Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Một cái giá bằng ba cái đánh!

Điền Phương Thảo


“Cảnh sát Đông Anh gạt tay trúng má phóng viên (?)” là kết luận rất “ chính xác, khách quan” đối với sự việc xảy ra xô xát giữa CA huyện Đông Anh và phóng viên Trần Quang Thế – Báo Tuổi trẻ TPHCM trên cầu Nhật Tân . Đó là thông tin do Đại tá Nguyễn Duy Ngọc – Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra CA TP. Hà Nội trả lời với Thành ủy, UBND TP.Hà Nội và báo chí vào chiều hôm qua 29-09-2016.

14518308_1142011589208477_133914253_n

Dân Việt có câu: “Một cái giá bằng ba cái đánh” với ý nghĩa là khi đánh thì người bị đánh sẽ định lượng được sự đau đớn và thương tích mình phải chịu, còn khi “giá” thì người bị đe dọa không biết được mức độ gây tổn thương cho mình là bao nhiêu, vì thế cho dù không gây thương tích như “cái đánh” nhưng “cái giá” đã thể hiện tâm ý muốn đánh người. Và lúc đó sự xúc phạm về tinh thần cũng to lớn không kém gì sự tổn thương trên thân xác.
Một kinh nghiệm cho thấy là nếu người thực hiện “cái giá” ở một vị trí hay chức vụ cao hơn, ví dụ cha (mẹ) giá tay định đánh con cái, thì người con sẽ cảm thấy dễ chấp nhận. Nhưng nếu bạn bè cùng lứa, đồng sàn thì “cái giá” sẽ trở nên rất khó chấp nhận. Bởi lẽ như thế là tỏ ý xem thường nhau, làm mất thể diện của nhau .
Do vậy, cảm nhận về sự xúc phạm của nhà báo Quang Thế sẽ càng trở nên nặng nề khi người thực hiện “cái giá ” là một CA hiểu luật, biết luật và nhất là cả hai cùng là những người làm công tác phục vụ cho dân, cho nước, cùng đang thi hành công vụ. Rõ ràng, ngoài việc xem cái quyền hành hung, cư xử thô bạo với người khác như là một “đặc ân” của Công An thì không có lý do gì khiến họ dễ dàng ra tay thực hiện hành vi đánh người, dù chỉ mới là trong ý tưởng đi nữa.
Thượng tá Thắng thừa nhận cán bộ chiến sĩ của đơn vị đã có “thái độ không đúng”, nhưng nguyên nhân sâu xa của “thái độ không đúng” chính là “suy nghĩ không đúng”. Mà cái “suy nghĩ không đúng” này không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi trừ phi nó được chế tài bởi một nền luật pháp nghiêm minh .
“Bị áp lực công việc” cũng là một nguyên nhân được thượng tá Thắng đưa ra nhằm giải thích cho cái “thái độ không đúng” của cấp dưới. Đây là lối phân bua đầy tính ấu trĩ, bởi lẽ thái độ là kết quả của ý thức. Biết bao những thuộc hạ hay cấp dưới đã phải chịu rất nhiều “áp lực công việc” khi làm việc với cấp trên, với lãnh đạo của mình. Thế nhưng có ai trong số họ dám có cái “thái độ không đúng “ là giở thói côn đồ với thượng cấp của mình không? Nghĩa là họ biết khi nào được và không được có “thái độ không đúng” . Điều đó nói lên rằng họ hoàn toàn có khả năng làm chủ cảm xúc và việc điều khiển những cảm xúc đó như thế nào tùy thuộc vào đối tượng họ nhắm tới. Có nghĩa là chính cái TÂM THỨC chứ không phải BẢN NĂNG quyết định thái độ cư xử của họ.
Và do chỉ “gạt tay trúng má” nhà báo Quang Thế nên sau khi đi khám thì kết quả khẳng định là không có thương tích. Vì chưa có hành động gây ra tác hại “cụ thể” nên Ban Chỉ huy Công an huyện Đông Anh và Phòng Tổ chức cán bộ yêu cầu CA tên Thuyên kiểm điểm, rút kinh nghiệm và kỷ luật khiển trách với CA tên Hưng.
Đây là một kết thúc rất ĐÚNG -QUY-TRÌNH vẫn thường xảy ra ở cái xã hội mà “Công Lý chỉ là một diễn viên hài”!


 Nguồn:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét