Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

Công an đánh phóng viên: Báo điện tử Quốc Hội đăng đàn chửi mướn?

Thiên Điểu


(VNTB) - Bài viết của Nam Phong được đăng trên trang tin của Quốc hội, với những thủ thuật cắt ghép để buộc tội, biến người bị hại thành có lỗi.. cho thấy vấn nạn bao che và dùng mọi thủ đoạn để bao che cho cái ác, cái sai bất chấp luật pháp  trong bộ máy công quyền xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc.

Kết quả hình ảnh cho hinh anh công an đánh phóng viên thế

Thứ Hai, 26/09/2016, 21:22 (GMT+7), trang quochoi.org có bài viết với tựa đề “Có lãnh đạo nào của báo Tuổi Trẻ lên tiếng xin lỗi cảnh sát chưa?” của tác giả ký danh Nam Phong.

Đọc từ tựa đề tới toàn bộ nội dung, có thể thấy ngay được văn phong của người viết thuộc style mang đậm màu sắc đặc trưng của Công an trong xã hội Việt Nam hiện nay: Áp đặt và qui chụp trách nhiệm theo kiểu suy luận một chiều và lấp liếm một cách khá tinh vi.

Suốt bài viết, Nam Phong liệt kê hàng loạt các trang báo đã đưa tin về vụ phóng viên Trần Quang Thế khi ghi hình hiện trường vụ án bị cảnh sát hình sự hành hung dã man ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Danh sách liệt kê có thể nói là “vạch mặt” gần như toàn bộ làng báo nhà nước đình đám để kết luận nhiều tờ báo đăng tải rất nhiều bài viết về vụ việc Công an hành hung phóng viên trên cầu Nhật Tân. Thậm chí, trong chương trình thời sự 19h của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) cũng đưa tin và hình ảnh cùng góc nhìn trên làm bùng lên bức xúc của dư luận cả nước.”

Đứng trên phương diện nghề nghiệp, chưa vội xét đến những “cơ sở” mà Nam Phong  dẫn giải sẽ phân tích bên dưới, người ta có thể kết luận ngay: Hành động của Nam Phong trước hết là hành vi quay lưng, phản thùng đồng nghiệp -  nói trên phương diện người viết báo. 

Bài viết được đăng trên trang điện tử của Quốc hội, là trang  tin lẽ ra phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc đứng về phía người dân để giám sát mọi vấn đề xã hội liên quan bộ máy nhà nước. Cho thấy ít nhất bài viết của Nam Phong được Ban biên tập quochoi.org bật đèn “đồng thuận” cho việc phản công lại giới truyền thông, nếu không nói là có một âm mưu nào đó muốn đổi trắng thay đen trong một vụ việc rõ như ban ngày.

Chủ ý của Nam Phong  thể hiện rõ ràng ở các vấn đề như sau:

Thứ nhất: Tác giả Nam Phong trích dẫn nội dung để chứng minh không tự nhiên CA đánh phóng viên bằng cách cắt một số đoạn clip đoạn đối thoại có tiếng viên CSHS nói “mày chửi ai hả?”,  một đoạn có câu của phóng viên Trần Quang Thế “em đã xin lỗi rồi mà” và đoạn có đoạn mà người mặc quân phục CA (Nguyễn Danh Thắng) yêu cầu phóng viên “hợp tác”...  

Xem qua thì thấy Nam Phong “có lý”. Nhưng chú ý kỹ hơn thì ai cũng có thể nhận ra ngay đây là một thủ đoạn dẫn dắt để kết tội nham hiểm thường thấy. Chứng minh điều này không khó:

- Các đoạn clip  dẫn chứng đều  là các diễn biến  được ghi tại các thời điểm khác nhau. Được cắt rời ra rồi xâu chuỗi lại thành một chuỗi sự việc khiến người đọc lầm tưởng đó là một diễn biến liên tục, có liên quan với nhau.. dẫn đến các CA “bức xúc” mới đánh Trần Quang Thế.

Cụ thể: Đoạn sĩ quan Nguyễn Danh Thắng xuất hiện, nghe qua đối thoại thì  chủ ý đứng ra ngăn cản xô xát và đề nghị phóng viên Thế “hợp tác”  tại vị trí bên trái cầu. Thực tế đây là diễn biến xảy ra khi Thế yêu cầu CA kiểm tra một CSHS (mặc áo trắng sọc kẻ) đã đập vỡ máy quay của phóng viên trước đó (lần 1). Tiếp sau ngay khi Nguyễn Danh Thắng đề nghị Thế “hợp tác” thì Thế không ra ngay mà vẫn yêu cầu (Nguyễn Danh Thắng) phải kiểm tra người đã đập máy quay kia nhưng không được đáp ứng. Một CSHS khác mặc áo thun đỏ xưng là “chỉ huy” tới lớn tiếng đuổi phóng viên Thế và thách thức quay phim mình, sau đó cũng ra tay đập máy quay trên tay Thế (lần 2). Như vậy có thể thấy ngay: Trước đó CSHS đã ngăn cản và đập máy quay của phóng viên Thế, viên CA mặc sắc phục (Nguyễn Danh Thắng) mới ra dàn hòa, các CSHS mặc thường phục  đã ngăn cản và đập máy quay (lần 1). Sau khi viên CSHS mặc áo thun đỏ xưng là “chỉ huy ở đây”  công khai thách thức và thẳng tay đập máy quay (lần 2) thì mới tới diễn biến mấy CSHS mặc thường phục khác ùa vào đuổi đánh phóng viên Thế tới chảy máu miệng, bao gồm cả đoạn viên CSHS tung cú đá và câu nói của Thế “đã xin lỗi rồi mà”. Đoạn sau này được quay ở phía bên phải cầu, nghĩa là  nó xảy ra khi phóng viên Thế đã di chuyển ra khỏi khu vực mà trước đó xảy ra  việc đập máy quay (bên trái cầu), nơi mà CSHS yêu cầu Thế không tiếp cận.

- Không có bất cứ chi tiết nào trong clip  của phóng viên Thế và phía CA (chắc chắn cũng có quay phim) được trích dẫn cho thấy Thế đã có hành động hay lời nói “xúc phạm” hay  “coi thường”  các nhân viên CA tại hiện trường như giả thiết của Nam Phong đưa ra. Câu nói “xin lỗi rồi mà” của Trần Quang Thế  xuất hiện trong diễn biến bị 5 người mặc thường phục cùng lao tới đuổi đánh, giọng Thế hơi run cho thấy trong tình thế tâm lý khá sợ hãi vì bị đánh. Câu nói “xin lỗi” rõ ràng là phản ứng thụ động của người yếu thế khi bị tấn công dữ dội, không thể chống đỡ.. được bật ra để thoát thân trước nguy cơ bị nguy hiểm hơn bởi  hành vi côn đồ chứ không thể chứng minh Thế có lỗi trước đó như các phân tích đã nói trên.
Coi thường dân và bất chấp luật pháp

Nhìn lại toàn bộ vụ việc, điều đầu tiên nói về nghiệp vụ điều tra và các vấn đề “có thể  ảnh hưởng  công tác điều tra” mà Nam Phong dẫn dắt thì thấy nhiều chi tiết bất hợp lý hơn. Công an điều tra thay vì muốn tìm chứng cớ phải khoanh vùng khu vực cần phong tỏa ngay bằng dây căng hoặc cho CA sắc phục ra chặn ngay từ đầu nhưng hoàn toàn không có. Đối với vụ việc cụ thể này thì “hiện trường” có thể có thông tin hữu ích chỉ xung quanh chiếc taxi của nạn nhân và lan can cầu, nơi nạn nhân bị ném xuống và dấu hiệu trên chính cơ thể nạn nhân. Vì toàn bộ mặt cầu là nơi giao thông, gần như không ai điều tra lại có thể hi vọng tìm thấy dấu vết ở đây. Mặt khác, phóng viên ghi hình thuần túy không chạm vào bất cứ vật gì khác có thể liên quan chứng cứ và cũng không thể là “ngăn cản, gây ảnh hưởng hoạt động điều tra” như tác giả bài viết đã qui chụp cho phóng viên Trần Quang Thế.

Là phóng viên chuyên nghiệp hay chỉ là một người chửi mướn đăng đàn trên trang truyền thông của cơ quan mà về danh nghĩa là "Quyền lực nhất nước; Đại diện cho nhân dân..", bài viết của Nam Phong thể hiện rõ chủ ý bênh vực cho lực lượng CA lạm dụng quyền lực, vi phạm pháp luật đang bị tất cả giới truyền thông và dư luận người dân lên án. Tác giả Nam Phong quy chụp giới truyền thông chỉ “đưa tin một chiều”, nhưng lại tự đưa ra kết luận sau những thủ đoạn cắt ghép để  đưa ra hướng suy đoán cá nhân nhằm qui lỗi cho phóng viên  và ngạo mạn đòi “lãnh đạo báo Tuổi Trẻ xin lỗi”  thì bản thân Nam Phong bộc lộ ý đồ gì không cần phải nói thêm.

Bài viết của Nam Phong được đăng trên trang tin của Quốc hội, với những thủ thuật cắt ghép để buộc tội, biến người bị hại thành có lỗi.. cho thấy vấn nạn bao che và dùng mọi thủ đoạn để bao che cho cái ác, cái sai bất chấp luật pháp  trong bộ máy công quyền xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc. Nó là cội nguồn của những vụ án oan, bức cung và lợi dụng quyền lực, bức hại người khác đã và đang xảy ra từ rất lâu trong xã hội Việt Nam.
 Nguồn:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét