xó. Toàn là những chuyện mất công vô ích, ngồi phòng kính máy lạnh tha hồ múa. Dân còng lưng đóng tiền thuế nuôi một lũ ngủ gục.

V.Q.

Tác giả gửi BVN.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét