Lê Phan
Mười lăm năm sau khi al-Qaeda tấn công vào Hoa Kỳ, thành phố
New York cũng như các thành phố khác nay đã trở thành những pháo đài với cảnh
sát vũ trang, camera theo dõi và rào cản. Cho nổ bom – và khủng bố tinh thần dân
chúng – nay khó làm hơn trước nhiều.
Quả bom nổ trong một cái dumpster hôm tối Thứ Bảy ở Chelsea,
tung những mảnh sắt vụn lên không và làm bị thương nhẹ 31 người, đã bị Giáo Sư
Karen Greenberg của trường Luật Viện Đại Học Fordham gọi là “một cuộc tấn công
thất bại.”
Những cuộc tấn công khác làm cho nhiều chục người, ngay cả
nhiều ngàn người thiệt mạng. Trước những cuộc tấn công thảm khốc này, các cơ
quan liên bang được thành lập để bảo vệ nội an, và những luật mới được viết ra
cho các viên chức nhiều quyền hơn để ngăn ngừa khủng bố.
Ảnh hưởng của vụ nổ bom ở Chelsea không có bao nhiêu. Thay
vì rối loạn và hốt hoảng sau vụ nổ, dân chúng New York chứng kiến một cuộc truy
nã nhanh chóng và hữu hiệu. Trong vòng 48 giờ, Rahami đã bị bắt sau một cuộc chạm
súng ngắn. Sau khi được điều trị, theo một cựu nhân viên FBI thì nhà chức trách
sẽ chờ đến khi bác sĩ cho phép là hỏi cung. Và rồi khi có đủ bằng cớ Rahami sẽ
ra tòa.
Các viên chức nay sẽ, một cách bình tĩnh và có hệ thống, xây
dựng cáo trạng với chi tiết tỉ mỉ. Họ sẽ nghiên cứu những quả bom. Họ làm việc
chung với nhau trong một ủy ban liên ngành chống khủng bố, vốn được tổ chức để
giúp họ có thể ngăn cản các cuộc tấn công trong tương lai và truy tìm nghi phạm
đã vượt biên giới. Làm việc chung sẽ giúp họ khỏi dẫm chân lên nhau làm chậm việc
điều tra. Và họ đã cẩn thận thu thập hết những bằng cớ sinh học, như dấu tay và
DNA, từ địa điểm xảy ra vụ nổ ở Chelsea.
Ông Spike Bowman, vốn đứng đầu đơn vị về luật an ninh quốc
gia của FBI, giải thích là các nhà điều tra sẽ tìm hiểu kỹ điện thoại của
Rahami, tìm cách phân tích liên hệ, để xem bạn bè, thân nhân của nghi phạm là
ai. Vì ông này gốc là Afghanistan, họ sẽ nói chuyện với nhân viên công lực Hoa
Kỳ ở Kabul, để xem ông ta có liên hệ gì với một nhóm khủng bố nào không. Họ
cũng sẽ hỏi các nhân viên tình báo Hoa Kỳ ở Pakistan, nơi ông này đã lui tới
vài lần và đã lấy vợ đưa về Hoa Kỳ.
Với những hành động như vậy, vụ Chelsea cho ta thấy là các
tay khủng bố ngày nay khó hoạt động hơn thời al Qaeda còn hoành hành nhiều.
Osama bin Laden chủ mưu cuộc tấn công 9/11, tính từng ly từng tí, và kết quả thật
kinh hồn với gần 3,000 người thiệt mạng. Các chỉ huy của ISIS bảo những người
theo tự túc. Họ được chờ đợi phải tự học làm bom và tự chọn mục tiêu.
Không rõ là thủ phạm vụ nổ bom ở Chelsea có liên hệ gì với một
nhóm khủng bố quốc tế nào hay không. Những kẻ khác đã từng tổ chức tấn công ở
Hoa Kỳ đã nói họ trung thành với Islamic State. Cảnh sát bảo Rahami có một cuốn
nhật ký ca ngợi Osama bin Laden.
Chính vì thế bà Greenberg giải thích: “Đây có thể không phải
là toán tài tử. Nhưng khả năng của IS tuyển mộ và tổ chức và huấn luyện không
thể nào so sánh được với al-Qaeda.”
Ngay cả địa điểm bỏ bom cũng khác. Trong vụ bỏ bom ở
Chelsea, Rahami chọn đường West 23 Street là mục tiêu. Đây không phải là một vị
trí nổi bật. Có thể là Rahami biết ai ở đó hay là có thù hằn gì với xóm này.
Nhưng cũng có một lý do khả dĩ khác: Chelsea được lựa chọn bởi vì kẻ tấn công
có thể đến đó dễ dàng-và cũng dễ tấn công- hơn là một khu nổi tiếng.
Trong quá khứ, các tay khủng bố có nhiều lựa chọn. Một trong
những tay khủng bố, Faisal Shahzad, đã để chất nổ ở Times Square hồi năm 2010.
Tự cho mình là một tên khủng bố, Shahzad đã tìm cách cho nổ bom nhưng nó là bom
tịt ngòi.
Al Qaeda, như chúng ta biết, nhắm đến Wall Street và Ngũ
Giác Đài.
Ngày nay những nơi như Times Square, Tượng Nữ Thần Tự Do và
những địa điểm nổi tiếng khác của thành phố New York được canh phòng rất cẩn mật.
Camera được đặt ở đó và ở khắp nơi để giúp giảm tội ác, và cũng làm cho việc tấn
công của đám người quá khích khó khăn hơn. Ngay cả ở Chelsea cũng có gắn
camera. Đó là cách mà các nhân viên công lực cho dân chúng New York biết về
Rahami. Trong các video an ninh, Rahami mặc một cái jacket và đeo một cái túi
ngang vai. Các viên chức, trong một hành động lần đầu tiên, đã gửi text message
thông báo cho dân chúng biết và kêu gọi họ giúp đỡ.
New York ngày nay là một trong những thành phố chuẩn bị tốt
nhất để đối phó với một cuộc tấn công khủng bố. Kể từ năm 2001, sở cảnh sát
thành phố đã tăng cường khả năng chống khủng bố. Họ có hệ thống thu thập tình
báo riêng của mình bằng cách thuê những người nói tiếng Dari, Urdu, Pashto và Ả
Rập. Họ đã từng gửi nhân viên đến Amman, Israel, Luân Đôn và nhiều nơi khác.
Năm ngoái, một Nhóm Phản Ứng Chiến Lược, một đơn vị cảnh sát sử dụng thiết vận
xa, được thành lập để có thể phản ứng nhanh chóng trước khủng bố. Sở Cảnh Sát
NYPD còn thành lập Bộ Chỉ Huy Phản Ứng Nguy Kịch, một đơn vị được huấn luyện đặc
biệt để chống khủng bố. Và những đơn vị này được sự hỗ trợ của 1,000 cảnh sát
viên chuyên lo việc chống khủng bố. Kể từ ngày 11 tháng 9 định mệnh đó, ít nhất
20 âm mưu khủng bố đã bị chặn đứng ở thành phố, theo tân tổng giám đốc cảnh sát
New York, kể cả vụ tấn công chó sói đơn độc của Faisal Shahzad muốn tìm cách
cho phá nổ Times Square hồi năm 2010.
Chính Thống Đốc Andrew Cuomo của tiểu bang New York cũng phải
thú nhận trên CNN: “Nếu chúng tôi nói khi chúng tôi bắt đầu là việc này đi đến
kết luận nhanh đến thế này, không ai trong chúng tôi có thể tin được vào điều
đó. Nhưng tôi nghĩ đây là chuyện của thời nay. Chúng ta đã trở thành rất tinh
vi về cảnh sát, đặc biệt ở New York. Chúng ta có một lối hành động điều phối thật
tốt.”
Ông Rahami nay đã bị cáo buộc về một chiến dịch bỏ bom bắt đầu
với vụ nổ ở khu bờ biển Seaside Park của New Jersey vào sáng Thứ Bảy. Quả bom
thứ nhì, nổ ở khu Chelsea của Manhattan vào tối Thứ Bảy, làm cho 31 người bị
thương.
Tin mừng đầu tiên trong vụ này là khi cảnh sát khám phá ra một
quả bom chưa nổ ở Chelsea mà trong đó họ tìm thấy dấu tay của Rahami và một cái
điện thoại di động – mà mục đích là để kích nổ – là của một người trong gia
đình ông ta. Sang đến hôm Chủ Nhật, hai người đàn ông không nhà tìm thấy thêm một
lô bom ở bên ngoài trạm xe lửa ở Elizabeth, New Jersey, một thị trấn đa số là
công nhân ở ngay bên ngoài thành phố New York nơi gia đình Rahami có một nhà
hàng bán thịt gà quay mang tên là First American Fried Chicken.
Đến sáng Thứ Hai, nhà chức trách tự tin đến nỗi gửi một khuyến
cáo chưa từng có bằng điện thoại di động cho nhiều triệu người dân trong thành
phố là ông Rahami đang bị truy nã liên quan đến vụ này.
Và cũng vì hình ảnh của ông này tràn ngập truyền hình, một
ông chủ quán cũng là di dân gốc Ấn ở Linden, New Jersey, đã nhận diện được ông
Rahami, đang nằm ngủ ở cửa quán nhà mình. Khi ông ta báo, một cảnh sát tìm tới
đánh thức ông Rahami thì bị ông này bắn vào bụng, nhưng may chỉ đụng vào áo
vest chống đạn. Một cảnh sát viên khác bị thương nhẹ. Và cảnh sát đã bình tĩnh
chỉ bắn bị thương và bắt sống Rahami.
Thống Đốc Cuomo giải thích: “Những quả bom chưa nổ là bằng cớ.
Chúng ta có dấu tay, chúng ta có DNA, chúng ta có video an ninh, và… chúng ta
có truyền thông hiện đại vốn đưa hình ảnh lên hết sức nhanh chóng. Và các nhân
viên an ninh, cảnh sát Linden, thượng đế phù hộ cho họ, đã thực hiện nhiệm vụ
thật tốt và đã bắt được hắn.”
Ngay cả người dân New York cũng phản ứng một cách rất bình
tĩnh. Buổi sáng hôm sau ngày xảy ra cuộc tấn công, bố mẹ vẫn tiếp tục cho em bé
đi chơi, những người chạy vẫn tiếp tục chạy và bữa cơm trưa Chủ Nhật vẫn đông đảo.
Người ta đi làm. Các bà cụ đi nhà thờ. Những hội chợ đường phố, kể cả Hội Chợ
San Gennaro của khu Little Italy, tiếp tục. Ông Cuomo đã hứa là hệ thống xe điện
ngầm subway, huyết mạch của thành phố, sẽ chạy đúng giờ vào sáng Thứ Hai cho
người đi làm. Ông nói: “Chúng ta sẽ trở lại đi làm vào ngày mai như mọi ngày thứ
Hai bình thường.”
Một phóng viên của đài BBC kết luận: “Các viên chức đã chứng
tỏ lão luyện. Tay nghề của ông Rahami thì thật bết bát. Ông ta bị bắt chỉ có 48
giờ sau. Đúng là một cuộc tấn công thất bại.”
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét