Ðô thị nào cũng đông nghẹt vì dòng người “tha hương cầu thực.”
(Hình: TBKTSG)
HÀ NỘI (NV) – Nếu việc “tha hương cầu thực” vẫn còn được xem
là “vô phúc” thì tỉ lệ “vô phúc” tại Việt Nam đang trở thành hết sức đáng ngại.
Những số liệu được Ngân Hàng Thế Giới (WB) thống kê và đề cập trong “Báo cáo
phát triển Việt Nam 2016” cho thấy, di cư từ nông thôn ra thành thị giờ đã trở
thành một dòng thác người.
WB từng thực hiện một cuộc khảo sát dài hạn có tên “Tiếp cận
nguồn lực nông thôn” (VARHS) tại 12 tỉnh trong giai đoạn từ 2012 đến 2014, theo
đó, 20% gia đình tham gia vào cuộc khảo sát này cho biết gia đình của họ có ít
nhất một thành viên ly hương. Kết qua cuộc khảo sát dân số mà chính quyền Việt
Nam thực hiện hồi 2009 cho thấy, lúc đó, tỉ lệ ly hương chỉ có 8.5%.
Có ít nhất 48% người ly hương, bỏ nông thôn ra thành thị thuộc
dạng “tha hương cầu thực.” Số còn lại ly hương vì đi học, vì nhu cầu đoàn tụ với
gia đình hoặc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
VARHS cho thấy, trong 12 tỉnh vừa kể, tỉ lệ ly hương ở những
tỉnh nghèo rất lớn, vượt xa mức trung bình. Ví dụ tỉ lệ ly hương ở Hà Tĩnh lên
tới 47%. Tỉ lệ ly hương tại các tỉnh Quảng Nam, Ðắk Lắk, Lâm Ðồng xấp xỉ 30%.
Một yếu tố khác đáng chú ý là nếu tính theo năm, thì tỉ lệ
ly hương không chỉ tăng đáng kể mà tỉ lệ di chuyển từ nơi này sang nơi khác
cũng tăng vọt. Chẳng hạn trong năm 2014, có 73% số người tha hương chuyển từ tỉnh
này sang tỉnh khác. Ðặc biệt là số người tha hương, bỏ xứ đi làm thuê ở ngoại
quốc đã tăng từ 1% vào năm 2012 lên 10% vào năm 2014.
Cũng theo WB, nếu ruộng đất ở nông thôn dưới 3 hecta thì các
gia đình nông dân khó vượt qua được ngưỡng nghèo. Ly hương trở thành phổ biến
vì những gia đình có thành viên ly hương dễ thở hơn. Năm 2012 có 25% gia đình
có thành viên ly hương nhận được tiền của thân nhân gửi về trợ giúp cho chi
tiêu hàng ngày, thanh toán những dịch vụ thiết yếu, để dành. Năm 2014 tỉ lệ vừa
kể tăng lên 45%.
Tuy nhiên WB lưu ý, năm 2012 có 7% và năm 2014 tỷ lệ người
ly hương nhận trợ giúp ngược lại từ gia đình tăng lên đến 14%. Ðiều đó cho thấy,
khả năng bị tổn thương của những người “tha hương cầu thực” đang tăng.
Theo WB, bất kể thế nào thì trong bối cảnh khoảng cách về
chênh lệch thu nhập tuyệt đối giữa nông thôn và thành thị ở Việt Nam càng ngày
càng lớn, “tha hương cầu thực” vẫn giúp rất nhiều gia đình nông dân “ứng phó với
các cú sốc” để tồn tại. (G.Ð)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét