Góp phác họa một bức tranh vân cẩu của hiện tình đất nước, một
vị quan to bước ra từ cửa lò đỏ, đã cống hiến một cụm từ vừa bự, vừa mới mẻ, lại
cũng khá ỡm ờ, có ý nghĩa như một giải pháp cho sự nghiệp chống tham nhũng đang
hồi rất gay go. Nó như sau:
“Phải xây dựng văn hóa khinh bỉ kẻ tham nhũng“.
Câu nói bất ngờ này làm làm hoang mang cho giới học trò và cả
học giả. Tuy nhiên, nếu đã có một thứ “văn hóa phong bì” từng xuất hiện, thì
nay “văn hóa khinh bỉ” ra đời có chi phải xét nét? Hãy cứ xem như một sáng tạo
về văn hóa chữ nghĩa của một thời kỳ đặc biệt, và lạ gì một khi có cái đuôi xã
hội chủ nghĩa, thì bầu trời trở nên bao la hơn, vượt nhiều thứ chuẩn mực đã có
trước.
Những cách nói như văn hóa suy đồi, văn hóa xuống cấp,… hình
như đã quá nghèo nàn, không còn khả năng gây cảm xúc. Nay cần nói theo một cách
mới hơn để gây ấn tượng cho người dân?!
Mà nó gây ấn tượng thật!
Bậc đại quan làm được điều gây ấn tượng này là ông Đinh Thế
Huynh, nguyên thống soái ngành văn hóa tư tưởng của đất nước, nay là nhân vật số
hai của Đảng Cộng sản Việt Nam, là một trong những ứng viên dự kiến của ai đó để
lên chức số một.
Cái cảm xúc khinh bỉ đối với tệ tham nhũng, đã có sẵn trong
nhân dân, nhưng dường như chưa đủ mạnh, chưa đủ lớn, nên cần phải phát động
tuyên truyền và đặc biệt là xây dựng thành một phong trào văn hóa rộng khắp,
lâu dài, có tên là “văn hóa khinh bỉ”.
Vì là tham nhũng đã phát triển quá mức sâu rộng, lại tiếp tục
trên đà tiến lên, đến nỗi nó chiếm lĩnh mọi trận địa mà “pháp quyền xã hội chủ
nghĩa” (cứ cho là đang có thật) chừng như không làm gì được. Sự lớn mạnh của
nó, chính lời ông Tổng đương kim Nguyễn Phú Trọng khẳng định, rằng thì là “biểu
hiện ngày càng tinh vi, phức tạp gây bức xúc dư luận“; rằng thì là “Nó thành đường
dây có tổ chức rồi, chứ không còn từng người một người ăn mảnh nữa“. Không có
gì quý hơn… các câu này!
Nó nghiêm trọng đến thế nên ông Đinh Thế Huynh đã đưa ra đề
án mới, xây dựng văn hóa khinh bỉ để thay hoặc hỗ trợ cho pháp quyền xã hội chủ
nghĩa đã chứng tỏ bất lực. Đó là một sáng kiến vi diệu, làm người ta nhớ ngay đến
tác phẩm A.Q. chính truyện với “phép thắng lợi tinh thần”. Lấy lòng khinh bỉ
làm động lực/biện pháp để giải quyết hay ứng xử với tham nhũng? Ông Huynh là
nhà duy vật biện chứng, bỗng bất ngờ trở thành người duy tâm!
Mỗi người dân hãy cứ ngồi yên ở nhà, tự mình phát ra cái làn
sóng khinh bỉ ấy. Nhưng ông nói, phải xây dựng cái khinh bỉ ấy thành một thứ
văn hóa, suy ra ắt phải phát huy rộng lớn cái khinh bỉ ấy, làm lan truyền trong
cả cộng đồng thành một sức mạnh tinh thần. Phải phát động cho vợ con, người thân
trong gia đình, cả làng trên xã dưới cùng đồng lòng, đồng loạt khinh bỉ tham
nhũng, như ông đã yêu cầu: “Phải tạo được áp lực xã hội mà những kẻ tham nhũng
không chịu nổi”. Nhưng tạo bằng cách nào thì ông không nói rõ. Hẳn là từ đó sẽ
sinh ra cái “tụ tập đông người”, có lời hô to để bắt nhịp, lại có biểu ngữ
giương cao… Cái này gọi là bày tỏ tập thể, còn gọi là biểu tình, đã được Hiến
pháp ghi từ 70 năm qua, nhưng đến nay Quốc hội còn hẹn, chưa làm kịp. Xúi dân
bày tỏ theo cách ấy chắc không phải ý ông Huynh. Có thể ông không muốn hoặc
không thích, có lẽ các đồng chí của ông cũng thế, nên Quốc hội còn đang ầu ơ ví
dầu cầu ván đóng đinh… về cái luật ấy. Vậy là ý ông Huynh chỉ muốn người dân
bày tỏ sự khinh bỉ của mình, theo cách một mình, và ở tại nhà mình, không được
gây ảnh hưởng đến người khác, kể cả việc không được đưa lên net. Nhưng cách này
thì kẻ tham nhũng hoàn toàn chịu nổi, vì không chạm đến cái lông chân của bọn họ.
Đề án văn hóa của ông Huynh - nổi tiếng là người kín đáo, ăn
nói khéo léo - thoạt nghe là có lý nhưng thực hiện là không thể. Ông không (thể)
chỉ ra cái cách xây dựng nó, nên ông đã tự biến hóa thành nhân vật chính trong
A.Q. chính truyện với phép thắng lợi tinh thần được ông ứng dụng kịp thời và độc
đáo.
Cái “giải pháp” văn hóa khinh bỉ do ông Huynh đưa ra kể cũng
lý thú. Nó tạm thời thỏa mãn lòng dân, mà không gây hại ai cả, nhất là cái đối
tượng bị khinh bỉ cũng an toàn. Thế là ông ấy đã hóa giải một cách tài tình cái
mâu thuẫn có tính trường kỳ kháng chiến hiện nay giữa người dân và giới cầm quyền,
để cả hai bên cùng thắng. Đúng là win-win, đang là khẩu hiệu thời thượng của
các giới kinh doanh về hàng hóa, kể cả về kinh doanh ý tưởng. Nhưng đặc biệt
hơn, biện pháp dùng văn hóa khinh bỉ đối với tham nhũng ngay vào lúc mà cuộc tấn
công tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng đang gặp rối loạn, cũng là hữu ích phần
nào.
Tuy nhiên, đã khó thực hiện, cái văn hóa khinh bỉ còn làm nảy
sinh thêm những vấn đề nan giải khác lớn hơn nhiều.
Người dân mà nghe theo ông Huynh có thể tự biến thành những
công dân mơ mộng. Còn những kẻ tham nhũng thì không thể ngồi nhà mà tiến hành
văn hóa khinh bỉ đối với những kẻ tham nhũng khác và đồng thời với chính mình.
Vì họ là như nhau, lại toàn là đồng chí nhau cả. Họ là đồng môn, đồng liêu, đồng
sàng, lại đồng mộng. Họ là đối tượng của nhau, chứ không một người dân nào lọt
vào đây cả. Bởi lẽ, ngồi nhà mà khinh bỉ nhau thì chẳng tới đâu. Nó phải phát lộ
ra bằng sức mạnh tinh thần chuyển sang sức mạnh vật chất như giáo trình mà tất
cả họ đã học, vì thế tham nhũng với tham nhũng tự nó va chạm nhau ác liệt. Có
khi là tiếng va đập của dao búa, có khi là tiếng súng nổ dứt khoát, có khi là
tác dụng êm ả của các loại hóa chất. Lợi hại hơn nữa là loại ám khí vô hình núp
dưới bóng chữ nghĩa hay con số, vốn làm nắp che cho quyền lực. Có những con số
3.000 tỉ, 10.000 tỉ hay cao hơn nữa. Cũng có những con số rất dễ sợ, như con số
1950 hay 1956.
Có nên vội vàng khen ông Huynh chăng, về sự dũng cảm của ông
khi đề xuất cái loại văn hóa khinh bỉ ấy, nhằm ngay vào đối tượng là đồng chí
mình, ở chung quanh mình, mà hằng ngày gặp gỡ, ngồi cùng nhau trà nước, trước
tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dưới lá cờ vẻ vang của Đảng? Như thế thì ông còn
làm việc được với ai!
Có người lo cho ông Huynh sao mà ông dám bạo miệng dùng cái
từ ngữ quá nặng nề ấy cho đồng chí mình. Có người thì không nghĩ thế, bởi cho rằng
ông nói thế nhưng ý không phải thế. Ông ấy chỉ nói cho dân nghe thôi. Còn họ
thì hiểu ngầm với nhau, không thực sự khinh bỉ nhau, mà là đô vật với nhau. Vả
lại, nói khinh bỉ là khinh bỉ đối tượng mà họ đang nhắm đến để đánh đổ, chứ
không phải khinh bỉ tất cả những kẻ tham nhũng. Người bình dân hiểu nôm na là
phe nhóm đánh nhau để giành quyền được cái… khinh bỉ ấy, là cái cũng quý, không
dễ có. Lại có người bảo: “ngu gì mà không tham nhũng?”. Giá như, cái giáo trình
văn hóa khinh bỉ ấy được chính thức đưa vào trường “Lý luận cao cấp” của Đảng
thì sao nhỉ? Sao lại không hay!
Có một cách hiểu dễ hơn: văn hóa khinh bỉ là biện pháp mà
ông Huynh muốn hiến tặng, là chỉ dành riêng cho người dân sử dụng, để muôn dân
được hưởng phép thắng lợi tinh thần.
Văn hóa khinh bỉ hay chính là cái phông văn hóa mà ông đang
tựa lưng, có tác dụng như một khẩu súng chĩa mũi ngược về phía mình. Ông đã tự
hứng lấy cái kết quả về tình trạng văn hóa đang hoành hành trong bộ máy mà ông
là một nhân vật cao cấp, đồng thời là chủ nhân của sáng tạo cái văn hóa mới nói
trên. Văn hóa khinh bỉ mà ông nói đã trở thành sự khinh bỉ về một thứ văn hóa
đã nuôi nấng những ai đó, từ bé cho đến lúc lớn lên và thành đạt như những vị
quan hôm nay. Hơn nữa, ông không phải là người bình thường, mà là một người đã
từng hít thở, lớn lên, thành đạt trong ngành văn hóa - tư tưởng ấy, nên bản
thân ông đã và đang là biểu tượng của nền văn hóa xuống cấp thê thảm mà ông lên
án. Mà không chỉ là tham nhũng vật chất, nó còn tiến lên với cụm từ mới: tham
nhũng quyền lực. Nó siêu hơn về kỹ năng và nghệ thuật, có chăng nó cũng thuộc họ
hàng đối tượng của loại văn hóa khinh bỉ?
Từ “xây dựng” mà ông nói làm người ta có thể mường tượng, đó
là một thứ văn hóa vật thể, có thể dùng kéo, dao, búa… để cắt, chặt, di dời, hoặc
may vá lại theo ý muốn, nó có thể xây dựng bằng cát đá xi măng thông qua chỉ thị,
nghị quyết, thông tư… Trong thứ văn hóa ấy, việc đập phá - như triệt hạ chùa
Liên Trì chẳng hạn - thành đống gạch vụn, rồi lại xây dựng lại ở một nơi khác,
là rất dễ dàng. Cái văn hóa ấy có thể trồng được, từ trồng cây đến trồng người.
Không cần một trăm năm, chỉ cần năm hay mười năm có thể trồng một thế hệ, dễ
như trồng rau, nhanh hơn trồng cây thân gỗ. Thậm chí chỉ hai năm, như ở trường
đoàn, trường đảng, là có thể chuyển hóa một thế hệ thanh niên này thành một thế
hệ thanh niên khác, có chân lý chắc nịch nắm gọn trong tay. Với cái búa chân lý
ấy, anh ta hay chị ta có thể đi phá tan hoang mọi thứ. Mới mẻ gì cái sự phá hoại
các đền cổ do IS thực hiện; đó chỉ là sự bắt chước muộn màng và kém xa, sau hằng
nửa thế kỷ.
Cái giá trị phi vật thể nó nằm bí mật ở các thứ Ban Tuyên huấn,
Tuyên giáo hoặc là ở Hội đồng Lý luận Trung ương - loại tổ chức “đậm đà bản sắc”
Việt Nam. Nó không nằm ở trong dân gian, là hiểu lầm vì lộn chỗ. Ông quan lớn
phát động xây dựng một nền văn hóa khinh bỉ khá cụ thể, là khinh bỉ những kẻ
tham nhũng. Mà chuyện khinh bỉ tham nhũng cũng đã có từ lâu, từ khi Đảng Cộng sản
Việt Nam ra đời với cương lĩnh bài phong kiến, chống thực dân, đánh đế quốc. Chống
kịch liệt, chống tàn bạo với biết bao nhiêu máu đã tuôn ra. Hẳn ông quan to đã
nói là có cơ sở từ một thực tế. Từ khinh bỉ chuyển sang căm thù, đã tạo nên một
thời kỳ Cải Cách Ruộng Đất được mô tả là long trời lở đất. Sau năm cái đại hội
và thêm cái thứ sáu, mà ông nguyên Chủ tịch nước phải cay đắng xấu hổ khi nhìn
vào bản đồ tham nhũng thế giới, thấy Việt Nam đứng vào xếp vào hạng cao! Thế là
cái thực tế ấy nó không giảm mà ngày càng tăng, nên bây giờ càng phải tiếp tục
xốc tới với cái vũ khí khinh bỉ chăng? Và, khinh bỉ là biện pháp cuối cùng (?),
và có thể tự an tâm, vì “không có cách nào khác”. Đó là một sự thảm hại đầy đủ!
Gom các câu nói của các vị lãnh đạo lại, sẽ cho thấy một cấu trúc rất nhịp
nhàng: “khi còn quyền lực, còn Nhà nước thì ở đâu và thời nào cũng sẽ còn tham
nhũng” (Nguyễn Phú Trọng), như một nguyên lý; “không có cách nào khác […] phải
lấy lại niềm tin trước sự rộng lượng của nhân dân bằng cách hành động, bằng
tính tiên phong đã được chứng minh trong thực tiễn đấu tranh“ (Trương Tấn Sang)
như một quyết tâm; và cần xây dựng “văn hóa khinh bỉ tham nhũng” (Đinh Thế Huynh),
như một biện pháp. Than ôi! Càng hành động - có kêu gọi thêm tiền nhân giúp sức
- thì tham nhũng càng phát triển!
Nó giống như cuộc tự bao vây lẫn phòng thủ của tham nhũng đã
khá là toàn diện.
Cái tham nhũng ngày nay được hiểu một cách rộng rãi, bởi
tính càng tinh vi của nó. Không những là của cải, nhà cửa, đất đai, tiền bạc,
mà còn quan trọng hơn, chính là tham nhũng quyền lực, nó là suối nguồn tươi mát
của mọi thứ kia. Nó đáng khinh bỉ hơn, nhưng nó mạnh mẽ hơn, đến nỗi nó khinh bỉ
cái khinh bỉ mà ông ấy nói, xem nhỏ như con rệp, với hàng tỉ thí dụ. Cô con gái
24 tuổi của một quan lớn, vừa xong cái đại học ngành báo chí gì đó, đùng một
cái, nhảy cao hơn cóc, lên cái ghế Chủ tịch Hội đồng Quản trị một công ty lớn để
điều khiển hằng mấy nghìn con người. Hai tháng sau thì bị lôi xuống, cũng bởi
quyền lực, chứ chẳng phải bởi sức mạnh của sự khinh bỉ. Khinh bỉ, vốn là trạng
thái cảm xúc ở tầng mức tâm lý - tinh thần, nó thuộc chủ quan của mỗi con người,
không có chuẩn mực và không có giá trị gì về pháp lý. Cái ông quan to nhất của
môn duy vật biện chứng giả hiệu trong thực tế nghèo nàn túng quẫn của trí tuệ một
chiều, vội vàng nhấc cái vung này để đậy lên cái nồi kia. Đó là một sự thảm hại
sâu thẳm của cái văn hóa ấy, nên cảm thông hơn là khinh bỉ. Thông cảm là ở chỗ
do cái vai đóng thì phải diễn thôi, thông cảm để tiến tới sự rạch ròi về một
cách nói vô nghĩa của một cựu quan to: “Tham nhũng ở nước ta là do cả cơ chế lẫn
con người!“ (Lê Khả Phiêu). Sao lại thế? Chẳng có cơ chế nào mà không có con
người, chẳng có con người nào mà sống ngoài cơ chế, nhưng có cơ chế đã làm con
người tự đánh mất mình, đưa đến trạng thái vong thân, tha hóa.
Cái cơ chế ấy đã đẻ ra mọi thứ đáng khinh bỉ.
Có nên xây dựng một nền văn hóa khinh bỉ không?
Trên nền văn hóa phổ quát ngày nay không ai đi xây dựng sự
khinh bỉ hay lòng căm thù để dùng làm động lực cho bất cứ mục tiêu đấu tranh
nào, dù nhân danh cái tốt.
Văn hóa ngày nay nêu cao sự tôn trọng cho dù có sự khác biệt,
xây dựng lòng vị tha thay cho khinh bỉ và căm thù, thuyết phục/đối thoại thay
cho trấn áp bạo lực, đưa luật pháp minh bạch vào đúng vai trò của nó thay cho
những giáo điều tuyên huấn tầm phào. Người dân đòi hỏi dân chủ là ở đó, không cần
sự khinh bỉ lẫn dùi cui. Khinh bỉ chuyển thành căm thù chỉ một bước nhỏ. Căm
thù đã nhiều lần tạo nên những vết nhơ có tính lịch sử mà không thể nào xóa bỏ,
nó đang tiếp tục các biện pháp dao búa, súng nổ, chất độc, và các loại mưu kế
khác. Khinh bỉ không thể là điều được khuyến khích hay cỗ vũ.
Nói theo cách của các tôn giáo, là chẳng nên khinh bỉ ai. Từ
thằng bé bị trừng trị vì đói mà ăn cắp hai ổ bánh mì, từ người phụ nữ thiếu nợ
mà phải thuê người chặt tay chân mình để mong nhận được đền bù bảo hiểm, từ một
bà mẹ uống thuốc tự tử hầu mong con mình được hưởng trợ cấp cứu đói, đến chuyện
các quan hạ sát nhau công khai bằng súng, đến người tù bị xử kín lặng lẽ trong
nhà lao, cho đến kẻ tham quyền nhân danh không tham vọng quyền lực diệt kẻ có
tham vọng quyền lực và trở thành kẻ có đại quyền lực… Không hơn một trò đùa
dai, nhưng rất man rợ! Chuyện một ông quan đầu tỉnh đưa một loạt tám người
trong gia đình vào hàm quan các cấp, đã vượt xa thời phong kiến. Chuyện ông
quan đầu tỉnh khác bị đồn thổi chăm lo cho bồ nhí cực kỳ chu đáo từ vật chất
cho đến chức quyền, vượt quá xa xã hội có chủ nghĩa tư bản “giãy chết”. Các ông
ấy không tự mình mà lên làm quan đầu tỉnh được. Chính nền văn hóa ấy đã tạo nên
ngổn ngang những điều khốn khổ, tệ hại; cũng chính nó đưa các ông - trong đó có
ông Huynh - lên đỉnh cao quyền lực; có tay quan ăn cắp 3.300 tỷ, 10.000 tỷ, có
kẻ ăn cắp quyền lực của 90 triệu dân, có cả em thiếu niên ăn cắp bánh mì.
Thế mà nó vẫn tự ca tụng là “một thời kỳ rực rỡ nhất lịch sử”!
Cái toàn cảnh đó do đâu?
Trong một nền văn hóa mà sự khủng khiếp vượt lên trên sự
khinh bỉ hay trọng vọng, như nhận xét của GS Trần Đình Sử:
“Với việc cha dành [và giành] suất lãnh đạo cho con, chồng bổ
nhiệm vợ, vợ tìm chức cho người tình, mua quan bán chức công khai và dấm dúi,
ăn hối lộ công nhiên, tìm mọi cách vơ vét tiền của dân dưới vô vàn danh nghĩa,
chế độ ta đạt đến sự thối nát nhất trong các chế độ đã có và hiện có. Thật khủng
khiếp”.
Ông giáo sư đã dùng chữ “chế độ ta” tiếp theo là “thật khủng
khiếp”, tôi nghe như máu ứa trong lòng ông, và rõ là cái đau của ông không phải
cái đau của người ngoài cuộc.
Phải chăng việc xây dựng nền văn hóa khinh bỉ có ý nghĩa
kích hoạt nhằm chuẩn bị một động lực căm thù cho các loại vệ binh dưới cờ? Có
thể ông Huynh không nhằm đi xa vào ý ấy, mà ông chỉ muốn dừng lại ở phạm vi ông
gọi là văn hóa, chỉ như một thứ biện pháp để xoa dịu nhất thời, để chữa cháy
cho một tình trạng quá bề bộn, lủng củng không lối ra.
Mà cách chữa cháy ấy cũng thật là dang dở… như bản “anh hùng
ca” nọ, mà không ai rõ là ca cái gì! Hay cũng chỉ là “phép thắng lợi tinh thần”
trong chốc lát của A.Q. chính truyện?
Và, vũ khí văn hóa khinh bỉ, có thể đã trở thành sự khinh bỉ
các loại văn hóa vũ khí mà ông đã từng cho ra đời từ Ban Tuyên giáo của ông,
như đội ngũ dư luận viên chẳng hạn.
Xét về cả hai mặt, việc phát động văn hóa khinh bỉ tham
nhũng, là thủ thuật ứng phó nhất thời làm trợ thủ cho chiến dịch chống tham
nhũng, hay là một kế hoạch đích thực của cánh ông, thì đều vô nghĩa và không đi
đến đâu. Hãy xem đó là lời bông đùa vô tội vạ trong một lúc cao hứng.
Tôi đã tào lao cả đêm nay để viết những dòng này, biết chắc
nó chẳng hề “tạo được áp lực xã hội mà những kẻ tham nhũng không chịu nổi”, như
ông Huynh đã trót đùa, lại không chừng đang có nhóm an ninh trong đối tượng ấy
đến canh cửa, cho dù tôi có thực hành văn hóa khinh bỉ như đã chỉ dẫn hay
không.
Cái gay là văn hóa khinh bỉ ấy dường như đã tự phát triển
tràn lan, mà không cần ông Huynh phải nhọc công “xây dựng”.
H.Đ.N.
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét