Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Tiếng Anh chưa xong, học chi tiếng khác!

G.Nguyên


Phụ huynh, học sinh đang bị… “tẩu hỏa nhập ma” trước hàng loạt mô hình cải cách giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà mới nhất là đề án ngoại ngữ với việc đưa tiếng Nga, Hàn, Trung… vào giảng dạy bắt buộc từ lớp 3 vào năm 2017.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố từ năm 2017 sẽ đưa môn tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung (cùng với tiếng Anh) vào giảng dạy bắt buộc hệ 10 năm, từ lớp 3 đến lớp 12. Công bố này lập tức bị dư luận phản ứng gay gắt.
Sinh ngữ thành tử ngữ?

Bộ GD-ĐT giải trình quy định trên là việc tiếp tục thực hiện đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” theo Quyết định 1400/QĐ-TTg ngày 30-9-2008 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là đề án).

Không khó nhận ra với việc đưa tiếng Hàn, Nga, Trung vào giảng dạy bắt buộc, xem như ngoại ngữ thứ nhất, Bộ GD-ĐT muốn phá vỡ thế độc tôn của tiếng Anh, tạo sự đa ngôn ngữ trong hệ thống giáo dục. Ngược lại, tham vọng tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ thứ hai (ngôn ngữ chứ không phải ngoại ngữ) ở Việt Nam (như Singapore, Ấn Độ, Philippines) cũng được đặt ra, tức là xây dựng một lộ trình để tiến đến trong giao tiếp hành chính ở trường học, bệnh viện, công sở đều dùng tiếng Anh.

Mục tiêu của đề án là đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường, để “đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam”. Nhưng sau 8 năm thực hiện, hiệu quả của đề án đã ngốn 9.400 tỉ đồng này chẳng tới đâu. Bằng chứng là trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 vừa qua, môn tiếng Anh có phổ điểm thấp nhất. Bộ GD-ĐT thừa nhận khả năng giao tiếp là một trong những điểm yếu của học sinh, sinh viên Việt Nam.

Cách thức dạy học ngoại ngữ hiện nay chẳng khác gì biến một “sinh ngữ” là một “tử ngữ”.

Học tiếng Anh 10 năm ở tiểu học và phổ thông, cộng thêm 4-5 năm ở đại học nữa nhưng nhiều người không có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh ở mức độ thông thường. Không mấy người có thể nghe đài, đọc báo tiếng Anh. Gặp người nước ngoài như “câm”, như “điếc”, mình không thể nói để người ta hiểu, người ta nói mình cũng không hiểu gì.

Học tiếng Anh tại một trường tiểu học ở TP HCMẢnh: Tấn Thạnh 
Học và dạy đều có vấn đề

Hạn chế chưa thể khắc phục được của việc dạy - học ngoại ngữ hiện nay ở Việt Nam là thiếu người bản ngữ phụ trợ, làm cho việc phát âm sai lệch rất nhiều, phát âm sai dẫn đến nghe sai. Có một sự thật ngoài ý muốn của giáo viên người Việt dạy ngoại ngữ là phát âm không chuẩn. Tôi trải nghiệm không ít từ tiếng Anh, trước nay thầy cô mình đọc như thế nhưng lên mạng internet (những trang đáng tin cậy) nghe người bản xứ đọc (cả giọng Anh hoặc giọng Mỹ) đều không phải như thế. Cũng không thể trách thầy cô hay trách học trò, chỉ tiếc rằng khi thiếu môi trường giao tiếp - thực hành, học ngoại ngữ hoàn toàn không có hiệu quả.

Đó là nói về người học, còn người dạy thì sao? Qua kỳ kiểm tra trình độ giáo viên của 30 tỉnh, thành do Bộ GD-ĐT tổ chức vào năm 2015, chỉ 3% giáo viên THPT và 7% giáo viên THCS đạt chuẩn theo yêu cầu đề án ngoại ngữ quốc gia.

Vậy chỉ riêng tiếng Anh, qua 2/3 chặng đường (8/12 năm) của đề án, từng ấy cũng đủ dự báo tính khả thi của toàn đề án nói chung và giai đoạn 2016-2020 nói riêng. Rất nhiều ý kiến người dân cho rằng chỉ mỗi một ngoại ngữ là tiếng Anh, học sinh học chưa xong, nay Bộ GD-ĐT tăng thêm tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Pháp làm gì?

Tư duy tiểu nông

Trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, việc áp đặt, bắt buộc học sinh phải học tiếng Nga, tiếng Trung hay tiếng Pháp là duy ý chí, nếu không muốn nói là ảo tưởng khi cho rằng học càng nhiều ngoại ngữ càng tốt.

Không thể so sánh Việt Nam với Singapore, Ấn Độ được. Chúng ta không phải là quốc gia đa ngôn ngữ, người nước ngoài rất ít, du học sinh nước ngoài cũng không nhiều. Qua hơn 9 năm gia nhập WTO, chúng ta hội nhập đến đâu? Liệu trong 5, 10 năm nữa, các công ty liên doanh với nước ngoài có cần tất cả mọi người đều nói tiếng Anh (hoặc tiếng Nga, Trung, Pháp) trong giao tiếp hay chỉ cần 1 người phiên dịch hay vài ba người biết nói tiếng Anh là đủ?

Đừng nói từ “thí điểm” ở đây bởi đề án đã phê duyệt từ 8 năm trước? Đối với ngành giáo dục, từ trước đến nay, chưa bao giờ có chuyện “thí điểm” mà sau đó không làm thật, dù nhiều thứ rất không ổn như chương trình phân ban trước đây, bây giờ là mô hình VNEN, sắp tới là bài thi tổ hợp trong kỳ thi THPT quốc gia và đưa tiếng Nga, Trung, Pháp... vào “thí điểm” đối với học sinh lớp 3.

Dẫu biết ngành giáo dục “làm dâu trăm họ” vì việc của ngành liên quan đến người học, đến toàn dân nhưng giáo dục là quốc sách hàng đầu, tác động đến vận mệnh tương lai của đất nước. Vì vậy, cách “đổi mới” theo “tư duy tiểu nông”, nay làm chỗ này, mai sửa chỗ khác thì nền giáo dục không thể nào phát triển được.

Học sinh, giáo viên, phụ huynh đang “tẩu hỏa nhập ma” vì nạn dạy thêm, học thêm, chương trình quá tải, mô hình VNEN, đổi mới thi cử xoành xoạch mỗi năm một kiểu, giờ lại thêm “siêu dự án” dạy học ngoại ngữ, đưa tiếng Nga, Trung, Nhật làm ngoại ngữ bắt buộc đối với học sinh. Một khi không được người dân ủng hộ thì chẳng có việc nào thành. Đừng để đề án dạy học ngoại ngữ thành tham vọng bất khả thi.

Loay hoay

Môi trường giao tiếp, thực hành ngoại ngữ không có; chất lượng giáo viên không đạt chuẩn; người học không có nhu cầu tự thân, chẳng qua học để thi… Thực trạng này không thể giải quyết được bằng việc thay đổi sách giáo khoa, sử dụng một vài phần mềm, lắp đặt một số “bảng thông minh” hay thay đổi cách kiểm tra, đánh giá. Cứ loay hoay thay đổi phần ngọn, đề án dạy học ngoại ngữ 9.400 tỉ đồng chỉ hao tốn tiền.

________________________

Cứ nên học Anh văn là chính

Trong những ngày qua, liên quan đến việc Bộ GD-ĐT tiếp tục triển khai đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2016-2020”, đông đảo bạn đọc đã gửi chia sẻ về Báo Người Lao Động, bày tỏ băn khoăn về đề án này.

Tiếng Anh phải được ưu tiên trên hết vì đó là ngôn ngữ thông dụng và phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Với điều kiện hiện tại của Việt Nam, không thể đưa tiếng Nga, tiếng Trung hay tiếng Pháp lên cùng vị trí “ngoại ngữ thứ nhất”, ngang hàng với tiếng Anh được. Hơn nữa, không vì thế mà bắt buộc học sinh phải học tiếng Nga, tiếng Trung hay tiếng Pháp. Bộ GD-ĐT cần tôn trọng quyền lựa chọn của học sinh, không áp đặt trường kia, lớp nọ phải học ngoại ngữ gì.

Bạn đọc Hương Huyền đưa ra thực trạng phổ biến là sau cả chục năm học ở trường ra, trong đó có 4 năm học ở bậc đại học, học sinh - sinh viên vẫn không nghe - nói - đọc - viết được tiếng Anh. Bạn đọc Hương Huyền nhắc lại 1 câu mà Báo Người Lao Động nêu: Khi nào chưa trả lời được câu hỏi học sinh ra trường giao tiếp được tiếng Anh hay không thì Bộ GD-ĐT làm ơn đừng thí điểm, thể nghiệm gì thêm nữa…!

Còn theo bạn đọc Nguyễn Cảnh, không nên đưa vào chương trình giảng dạy quá nhiều thứ tiếng rồi ép học sinh chọn làm ngoại ngữ thứ nhất. “Theo tôi, chỉ nên cho học sinh học Anh văn là chính. Đưa lắm thứ tiếng vào chỉ tạo thêm áp lực cho học sinh và phụ huynh” - bạn đọc Nguyễn Cảnh đề xuất.

Bạn đọc Dương Văn Tuấn nhận xét sau 8 năm thực hiện mà kết quả chất lượng dạy và học ngoại ngữ không đến đâu, người học ra trường lơ mơ tiếng Anh, viết bộ hồ sơ xin việc không được thì một đề án “nướng” tới gần 9.400 tỉ đồng thật lãng phí. Nhiều bạn đọc khác đồng tình với ý kiến của bạn đọc Hoàng Thái khi cho rằng ngành giáo dục cứ loay hoay thay đổi, cải cách giáo dục nhưng hiệu quả không tới đâu. Cái cần là chất lượng đào tạo và đầu ra của người học hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của thị trường lao động.

G.Nguyên ghi (Người Đô Thị)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét