Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Về các tổ chức XHDS ở Việt Nam (Bài 4: Những khó khăn và thách thức)



Nguyễn Vũ Bình


     Các tổ chức XHD ở Việt Nam trong nửa thập kỷ qua đã phát triển, lớn mạnh và đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, sự phát triển của các tổ chức vẫn ít nhiều mang tính tự phát, hoạt động chưa chuyên nghiệp và chưa phát huy hết được hết tiềm năng của các thành viên. Có ba khó khăn lớn mà các tổ chức XHDS phải đối mặt, làm hạn chế rất nhiều hiệu quả hoạt động. Một là, sự đánh phá, đàn áp hàng ngày, hàng giờ của nhà cầm quyền Việt Nam; hai là, khó khăn về tài chính để duy trì, hoạt động và phát triển tổ chức; cuối cùng, kiến thức, kỹ năng cũng như tính chuyên nghiệp của các thành viên trong tổ chức còn rất nhiều hạn chế. Nhận thức được những khó khăn này, chúng ta cần xây dựng các tổ chức XHDS theo hướng chuyên nghiệp, đồng thời chủ động phát triển tổ chức chuẩn bị cho tương lai hậu cộng sản sau này.

     Nâng cao tính chuyên nghiệp là yêu cầu đầu tiên đối với tất cả các tổ chức XHDS ở Việt Nam. Chúng ta đều biết, các tổ chức hoạt động càng chuyên nghiệp thì hiệu quả càng cao và ngược lại. Sự chuyên nghiệp về tổ chức có nghĩa là như thế nào? Đó là phải xây dựng được nguyên tắc, thể lệ hoạt động, xây dựng được quy trình và cơ chế hoạt động đồng thời chuẩn bị, bồi dưỡng được đội ngũ lãnh đạo kế cận. Đây là vấn đề rất khó khăn trong môi trường ở Việt nam bởi tuyệt đại đa số không được đào tạo và không hề có kinh nghiệm trong vấn đề này. Nếu chỉ dừng lại ở hoạt động dân sự đơn thuần, thì tính chuyên nghiệp mặc dù cũng được đặt ra nhưng không cấp thiết và sát sao như một tổ chức tiền thân cho tổ chức chính trị. Với mỗi một tổ chức XHDS, nếu có mục tiêu chuyển đổi thành tổ chức chính trị thì yêu cầu chuyên nghiệp hóa tổ chức là điều kiện bắt buộc. Để làm được điều này, chỉ có bản thân những người trong tổ chức, lãnh đạo và thành viên cần nghiên cứu, bàn bạc để xây dựng các quy chế tổ chức, quy trình và cơ chế hoạt động phù hợp với mục tiêu của tổ chức, với năng lực của các thành viên và hoàn cảnh hiện tại. Một tổ chức được xây dựng thành công là một tổ chức vẫn duy trì được hoạt động khi một thành viên, thậm chí cả ban lãnh đạo đột ngột từ bỏ nhiệm vụ do bị bắt hoặc vì lý do nào đó. Mặt khác, các thành viên trong ban lãnh đạo được bầu chọn một cách dân chủ, công khai và công bằng chứ không phải là tổ chức tự xưng. Hiện nay, đã có một vài tổ chức XHDS ở Việt Nam đã và đang thực hiện được việc này.

     Hiệu năng hoạt động của tổ chức, được xác định trên hai tiêu chí, hiệu quả hoạt động và phát triển tổ chức. Hiệu quả hoạt động của tổ chức mang tính định tính, nó phụ thuộc vào việc xác định những mục tiêu thiết thực, phù hợp với năng lực của tổ chức và các thành viên, đồng thời được tổ chức thực hiện một cách khoa học với một quyết tâm cao. Trên thực tế, rất khó đánh giá được chính xác các hoạt động hiện nay của các tổ chức XHDS bởi vì một đặc trưng là sự lan tỏa của hệ thống mạng xã hội rộng lớn, khó ai có thể thống kê hoặc định lượng được. Vấn đề phát triển tổ chức hiện nay cũng đang là thách thức lớn với các hội, nhóm. Việc phát triển tổ chức có tiêu chí định lượng rõ ràng, dễ kiểm soát mặc dù vẫn còn phương diện phát triển chiều sâu, chất lượng nhân sự của tổ chức. Nếu chỉ căn cứ vào định lượng, thì việc phát triển tổ chức của các tổ chức XHDS ở Việt Nam còn  nhiều yếu kém. Mới chỉ có một vài tổ chức thực sự phát triển được nhân sự đều đặn theo thời gian. Phần lớn các tổ chức số lượng nhân sự ít thay đổi, hoặc tăng lên không đáng kể. Điều quan trọng nhất, việc phát triển nhân sự trong nhân dân, trong số những người mới chỉ quan tâm hoặc có cảm tình với phong trào dân chủ còn rất hạn chế. Ngoài lý do cơ bản, việc tham gia vào phong trào dân chủ là một sự dấn thân, sự hy sinh và nguy hiểm thì sức hút của các hoạt động, công tác phát triển nhân sự của các tổ chức XHDS chưa thực sự thành công. Đây là vấn đề quan trọng mà các tổ chức XHDS cần khắc phục trong thời gian sắp tới.

     Trên thực tế, có hai vấn đề thực sự là thách thức đối với hoạt động và sự phát triển của các tổ chức XHDS. Đó là vấn đề tổ chức, cách thức tổ chức, hoạt động và vấn đề tài chính. Vấn đề tổ chức đã đề cập ở trên, nói cô đọng lại, là khả năng xây dựng tổ chức đang là vấn đề khó khăn đối với các tổ chức XHDS. Vấn đề tài chính cũng là một thách thức rất lớn đối với các hội, nhóm. Chúng ta biết rằng, một phần hạn chế không nhỏ trong hoạt động của các tổ chức hiện tại là do hạn chế về nguồn lực tài chính. Những người đấu tranh dân chủ, những thành viên của tổ chức XHDS phần lớn là những người đấu tranh, họ bị o ép đủ đường, bị triệt hạ nguồn sống (ngoại trừ một số ít đỡ, hoặc không bị như vậy), chính vì vậy, ngoài việc đấu tranh, họ cần phải để một phần tâm trí để mưu sinh. Nếu như có nguồn tài chính từ các hội nhóm, để những thành viên kết hợp việc đấu tranh và mưu sinh thì hiệu quả hoạt động sẽ tăng lên rất nhiều. Nhưng đây lại là vấn đề rất khó khăn của các hội, nhóm. Chỉ có một số rất ít, vô cùng ít thực hiện được việc kết hợp đấu tranh và mưu sinh của các thành viên. Một số nhỏ tổ chức khác, nguồn tài chính dành cho các thành viên chỉ có tính chất động viên, tượng trưng. Nên chăng các tổ chức, đảng phái ở hải ngoại tìm cách liên kết, kết hợp, đỡ đầu dưới hình thức kết nghĩa, một tổ chức dân sự trong nước với một tổ chức hoặc đảng phái ở hải ngoại để giải quyết vấn đề tài chính và bảo vệ các thành viên cho tổ chức dân sự trong nước. Nếu có một chủ trương như vậy, thực hiện và kêu gọi sự ủng hộ công khai (ở hải ngoại), tôi tin rằng sẽ ít nhiều thành công trong vấn đề kêu gọi nguồn tài chính cho các tổ chức XHDS./.

Hà Nội, ngày 28/9/2016

N.V.B
Nguồn:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét