Tìm trên mạng khái niệm “công an trị”, bạn sẽ thấy một định
nghĩa có liên quan: “Nhà nước cảnh sát là từ được dùng để chỉ một quốc gia mà
chính phủ của nó dùng lực lượng cảnh sát để thực hiện các biện pháp độc đoán,
kiểm soát cứng rắn và có tính áp bức đối với đời sống chính trị, kinh tế và xã
hội của toàn dân…”.
Nói chung, định nghĩa này khá dài dòng. Mình thì chỉ muốn
nói đơn giản như sau: Xã hội công an trị là xã hội mà trong đó công an đánh người,
công an bắt người, công an điều tra, công an giám định, công an lên báo định hướng
dư luận, công an chỉ đạo báo chí. Tới lúc người ta ra tòa, cũng là tòa án của
công an xử, sau đấy người ta đi tù thì nhà tù cũng là do công an làm quản giáo,
cai ngục nốt. Vòng tròn khép kín, trong đó mọi khâu, mọi công đoạn đều do công
an nắm giữ, giật dây, chỉ đạo thực hiện.
Vừa rồi, mấy đồng chí công an huyện Đông Anh đấm đá phóng
viên Quang Thế của báo Tuổi Trẻ đến hộc máu, sau đó một sếp công an nhơn nhơn
nói với báo chí rằng đấy chỉ là “gạt tay trúng má” thôi, rồi đè Quang Thế ra phạt
tiền.
Một số ý kiến cho rằng Tuổi Trẻ nên đưa vụ việc ra tòa, phản
đối quyết định xử phạt của công an đối với Quang Thế. Cá nhân mình thì nghĩ, ở
xứ công an trị, nơi tòa án vận hành theo sự chỉ đạo của ngành công an, dẫu có
kiện ra tòa thì cũng sẽ thua lũ mọi mà thôi.
Thế nhưng, khác với tất cả các trường hợp là nạn nhân của
công an khác, Tuổi Trẻ có trong tay một công cụ tuyệt vời là truyền thông, và bản
thân họ là một tờ báo có tới hàng trăm ngàn độc giả. Không cần Tuổi Trẻ phải
chiến thắng vang dội ở tòa án – nơi mà các thẩm phán trước khi ngồi vào ghế xét
xử thì thường đã được an ninh đến gặp tận mặt để “quán triệt” trước mọi điều.
Chỉ cần Tuổi Trẻ quyết tâm không để vụ việc chìm xuồng, cứ kiện, và cứ duy trì
bài vở, thông tin, ý kiến hàng ngày liên quan đến vụ hành hung này và mọi sai
phạm khác của ngành công an, xem hiệu quả ra sao. Mình tin chắc, không an ninh,
tuyên giáo nào dám đến tòa soạn còng tay tổng biên tập hay xử lý tờ báo, chỉ
dám “bỏ nhỏ”, “nhắc nhở”, “vận động thông cảm” là cùng.
Đồng thời với đó, các nhà báo hãy lên tiếng – dù chỉ là trên
facebook – ủng hộ đồng nghiệp, lên án bạo lực. Cũng mong các bạn lưu ý giùm, rằng
bạo lực là cái phải bị lên án quyết liệt, chứ không phải với thái độ "xin
các đồng chí đừng để người dân mất niềm tin", "xin các cấp lãnh đạo
xem xét"... giống như kiểu "xin cụ trông lại", "mong quan lớn
đèn giời soi xét" vậy.
'TOÀN DÂN VẠCH TRẦN CÔNG AN'
Và tất cả chúng ta, nhà báo và blogger, hãy thử thực hiện điều
này xem: Kể từ nay, mọi sai phạm, mọi hành động vô luật, vô văn hóa, vô đạo đức
của ngành công an nói chung và từng chiến sĩ công an nói riêng, đều sẽ được phản
ánh trên báo chí, trên mạng xã hội, trên cả lề phải lẫn lề trái, cả công khai lẫn
khuyết danh (như cách các dư luận viên nặc danh vẫn làm)…
Nếu bạn nghĩ một chiến dịch “toàn dân vạch trần công an” như
vậy là một lối hành xử thấp, thì hãy nghĩ đến cách hành xử của công an bao
nhiêu năm qua và đến ví dụ mới nhất là những gì họ làm với phóng viên Quang Thế
của báo Tuổi Trẻ. Khi làm như vậy, họ có coi báo chí, coi dư luận xã hội ra gì
không?
Thêm nữa, chúng ta không đánh công an như họ đã đánh, thậm
chí đánh chết, hàng chục, hàng trăm người dân. Chúng ta chỉ đơn giản là lột trần
họ ra thôi.
Ta cứ thử áp dụng như thế, xem có thay đổi được gì không
nhé.
Cá nhân mình thì mình cảm thấy vui vẻ khi có thể hàng tháng,
hàng tuần, hàng ngày viết ra những điều vạch trần, bóc mẽ những cái sai, cái xấu,
cái lố bịch của ngành công an ở xứ công an trị này.
* * *
(PS. Tất nhiên, mình sẽ càng vui hơn nếu một ngày nào đó,
không ai còn phải viết những điều ấy nữa. Nhưng để tới được ngày đó thì chúng
ta phải trải qua giai đoạn hiện nay trước đã.)
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét