Tháng 9/2016, có bản tin nhỏ lọt thỏm trong thành phố vốn đã
quá nhiều chuyện eo sèo. Bản tin kể về việc một nhóm thầy cô giáo của trường
Bành Văn Trân, Tân Bình, tổ chức đấu tố một giáo viên vì dạy thêm ở nhà, theo lệnh
của Phòng Giáo dục Quận Tân Bình, Sài Gòn.
Bản tin nhỏ, nhưng phác họa khá rõ về bộ mặt giáo dục của Việt
Nam hôm nay. Theo Phòng Giáo dục Quận Tân Bình, thì họ nhận được mật báo của
“phụ huynh” nào đó nên đã yêu cầu trường hành động. Cô giáo này đã bị buộc phải
hủy lớp dạy luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ Cambridge – một chương trình học
không dính líu gì đến sách giáo khoa của nhà trường. Cô cũng bị kỷ luật, không
được xét thi đua và bị làm nhục bằng cách phải trả lại học phí cho tất cả các học
sinh đã đến xin cô giúp dạy thêm.
Đây là một trong những sự kiện mới mẻ về chuyện thầy trò ở
Việt Nam. Hình ảnh những người có tri thức, muốn truyền lại cho thế hệ sau theo
thể thức truyền thống, bị chính quyền địa phương bị rượt đuổi, chận bắt quả
tang, sao mà thật khó tả. Họ bị làm nhục và thậm chí bị phạt tiền như một loại
tội đồ bởi thông tư 17 của Bộ Giáo dục Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cuộc đời như một vòng quay của bánh xe, nhưng ở đất nước
này, nó là một vòng quay nghiệt ngã nhắc lại rằng sau gần nửa thế kỷ, những người
trí thức lại gánh khổ nạn không khác gì những ngày sau tháng 4/1975. Kể từ khi
đất nước có một Bộ Giáo dục duy nhất, miền Nam Việt Nam đã từng ngậm ngùi tiễn
khoảng 50.000 tiến sĩ, giáo sư, cử nhân, nhà văn, nghệ sĩ… vào các trại tù tập
trung cải tạo, trong tổng số hơn 2.500.000 người phải chịu khổ nạn ấy. Mà theo
tài liệu của trang VietnamWar, giới trí thức, thầy cô giáo, giáo sư… bị xếp vào
loại nguy hiểm bậc 2 và bậc 3, trong số 5 loại cần phải “cải tạo”.
Những đứa trẻ chưa đến 15 tuổi luyện thi chứng chỉ
Cambridge, khi biết cô giáo của mình bị trừng phạt vì đã nỗ lực chia sớt kiến
thức và kinh nghiệm cho chúng, hãy tự hỏi chúng đang nghĩ gì?
Với những gì đã diễn ra trên đất nước này, lúc trưởng thành,
chúng sẽ hiểu rằng mái trường xã hội chủ nghĩa không thơ mộng như những bài văn
tả tiếng ve, hay những bài hát mùa hè. Mái trường xã hội chủ nghĩa mà chúng được
biết từ sau 1975, được thống nhất bằng phương thức thô lậu: học sinh bị nghi ngờ
điều gì đó sẽ bị chuyển cho công an thẩm tra, giam cầm. Thầy cô nếu dám dạy
thêm cho chúng theo lời nài nỉ, thì có thể bị làm nhục bởi chính các nhà sư phạm
khác.
Con cái chúng ta tội tình gì mà phải chứng kiến hay chịu những
điều tổn thương ấy, dưới mái trường xã hội chủ nghĩa ấy?
Định kiến với dạy thêm và những biện pháp thô bỉ phi giáo dục
được áp đặt cho những người thầy, người cô đang được coi là giải pháp thông
minh của những người có trách nhiệm của ngành giáo dục. Hôm nay, Khổng Tử có mặt
ở Việt Nam chắc cũng cùng đệ tử chạy bán sống bán chết trước tiếng tu huýt ruợt
đuổi vì dám dạy thêm. Socrates sẽ ngậm miệng, không dám nói một lời minh triết
nào trước đám học trò đến trước cửa ngồi chờ, vì sợ “phụ huynh” nào đó mật báo
về kẻ dám dạy thêm.
Đột nhiên, cách huấn dục phi chính phủ, đời gia sư… có từ
ngàn đời, hôm nay lại phải đeo một bản án do những người cộng sản đặt ra.
Thật là một điều tồi tệ, khi Bộ Giáo dục Việt Nam không nhận
ra hiện trạng của đất nước hôm nay, chính là vũng lầy do họ đào bới. Học thêm,
lạm dụng học thêm hay khốn khổ phải học thêm…v.v, tất cả mọi thứ đó là hậu quả bế tắc từ những
nhà kiến thiết nền giáo dục tồi. Và khi hôm nay, để chạy chữa cho hiện trạng
chính họ tạo ra, Bộ Giáo dục tạo nên một mệnh lệnh mới, phủi tay và đẩy tội lỗi
về phía các thầy cô. Lạ lùng thay, khi con bệnh không chịu uống thuốc, nhưng lại
buộc cả xã hội phải uống thuốc thay cho nó.
Tội nghiệp cho con cái chúng ta, những đứa trẻ vô tội. Chúng
được đưa vào nhà trường và trở thành vật thí nghiệm cho những đề án cao xa, của
một nền giáo dục từ sau 1975 đến nay luôn rộn rịp cải cách và huy hoàng trong
những thất bại. Nhiều đời Bộ trưởng giáo dục Xã hội chủ nghĩa vẫy tay ra về
trong đắc thắng, bất chấp văn hóa và tri thức của nhiều thế hệ ở lại, cấu bám
nhau để cố thoát khỏi bờ vực.
Trong một điều tra về nền giáo dục Việt Nam, AFP từng viết rằng
“Mệt mỏi bởi những gian lận tràn lan, học vẹt vô tận và các lớp học tư tưởng
Lênin bắt buộc, phụ huynh giới trung lưu của lứa học sinh trung học tại Việt
Nam luôn nghĩ đến cách chạy trốn khỏi hệ thống trường học của quốc gia, để được
giáo dục ở nước ngoài”.
Cũng theo tìm hiểu của AFP, đến năm 2015, mỗi năm giới phụ
huynh chi hơn 1 tỉ USD để con mình được học ở các trường trung học và đại học ở
nước ngoài. Nhưng đây cũng là ước mơ chung của khoảng 17 triệu học sinh và sinh
viên tại Việt Nam vẫn mong được “tị nạn giáo dục” – một cách nói rất phổ biến từ
hơn 5 năm nay.
Xin hãy tự đặt ra một câu hỏi, ở Việt Nam, con cái chúng ta
đang học để làm gì? Học để bị thí nghiệm tinh thần duy ý chí của các quan chức
kém cỏi sáng kiến nhưng giỏi vâng lệnh? Học để tạo dựng cuộc đời cho chính
mình, hay học để trở thành người phục vụ cho tư duy chính trị của đảng cầm quyền?
“Bốn thập kỷ sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam vào năm 1975, các quan chức
cộng sản vẫn chưa cải cách đầy đủ về một lĩnh vực giáo dục. Các nhà bình luận
thì nói rằng các chương trình thì luôn nhằm để thúc đẩy tính Đảng, chứ không ưu
tiên tạo ra một người giỏi việc”. AFP từng viết như vậy trong bài có tựa đề
Vietnam’s creaking education system pushes students overseas.
Gần đây, một tài liệu nghiên cứu mang tên Nhìn lại nền giáo
dục VNCH: sự tiếc nuối vô bờ bến, luôn được tái đăng trên các trang mạng. Đọc lại
những gì đã làm được của nền giáo dục bị gọi là đồi trụy, lai căng đó… quả là một
sự tiếc nuối vô bờ bến về giáo dục và tinh thần độc lập dân tộc. Và hơn nữa,
trong giai đoạn chiến tranh khốn khó, giới nhà giáo miền Nam – luôn sống với dạy
thêm – vẫn được xem là thành phần được kính trọng bậc nhất của xã hội, thậm chí
một chính khách hay tướng lĩnh khi đối diện vẫn phải cúi chào.
Nền giáo dục bị hủy bỏ đó không hô khẩu hiệu phải đứng hàng
đầu thế giới, không đưa trẻ em vào đồn công an, không rượt đuổi các thầy cô
giáo đến tận nhà để làm nhục vì dạy thêm… nhưng vẫn tạo ra những trí thức bậc
nhất, mà sau 1975, ông Võ Văn Kiệt coi đó quý như vàng, và luôn mời gọi họ hãy ở
lại giúp đất nước.
Những ngày chiến tranh Nam- Bắc Việt Nam, Trung Cộng vẫn là
kẻ thù đáng gờm của Việt Nam Cộng Hòa, thế nhưng ở các trường đại học, người ta
vẫn nghiên cứu và học tiếng Hán một cách bình thường. Nó khác với cái cách mà Bộ
Giáo dục Việt Nam hôm nay hồ hởi thúc đẩy tiếng Hán vào nhà trường như một món
quà nối kết tình đảng Việt – Trung, nhân danh văn hóa.
Ngôn ngữ không có tội khi bị đưa vào giảng dạy. Và con cái
chúng ta cũng không có tội để bị ép phải học ngôn ngữ nào mà chúng không muốn.
Trong mối quan hệ mật thiết giữa đảng Cộng sản Việt Nam và đảng Cộng sản Trung
Quốc, tiếng Hán có thể trở thành chuyện quan trọng – nhưng chắc chắn không thể
coi chuyện học tiếng Hán như một cách “cứu sự sụp đổ tiếng Việt”, nhưng kiểu một
tay trí thức hạng bét nào đó thích la liếm theo chính sách tuyên truyền, được
báo chí nhà nước tung hô.
Con cái chúng ta vô tội, nên chúng không thể trở thành khán
giả vô tình cho việc hủy hoại một nền giáo dục, hay đồng lõa biến con mình
thành loại cừu ngu ngốc của các thí nghiệm áp đặt. Chúng phải được quyền tự chọn
lựa học thêm hay không, trong thế giới này.
Những đứa trẻ ngây thơ vô tội đó cần tiếng nói của chúng ta – những phụ huynh
– vốn đã có quá đủ kinh nghiệm về sự suy đồi trong xã hội vì im lặng.
Con cái chúng ta có nguyên bản sơ khởi là tự do và vô tội. Vậy
chúng cũng cần được quyền lựa chọn học ngôn ngữ nào cho chính cuộc đời và tương
lai của chúng, chứ không phải theo sự áp đặt tiến cống của ông Phùng Xuân Nhạ
hay bất kỳ ai khác. Đừng quên, trong khi con cái chúng ta gồng gánh sách vở, và
vứt bỏ cuộc đời bên ngoài để đáp ứng cho những chương trình cuồng điên của Bộ
Giáo dục, thì có thể con cái những người như ông Nhạ đang rong chơi và thanh thản
học những chương trình rất lành mạnh ở nước ngoài.
Con cái chúng ta cũng vô tội như con cái những vị ấy. Chúng
cần được sống trong một xã hội không có độc tài giáo dục và nói láo về Lê Văn
Tám, Phan Đình Giót, không hủy diệt tri thức và không làm tổn thương thầy cô của
chúng, không bị giải đi vào đồn công an ở tuổi thiếu niên, và không bị ép để
sinh ra để trở thành công cụ cho ai đó, mà có quyền chọn cho mình một cuộc đời
tự do, một lối đi tự do mà chúng muốn.
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét