Nguyễn-Xuân Nghĩa
Ukraine tham nhũng hay Tây phương nhu nhược?
Hôm Thứ Tư 21, Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu trước
tổ chức Council on Foreign Relations tại New York, rằng Ukraine phải cải cách
kinh tế chính trị và giải trừ nạn tham nhũng như hứa hẹn, nếu không, các nước
Âu Châu sẽ vin vào đó là đòi thu hồi lệnh cấm vận Liên Bang Nga.
Khi nghe phó tổng thống Mỹ phát biểu như vậy thì dù lơ đãng
ta cũng giật mình. Vì hai chuyện cải cách Ukraine và cấm vận Liên Bang Nga liên
hệ gì tới nhau?
Vốn có truyền thống lỡ lời nói nhảm kinh niên, lần này ông
Biden nói thật. Vì ông giải thích thêm rằng có ít ra là năm thành viên của Liên
Hiệp Âu Châu – mà ông miễn nêu tên – tỏ ý chống lại lệnh cấm vận. Ðã gặp Tổng
thống Ukraine bên lề Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc vào hôm Thứ Ba, hiển nhiên là
ông Biden có nói riêng với Petro Poroshenko như vậy. Hôm sau, ông mới công khai
nói cho người khác vì mục tiêu ngoại giao.
Nhìn từ bên ngoài, người ta nên hiểu chuyện ấy như thế nào?
Về bối cảnh thì cuối năm 2013, khủng hoảng bùng nổ tại
Ukraine khi dân chúng biểu tình phản đối Chính quyền của Tổng Thống Viktor
Yanukovych về lập trường thân Nga và về tội tham những. Khi ấy, Hoa Kỳ ủng hộ
các cuộc biểu tình kéo dài, coi như một biểu hiện của dân chủ. Kết quả là đầu
năm 2014 Yanukovich bị lật đổ và bỏ chạy qua Nga, để lại những tài sản vĩ đại.
Tổng Thống Vladimir Putin bèn tấn công Ukraine với lý cớ bảo vệ kiều dân Nga
nên bị Tây phương cấm vận. Ngày nay, Hoa Kỳ lại trách Chính quyền của xứ
Ukraine là không cải cách và diệt trừ tham nhũng nên các nước có thể bãi bỏ lệnh
cấm vận, tức là càng gây thêm khó cho xứ Ukraine.
Cộng Hòa Ukraine từng nằm trong Liên Bang Xô Viết và chỉ
giành lại độc lập khi Liên Xô tan rã. Nạn tham nhũng là thuộc tính của chế độ độc
tài nên là bài toán nan giải cho Ukraine và đã từng xảy ra trong các chính quyền
trước. Cũng vì chống tệ nạn tham nhũng của Yanukovych thân Nga mà cuộc biểu
tình của người dân càng có chính nghĩa, nhưng việc Yanukovych bị lật đổ khiến
Putin ra lệnh tấn công Ukraine và khống chế luôn bán đảo Crimea và quân cảng nằm
bên Hắc Hải, với các lực lượng dân quân “tự phát” là người gốc Nga đang khuynh
đảo các tỉnh miền Ðông để đòi ly khai hay sát nhập vào nước Nga.
Nhưng quyết định của Putin tại Ukraine là một chiến thắng đắt
đỏ vì nuốt chửng không được mà nhả ra lại kẹt. May cho ông là đối phương lại bất
định.
Chỉ vì, sau khi thông báo việc viện trợ một tỷ cho Ukraine,
Hoa Kỳ răn đe lãnh đạo xứ này về nạn tham nhũng và lửng lơ nói tới việc bãi bỏ
trừng phạt Liên bang Nga. Khi ấy, dù truyền thông Hoa Kỳ chẳng hề nhắc tới, người
ta nghe nói đến một kế hoạch ngưng bắn tại Ukraine, một kế hoạch có nội dung
thu hẹp như một cuộc thử nghiệm sau nhiều lần thất bại trước.
Qua lời phát biểu của Joe Biden, ta thấy ra vài ba bài toán.
Thứ nhất, lập trường ngoại giao của Hoa Kỳ xuất phát từ đạo
lý chống tham nhũng là chuyện co giãn thất thường. Không thiếu gì quốc gia bị tội
tham nhũng tầy trời mà vẫn có quan hệ hợp tác tốt đẹp với Mỹ, cho tới khi Hoa Kỳ
đổi ý thì lại viện cớ tham nhũng mà gây sức ép và đòi thay đổi chế độ. Thứ hai,
khối Liên Âu không thống nhất lập trường chống Nga vì nhiều xứ vẫn cần làm ăn với
Nga và miễn cưỡng chấp hành biện pháp cấm vận mà họ có thể biểu quyết lại vào đầu
năm tới. Hoa Kỳ lấy đó làm lý cớ từ bỏ quyết định cấm vận bề nào cũng thiếu hiệu
lực, nhưng lại quy tội cho Ukraine. Thứ ba, mệt mỏi với tình hình Trung Ðông và
vụ ngưng bắn không thành tại Syria, Tổng Thống Obama có thể muốn có một giải
pháp ngưng bắn tại Ukraine trước khi mãn nhiệm nên lại tìm cách hợp tác với Nga
và đổ lỗi cho Ukraine về tội tham nhũng và cho Liên Âu về việc gỡ lệnh cấm vận!
Trong vụ này, ta nên chú ý tới chuyện “một đồng một cốt”: lập
trường của Hoa Kỳ và thái độ của Âu Châu.
Hoa Kỳ không chỉ có truyền thống thay đổi lập trường ngoại
giao căn cứ trên quan điểm về đạo lý như xây dựng dân chủ chống độc tài hay diệt
trừ tham nhũng mà vẫn hợp tác với các chế độ độc tài và tham ô. Thất bại tại Việt
Nam là một minh diễn của chuyện quái đản ấy. Nhưng ngoài đặc tính đó, Hoa Kỳ
còn có một truyền thống khác là cứ phải cố gắng sửa sai sau mỗi lần thất bại.
Thí dụ như can thiệp vào Lybia để chống nạn độc tài và tham ô của chế độ
Gaddafi vào năm 2011-2012, nay lại ôm thêm một mối nợ mà chưa biết gỡ ra sao.
Về chuyện Ukraine, sau khi Putin tấn công Georgia năm 2008
thì đáng lẽ Hoa Kỳ đã phải biết Nga sẽ khuynh đảo Ukraine để mở rộng vùng trái
độn quân sự vào khu vực tiếp cận với Âu Châu của Liên Xô cũ. Nhưng chính quyền
Obama vẫn tưởng là sẽ cải thiện được quan hệ với Nga vào năm 2009 rồi 2012 mà lại
bị hố. Sau đó, Hoa Kỳ phản ứng bằng lệnh cấm vận không thể có hiệu quả vì Nga vẫn
không sợ và ngày nay kinh tế Nga bị thiệt hại là vì dầu thô sụt giá chứ không
vì bị phong tỏa.
Bây giờ mà thu hồi lệnh cấm vận thì hơi mất thể thống, cho
nên Hoa Kỳ mới đá trái banh vào lưới Âu Châu. Kết cuộc thì các nước Tây phương
tỏ ra yếu thế trước bạo lực và cứ hay đánh trống bỏ dùi.
Dù ông Joe Biden không nêu tên năm trước trong 28 thành viên
Liên Âu có thể sẽ phủ quyết lệnh cấm vận nhưng qua tin tức từ Nga và Âu Châu,
người ta biết rằng đấy là Pháp, Ý, Hung, Áo và Cộng Hòa Cyprus. Theo quy chế
Liên Âu thì chỉ cần một nước không đồng ý là quyết định này thành vô hiệu. Thế
thì vì sao lại giăng một cái lưới thủng để bao vây kinh tế Nga làm gì và nay lại
thu lưới bỏ chạy?
Ðáng lẽ các nước Tây phương đã phải biết rằng dù Nga cần mua
nông sản và máy móc của Âu Châu thì kinh tế Âu Châu bị lụn bại từ năm 2010 cũng
cần xuất cảng và nhiều nước không muốn mất bạn hàng để bênh vực xứ Ukraine. Tức
là quyết định cấm vận chỉ là trò tượng trưng. Thứ hai, sau khi Vương Quốc Anh
đòi rút khỏi Liên Âu thì mầm phân hóa trong Liên Âu đã thành rõ rệt. Nhiều nước
Âu Châu muốn gạt Hy Lạp ra khỏi khối Euro hoặc trục xuất Hung khỏi Liên Âu vì xứ
này từ chối chấp hành chánh sách đón nhận di dân đến từ Trung Ðông. Nếu muốn
duy trì việc phong tỏa kinh tế Nga, thì Liên Âu và Hoa Kỳ phải tìm cách mua chuộc
hay đền bù các nước Âu Châu bị thiệt hại vì lệnh cấm vận, đâm ra rạn nứt trong
nội bộ Liên Âu và giữa Âu Châu với Hoa Kỳ sẽ càng dễ xảy ra.
Nếu chỉ thu hẹp vào Ukraine thì kế hoạch ngưng bắn đang được
thảo luận chỉ có kết quả tiệm tiến, qua từng bước chập chững, dưới sự giám sát
của OSCE (Organization for Security Cooperation in Europe), một tổ chức hợp tác
về an ninh không có khả năng cưỡng hành. Vì vậy, hy vọng hưu chiến vẫn còn mong
manh. Nhưng cũng đủ là một nụ hoa trên bảng danh mục thành công của ông Obama.
Nhìn về lâu dài, các nước Tây phương và Nga có thể muốn
trung lập hóa vùng biên vực giữa hai khối Ðông-Tây. Tức là Ukraine hết hy vọng
theo Tây phương dân chủ, gia nhập Liên Âu và có ngày là thành viên của Minh Ước
NATO như nhiều nước Ðông Âu khác. Trước mắt, khi Liên Âu Âu Châu bất định, Hoa
Kỳ bỏ cuộc, và khối Hồi giáo bành trướng vào Âu Châu, thì Ukraine chết kẹt ở giữa
những ưu tiên mâu thuẫn của các đại cường.
Chỉ vì tội tham nhũng? Khôi hài!
Nguồn:
http://www.nguoi-viet.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét