Một giấy miễn thị thực có giá trị 5 năm. (Hình: Ngọc Lan/Người
Việt)
WESTMINSTER, Calif. (NV) – Như tin đã đưa, ngày 30 Tháng Tám, 2016 trên website của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco đưa ra thông báo có liên quan đến việc thay đổi thể loại và lệ phí visa vào Việt Nam. (Theo đó, lệ phí visa từ nay tăng 500%.)
Nguyên văn thông báo đó như sau:
“Theo thỏa thuận có đi có lại giữa hai chính phủ Việt Nam và
Hoa Kỳ, bắt đầu từ ngày 29/08/2016, Chính phủ Việt Nam cấp thị thực có thời hạn
một năm nhiều lần cho công dân Hoa Kỳ nhập cảnh Việt Nam với mục đích du lịch, hội
thảo, hội nghị, việc riêng hoặc làm việc với các cơ quan tổ chức doanh nghiệp tại
Việt Nam và đáp ứng các điều kiện khác để nhập cảnh Việt Nam theo quy định của
luật pháp Việt Nam. TLSQ Việt Nam tại San Francisco sẽ chỉ cấp 1 loại visa 1
năm nhiều lần, không cấp các loại visa 1 tháng và 3 tháng như trước đây.”
Tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn trong khi đó loan tin, “từ ngày
29 Tháng Tám năm 2016, dù với bất kỳ mục đích nào, công dân Hoa Kỳ khi đến Việt
Nam bất kể thời gian ngắn hay dài cũng phải đóng lệ phí thị thực (visa) $135
thay vì $25 như trước đây.”
Việc thay đổi thể loại cũng như cước phí visa vào Việt Nam
thật sự thế nào, ảnh hưởng ra sao đến những người có nhu cầu vào Việt Nam được
một số đại lý du lịch tại Mỹ, cũng như nhân viên Lãnh Sự Quán Việt Nam tại Hoa
Kỳ giải thích khá rõ ràng.
Visa cấp tại sân bay Việt Nam từ $25 tăng lên thành $135
Chị Hoa Phạm, đại diện công ty Bolsa Travel ở miền Nam
California, cho biết “Giá visa vào Việt Nam bắt đầu tăng từ ngày 31 Tháng Tám,
2016, và họ chỉ thông báo cho chúng tôi biết trước sự thay đổi này có 48 tiếng.”
Theo chị Hoa, lệ phí visa tăng “kinh khủng” nhất là loại
“landing visa”, tức visa cấp ngay tại các sân bay quốc tế của Việt Nam như Tân
Sơn Nhất, Nội Bài, và Đà Nẵng.
“Visa này thường dành cho những người có chuyện khẩn cấp phải
đi ngay, không kịp chờ xin visa ở Mỹ. Trước đây, khi về tới sân bay Việt Nam nhận
visa này, khách chỉ phải trả $25. Nhưng qui định mới là $135,” chị Hoa giải
thích.
Tuy nhiên, ngoài số tiền trên phải trả tại sân bay Việt Nam,
những người muốn xin loại “landing visa” còn phải trả thêm lệ phí để có được
“Thư chấp thuận” (Approval letter upon arrival”) của Lãnh Sự Quán Việt Nam trước
khi lên máy bay.
Chị Hoa giải thích tiếp, “Do ‘landing visa’ khi đến Việt Nam
mới có, nên khách cần có tờ ‘approval’ thì mới có thể lên máy bay được. Hồi trước
lệ phí lấy cái ‘approval’ là $50, giờ là $100, $120, tùy chỗ.”
“Như vậy, tổng cộng khách phải trả $235 đến $250 cho những
trường hợp đi khẩn cấp, phải xin ‘landing visa’,” chị Hoa nói.
Chỉ có ‘visa 5 năm,’ không còn visa ‘đi một lần’
“Một điều thay đổi nữa là trước đây mình có thể xin visa vào
Việt Nam một lần, giá khoảng $45-$50. Nhưng qui định mới là tất cả mọi người dù
là thẻ xanh hay passport, đều phải bắt buộc lấy visa 5 năm, giá $90, giá này
thì không đổi,” chị Hoa cho biết tiếp.
Cô Kiều Nguyễn, đại diện cho Kieu Nguyen Travel tại Austin,
Texas, giải thích chi tiết hơn về việc này, “Từ ngày 31 Tháng Tám, 2016, người
Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của công
dân Việt Nam được làm hai loại visa. Một loại gọi là ‘visa exemption,’ tức Giấy
Miễn Thị Thực mà người Việt thường gọi là visa 5 năm, loại này lệ phí không đổi.
Một loại nữa là gọi là ‘one year multiple-entries visa,’ hay còn gọi là visa vô
Việt Nam nhiều lần trong một năm, loại này giá tăng gấp 3 lần.”
“Loại ‘single entry,’ tức visa vào Việt Nam chỉ một lần
không còn tồn tại nữa,” cô Kiều nói.
Ông Trần Tùng, nhân viên Lãnh Sự Quán Việt Nam tại San
Francisco, qua điện thoại, xác nhận điều này, “Hiện giờ chỉ còn loại visa cấp một
năm đi nhiều lần dành cho người có passport Mỹ.”
“Với người Việt sống ở Mỹ không có passport Việt Nam, sử dụng
passport Mỹ, thì có thể làm được cả 2 loại, visa một năm hay miễn thị thực 5
năm,” ông Tùng cho biết.
Lý do có sự thay đổi này, theo ông Tùng là vì “Do chính phủ
Mỹ đề nghị cấp visa dài hạn nên chúng tôi thực hiện điều đó. Visa bây giờ sẽ
automatic đổi thành một năm đi nhiều lần, còn ai muốn đi một lần cũng được
thôi.”
Nói về vấn đề lệ phí, ông Tùng giải thích, “Theo thông báo của
Bộ Tài Chính thì lệ phí cho visa một năm đi nhiều lần là $135. Còn nếu muốn làm
giấy miễn thị thực thì quý vị có thể vào website coi những loại giấy tờ được
yêu cầu, có đủ điều kiện thì mới làm được.”
“Nếu đầy đủ điều kiện thì giấy miễn thị thực này có thể
không mất lệ phí vì chúng tôi chỉ phải gửi về trong nước để xin lệnh thôi,” ông
Tùng nói thêm.
Trong vai trò quản lý một công ty du lịch, thường xuyên giúp
khách hàng xin visa về Việt Nam, chị Hoa chia sẻ, “Thật sự giá chính thức được
nhà nước Việt Nam qui định thì không mắc như giá thực tế khách phải trả. Nhưng
sẽ chẳng bao giờ khách hàng trả được giá theo qui định, mà phải trả giá khác
thì mới có visa mà đi, còn không thì phải chờ lâu lắm.”
Visa cho người ngoại quốc cũng thay đổi đáng kể
Theo chị Hoa, “Với người nước ngoài, trước đây visa vào Việt
Nam một lần duy nhất là $100; visa vào Việt Nam nhiều lần trong một tháng là
$160, và chỉ cấp visa cho người nước ngoài tối đa là ba tháng, giá $200.”
“Nhưng bây giờ, người nước ngoài vào Việt Nam chỉ còn một loại
visa duy nhất có giá trị trong một năm và được ra vào Việt Nam nhiều lần, gọi
là ‘one year multiple-entries visa’, giá là $250,” chị Hoa giải thích.
“Sự thay đổi này có lợi cho những người Mỹ có công việc làm
ăn ở Việt Nam, cần vào Việt Nam nhiều lần. Nhưng nó không có lợi cho khách du lịch
Mỹ chỉ muốn đến Việt Nam một lần, vì cũng phải trả đến $250,” chị Hoa nhận xét.
Trả lời cho câu hỏi, “Liệu sự thay đổi cách thức cũng như lệ
phí cấp visa có ảnh hưởng gì đến những người Việt Nam sống ở Mỹ không?”, cả cô
Kiều lẫn chị Hoa đều cho rằng, “Không đáng kể.”
“Hầu như người nào còn thân nhân ở Việt Nam cũng đều xin
visa 5 năm để sẵn, mà loại này thì không tăng giá,” cô Kiều nói.
Với chị Hoa thì “Sự thay đổi này chỉ ảnh hưởng đến người phải
vào Việt Nam khẩn cấp và người nước ngoài muốn đến Việt Nam du lịch thôi. Với
người Việt chỉ muốn một lần về thăm quê hương cũng ảnh hưởng vì không còn loại
visa một lần nữa mà phải trả tiền cho visa 5 năm.”
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét