Nhà phố bên kia đường trước nhà tôi trồng một cây xoài giống
xoài Đài Loan. Quả to, trái sai, lúc lỉu như đám lợn con trên cành xanh, trông
thật vui mắt. Có nhẽ khí hậu đất phương nam thích hợp nên mỗi năm cây 2 lần
kết hoa đậu quả, tháng 3 và tháng 8 tây, chả như đất Hải Phòng quê tôi cây ăn
quả chỉ mỗi năm một vụ.
Cứ bất giác thấy bông xoài trổ ra trắng ngà khỏi đám lá xanh, lại nghĩ vẩn vơ cái đồng hồ sinh học này báo cho mình biết thêm một nửa năm tuột khỏi đời mình. Cười nghĩ thầm đời mình được tính đếm bằng vụ xoài chứ không phải tháng này năm nọ.
Cứ bất giác thấy bông xoài trổ ra trắng ngà khỏi đám lá xanh, lại nghĩ vẩn vơ cái đồng hồ sinh học này báo cho mình biết thêm một nửa năm tuột khỏi đời mình. Cười nghĩ thầm đời mình được tính đếm bằng vụ xoài chứ không phải tháng này năm nọ.
Lúc nhà bên ấy trồng, tôi bảo trồng cây ăn trái ven đường,
nhất là ở thành phố xứ ta, chẳng dễ ăn đâu, mà có khi rước thêm sự bực vào
mình. Anh chủ, nay đã mất rồi, cười bảo đứa cháu ở quê lên chơi đem cho, không
trồng ở đấy cũng chả biết giấm vào đâu, vả lại có cái lỗ sẵn rồi, trước định giồng
cây bàng, sau nghe nói bàng ra trái nhiều rụng bẩn lắm, chỉ tổ dọn vất vả, nên
thôi.
Kỳ này, xoài phố nhiều quả lắm. Vụ trước thất mùa nên vụ này
ông giời bù lại. Thiên nhiên cứ thường công bằng như thế. Quả bám đầy cây, sà cả
xuống phố. Lúc chúng còn nhỏ, người đi qua đi lại nhìn ngắm tấm tắc. Khi da
chúng ửng hồng, trái xoài Đài Loan màu vỏ bắt mắt lắm, hóa ra sinh chuyện.
Tuần trước, sáng tôi vừa mở cổng, nhìn sang chứng kiến ngay
cảnh thảm thương. Cây xoài xơ xác, lá rụng đầy hè, cành bị bẻ vứt ngổn ngang,
nhiều quả còn non vứt lăn lóc trên đường. Có nhẽ đám người tham lam nào đó đi
qua nuốt nước miếng cái ực, không kìm được, lựa tầm tối hoặc sáng sớm vắng người
qua lại leo lên cây tàn sát. Thương cho cái cây hiền lành không biết nói, biết
kêu cứu, chịu thiệt một mình. Anh chủ nhà mới, người thuê nhà (sau khi người trồng
xoài mất, chị vợ anh ấy buồn không muốn chứng kiến cảnh cũ liền bỏ đi chỗ khác,
cho người ta thuê) vừa dọn dẹp vừa lầu bầu những gì tôi nghe không rõ. Nghĩ
cũng may, chứ nếu chủ cũ còn sống nhìn thấy cảnh này chắc đau lòng lắm.
Sau một tuần, cây gượng lại, cố giấu đám trái con nó còn sống
sót vào đám lá. Vậy nhưng tôi vẫn hằng ngày chứng kiến cả trẻ con lẫn người lớn
tìm tới săm soi, đưa vào tầm ngắm. Có hôm một ông độ ngoài bốn chục dừng hẳn xe
máy dưới gốc, ngang nhiên trèo lên vặt dăm trái, hí hửng bỏ vào cái túi xốp to
đem sẵn, tôi trông thấy định nhắc vài câu cho phải đạo, ông trộm đã không ngượng
còn trừng mắt nhìn tôi thách thức. Có cả chị đón con đi học về, quyết ghé qua
“xin” vài quả cho con. Có bọn trẻ con chắc đã ủ mưu kỹ nên cuối chiều kéo tới mấy
đứa, đem cả sào dài cột thòng lọng chuẩn bị kỹ chọc hái đám xoài, quả ương quả
non chúng cũng không tha. Cứ thế, đám người thèm xoài hằng ngày “thăm” nó khiến
nó mau kết thúc mùa vụ. Anh chủ nhà thuê chắc cũng nản, vả lại cây đó đâu phải
của mình, mình đâu có trồng nên chả tha thiết giữ. Chỉ có tôi, ngày ngày trông sang
thương cho cây xoài phố.
Nhớ hồi tôi còn bé, quê vùng nông thôn Hải Phòng, vườn nhà
tôi cũng sát ven đường, có mấy cây ổi, cây bòng cây bưởi, quả chín thập thò
ngay trên hàng rào. Dường như người hồi ấy hiền lành lương thiện hơn, dù nghèo
khó, đói ăn, thèm nhạt đủ thứ nhưng ít khi tự tiện, tham lam lấy của người
khác. Chỉ đôi khi đám học trò làng Quế Lâm buổi trưa hoặc chiều tối tan học qua
(khi vội đến trường chúng chả thèm để ý) thì đứa nào máu lắm mới kiễng kênh
nhau lên với vài quả ổi. Trẻ con, nhất là học trò, vừa nghịch ngợm, vừa khó kìm
lòng trước những thứ trái thiên hạ mời mọc ngon xơi như thế nên chuyện đó cũng
là thường. Thày (bố) tôi biết nhưng bảo kệ chúng nó, đừng mắng mỏ chúng, tội
nghiệp.
Trong trí nhớ còn lãng đãng của mình sau mấy chục năm, tôi vẫn
quả quyết rằng không hề có người nhớn nào tự tiện bẻ quả, lấy quả của nhà tôi.
Cây bòng ven đường dường như chả bao giờ mất quả nào. Người nhớn ngày xưa quả
thật rất đàng hoàng, tử tế.
Thày tôi dạy chúng tôi, thứ gì không phải của mình thì đừng
tham, đừng lấy. Người ta trồng trọt biết bao công sức, mình lấy cũng chả khác
gì ăn cướp, chiếm đoạt thành quả của người khác. Người tử tế không ai làm thế
bao giờ. Anh chị em chúng tôi nhớ lời dặn ấy, coi đó là cốt lõi xử thế trong cuộc
sống. Mà không chỉ mấy anh chị em tôi, mỗi nhà hồi đó đều gia giáo vậy nên đám
trẻ con rất dửng dưng trước đám trái cây ven đường, chứ chưa nói gì trong vườn
nhà người khác.
Hồi sau năm 1975, tôi về vùng quê huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng
Tháp. Mượn xe đạp đến nhà người quen, đạp suốt mấy cây số trên con đường xi
măng nhỏ giữa hai bên là xoài, trái tràn cả ra đường, thậm chí có thể ngoắc vào
tay lái. Tôi rụt rẻ hỏi ông anh bản xứ, quả xoài ngon xơi thế này, người ta có
lấy trộm không. Anh tôi cười, của nhà ai người ấy hái, dễ cũng mặc kệ, nếu thèm
thì vào xin, chủ nhà chả ai nỡ không cho. Tính cách Nam Bộ thật đàng hoàng và
hào sảng. Nhưng đó là chuyện của những ngày cũng đã cách nay mấy chục năm rồi.
Có một dạo, coi trên mạng điện tử thấy hình ảnh những cái
quán ven đường của nông dân ở Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Canada. Dân chúng thu hoạch
cây trái nhưng bận bịu việc đồng áng hoặc neo người nên chỉ dựng cái chòi ven
đường, bày trái cây, củ quả, rau xanh trên kệ, trong thùng, đặt sẵn cái cân,
ghi sẵn giá từng loại, ai mua gì thì tự cân tự tính, tự trả tiền bỏ vào cái hộp
tiền. Không ai nhắc nhở, nhòm nhỏ. Tất cả đều dựa vào niềm tin về bản chất
lương thiện, tốt đẹp của con người. Đến tiền khách mua bỏ đó còn không ai lấy
ai tham thì nhằm nhò gì mấy thứ trái cây.
Đôi lúc cứ vẩn vơ, người xứ mình nào phải xấu xa gì, đầy
tính tốt là đằng khác, nhưng sao dựng lên được một hình ảnh như vậy trong thực
tế lại khó quá. Cây xoài phố trước nhà tôi khiến tôi có cảm giác về bước thụt
lùi của nhân cách con người thời hiện đại. Buồn, nhưng tôi cứ mong thầm, ước ao
một ngày nào đó có những quán ven đường như vậy.
Nguyễn Thông
Một Thế Giới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét