Yeltsin-Gorbachev
Cuộc chính biến tháng 8-1991 là hệ quả tất yếu của quá trình
chuyển đổi lệch hướng công cuộc cải tổ và công khai hóa, từng được Tổng bí thư
Mikhail Gorbachev khởi xướng từ tháng 3-1985. Được “khua chiêng gióng trống” ầm
ĩ, công cuộc cải tổ không những không chữa được những căn bệnh trầm kha của xã
hội Xôviết mà cuối cùng lại còn giúp cho thế lực hữu khuynh, những kẻ thù giai
cấp và đầy tham vọng cá nhân tận dụng triệt để trong việc kích động lực lượng
phản kháng tác động đến phần lớn quần chúng đang mất dần niềm tin vào thể chế.
Chính biến tháng 8-1991 là tiếng chuông cáo chung đầu tiên
cho sự sụp đổ của Liên bang Xôviết mà Tổng thống Nga Vladimir Putin từng gọi
đây là “thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ”. Và hai nhân vật đóng vai trò tối
quan trọng tạo nên thảm họa này là “kiến trúc sư” cải tổ Mikhail Gorbachev và
“Sa hoàng Nga thời hiện đại” Boris Yeltsin.
Sai nhiều ly, đi muôn dặm
Kể từ khi trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm
1985, Gorbachev đã theo đuổi và tiến hành nhiều cải cách toàn diện trong hệ thống
Xôviết. Thoạt đầu, Mikhail Gorbachev chỉ muốn cải cách chế độ Xôviết lúc đó
đang mắc chứng bệnh trì trệ khá trầm trọng do những nguyên nhân phần nhiều mang
tính chủ quan.
Không vượt lên trên được các đối thủ phương Tây trong Chiến
tranh Lạnh về hiệu suất cũng như thành quả lao động, không kiên quyết đấu tranh
bài trừ những căn bệnh vốn bắt rễ và âm thầm lây lan trong giới cầm quyền như nạn
tham nhũng, bè phái, hưởng nhiều đặc lợi vượt giới hạn, sùng bái chủ nghĩa hình
thức, xa rời hay diễn giải sai lệch theo kiểu xu thời những nguyên tắc căn bản
của chủ nghĩa Mác – Lênin trong khi Gorbachev không có phương án nào khả dĩ để
đối phó với trào lưu dân tộc chủ nghĩa đang sinh sôi nảy nở và biến tướng từng
ngày hay các vụ tranh chấp lãnh thổ giữa các nước cộng hòa… đó chính là những
nguyên nhân chính khiến Nhà nước Xôviết dần dà suy giảm tiềm lực và vị trí của
mình trên trường quốc tế.
Công bằng mà nói, chủ trương kết hợp “cải tổ” (perestroika)
nền kinh tế, trong đó chú trọng hơn vào các chính sách thị trường tự do, và “cởi
mở hay công khai hóa” (glasnost) trong ngoại giao, Mikhail Gorbachev đã cải thiện
đáng kể quan hệ với nhiều nền dân chủ phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Nhưng trên
bình diện đối nội, Mikhail Gorbachev càng ngày càng phải đối mặt với nhiều chỉ
trích đến từ cả những người ủng hộ cải cách và những người bảo thủ cứng rắn.
Đại diện cho phe cải cách như Boris Yeltsin cũng cho rằng
nghị trình cải cách của Gorbachev quá chậm chạp, còn những người theo phe bảo
thủ lại chỉ trích chính sách và hành động của Mikhail Gorbachev là xa rời các
nguyên tắc của chủ nghĩa Mác. Trong nỗ lực thúc đẩy chương trình cải cách của
mình, Gorbachev đã dẫn đầu một phong trào sửa đổi Hiến pháp Liên Xô, bao gồm việc
thiết lập một vị trí tổng thống mới tập trung nhiều quyền lực hơn.
Những nỗ lực ấy đã tạo điều kiện cho một số lực lượng và
phong trào mà Gorbachev không hề ngờ tới xuất hiện, đặc biệt là sự kích động và
phát triển của chủ nghĩa dân tộc quốc gia từ phía các nước cộng hòa bên trong
Liên bang Xôviết mà dân tộc Nga chỉ chiếm thiểu số, làm nảy sinh xu hướng ly
khai khỏi thể chế trung ương tập quyền.
Ngày 15-3-1990, Đại hội Đại biểu Nhân dân Liên Xô bầu Tổng
bí thư Mikhail Gorbachev lên làm Tổng thống đầu tiên của Liên bang Xôviết với
nhiệm kỳ 5 năm. Tuy đây là một thắng lợi của
Mikhail Gorbachev, nhưng để đi đến thắng lợi này, ông ta đã làm việc
không ngừng nghỉ và dùng nhiều chiêu thức như liên tục đe dọa sẽ từ chức để đảm
bảo rằng Đại hội sẽ dành cho ông ta hai phần ba số phiếu đa số cần thiết.
Vì nếu thất bại, ông ta sẽ phải chạy đua với những ứng cử
viên khác trong một cuộc tổng tuyển cử. Vòng bầu cử cuối cùng trong Đại hội diễn
ra hết sức gay cấn, và cuối cùng, với khoảng cách 46 phiếu mong manh,
Gorbachev đã giành được hai phần ba số
phiếu bầu cho mình.
Liên bang Nga, chủ thể quan trọng nhất trong Liên bang Xôviết
tuyên bố chủ quyền vào ngày 12-6-1990 và sau đó giới hạn áp dụng luật Xôviết, đặc
biệt các luật lệ liên hệ tới tài chính và kinh tế, trên lãnh thổ Nga. Đoàn Chủ
tịch Xôviết tối cao đề nghị tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn Liên
bang vào ngày 17-3.
Trong khi các nước cộng hòa vùng Baltic và các nước Armenia,
Gruzia, Moldova tẩy chay thì đa số công dân của tất cả các nước cộng hòa khác
trong Liên bang đều thể hiện mong muốn gìn giữ Liên bang Xôviết.
Sau nhiều cuộc đàm phán, tám trong số chín nước cộng hoà
(ngoại trừ Ukraine) đã thông qua Hiệp ước Liên bang mới với mục tiêu biến Liên
Xô thành một liên bang của những nước cộng hòa độc lập với một vị tổng thống,
có chính sách đối ngoại và quân đội chung. Liên bang Nga, Kazakhstan và
Uzbekistan dự định sẽ ký kết hiệp ước tại Moskva ngày 20-8-1991.
Theo lời kể của Vladimir Kriuchkov, nguyên Chủ tịch Ủy ban
An ninh quốc gia (KGB), chính Boris Yeltsin đã thuyết phục được Mikhail
Gorbachev cho biên soạn dự thảo Hiệp ước Liên bang mới trong vòng bí mật mà
không cho bất cứ ủy viên nào trong Xôviết tối cao Liên Xô hay Đại hội các đại
biểu nhân dân hay biết. Theo tinh thần bản dự thảo được hoàn thành vào cuối
tháng 7-1991 này, hạn mức đóng góp tài chính và số lượng thuế nộp cho ngân sách
Liên bang chỉ do chính quyền các địa phương quy định.
Trong tất cả các cơ quan quyền lực thì sẽ chỉ có KGB mang
quy mô liên bang, còn các lực lượng vũ trang, Bộ Nội vụ cũng như một số cơ quan
chức năng khác thuộc các lĩnh vực đối ngoại, truyền thông… sẽ nằm trong tay
chính quyền các nước cộng hòa.
Điều này có nghĩa là chính quyền Liên bang sẽ không còn công
cụ hữu hiệu nào để kiểm soát và quản lý ở tầm quốc gia. Boris Yeltsin vào thời
điểm này là nhân vật có tầm ảnh hưởng như thế nào mà có thể dùng “ba tấc lưỡi”
cùng bộ sậu thân tín của mình thuyết phục được M. Gorbachev cho soạn thảo một
Hiệp ước liên bang mang tính dự báo ngày tan vỡ của Liên bang Xôviết hùng mạnh
bậc nhất ở phần Đông bán cầu?
Kẻ đốt đền “Danh vang như cồn”
Boris Nicolaievich Yeltsin sinh trưởng ở vùng Sverdlovsk,
gia nhập Đảng cộng sản Liên Xô từ năm 1961, bắt đầu làm việc trong bộ máy hành
chính của đảng năm 1968 với cương vị lãnh đạo phụ trách xây dựng Ủy ban vùng
Sverdlovsk. Năm 1975, Boris Yeltsin trở thành Bí thư Ủy ban vùng và chịu trách
nhiệm phát triển công nghiệp vùng.
Năm 1977, chính B. Yeltsin là người ra lệnh phá huỷ chứng tích tòa nhà của thương
gia Ipatiev, nơi giam giữ Sa hoàng
Nicolai II, gia quyến và những tùy tùng thân tín nhất, cuối cùng toàn bộ họ bị
hành quyết vào năm 1918. Tòa nhà này bị phá hủy chóng vánh chỉ trong đêm và rạng
sáng ngày 18-9. Phát huy năng lực của một lãnh đạo phụ trách xây dựng ủy ban
vùng ngày trước, trong 30 năm hoạt động, Yeltsin đã phát triển các mối quan hệ
với những nhân vật chủ chốt bên trong cơ cấu quyền lực Xôviết.
Yeltsin được bầu vào Bộ Chính trị và kiêm chức Bí thư thứ nhất
Đảng Cộng sản Liên Xô Ủy ban thành phố Moskva (có thể hiểu vị trí lãnh đạo này
nôm na là thị trưởng) từ ngày 24-12-1985 đến năm 1987. Ông ta được đề bạt lên tới
các chức vụ đó nhờ Mikhail Gorbachev và Yegor Ligachev, những người tin tưởng rằng
Yeltsin sẽ trở thành “người phe mình”. Yeltsin ngoài việc được hưởng những chế
độ ưu đãi đặc biệt dành cho lãnh đạo cấp cao còn được cấp một căn biệt thự
“khiêm tốn” ở thôn quê trước kia từng thuộc quyền sở hữu của Gorbachev.
Trong thời gian này, Yeltsin rất biết cách tự thể hiện mình
như một nhà cải cách và gần gũi quần chúng như chuyện ông ta đến công sở bằng
xe điện bánh hơi (một trong các phương tiện giao thông công cộng phổ biến trong
các thành phố lớn của Liên Xô), liên tục sa thải “những kẻ quan liêu, ù lì” và không
ngừng cải tổ bộ máy nhân sự của mình. Những động thái và cách hành xử của một
nhân vật như thế trong cỗ máy lãnh đạo hành chính già cỗi nghiễm nhiên biến ông
ta thành một “ngôi sao” chói lòa và được dân chúng thủ đô truyền tai nhau trong
niềm phấn khích.
Năm 1987, Yeltsin công khai bày tỏ sự bất bình với những bước
tiến hành cải tổ chậm chạp trong xã hội, đòi ra khỏi Bộ chính trị. Gorbachev
sau khi phê phán Yeltsin “non nớt về chính trị” và “có cách hành xử hoàn toàn
vô trách nhiệm”, đã đưa vấn đề bãi miễn chức vụ Bí thư thứ nhất của Yeltsin tại
phiên họp toàn thể Thành ủy Moskva. Tháng 11-1987, Yeltsin bị cách chức và bị
“chuyển vị trí công tác” làm Phó ủy viên thường trực Ủy ban nhà nước về xây dựng.
Cú giáng này khiến Yeltsin choáng váng và đau đớn đến mức phải
nhập viện. Trong tâm trạng rối loạn và nhục nhã, Yeltsin bắt đầu sắp đặt kế hoạch
trả thù. Có thể thấy, một khi thể chế đã bộc lộ những lỗ hổng mang tính hệ thống
khiến những kẻ cơ hội có thể luồn sâu leo cao thì tất yếu sẽ sản sinh ra những
kẻ thù cốt tử ngay trong chính đội ngũ quyền cao chức trọng nhất. Những nhân vật
như thế chỉ mượn hệ tư tưởng làm công cụ tiến thân chứ không phải là những người
thực sự mang sứ mệnh làm lãnh đạo.
Trong sử sách Hy Lạp, Herostratos là một gã thanh niên sống
lêu têu nhưng luôn hy vọng sẽ trở nên nổi tiếng, vì thế hắn đã phóng hỏa đền thờ
thần Artemis ở Ephesus (nay nằm ở miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 21-7-356 trước
Công nguyên. Đền thờ này là ngôi đền đẹp nhất trong số khoảng 30 ngôi đền của
người Hy Lạp xây dựng để thờ phụng thần Artemis, nữ thần săn bắn.
Đây cũng là một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại. Không những
không thèm lẩn tránh vì đã cố ý phóng hỏa ngôi đền linh thiêng, Herostratos còn
rất tự hào nhận trách nhiệm với hy vọng tên tuổi mình sẽ trở thành bất tử trong
lịch sử. Vì vậy, những nhà chức trách ở Ephesus đã không chỉ xử tử hình
Herostratos mà còn biến hắn trở thành một người vô danh khi tuyên án. Đương
nhiên biện pháp này cũng không thể ngăn cản Herostratos đi vào lịch sử như hắn
mong muốn.
Trung tướng Alexander Korzhakov từng là chỉ huy lực lượng bảo
vệ Boris Yeltsin ngay từ khi ông này chưa trở thành ông chủ Điện Kremli đã chứng
kiến toàn bộ đoạn đường thay đổi của kẻ từ chỗ là một trong những nhân vật hàng
đầu của thể chế Xôviết trở thành một trong những thủ phạm chính khiến Liên Xô
tan rã. Khi “Sa hoàng tương lai” Boris bị đẩy khỏi ghế Bí thư Thành ủy Moskva,
trong khi đội vệ sĩ riêng của ông ấy theo đúng quy chế phải giải tán thì
Alexander Korzhakov đã chấp nhận ở lại bên Yeltsin và còn đưa cho ông ta dùng
chiếc ôtô hiệu Niva của mình.
Thời gian đó, giữa A. Korzhakov và Yeltsin vẫn còn những quan hệ nằm ngoài công
vụ: thỉnh thoảng họ gọi điện thoại cho nhau, tới nhà nhau chơi… A. Korzhakov
quay về Bộ Tư lệnh cảnh vệ xin làm… chân trực ban. Lịch làm việc của A.
Korzhakov khi ấy là cứ ba ngày thì một
ngày phải trực, vì hai ngày còn lại thì được quay về khu Prostokvashino là nơi
gia đình bên vợ sinh sống cách Moskva 90km. A. Korzhakov vẫn giữ liên lạc với
ông Yeltsin.
Ông ta cũng hay tới chỗ A. Korzhakov chơi nếu ngày nghỉ của
hai người trùng nhau. Cũng chính vì hay gặp gỡ bù khú “vài ly” với Yeltsin mà đến
giữa năm 1988, A. Korzhakov bị sa thải. Sau khi bị sa thải, mọi sự trở nên đơn
giản hơn vì A. Korzhakov đi làm cho một công ty an ninh tư nhân nên chuyện gặp
gỡ Yeltsin còn diễn ra thường xuyên hơn. Đến mùa thu cùng năm thì xảy ra chuyện
Yeltsin “bị mưu sát”!
Korzhakov kể lại: Tại diễn đàn Đại hội Đại biểu Nhân dân
Liên Xô, có ai đó đã khuấy động khán phòng bằng tin dường như là có “kẻ thù” định
mưu sát ông Yeltsin bằng cách đẩy ông ta từ trên cầu xuống. Nhưng vài năm sau
thì một số người cũng từng là Ủy viên Trung ương lại khẳng định với A.
Korzhakov rằng, mọi việc không phải như thế. Trước khi tin “bị mưu sát” loang
ra, ông Yeltsin có tới chỗ nhà cô nhân tình của mình, một “chị nuôi” làm việc
trong khu nghỉ dưỡng chính phủ Uspenskoie. Đến nhà cô ấy, Yeltsin chơi trò của
thanh niên là nhặt viên đá nhỏ rồi ném lên cửa sổ nhà cô ta. Không may là lúc
đó trong nhà cô ấy lại có mặt cậu nhân tình trẻ nên cậu ta nổi cơn ghen, chạy
ra gây gổ với ông Yeltsin rồi nổi đóa xô ông ta ngã vào một vũng nước. Thế là
ông Yeltsin đi kể lại với mọi người rằng ông ấy bị “kẻ thù xô xuống cầu” (!)…
Người được choàng chiếc áo của một anh hùng
Trong cái đêm xảy ra vụ “mưu sát”, cô Tachiana, con gái
B.Yeltsin đã liên tục gọi điện thoại về nhà của A. Korzakov. Người cận vệ trung
thành cấp tốc phóng tới khu Uspenskoie, lúc đó B.Yeltsin đã tới được một trạm
gác của cảnh sát giao thông.
Đến nơi, A. Korzakov nhìn thấy một người đàn ông mặc quần
đùi trắng nằm lăn lóc trên băng ghế chờ, cả người tím tái. Cảnh sát giao thông
đã mặc cho ông ấy một cái áo choàng ngắn và đặt bên cạnh một máy sưởi.
Vừa trông thấy A. Korzakov là B.Yeltsin khóc nức lên: “Nhìn
đây Sasha, anh nhìn mà xem bọn họ đã làm tôi ra nông nỗi thế này đây…”. A.
Korzakov lập tức rót cho ông ấy uống ngay hết một cốc rượu to, B.Yeltsin nuốt
đánh ực rồi lại nằm vật xuống băng ghế. Lúc đó A. Korzakov mang theo chai rượu
0,8 lít và loáng cái B.Yeltsin đã nốc cạn cả chai. Liên tục chà xát cho ấm người,
chai rượu như một thứ “biệt dược” đã giúp B.Yeltsin tỉnh người ra và bắt đầu
huyên thuyên trở lại.
Tháng 3-1989, B.Yeltsin được bầu vào Đại hội đại biểu nhân
dân với tư cách là đại biểu quận Moskva và giành được ghế trong Xôviết tối cao.
Tháng 5-1990, ông ta được bầu làm Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xôviết tối cao Liên
bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xôviết Nga (RSFSR). B.Yeltsin được cả những nhân
vật cấp tiến dân chủ lẫn phe bảo thủ, những kẻ đang tìm cách nắm thêm quyền lực
trong tình hình chính trị biến động trong Xôviết tối cao ủng hộ.
Ở đây có thể thấy, một phần trong cuộc đấu tranh giành quyền
lực ngấm ngầm và đầy căng thẳng này là sự đối đầu giữa các cơ cấu quyền lực
Liên bang Xôviết và Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Nga. Trong một
nỗ lực nhằm giành thêm quyền lực vào tay mình, ngày 12-6-1990, Đại hội đại biểu
nhân dân RSFSR đã đồng ý đưa ra một tuyên bố về chủ quyền và tháng 7-1990,
B.Yeltsin tuyên bố ra khỏi đảng Cộng sản.
Như trong nội dung bài trước đã đề cập, cuộc trưng cầu dân ý
tổ chức trên toàn Liên bang Nga ngày 17-3-1991 (cuộc trưng cầu này bị các nước
cộng hòa vùng Baltic và các nước Armenia, Gruzia, Moldova tẩy chay), đa số công
dân của tất cả các nước cộng hòa khác trong Liên bang đều thể hiện mong muốn
gìn giữ Liên bang Xôviết.
Sau nhiều cuộc đàm phán, tám trong số chín nước cộng hòa
(ngoại trừ Ukraine) đã thông qua Hiệp ước Liên bang mới biến Liên bang Xôviết
thành một liên bang của những nước cộng hòa độc lập với một vị tổng thống. Ngày
12-6-1991, B.Yeltsin đạt 57% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống dân chủ
của nhà nước Nga, đánh bại ứng cử viên Nikolai Ryzhkov được M.Gorbachev hậu thuẫn.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, B.Yeltsin không ngừng chỉ
trích “sự chuyên chính của trung ương”, nhưng không đưa ra đề xuất nào về một nền
kinh tế thị trường. Thay vào đó, ông ta nói rằng “Tôi sẽ đưa đầu vào đường ray
tàu hỏa nếu giá cả cứ tiếp tục tăng lên”.
Với đông đảo người dân, giữa thời buổi nhiều biến động, ngay
cả những mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày cũng trở nên đắt đỏ và khan hiếm thì
cũng thật dễ hiểu là tại sao M.Gorbachov trở thành đối tượng để họ trút giận.
Và nếu như có một nhân vật nào đó dám đứng lên gạt phăng mọi lo toan bức bối
thì cho dù người đó có là Donquichote cưỡi con lừa già cỗi xông vào choảng nhau
với mấy chiếc cối xay gió to lừng lững thì vẫn được quần chúng vỗ tay tung hô.
B.Yeltsin trở thành Tổng thống CHLB Nga thông qua cuộc bầu cử
trực tiếp với chiến thắng vang dội, còn M.Gorbachov ngược lại, được Quốc hội bầu
làm Tổng thống chứ không phải do dân bầu. Vì thế, ông ta không thể nói rằng,
mình là tổng thống được lòng dân.
B.Yeltsin nhậm chức Tổng thống Liên bang Nga ngày 10-7. Theo
thỏa thuận giữa Tổng thống Liên Xô M.Gorbachev với Tổng thống Liên bang Nga
B.Yeltsin, Hiệp ước Liên bang mới phải được ký vào ngày 20-8.
Tình thế này khiến cho Nguyên soái Yazov, lúc đó đang giữ chức
Bộ trưởng Quốc phòng, cũng như nhiều đảng viên cộng sản Liên Xô đang ở những vị
trí cao trong bộ máy Liên bang chợt hiểu ra rằng, bằng cách đó, sự tan vỡ của
Liên bang Xôviết đã có thể đếm từng ngày vì trong khi tất cả đều nói “ủng hộ
Liên bang Cộng hòa XHCN Xôviết”, vậy mà lại đưa ra dự thảo Hiệp ước Liên bang
trong đó chỉ nói tới các quốc gia có chủ quyền. Phe thủ cựu nhận thức được rằng,
đang diễn ra một quá trình có định hướng rõ ràng nhằm đạt mục đích không có một
liên bang nào cả, mà chỉ có một liên minh các nước cộng hòa có các vị tổng thống
riêng.
Trước nguy cơ Liên Xô tan rã nếu Hiệp định Liên bang mới được
ký kết đúng vào ngày 20-8, Chủ tịch KGB Kriuchkov đã đứng ra tập hợp lực lượng
để “tìm cách giải nguy”.
Chiều tối thứ bảy 18-8, vào cuối buổi làm việc, ông
Kriuchkov đã gọi điện cho một số người thân cận, mời tới một căn cứ quân sự tại
Moskva bàn chuyện đại sự. Sau cuộc họp kín, họ quyết định cử một phái đoàn tới
Crimea, nơi M. Gorbachev cùng gia đình đang đi nghỉ dưỡng. Họ đã cố gắng thuyết
phục tổng thống Liên Xô đứng về phía họ và hủy bỏ việc ký Hiệp định Liên bang mới,
nhưng đã không thành công.
Vào thời điểm tháng 8 ấy, B. Yeltsin đang thăm chính thức
Kazhastan (nước cộng hòa đầu tiên đồng ý ký Hiệp ước Liên bang mới). Cũng theo
lời kể của A. Korzakov, có lẽ ông Nazarbayev (Nursultan Abishevich Nazarbayev,
lãnh đạo Kazakhstan lúc đó) đã biết trước chuyện gì đó hoặc đã ngầm đoán được
nên cứ tìm cách kéo dài chuyến thăm như bộ phận khánh tiết cứ bày hết bữa tiệc
này đến bữa tiệc khác…
Theo lịch trình thì đã tới lúc phải rời đi, lịch bay đã được
sắp xếp, nhưng chủ nhà vẫn chèo kéo mời mọc chén thù chén tạc. Tổ cận vệ của B.
Yeltsin đã phải về nhà nghỉ rất muộn. Mới 6 giờ sáng hôm sau, trực ban đã đánh
thức A. Korzakov bằng giọng thảng thốt: “Aleksandr Vasilievich, nước ta xảy ra
đảo chính rồi!”. Trong lúc mặc trang phục, A. Korzakov tranh thủ thu thập thêm
tin tức và chạy tới chỗ gia đình B. Yeltsin đánh thức họ dậy.
Người Mỹ đã mật báo cho M. Gorbachev về âm mưu đảo chính
Đúng 6 giờ 5 phút ngày 19-8 tại Moskva, Phó Tổng thống Liên
Xô Gennady Yanayev đã công bố sắc lệnh bất thường về việc Tổng thống Liên Xô
Gorbachev do tình trạng sức khỏe suy yếu nên không thể đảm đương được chức
trách của mình và bắt đầu từ ngày 19-8, ông Yanayev sẽ đảm nhận cương vị Quyền
Tổng thống Liên Xô trên cơ sở điều 127 mục 7 Hiến pháp Liên Xô. Lúc này, tại biệt
thự nghỉ dưỡng của mình ở Crimea, M.Gorbachev và gia đình bị quản thúc. Khi bị
ép phải tuyên bố từ chức, ông ta thẳng thừng từ chối.
6 giờ 15 phút, Ban lãnh đạo mới của Liên Xô ban bố lệnh áp dụng
tình trạng khẩn cấp ở một số khu vực trong thời hạn 6 tháng. Một Ủy ban Nhà nước
về tình trạng khẩn cấp (viết theo những chữ cái đầu phiên theo tiếng Nga là
GKCHP) đã được thành lập, đứng đầu là Phó Tổng thống Liên Xô Gennady Yanayev;
các thành viên còn lại của Ủy ban gồm Chủ tịch KGB Vladimir Kriuchkov, Bộ trưởng
Nội vụ Boris Pugo, Bộ trưởng Quốc phòng Dmitri Yazov, Thủ tướng Valentin
Pavlov… 9 phút sau, GKCHP đã ra lời kêu gọi quốc dân đồng bào và nhận trách nhiệm
nắm giữ vận mệnh Liên Xô.
Phó Tổng thống G. Yanayev cùng các thành viên GKCHP ngay lập
tức lên đài truyền hình và phát thanh đưa ra một tuyên bố đanh thép buộc tội
chính quyền của M. Gorbachev, nhưng giọng điệu yếu ớt và bàn tay run rẩy của G.
Yanayev không giấu nổi trước ống kính máy quay khi đang phát biểu ngay lập tức
khiến mọi người có cảm giác ông này không phải là người có thể vãn hồi được trật
tự xã hội, điều nhiều người đang canh cánh mong chờ và hy vọng.
Những quyết định đầu tiên của Ủy ban tình trạng khẩn cấp đưa
ra là cấm các đảng phái khác hoạt động, cấm tổ chức các cuộc mít tinh và đình bản
một số ấn phẩm báo chí. Các chương trình truyền hình cũng bị cấm phát. Quân đội
được đưa vào một số thành phố lớn của Liên Xô.
Khi ấy, có hiện tượng khiến A. Korzakov không thể giải thích
nổi là nếu B. Yeltsin cùng bộ sậu đến Kazakhstan để chuẩn bị cho lễ ký kết một
hiệp ước quan trọng như thế thì không hề có một ai chuẩn bị cho lễ ký cả. Theo
lý giải của bản thân A. Korzakov, thông thường trong những trường hợp như thế
thì trên báo chí phải có cả một chiến dịch tuyên truyền ầm ĩ, đằng này mọi sự vẫn
diễn ra trong im lặng.
Nếu như ngày hôm sau
sẽ là ngày ký nhưng bộ phận bảo vệ của A. Korzakov không hề nhận được lịch
trình hay địa điểm sẽ diễn ra sự kiện này; ai cũng phân vân không biết nó sẽ diễn
ra ở Novo-Ogarevo hay Điện Kremli?
Cho đến nay, A. Korzakov dần dần nghiệm ra rằng, có vẻ như cả
M. Gorbachev lẫn B. Yeltsin đã biết trước về việc lễ ký Hiệp ước liên bang mới
sẽ không diễn ra. Còn trước thông tin về cuộc chính biến, B. Yeltsin lại tỏ ra
bình thản; là do ông ta đã biết trước hay chưa thể hình dung ra hết chuyện gì
đang xảy ra ở thủ đô Moskva?
Hay đơn giản chỉ là ông ta đã bị Tổng thống Kazakhstan
Nursultan Abishevich chuốc rượu quá nhiều, rồi lúc lên máy bay còn uống thêm nữa
nên rơi vào tình trạng “quắc cần câu”? Vì khi về tới Moskva thì B. Yeltsin đã
say bí tỉ đến mức khi được Korzakov đánh thức vào lúc 7 giờ 30 thì ông ta lè
nhè gắt: “Đánh thức cái gì? Chính biến cái gì? Các cậu bịa ra chuyện gì vậy?”.
Về đến trụ sở Quốc hội của chính quyền CHLB Nga, thường được
gọi là “Nhà Trắng Moskva”, B.Yeltsin ngay lập tức được đại diện của đại sứ quán
Mỹ, tọa lạc gần Nhà Trắng đưa ra đề nghị để B.Yeltsin tới ẩn náu trong tòa đại
sứ trong trường hợp ông ta bị Ủy ban GKCHP ra lệnh bắt giữ. Chính A. Korzakov
đã tiến hành thương thảo với đại diện đại sứ quán Mỹ về chuyện này.
Giữa họ đã đạt được thỏa thuận: trong trường hợp nếu Nhà Trắng
bị tấn công, các cửa sau của Đại sứ quán Mỹ phải luôn luôn để ngỏ và tình trạng
này có thể phải kéo dài trong ba ngày. Một khi đã chạy vào đây, “nạn nhân” có
thể tá túc tới cả năm và từ đó sẽ thông báo đi khắp thế giới về những việc diễn
ra ở nước Nga.
Ngoài phương án này, tổ cận vệ của B. Yeltsin còn đưa ra giải
pháp sẽ cùng Tổng thống Nga chạy xuống tầng hầm Nhà Trắng, dưới đó có một công
trình tránh bom khổng lồ và hiện đại, có khả năng bảo vệ trước bất cứ một loại
bom công phá nào. Họ có thể ẩn náu dưới đó vài ba tuần và sau đó tìm đường
thoát ra ngoài. Nghe trình bày về hai tình huống cùng các phương án tương ứng,
B. Yeltsin đáp: “Tùy các anh (tổ cận vệ) quyết định!”.
Sự hiện diện của người Mỹ trong tình thế này hoàn toàn không
mang tính ngẫu nhiên. Từ đầu năm 1991, sau sự kiện quân đội Liên Xô tiến vào
tòa nhà Quốc hội Cộng hòa Litva với ý định tái kiểm soát nước cộng hòa ly khai
này, chắc chắn đó là lệnh từ Moskva, nhưng M. Gorbachov dính líu vào sự kiện
này đến mức độ nào?
Mãi sau này, M.Gorbachev mới thừa nhận cuộc tấn công ấy “xảy
ra sau lưng mình” do những người cứng rắn chống đối ông ta trong chính phủ tiến
hành mà ông ta không hề biết. Chính quyền Mỹ biết rõ vấn đề chủ nghĩa dân tộc ở
15 nước cộng hòa Xôviết gây rất nhiều tranh cãi và cũng khó để cho M.Gorbachov
cho phép 3 nước vùng Baltic theo gương các nước Đông Âu.
Tuy vậy, việc Moskva cố gắng áp đặt sự kiểm soát đối với
Litva cũng làm người Mỹ lo lắng. Tổng thống Mỹ George W.H Bush cử Đại sứ Mỹ
Jack Matlock đến Điện Kremlin để cảnh báo M.Gorbachov rằng, nếu còn để xảy ra bạo
lực trong việc dàn xếp các xung đột dân tộc và quyền lợi của các nước cộng hòa
thì quan hệ Xô-Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Tháng 6-1991, người Mỹ nhận được tin mật báo
rằng, một số quan chức quốc phòng và an ninh của Liên Xô “có thể sẽ tiến hành đảo
chính”.
Tổng thống Bush đã mật báo thông tin này cho M. Gorbachov
qua một cuộc điện đàm. Đại sứ Matlock cũng đích thân đến gặp M. Gorbachov để
truyền đạt những thông tin đáng quan ngại, nhưng ông đã tỏ ý xem thường lời cảnh
báo.
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét