Dư luận và xã hội thờ ơ, ngay cả giới phật tử cũng không ngó
ngàng, còn những tay “cò tôn giáo” thì luôn luôn tận dụng cơ hội vuốt đuôi kẻ
chức quyền, rình rang tổ chức kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt
Nam (GHPGVN), tổ chức mà người trong cuộc quen gọi là “Giáo hội nhà nước” hay
“Phật giáo quốc doanh”.
Trong bài “Văn minh tiểu phẩm” đang lưu truyền khá “hot”
trên mạng, Thích Tuệ Sĩ, theo thiển ý của tôi, là một thiền sư “chất” nhất Việt
Nam hiện nay, có nêu nhận xét: “Một thứ Phật giáo theo định hướng xã hội chủ
nghĩa còn quái dị hơn một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ
nghĩa”… (1) Bài tiểu luận này ông viết năm 2003, đối chiếu với tình hình thực tế
mười mấy năm của Việt Nam, thấy đúng từng centimet!
Như đã biết, kế thừa và phát triển hoạt động của Tổng hội Phật
giáo Việt Nam ra đời năm 1951 tại chùa Từ Đàm – Huế, thì tháng 1/1964, ngay sau
nền Đệ Nhất Công hòa ở Miền Nam Việt Nam sụp đổ, thì ở Sài Gòn ra đời tổ chức
“Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất” (GHPGVNTN), có chủ trương: “hoàn toàn
độc lập, không lệ thuộc bất cứ tổ chức đảng phái chính trị thế gian nào.
GHPGVNTN kế thừa truyền thống 2000 năm dựng nước và giữ nước của chư Tổ, chư vị
Cao Tăng và luôn cùng gánh chịu mọi thăng trầm, vinh nhục với dân tộc”.
Trong khoảng thời gian hơn 10 năm tồn tại (1964 – 1975)
GHPGVNTN đã ghi dấu son trong lịch sử phát triển Phật giáo Việt Nam. Xây dựng một
thế hệ Phật tử thuần chất có niềm tin chân chính với đạo Phật, quy tụ được một
tầng lớp tu sĩ bản lĩnh và nhiều thanh niên trí thức trẻ đầy nhiệt huyết xung
quanh mình. Cùng với danh tiếng nổi bật hơn cả các trường đại học thế tục thời
đó của Viện đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn và hệ thống các trường Bồ đề tư thục trải
dài khắp các tỉnh thành từ vĩ tuyến 17 trở vào. Sản xuất ra nhiều sáng tác,
nghiên cứu dịch thuật về Phật giáo và triết học, văn học sử có giá trị. Lần đầu
tiên VN dịch Đại tạng kinh, dịch kinh Nikaya, cho ra đời Tạp chí Tư Tưởng Vạn Hạnh…
Có thể nói chỉ trong vòng 10 năm tồn tại GHPGVNTN đã để lại một di sản văn hóa
Phật giáo đáng tự hào.
Sau 1975, GHPGVNTN không được chính quyền mới cho phép hoạt
động. Cùng chung số phận với nhiều tổ chức xã hội dân sự, sinh hoạt Phật giáo
rơi vào “khoảng lặng”. Cho đến tháng 11/1981, dưới bàn tay nhào nặn của chính
quyền Cộng Sản thì GHPGVN theo định hướng xã hội chủ nghĩa ra đời sau hai ngày
họp tại Hà Nội.
Việc ra đời của tổ chức GHPGVN theo định hướng xã hội chủ
nghĩa, là một tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thể nói là một
“thành công” về “công tác tôn giáo vận” của chính quyền Cộng Sản. Dùng thủ thuật
“lấy mỡ nó ráng nó” để phá vỡ khối đoàn kết vững chắc của các tu sĩ Phật giáo
Việt Nam Thống Nhất, cài cắm những thầy tu công an vào đội ngũ mới, lợi dụng
mua chuộc các tu sĩ kém bản lĩnh, tùy tiện diễn giải nhiều lý thuyết kinh Phật
để phục vụ mục đích tuyên truyền chính trị… Đỉnh điểm là việc hiện nay không ít
nhà chùa nghe theo lời chính quyền mang tượng “Bác Hồ” lên bàn thờ, đặt ngồi
ngang với Phật – Tổ để nhận được các đặc ân như giấy phép cấp đất, xây chùa to
phật lớn…
Chùa Huệ Nghiêm, quận 2. Ảnh: internet
Vẻ bề thế của một ngôi chùa Phật giáo theo định hướng xã hội
chủ nghĩa trên đường Lương Định Của Q. 2, TP. HCM. Tuy nhiên, cùng nằm trên tuyến
đường này nhưng chùa Liên Trì của GHPGVNTN (không theo định hướng XHCN) vừa bị
san bằng tháng 9/2016.
Điều nghịch lý là, người “cầm trịch” nhiệm kỳ đầu tiên của
Giáo hội Phật giáo định hướng xã hội chủ nghĩa không ai khác là Hòa thượng
Thích Trí Thủ (sư phụ của Thích Tuệ Sĩ) và cái chết bất ngờ của ông khoảng 2
năm sau đó cho đến nay vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
HT Thích Trí Thủ (1909 – 1984) là người làng Trung Kiên huyện
Triệu Phong tỉnh Quảng Trị, một vùng đất mà trong giới Phật giáo lưu truyền câu
sấm: “thế thế xuất hùng tăng” (đời nào cũng xuất hiện những tu sĩ nổi tiếng),
là một vị cao tăng có tầm nhìn quảng bát và có sức cuốn hút về đời sống tâm
linh.
Người viết có cơ duyên hai lần gặp ông và sau này tìm hiểu
qua nhiều nguồn tư liệu, nhận thấy rằng ông không phải là người có tham vọng
chính trị, mà là vị Hòa thượng một lòng một dạ với lý tưởng đạo Phật, luôn luôn
thao thức với vận mệnh của quê hương và dân tộc. Trước khi giữ chức Chủ tịch Hội
đồng Trị sự của giáo hội Phật giáo nhà nước nhiệm kỳ đầu tiên năm 1981, thì năm
1967 ông đã từng được bầu chọn làm Viện trưởng Viện hóa đạo, tổ chức điều hành
mọi hoạt động của GHPGVNTN như đã nêu trên.
Ai hiểu đạo Phật đều biết, một trong những giới luật căn bản
của đức Phật là: “tu sĩ không được tham gia chính trị, tu sĩ không được nối dõi
tông đường” (bất năng an quốc trị bang, gia nghiệp đốn quyên kế tự). Nhưng
không phải vì thế mà cho đạo Phật là bi quan yếm thế. Phật giáo Đại thừa lấy
tinh thần nhập thế (engaged buddhism) làm kim chỉ nam hành động, cho rằng: “nếu
xa rời thế gian mà đi tìm sự giải thoát là việc làm vô nghĩa, chẳng khác nào đi
tìm cái sừng trâu” (ly thế mích bồ đề, do như cầu thố giác). Tư tưởng “đạo Phật
nhập thế” chính là tư tưởng chủ đạo trên con đường lý tưởng của nhiều vị Tổ Sư
tiền bối.
Nếu ví tư tưởng nhập thế của Đại thừa Phật giáo là lối đá tấn
công trong một trận bóng, thì việc chọn đúng thời điểm chọn đúng đối thủ để áp
dụng lối đá tấn công hay không, theo tôi đây mới chính là huyệt điểm của Phật
giáo Việt Nam trong cuộc “hôn nhân” với nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nếu ví von HT Trí Thủ là “huấn luyện viên” đầu tiên của “đội bóng Phật giáo” trong trận
cầu kéo dài 35 năm (1981-2016) với “đội chủ nhà” là chính quyền xã hội chủ
nghĩa, thì “đội Phật giáo” đã sập bẫy “hồi mã thương” của đội chủ nhà dẫn đến một
kết cục có thể nói là bi thảm đối với vị “huấn luyện viên” và nhiều “cầu thủ” của
mình, cộng với một di sản Phật giáo nhiều đổ vỡ hiện nay.
“Một buổi sáng mùa xuân, cuối tháng 3 năm 1984, Ôn Già Lam
(tên gọi gần gũi ở chùa của HT Trí Thủ) và đại chúng xong thời lễ tụng 108 biến
Hồng danh. Về phòng, Ôn uống trà và điểm tâm. Sau giờ điểm tâm, là việc làm thường
nhật, tưới nước, quét sân, cho cá ăn… Nhưng sáng hôm nay Ôn đã không làm việc
đó, vì có lệnh công an mời lên họp trên Mặt trận Tổ quốc, do vậy Ôn đi từ sáng
sớm. Sau khi Ôn đi rồi thì công an vào soát chùa Già Lam, đồng lúc bên viện Phật
học Vạn Hạnh cũng bị soát. Họ, công an, bắt quí thầy vào ngồi phòng khách,
không được đi lại, một số công an khác lên phòng Thầy Tuệ Sỹ và Nguyên Giác kè
hai Thầy lên xe và chở đi, không nói một lời từ biệt. Và bên Thiền viện Vạn Hạnh
cũng không khác, cùng một thủ thuật, họ bắt Thầy Trí Siêu (Lê mạnh Thát) và Thầy
Như Minh cũng kè ra xe rồi chạy mất. Có điều thật dễ thấy là mạng lưới công an
đã bao vây chùa Già Lam và Vạn Hạnh từ sáng sớm, cũng như họ đã toan tính trước,
vì vậy, bên chùa Già Lam thì họ mời Ôn đi họp sớm, còn bên Vạn Hạnh thì Ôn Minh
Châu cũng đã đi họp mấy hôm ở Hà Nội, cho nên cả hai nơi đều vắng mặt hai Ôn, mục
đích để họ dễ bề hành sự. (3)
Khi từ UBMTTQ trở về nghe tin hai thầy bị bắt, Ôn Già Lam đã
chảy nước mắt. Khoảng một tuần sau đó, ngày 2/4/1984 HT Trí Thủ bị cơn cảm mạo
được xe cứu thương chở vào bệnh viện Thống Nhất ở SG thì qua ngày sau Ôn được
chở về chỉ còn là cái xác.
Chưa hết: “Từ Huế vào thành phố Hồ Chí Minh lo tang lễ Hòa
thượng Thích Trí Thủ xong, chỉ trong vòng 10 ngày thì Hòa thượng Thanh Trí cũng
viên tịch theo chân Hòa thượng Chủ tịch tại chùa Già Lam Sài Gòn lúc 13g30 phút
ngày 13 tháng 3 năm Giáp Tý (13.4.1984). Lễ nhập quan được cử hành tại Quảng
Hương Già Lam và sau đó Kim quan Hòa thượng được cung nghinh về nhập tháp tại
khuôn viên chùa Báo Quốc. Kim quan nhập tháp ngày 17 tháng 4 năm 1984 trong niềm
xúc động thương tiếc của Tăng Ni Phật tử. Hòa thượng hưởng thọ 66 tuổi đời và
được 36 hạ lạp”. (4)
Tới đốt nhang nhân 32 năm ngày mất của HT Thích Trí Thủ
(4/7/2016), đứng trước mộ tháp của ông mà tôi như thể lên cơn cảm lạnh, sống
lưng tôi như có một luồn điện chạy qua. Tôi liên tưởng đến cái chết của những
nhân vật chính trị CS như Võ Văn Kiệt, Nguyễn Bá Thanh, Phạm Huy Ngọ…
Như vậy trong vòng hai tuần, “đội bóng Phật giáo” mất đi hai
vị hòa thượng có bản lĩnh và giàu tâm huyết với đạo pháp và dân tộc là HT Thích
Trí Thủ và HT Thích Thanh Trí. Hai vị thượng tọa trẻ được coi là tài hoa nở sớm
của Phật giáo VN là Thích Tuệ Sĩ và Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát) bị nhốt tù với
cái án tử hình được kêu sau đó 3 năm, về sau được giảm xuống còn án chung thân.
Ngoài ra nhiều tăng ni có năng lực khác cũng bị bắt nhốt tù cùng đợt, điển hình
là HT Thích Đức Nhuận, Ni sư Thích Nữ Trí Hải…
Trong một tâm thư viết năm 2003 gởi cho các tu sĩ Phật giáo
thế hệ trẻ, Thiền sư Tuệ Sĩ thao thức: “Người xuất gia, khi cất bước ra đi, là
hướng đến phương trời cao rộng; tâm tính và hình hài không theo thế tục, không
buông mình chìu theo mọi giá trị hư dối của thế gian, không cúi đầu khuất phục
trước mọi cường quyền bạo lực. Một chút phù danh, một chút thế lợi, một chút an
nhàn; Đấy chỉ là những giá trị nhỏ bé, tầm thường và giả ngụy…
Khoa trương bảo vệ Chánh pháp, mà thực tế chỉ là ôm giữ chùa
tháp làm chỗ ẩn núp cho Ma vương, là nơi tụ hội của cặn bã xã hội. Hô hào truyền
pháp giảng kinh, thực chất là mượn lời Phật để xu nịnh vua quan, cầu xin một
chút ân huệ dư thừa của thế tục, mua danh bán chức… Xưa kia, khi vua chúa bắt
sư tăng cúi đầu nhận tước lộc của triều đình để làm tôi tớ cho vương hầu, chư Tổ
đã sẳn sàng đặt đầu mình trước gươm bén, giữ vững khí tiết của người xuất gia.
Đó là thanh quy: Sa môn bất kính vương giả”.
“Quê hương và đạo pháp là những mỹ từ thân thương đã trở
thành sáo rỗng. Các con hãy tự rèn luyện cho mình một tín tâm bất hoại; một đức
tính dũng mãnh vô úy; nỗ lực tự huân tập trí tuệ bằng văn, tư, tu để nhìn rõ sự
tướng chân ngụy, để thấy và biết rõ mình đang ở đâu, đang đi về đâu; không nhắm
mắt phóng càn theo cỗ xe lộng lẫy bên ngoài nhưng rệu rã bên trong, đang lao xuống
dốc dài không định hướng”… (5)
Hiện nay, trong cơn hấp hối về niềm tin và đạo đức lối sống
của xã hội, lãnh thổ lãnh hải Việt Nam bị đe dọa xâm chiếm, nông dân bị đẩy vào
thế đối kháng với chính quyền trong nhiều vụ cưỡng chế ruộng vườn, ngư dân của
4 tỉnh miền Trung bị đẩy ra ngoài lề cuộc sống bởi vấn nạn ô nhiễm môi trường
biển nghiêm trọng mang tên “Fumosa”… Nhà chùa dường như vẫn an toàn và miễn nhiễm:
bất chấp dư luận tổ chức nhiều lễ hội tốn kém vô bổ, lên dự án xây dựng những
ngôi chùa nghìn tỉ, scandal nhà chùa xảy ra như cơm bữa… Di sản Phật giáo sau
35 năm có gì ngoài những cái xác chùa hoành tráng bê tông cốt thép vô hồn, và
những tai tiếng kiểu như: “nghi án nhà sư đạo văn luận án tiến sĩ”(6), “Tham
nhũng lan vào chốn linh thiêng” (7)…
Có gì na ná với nhiều vấn nạn của đất nước: Lạm phát “tượng
đài nghìn tỉ”, tệ nạn chạy bằng cấp để mua quan bán chức, “sống chết mặc bay,
tiền thầy bỏ túi”!?
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét