Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

VỤ KIỆN LỊCH SỬ

FB Luân Lê




Người dân tập trung trước Tòa án TX Kỳ Anh tham gia khởi kiện. Nguồn: FB Luân Lê

Khởi kiện là một hành vi pháp lý văn minh, đề cao luật pháp và cũng là hành xử phải được tôn trọng đầu tiên từ tất cả các bên đối với người có quyền lợi bị xâm hại. Và vì vậy, toàn bộ các ngư dân, người dân kinh doanh dịch vụ biển, hải sản ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế nên tập trung lại để trực tiếp tham gia vụ kiện này.

Theo Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án nhân dân không được từ chối thụ lý giải quyết vụ án dù với bất kỳ lý do gì (nguyên tắc bất khẳng thụ lý). Mà đây là một vụ kiện mang tính lịch sử về quy mô, về hậu quả và về số người tham gia, với yêu cầu khởi kiện là đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng như yêu cầu thực thi các biện pháp khắc phục đối với môi trường, môi sinh vùng biển cho ngư dân.

Thời hạn tố tụng để giải quyết giai đoạn thụ lý kể từ khi nhận đơn (trực tiếp hoặc qua bưu điện) cho đến khi thụ lý vụ án (vào sổ thụ lý) bao gồm:

1. Thời hạn phân công thẩm phán xem xét đơn: 03 ngày (Điều 191);

2. Thời hạn xem xét đơn và ra các quyết định tố tụng tiếp theo: 05 ngày (Điều 191) – trong đó có việc thông báo nộp tiền tạm ứng án phí; Nếu có thông báo nộp tiền tạm ứng án phí gửi tới ngư dân thì trong vòng không quá 07 ngày ngư dân phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp lại biên lai cho tòa án để vào sổ thụ lý và tiến hành giải quyết vụ án (nếu không qua bước 3 dưới đây);

3. Thời hạn yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiên (nếu có): không quá 30 ngày, được gia hạn nhưng không quá 15 ngày (Điều 193).

Nên nếu Tòa án thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh hoặc bất kỳ lực lượng công quyền nào không thực hiện đúng luật tố tụng, gây khó khăn hoặc cố tình cản trở quyền khởi kiện của bà con ngư dân thì đó là một hành vi trái luật và sẽ phải bị xử lý nghiêm minh. Và nó sẽ tố cáo việc tòa án sẽ không là nơi đại diện cho luật pháp, cho công lý và thượng tôn pháp luật, trong cả con mắt của người dân và cộng đồng quốc tế.

Hãy để người dân thực hiện quyền năng hiến định và theo Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình. Chính quyền hãy đảm bảo an ninh, trật tự và thúc đẩy một vụ kiện điển hình làm án lệ để chứng minh cho nhân dân, cho nhà đầu tư nước ngoài và cho quốc tế hiểu, tất cả phải tuân thủ theo pháp luật và luật pháp là thượng tôn.

Đây là lúc báo chí, truyền thông cùng sát cánh với bà con ngư dân, và kể cả những ai là đồng bào, đồng loại của ngư dân, cần chung tay ủng hộ họ trong cuộc chiến pháp lý lịch sử này.

Hãy cho thế giới biết, Việt Nam là một quốc gia văn minh, và nhân dân được quyền tự quyết đối với tài nguyên và quyền lợi của chính mình.

Nguồn: FB Luân Lê

***

FB Chau Doan

“Báo chí cách mạng” đang tự hạ thấp uy tín với người dân

Không báo nào đưa tin về việc 600 ngư dân đi 200 km từ Quỳnh Lưu, Nghệ An tới toà án ở thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh để đưa đơn kiện Formosa, thủ phạm gây ra thảm hoạ biển. Có hai khả năng:

1. Theo chỉ đạo. Việc này không mới nhưng một lần nữa thể hiện sự ấu trĩ trong việc điều hành xã hội. Không xã hội nào có thể phát triển được thành một xã hội văn minh mà toàn bộ nền báo chí lại chịu sự chỉ đạo tắt bật giống như một cái loa vô tri. Tại sao cấm đưa tin khi mà việc khởi kiện của bà con ngư dân là hoàn toàn hợp pháp, chính đáng và nên khích lệ? Hơn nữa, báo chí không đưa thì mạng xã hội vẫn đưa.

Điều này chỉ khiến nền báo chí mất đi tiếng nói với công chúng và nó thể hiện sự bưng bít thông tin, nỗi sợ hãi yếu đuối của chính quyền. Đây không phải là một quyết định khôn ngoan của những người chỉ đạo. Các ông có theo lời kêu gọi lấy lại lòng tin của nhân dân từ ông thủ tướng không mà làm thế?

2. Các báo tự kiểm duyệt. Nếu thế thì sự xấu hổ là thuộc về các tờ báo. Một vụ kiện lịch sử về một thảm hoạ gây hậu quả nặng nề cho hàng trăm ngàn người dân mà không đưa tin thì đưa cái gì?

Khả năng nào thì báo chí cũng đang tự hạ thấp uy tín với người dân.

Nguồn: FB Châu Đoàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét