Hàng ngàn người biểu tình phản đối Formosa tại Hà Tĩnh, ngày
01 tháng 09 năm 2016.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam hôm 29/9 ban hành định mức bồi
thường thiệt hại cho các nạn nhân của ‘sự cố môi trường’ Formosa, nhưng một số
người dân địa phương nói mức bồi thường hoàn toàn không hợp lý.
Theo quy định vừa được công bố, người dân bị thiệt hại sẽ được
chia làm 7 nhóm đối tượng: khai thác hải sản, nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất
muối, hoạt động kinh doanh thủy hải sản ven biển, dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch
vụ du lịch-thương mại ven biển, và thu mua-tạm trữ thủy sản.
Đáng chú ý là mức bồi thường cho chủ tàu/thuyền không lắp
máy là 5,83 triệu đồng/tàu/tháng, bồi thường cho người lao động trên tàu/thuyền
không lắp máy là 3,69 triệu đồng/người/tháng.
Anh Hường, một người làm nghề biển đã bị mất việc sau thảm họa
Formosa tại Hà Tĩnh, nói chắc chắn anh và những người dân khác sẽ không đồng ý
với mức bồi thường thiệt hại vừa công bố. Anh nói mức bồi thường quy định cho một
tháng mà Thủ tướng chính phủ ban hành chỉ tương đương với mức thu nhập 1-2 ngày
của người dân trước đó.
“Chắc chắn người dân chưa thỏa thuận được như thế, tại vì
lao động ở đây có mức thu nhập cao. Bình thường một lao động có 500.000 –
700.000 đồng/ngày là bèo nhất. Có khi người ta thu nhập 2 – 3 triệu đồng/ngày,
còn bình thường cũng 1 triệu đồng/ngày”.
Ngoài ra, thời gian quy định bồi thường tối đa là 6 tháng
cũng bị cho là không hợp lý. Lý do, theo anh Hường, là vì khoảng thời gian trên
không đảm bảo được nước biển đã sạch trở lại và người dân có thể quay trở lại
công việc.
“Khi nào biển sạch? Thời gian bao lâu? Nhà nước quy hoạch là
bây giờ đền cho người dân 6 tháng thì tất nhiên người ta sẽ không chấp nhận được.
Đợt bọn em làm hồ sơ kiện [Formosa] gửi tòa án, bọn em đòi hỏi ít nhất là phải
5 năm”.
Linh mục Đặng Hữu Nam, người đã cùng với hơn 500 người dân bị
thiệt hại vừa làm đơn khởi kiện Formosa, viện dẫn một nguồn tin khoa học nói
thiệt hại môi trường do Formosa gây ra đối với vùng biển miền Trung Việt Nam phải
mất 50 – 70 năm mới khôi phục được. Trong thời gian này, người dân địa phương
không thể sống “với biển” và “nhờ biển” được. Ông cho biết thêm:
“Được chi trả đi chăng nữa, chúng tôi cũng không chấp nhận.
Vì sao chúng tôi kiện Formosa? Chúng tôi không phải chỉ kêu gọi buộc Formosa phải
đền bù thỏa đáng cho người dân mà thôi, mà chúng tôi còn buộc Formosa phải đóng
cửa”.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh
tế Trung ương, nhận định rằng dù những thiệt hại do Formosa gây ra chưa được thống
kê đầy đủ và toàn diện, nhưng có thể thấy một số thiệt hại ở mức vĩ mô đang diễn
ra.
“Sau khi có hiện tượng ô nhiễm cá chết của Formosa, chính
quyền Hoa Kỳ đã hạn chế toàn bộ việc nhập khẩu thủy sản của Việt Nam và kiểm
soát rất gắt gao. Thậm chí bây giờ có quy định là những cá nhân nhập cảnh vào
Hoa Kỳ hoàn toàn không được mang các sản phẩm thủy sản xưa, truyền thống của Việt
Nam như tôm khô, cá mực khô… Điều đó bây giờ là hạn chế”.
Mặt khác, theo TS. Lê Đăng Doanh, những sản phẩm bị ô nhiễm
hiện chưa được kiểm soát chặt chẽ. Theo ông, dù Bộ Y tế đã công bố các loại hải
sản an toàn và không an toàn, nhưng nếu hải sản không an toàn đánh bắt được lại
đem đi phân phối ở những nơi khác sẽ gây ra những tác động lớn, ảnh hưởng đến sức
khỏe của người dân nói chung. Ngoài ra, những tác động về môi trường hiện chưa
được đánh giá đầy đủ tại địa phương và ở những khu vực mà các chất gây ô nhiễm
theo dòng hải lưu chuyển đến.
TS. Lê Đăng Doanh nói việc đòi hỏi Formosa phải thay đổi
phương pháp sản xuất cũng là một vấn đề quan trọng để đáp ứng những đòi hỏi về
an toàn môi trường trong tương lai.
“Formosa đã làm không đúng thiết kế sản xuất than cốc theo
phương pháp khô, tức là phải được làm nguội bằng khí Nitơ. Hiện nay Formosa
đang sản xuất than cốc theo phương pháp ướt, tức là bằng nước và như vậy sẽ bị
ô nhiễm. Muốn thay đổi thiết kế, Formosa phải đầu tư một khoản tiền không nhỏ.
Cho đến nay, tôi chưa được thông tin đầy đủ về việc Formosa có thay đổi thiết kế
đó hay không và phía Việt Nam có cương quyết đòi hỏi Formosa phải thực hiện
đúng thiết kế mà Việt Nam đã yêu cầu hay không”.
Trước đó, chính phủ Việt Nam sau khi làm việc với công ty
Formosa đã đồng ý mức nhận mức bồi thường thiệt hại là 500 triệu đôla. Nhưng
khoản tiền bồi thường trên đã bị chỉ trích là quá thấp so với những thiệt hại
trên thực tế của người dân cũng như những tác động lên nền kinh tế và môi trường.
Báo cáo của Tổng cục thống kê Việt Nam hôm 29/9 cho biết có
đến gần 25.000 người dân mất việc sau sự cố Formosa. Trong khi đó, báo VnEpress
trích dẫn một báo cáo của chính phủ Việt Nam hồi tháng 7 cho biết thảm họa môi
trường Formosa đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 200.000 người, trong đó
có khoảng 41.000 ngư dân.
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét