Ông Ðinh La Thăng khi còn là chủ tịch Petro Vietnam. (Hình:
Getty Images)
SÀI GÒN (NV) – Có vẻ như ông Ðinh La Thăng, ủy viên Bộ Chính
Trị đảng CSVN, bí thư Thành Ủy Sài Gòn, đang trong tình cảnh “cá nằm trên thớt”
sau hai bài viết lên tiếp của nhà báo Osin Huy Ðức (Trương Huy San) trên trang
facebook cá nhân trong hai ngày 26 và 27 tháng 9 với cả chục ngàn người ‘like’
và lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Hai bài viết có tựa đề lần lượt là “Thanh hay Thăng” và “Tảng
Băng Nổi,” Huy Ðức cho thấy Ðinh La Thăng đứng đằng sau việc thất thoát hàng tỉ
đô la không chỉ ở Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí (PVC) mà còn cả Tập Ðoàn Dầu Khí
Việt Nam (Petro Vietnam) nơi ông Ðinh La Thăng làm chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị
(HÐQT) từ 2006 đến 2011.
Theo lời hai bài báo, thì Ðinh La Thăng mới là kẻ có tội nặng
nhất, không phải Trịnh Xuân Thanh (đang bỏ trốn) hay Vũ Ðức Thuận cùng 3 đàn em
khác đã bị bắt.
Những ngày vừa qua, dư luận theo dõi với nhiều ngạc nhiên về
những chuyên liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh, phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang
kiêm đại biểu Quốc Hội bị cách chức. Ông này đã biến mất khi những lời cáo buộc
ông ta trách nhiệm về sự thất thoát hơn 3,200 tỉ đồng ở PVC khi ông ta còn làm
chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị, mà ông ta đã không những không bị quy trách nhiệm,
lại còn luồn lách trong hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương.
Không bắt được Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Phú Trọng, tổng bí
thư đảng CSVN, vội vàng ra lệnh bắt Vũ Ðức Thuận tổng giám đốc PVC và 3 người nữa
từng là phó tổng giám đốc và kế toán trưởng của PVC thời kỳ từ 2007 đến 2012.
PVC là công ty con của Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam (Petro
Vietnam) mà ông Ðinh La Thăng từng làm chủ tịch HÐQT.
Cũng như Trịnh Xuân Thanh, ông Vũ Ðức Thuận không bị hành tội
khi để xảy ra thất thoát, mà cũng đã “lăng ba vi bộ” trong guồng máy cầm quyền
và quốc doanh. Mãi cho đến khi vụ lình xình Trịnh Xuân Thanh bị bới móc tội trạng
và trốn mất, ông Thuận mới bị bắt.
Trong bài viết “Thanh hay Thăng,” Huy Ðức dẫn lại những chuyện
liên quan đến các hoạt động của PVC dưới thời Trịnh Xuân Thanh và Vũ Ðức Thuận
với những con số và sự việc mà không biết Huy Ðức được ai cung cấp, nói rằng
hai ông này chỉ là tay chân thân tín của Ðinh La Thăng. Khi ông Thăng ở đâu,
hai ông Thanh và Thuận cũng đều được xếp đặt cho những chỗ thuận lợi, béo bở.
Suốt thời gian Ðinh La Thăng nắm Petro Vietnam (PVN), giá dầu
có khi lên hơn $100 một thùng, tiền vào như nước nên ông ta đầu tư bừa bãi
ngoài ngành với những số tiền hàng chục ngàn tỉ đồng từ nhiệt điện, sợi
polyester, ethanol… đến sân golf, khách sạn, văn phòng, trụ sở… mà Huy Ðức cho
là “rất nhiều công trình được quyết định đầu tư vội vã, bất chấp pháp luật.”
Theo các dẫn chứng và kết luận của bài viết “Thanh hay
Thăng,” những gì Trịnh Xuân Thanh và Vũ Ðức Thuận làm thật ra chỉ là làm theo lệnh
sếp ngồi ở công ty mẹ Petro Vietnam. Như vậy, nếu chỉ hành tội Trịnh Xuân Thanh
và Vũ Ðức Thuận thì chỉ là hành tội tay chân, thuộc cấp mà tảng lờ tôi phạm
chính.
Tài liệu mà nhà báo Huy Ðức cho hay, Ðinh La Thăng khi nắm
PVN không chỉ tiếp nhận một giai đoạn vẫn rất thịnh vượng của ngành mà còn tiếp
quản từ tay người tiền nhiệm khoảng $5 tỷ vốn liếng. Các con số thất thoát,
thua lỗ trong giai đoạn này lên đến hàng ngàn tỉ đồng và hàng chục triệu đô la.
Huy Ðức kết luận: “Thanh-Thuận, cho dù tội trạng tày đình
cũng chỉ là kẻ thừa hành. PVC chưa phải là mất mát đau nhất ở PVN dưới thời
Ðinh La Thăng; di sản của ông ta sau 5 năm ở đây chỉ có thể nói là ‘tan
hoang.’”
Tương tự như vậy, ở bài viết thứ hai “Tảng Băng Nổi” Huy Ðức
cho thấy một Ðinh La Thăng với đầy rẫy các sai phạm khác trong việc lựa chọn
nhà thầu khai thác khí đốt trên biển Việt Nam. Ðó là việc Ðinh La Thăng loại bỏ
nhà thầu Marubeni của Nhật Bản để lấy nhà thầu POTS (công ty Thương Mại và Dịch
Vụ Dầu Khí Biển – thuộc PVN). Vụ này Ðinh La Thăng đã làm tổn thất gần $90 triệu
cho Dự án Biển Ðông I.
Cũng trong bài viết này Huy Ðức chỉ ra việc Ðinh La Thăng thất
bại khi ký kết khai thác dầu với Venezuela ở mỏ Junin-2 với tổng chi phí $1.8 tỷ.
Theo Huy Ðức, “cùng với các tổn thất ở những dự án ‘hợp tác quốc tế’ khác như
Peru-67; SK-305; SK-304, PVN đã ném xuống đại dương không dưới $2.1 tỷ.”
Nhà báo này kết luận: “Tất nhiên, trách nhiệm không chỉ một
mình Ðinh La Thăng. Nhưng nếu không xử lý ông Thăng thì bao nhiêu tuyên bố về
chống tham nhũng cũng trở nên sáo rỗng.”
‘Cạn tàu ráo máng’
Việc truy nã Trịnh Xuân Thanh, bắt Vũ Ðức Thuận và 3 người
khác mà chủ trương từ lệnh của Nguyễn Phú Trọng cho thấy đang có cuộc thanh trừng
và đấu đá trong nội bộ đảng CSVN. Tuy nhiên hai bài viết của Huy Ðức trên trang
facebook cá nhân có uy tín, nơi hàng trăm ngàn người đọc “đánh trực diện” vào
Ðinh La Thăng cho thấy cuộc thanh trừng đang được đẩy lên ở mức độ cao hơn.
Bốn năm trước, người ta thấy tổng thanh tra chính phủ họp
báo nói về những sai phạm tại Petro Vietnam lên đến 18,000 tỉ đồng, trong đó có
trách nhiệm của ông Ðinh La Thăng. Thay vì bị điều tra tới nơi tới chốn, ông ta
lại được đôn lên làm bộ trưởng Giao Thông Vận Tải.
Về bộ này, ông ta lại kéo theo các tay chân thân tín đi theo
gồm cả Trịnh Xuân Thanh và Vũ Ðức Thuận. Rồi ông Thuận được kéo về Sài Gòn làm
trợ lý cho ông Thăng khi ông Thăng vào Sài Gòn làm bí thư thành ủy trong khi Trịnh
Xuân Thanh chạy được cái ghế phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Lại còn được trúng cả
ghế đại biểu Quốc Hội, chỉ bị hất cẳng vì chút sơ hở nhỏ dùng xe riêng mà gắn
“bảng số xe công.”
Khi có cuộc đại hội đảng hồi đầu năm nay, có nhiều lời đồn rằng
ông Ðinh La Thăng đã đổ ra hàng trăm tỉ đồng để mua phiếu của các ủy viên trung
ương bầu ông vào Bộ Chính Trị. Chỗ ngồi càng cao thì càng an toàn.
Chuyện Ðinh La Thăng đang bị các đối thủ thanh trừng có vẻ
đúng so với lời đồn đoán. Nó được minh chứng bằng việc, chỉ ít ngày sau khi
Ðinh La Thăng nhậm chức bí thư thành ủy Sài Gòn, cái tên Ðinh La Thăng xuất hiện
dày đặc trên báo chí bằng những tuyên bố, những chỉ đạo, xoáy vào những vấn đề
bức thiết của dân chúng như giao thông, nông dân bán sữa, công an dẹp tội phạm,
trộm cướp,.. Tuy nhiên trong vài tháng gần đây, cái tên Ðinh La Thăng xuất hiện
thưa thớt trên báo chí và gần như im hơi lặng tiếng.
Theo nhận xét của dư luận, dù chưa biết ai là người cung cấp
tài liệu để nhà báo Huy Ðức tung ra, nhưng nó phải rất khả tín và cách trích dẫn,
lập luận của Huy Ðức rất thận trọng. Không ít người cho rằng, Huy Ðức phải có
thế lực nào đó “chống lưng” bởi không dễ dàng gì “tấn công trực diện” vào một ủy
viên Bộ Chính Trị, bí thư thành ủy Sài Gòn với nhiều quyền lực và tiền bạc. Hơn
nữa, Huy Ðức đang là người sống tại Sài Gòn.
Ở cuối bài viết thứ hai, tác giả Huy Ðức viết: “Có nhiều người
hỏi, khi viết về Ðinh La Thăng tôi có sợ không. Tôi trả lời: Sợ. Nhưng tôi có một
nỗi sợ lớn hơn, đó là, tôi sợ tương lai đất nước tôi rơi vào tay những kẻ tham
lam và bịp bợm.”
Nếu những gì nêu ra trong hai bài là đúng, thì có dẫn đến việc
điều tra một ủy viên Bộ Chính Trị hay không? Nếu có thì đây là một chuyện vô
cùng hiếm hoi của đảng CSVN.
Và, nó chỉ có thể xảy ra khi các phe cánh trong nội bộ đảng ở
chóp bu nhất định chơi nhau cạn tàu ráo máng.
Nguồn:
Nguồn:
http://www.nguoi-viet.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét