600 giáo dân ở tỉnh Nghệ An kiện Formosa
Hôm 26/9 khoảng 600 giáo dân ở tỉnh Nghệ An đã vượt quãng đường
dài 200km đến gửi đơn kiện tại Tòa án thị xã Kỳ Anh thuộc tỉnh Hà Tĩnh, nơi có
khu công nghiệp gang thép Formosa thủ phạm gây ra thảm họa cá chết ở biển miền
Trung.
Hình ảnh trên mạng cho thấy khi người dân đến nơi tòa án đã
đóng cổng, người dân đứng ngoài và lực lượng công an bảo vệ đứng phía trong sân
tòa.
Trong khi tòa án được xem là nơi thực thi công lý, nơi người
dân tìm đến cậy nhờ để bảo vệ quyền lợi.
Kém lắng nghe
Có nhiều dẫn chứng cho thấy ngành tòa án kém lắng nghe và yếu
kém trong xử lý công việc.
Ví như tình trạng người dân bị cản trở không được vào tham dự
phiên tòa xét xử công khai. Đó là việc bảo vệ cổng tòa án lấy lý do đảm bảo an
ninh trật tự không cho người dân vào tham dự phiên tòa.
Đây là hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng, lại thường xảy ra ở
những cơ quan tư pháp lớn như Tòa án phúc thẩm tối cao và Tòa án thành phố Hà Nội,
nơi xét xử nhiều vụ án lớn được dư luận quần chúng quan tâm.
Tình trạng này đã được báo chí phản ánh nhiều lần và bản
thân tôi mấy năm trước cũng đã gửi đơn kiến nghị tới Tòa án tối cao và Tòa án
Hà Nội đề nghị chấn chỉnh sửa đổi.
Nhưng tới nay thực trạng vẫn không thay đổi. Điều này chỉ có
thể bởi ngành tòa án đã yếu kém năng lực lắng nghe và kém năng lực xử lý công
việc.
Tình trạng kém lắng nghe của ngành tòa án còn thể hiện ở việc,
tại những phiên tòa luật sư hay bị ngắt lời khi đặt câu hỏi và trình bày các lập
luận.
Thẩm phán chủ tọa thường lấy quyền điều khiển phiên tòa của
mình để cản trở luật sư làm rõ các tình tiết của vụ án.
Lý do là bởi thẩm phán chủ tọa không đủ kiên nhẫn để lắng
nghe, hoặc là vì diễn tiến của việc hỏi và lập luận sẽ làm rõ và dẫn vụ án theo
chiều hướng khác trái với hướng dự định của án bỏ túi.
Tất cả những điều đó về bản chất đều thể hiện khả năng lắng
nghe kém của ngành tòa án, mà rồi từ việc lắng nghe kém sẽ khiến công lý không
được thực thi.
Nữ thần công lý
Tòa án được coi là nơi thực thi công lý và là nơi người dân
tìm đến để cậy nhờ bảo vệ quyền lợi. Vậy lâu nay tòa án lắng nghe người dân thế
nào và thực thi công lý ra sao?
Tìm hiểu thì thấy, một hình tượng của các tòa án trên thế giới
là hình tượng Nữ thần công lý, có một dải băng che mắt, một tay cầm kiếm và một
tay cầm cán cân công lý.
Lý giải tại sao Nữ thần lại bịt mắt người ta đã cho cách hiểu
rằng đó là để nữ thần được công tâm. Nữ thần không nhìn để không biết anh ăn mặc
ra sao, kẻ giàu có hay nghèo hèn, kẻ quan chức hay người bình dân, người quen
thân hay kẻ xa lạ.
Nữ thần bịt mắt để không thiên vị và nữ thần sẽ chỉ lắng
nghe.
Nữ thần sẽ lắng nghe và sau khi lắng nghe các ý kiến Nữ thần
sẽ thực thi công lý.
Nữ thần công lý bịt mắt và làm việc bằng đôi tai.
Theo đó sự lắng nghe là điểm quan trọng nhất để thực thi
công lý.
Vậy nhưng lắng nghe lại là điểm yếu nhất của hệ thống tòa án
Việt Nam.
Trong phiên tòa người ta không lắng nghe vì án đã được dự liệu
bỏ túi. Ngoài phiên tòa người ta không muốn lắng nghe tiếp nhận giải quyết những
vụ việc phức tạp như việc kiện Formosa.
Hệ thống tòa án là một bộ phận của hệ thống bộ máy nhà nước
kém lắng nghe.
Người ta chỉ muốn nghe những điều muốn nghe, và không muốn
nghe những ý kiến khác trái chiều.
Những lời nói khác sẽ bị ngắt, bị cản trở, người nói có thể
bị quy chụp xử lý.
Đó là thực trạng về năng lực lắng nghe của ngành tòa án Việt
Nam.
Và khả năng lắng nghe sẽ tương ứng với khả năng thực thi
công lý.
Ở những nước có nền tư pháp văn minh tiến bộ, họ thiết lập hệ
thống tòa án mà hoạt động của tòa hầu như không làm gì khác ngoài việc lắng
nghe.
Bồi thẩm đoàn ở các phiên xét xử chỉ ngồi nghe, họ nghe bên
công tố, nghe luật sư các bên đặt câu hỏi và trình bày lập luận. Ngoài việc lắng
nghe bồi thẩm đoàn không làm gì khác, sau khi lắng nghe bồi thẩm đoàn sẽ biểu
quyết về vụ án.
Việc lắng nghe theo đó được coi trọng đúng như ý nghĩa hình
tượng của Nữ thần công lý.
Năng lực lắng nghe tương ứng với năng lực thực thi công lý.
Ngành tòa án nên hiểu được làm sao để người dân có niềm tin và sự tín nhiệm vào
tòa.
Trở lại việc kiện Formosa
Tòa án huyện Kỳ Anh hẳn là chẳng mong muốn tiếp nhận một vụ
kiện phức tạp như vụ kiện Formosa. Cho nên phải sau một hồi đấu tranh thì cổng
tòa mới được mở để người đi nộp đơn kiện vào làm việc. Và đến cuối ngày 26/9
tòa án đã tiếp nhận một số đơn kiện của bà con ngư dân.
Theo quy định pháp luật thì trong thời hạn tám ngày làm việc
kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện nếu không thụ lý thì tòa án phải trả lời cho
người khởi kiện biết.
Vậy liệu tòa án Kỳ Anh có thụ lý vụ kiện đòi bồi thường
Formosa? Hay là từ chối giải quyết và đưa ra một lý do thiếu thuyết phục nào
đó?
Việc này một lần nữa sẽ cho thấy năng lực lắng nghe và giải
quyết sự vụ của ngành tòa án. Và cho thấy khả năng thực thi công lý của tòa đến
đâu.
Ngành tòa án nên nhớ rằng dù cho phán quyết có chấp nhận yêu
cầu bồi thường hay không thì điều tối thiểu vẫn là phải lắng nghe các ý kiến.
Tức là ngay cả khi tòa án bác bỏ yêu cầu đòi bồi thường và
cho đó là công lý thì điều cần thiết vẫn là phải lắng nghe ý kiến các bên.
Bằng cách tổ chức phiên tòa để lắng nghe cơ sở dẫn chứng và
lập luận của các bên.
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét