Trong nhiều ngày, tôi cố theo dõi xem báo chí sẽ viết gì về
lần diễn đầu tiên của ca sĩ Khánh Ly ở Sài Gòn. Thế nhưng có một cái gì đó im lặng
đến kỳ lạ sau ngày 18/9 đó – ngày mà ca sĩ Khánh Ly được phép hát ở ngay tại
Sài Gòn, sau 41 năm đi xa khỏi quê hương của mình, và gần 5 năm đi loanh quanh
nơi chốn cũ, ước rằng mình có thể cất lên tiếng hát nơi thành đô trong kỷ niệm.
Năm 2012, Khánh Ly từng nói với đài BBC rằng bà mơ được hát ở
Việt Nam, ở Sài Gòn.
Thế nhưng thật lạ. Chỉ có một vài tờ báo điện tử xé rào viết
về đêm diễn này, ít ỏi và nhạt nhẽo. Tôi cố công tìm hiểu, mới hay rằng ai đó
trong Ban Tuyên giáo đã ra lệnh miệng, buộc các báo không được nói, bình luận, mô tả… nói chung là không được
viết gì có lợi cho ca sĩ Khánh Ly trong đêm diễn này .
Nhưng điều đáng ngạc nhiên, là gần hết giới báo chí Việt Nam
cũng đã ngoan ngoãn tuân lệnh. Thói quen chấp nhận sự kiểm duyệt gần nửa thế kỷ
– tính từ sau tháng 4-1975 – khiến cái gọi là quyền lực thứ tư của một quốc gia
đã biến thành một đám học trò nhỏ, chỉ còn biết giương mắt vô thanh nhìn đời.
Cũng ngay trong thời gian đó, báo giới Việt Nam rầm rộ ra vẻ phẫn nộ, viết về
chuyện những người bán vé số bị phạt tiền vì lỡ bán vé số ngoại tỉnh. Thế nhưng
họ không nhận ra, hay không dám nhận ra rằng, cấm nói về một buổi diễn được
phép, cũng không khác gì cấm bán vé số hợp pháp trên quê hương mình.
Tôi tự hỏi, không biết bà Khánh Ly có biết chuyện này hay
không. Và nếu biết, bà sẽ nghĩ gì? Năm 2015, khi được hỏi rằng nếu không được
hát ở Sài Gòn, bà có buồn không – Khánh Ly từng cười, lắc đầu, nói rằng “khán
giả ở mọi nơi, em à”. Quả đúng là con người ở đâu cũng vậy, văn hóa ở đâu cũng
vậy. Nhưng với người cộng sản với sự thù ghét tự do thâm căn cố đế trong tim họ,
thì không phải ở đâu cũng vậy.
Kiểm duyệt Khánh Ly chỉ là câu chuyện nhỏ của những điều
ngang trái vẫn hiện ra trên đất nước này, tựa lời nguyền Bloody Mary trong
gương – như lời nhắc rằng cuộc sống bình yên chỉ là ảo tưởng, bởi địa ngục là một
điều có thật.
Ít có ai nhận ra rằng kiểm duyệt trong đời sống xã hội chủ
nghĩa đã quen thuộc, đã trở thành như máu thịt. Mỗi một người làm báo đều có sẳn
một mạch máu hình thắt cổ chai từ trái tim đến não. Khó mà đếm được có bao
nhiêu người sống bằng nghề viết đã bật ra một ý tưởng thơ mộng hay tự do từ
trái tim, nhưng đã tự bóp chết nó khi được dẫn lên đến não. Và rồi con chữ hay
ý nghĩa viết ra đã bị cắt mất, tật nguyền và nhạt nhẽo như chính cuộc đời của họ.
Mới đây, trong chuyện ngư dân bị Formosa xả độc tố làm biển
chết, bà Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) Nguyễn Thị Hải Vân nói rằng
không có gì phải ầm ĩ, vì ngư dân mất biển, nhưng “đi làm phu khuân vác thì tức
là đã có việc làm”. Tự kiểm duyệt hiện thực, chỉ chừa lại phần tật nguyền trong
suy nghĩ của mình, cũng là một nỗi đau không bờ bến đang ăn sâu trong lòng dân
tộc này. Giống như ban Tuyên giáo, người đàn bà này cố che mắt mình, cố che mắt
cả những người nghe bà nói, và chứng minh rằng thiếu nhân cách thì không sao,
cũng vẫn có thể làm người.
Có lần, khi còn được ngồi cùng với nhạc sĩ Thanh Sơn, ông
than thở rằng một bài hát của ông bị kiểm duyệt ở Sở văn hóa thông tin thành phố,
chữ “phu quân” trong vần điệu một người nữ hát về chồng mình, bị bắt phải thay
bằng chữ khác. “Họ nói ‘phu quân’ có thể ám chỉ đến lính VNCH”, nhạc sĩ Thanh
Sơn kể. Tôi không biết về sau thì ông có phải cam lòng thay chữ ấy hay không,
nhưng lúc đó, tôi chỉ có thể nói với ông rằng khi những người cộng sản kiểm duyệt,
giống như họ tự đọc lời nguyền Bloody Mary, tự mở cửa địa ngục và chỉ còn nhìn
thấy thế gian này bằng sự tăm tối trong trái tim họ, chứ không bằng ánh mắt con
người.
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc có lần kể rằng ông có bài hát về mẹ.
Người mẹ đó ngồi trước biển nhớ con, mong con về. Ấy vậy mà ông từng bị chất vấn
rằng có phải viết bài hát ấy có ý dành cho những người đi vượt biên hay không.
Kiểm duyệt như một con quái vật. Sự chịu đựng và cố vặn vẹo
mình để có thể sống được trong thế giới kiểm duyệt, đã nuôi lớn con quái vật ấy.
Hãy nhìn cách mà báo chí mô tả những tên công an khát máu đánh chết người trong
đồn tạm giam, thường được mô tả bằng từ ngữ rất dè dặt và thân tình như “bị coi
là làm chết người”, “bị coi là đã ép cung”… thậm chí mới đây, khi có đủ hình ảnh,
âm thanh và giờ hành động của tay công an Bùi Xuân Hải ở phường 6 quận 3 đánh đập
một người phụ nữ bán hàng rong ở Hồ Con Rùa, báo chí vẫn thêu hoa dệt gấm bằng
cách gọi y là “người mặc đồ giống công an”.
Chẳng lẽ tất cả những người cầm bút, tất cả những con người
được học tiếng Việt, tiếng Anh và sắp tới và tiếng Hán… không ai nhận ra rằng
con quái vật kiểm duyệt suy nghĩ và hành động trong xã hội này đã lớn đến mức
nào? Khó mà đong đo được, nhưng có thể nhìn thấy rõ nhất là con quái vật đó ăn
tươi nuốt sống nhân cách và linh hồn của không ít người, khiến khi họ thể hiện
đã có thể thấy ngay đó là những người Việt xã hội chủ nghĩa hèn hạ và vô liêm sỉ.
Khi một tay công an mặc thường phục, không xuất trình thẻ
ngành, hành động như một tên đầu gấu ngõ chợ tấn công các phóng viên ở huyện
Đông Anh, điều thấy được là toàn bộ hệ thống quyền lực thứ tư ở Việt Nam đã như
hú lên những tiếng kêu đau thương cho số phận của mình, chứ không giống như sự
phản ứng của một nền báo chí có đủ ý chí lẽ thường . Ngay cả khi Công an quận
Tây Hồ nói ngược nói xuôi, bẻ cong cả không gian và thời gian mà không cần bất
kỳ một chứng minh vật lý nào, báo chí Việt Nam cũng chỉ yếu ớt phản ứng và dè
chừng. Chấp nhận kiểm duyệt thái độ sống bình thường và quen sợ hãi trong bầu
không khí kiểm duyệt, đã làm nhu nhược trí thức Việt Nam và báo chí Việt Nam một
cách quặn đau.
Ngày 27 tháng 9/2016, có hơn 500 người dân đi nộp đơn đòi
công lý từ thiệt hại bởi nhà máy Formosa – một câu chuyện của công lý và sự thật
rất đỗi bình thường trên đất nước này nhưng trong nhiều ngày liền, sự kiện lịch
sử đó vẫn là một khoảng trống bao la trên các trang báo. Bạn hãy tự hỏi xem, một
vài phóng viên bị đánh mà giới báo chí còn đau yếu như vậy, thì làm sao cái gọi
là quyền lực thứ tư của Việt Nam có đủ sức mạnh và lòng tự trọng để nói về 500
đồng bào mình đang khắc khoải với tương lai?
Những điều bình thường và đúng với Hiến pháp Việt Nam, mà
con người Việt Nam hôm nay vẫn không dám gọi đúng tên, mô tả đúng việc thì mai
sau, tinh thần và nguyên khí của dân tộc trong chế độ này sẽ tật nguyền đến mức
nào? Bao nhiêu con chữ của câu hỏi này, xin được đánh từng ấy tiếng vào tiếng
trống Đăng Vân để kêu oan cho số phận của dân tộc này vậy.
Ngày 5/3/1969, để đòi chính quyền miền Nam Việt Nam phải bãi
bỏ chính sách với kiểm duyệt xuất bản, đã có hơn 100 nhà văn, dịch thuật, biên
khảo, phê bình… cùng ký tên, trong đó có phần ghi rằng “kinh nghiệm từ nhà nước
Cộng sản Tiệp Khắc đã cho thấy rằng sự cấm đoán, bưng bít, không bao giờ giải
quyết được một vấn đề, mà chỉ làm cho vấn để ấy trầm trọng thêm đến một mức độ
tai hại nhất…” Bản đồng ký tên này, có Sơn Nam, Du Tử Lê, Vũ Hoàng Chương, Doãn
Quốc Sỹ, Bình Nguyên Lộc, Duyên Anh, Cung Tiến…
Tôi đang tự hỏi – hay tự mình mơ – về một 100 nhà báo ăn
lương nhà nước cùng ký tên để phản đối công an nói riêng, và chính quyền nói
chung hành xử tàn bạo với nghề làm báo. Nhưng có lẽ đó chỉ là một giấc mơ để nhớ
về quá khứ, nơi nhân dân bị xét là phải sống trong một chế độ đồi trụy và tay
sai, nhưng chứng cứ cho thấy họ vẫn rất lành lặn về tinh thần và nhân cách.
Mọi thứ không đơn giản như bạn thấy. Hãy nhìn lại cách kiểm
duyệt Khánh Ly, cách cấm bán vé số ngoại tỉnh, cách thay đổi và mài giũa chữ
nghĩa để phục vụ… và cả những cách mà chúng ta quen dần giả lơ, từ chối sự thật,
quen tự cắt gọt mình để nằm vừa trong sự chiếc quan tài kiểm duyệt mỗi ngày.
Hãy nghĩ, cho bạn và chính con cái của bạn.
Chắc rồi có lúc bạn sẽ nhận ra, tôi hy vọng vậy. Chúng ta
hay truyền thông trên đất nước này, cũng giống như những người bán vé số sợ
hãi, chỉ còn quẩn quanh với niềm hy vọng nhỏ nhoi ở nơi mình đang sống, chứ
không dám chạm vào hay cầm giữ một niềm hy vọng nào xa hơn lằn ranh mà người ta
đã vạch sẳn cho mình. Trái tim cùa quyền lực thứ Tư thoi thóp đập trong một
thân thể cường tráng. Trái tim đau bệnh, mòn mỏi bởi những lằn ranh.
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét