Một ngày vào năm 1967, cậu bé 12 tuổi Rezwan Razack lục lọi
két sắt của ông nội ở Bengaluru, Ấn Độ, thì có điều gì đó bất thường đập vào mắt
cậu. Đó là một xấp tiền với chữ "Cancelled" (hủy) đóng dấu trên từng
tờ.
Trong cọc tiền có một vài tờ tiền của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ
in hình chân dung Vua George VI phía trước. Chúng bị hủy bằng một con dấu cao
su ấn lên, ghi "Tiền của Pakistan, Từ chối thanh toán". Phát hiện này
khiến cậu bé tò mò không ngớt về những tờ tiền giấy không được đưa vào lưu
hành.
Razack nhớ lại: "Tôi luôn tự hỏi tại sao tờ tiền của
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ lại có thể là tiền của Pakistan." Sau này ông
biết được Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã đại diện Pakistan in tiền một số lần
sau khi xảy ra quá trình chia cắt Ấn Độ thuộc Đế quốc Anh thành hai quốc gia
riêng biệt.
Ngay sau đó, khi về thăm nhà họ hàng, Razack cũng tìm được một
số tờ tiền của Ấn độ thuộc Anh, loại tiền Ấn Độ được lưu hành trước thời kỳ độc
lập. Từ đó, Razack bắt đầu hành trình đam mê sưu tập tiền theo ông suốt cuộc đời.
"Tôi nài nỉ ông cho nội cho tôi những tờ bạc cũ trong
két sắt" - Razack kể lại - "Cảm nhận được sự đam mê của tôi, ông sẵn
sàng chia tay với kho báu của mình."
Thời gian trôi đi, niềm đam mê của Razack với những tờ bạc
hiếm ngày càng bừng nở, dẫn dắt ông trở thành một nhà nghiên cứu và học giả.
Sau mười năm tập trung nghiên cứu, Razack, giờ đã trở thành chủ doanh nghiệp
xây dựng thành công ở Bengaluru, đồng thời cũng là chủ tịch của Cộng đồng Ngân
hàng Tiền giấy Quốc tế ở Ấn Độ, xuất bản một ấn bản Hướng dẫn Tham khảo Tiêu
chuẩn dành cho Tiền giấy Ấn Độ.
Đồng tiền
này được Ấn Độ in năm 1959, và chỉ dành cho người hành hương ở khu vực Vùng Vịnh.
Ảnh: Rekha Chandrabhanu
Bộ sưu tập cá nhân của Razack có tất cả mẫu tiền giấy Ấn Độ
in từ ngày 3/9/1812, khi Ngân hàng Bengan phát hành đồng rupee Sicca, tờ tiền
giấy đầu tiên của Ấn Độ. Razack cho biết tờ tiền này trong bộ sưu tập của ông
hiện có giá từ 100 - 50.000 đô la Mỹ. Nhưng ông từ chối tiết lộ giá trị của cả
bộ sưu tập.
Nhưng sưu tập tiền không chỉ là tập trung vào tiền tệ của một
quốc gia. Nhờ toàn cầu hoá, việc đi lại và tiếp cận thị trường tiền tệ nước
ngoài dễ dàng, giờ đây các nhà sưu tập có thể tìm ra những tờ tiền quý hiếm
nhanh chóng hơn bao giờ hết. Thị trường tràn ngập các loại tiền giấy với ghi dấu
lịch sử vì các lý do chính trị, an ninh, tài chính và kỹ thuật. Câu hỏi đặt ra
là: Vậy tờ tiền nào là có giá trị, còn loại nào vô giá trị?
Truy lùng tiền in lỗi
Trừ việc nhiều chính phủ quyết định ngưng phát hành một loại
tiền giấy nào đó hoặc không phát hành đồng có mệnh giá cao hơn để chống nạn làm
bạc giả, các tờ tiền giấy không được lưu thông thường là vì lỗi in ấn - lỗi chữ
ký sai, đánh số không chính xác, in sai, sai chính tả và có nội dung sai.
Những tờ tiền cực hiếm và nổi bật trong lịch sử là những mẫu
vật sưu tầm được săn tìm nhiều nhất và thường có giá thị trường cao hơn rất nhiều
so với giá trị in trên tờ tiền.
Ví dụ, một trong những tờ đô la Mỹ in lỗi là các tờ in mệnh
giá cao gấp đôi, nghĩa là mặt trước thì in giá 10 đô la Mỹ, và mặt sau in mệnh
giá 20 đô la Mỹ, ông Fred Weinberg, một người buôn tiền sưu tập ở California
cho biết. Ông Fred buôn bán chủ yếu các loại tiền xu và tiền giấy in lỗi. -
"Những tờ tiền như vậy có thể trị giá tới 20.000 - 30.000 đô la Mỹ, tuỳ
theo đợt in và tình trạng của tờ tiền."
Tương tự, các mẫu tiền hiếm của thời kỳ trước khi có đồng
Euro, tiền của các nước Châu Âu đã dần biến mất từ khi đồng tiền chung Châu Âu
ra đời năm 2002, và giờ chúng trở nên khá là có giá trị. Một bản tin từ tờ
Irish Independent cho biết tiền Ireland cũ từ loạt tiền "Thợ cày" hoặc
"Quý bà Lavery" có giá tới 5.430 đô la Mỹ một tờ.
Tờ 10 đô la Mỹ
in nhầm một mặt thành 20 đô la. Ảnh: Fred Weinberg
Jared Stapleton, Giám đốc triển lãm Tiền xu Toronto, triển
lãm tiền xu và tiền giấy hàng đầu Canada cho biết thị trường truy tìm những tờ
tiền hiếm còn nguyên vẹn đang ngày càng phát triển. "Mặc dù kinh tế thế giới
đang trong tình trạng bất ổn, các tờ tiền hiếm vẫn được bán với giá cao nhất."
- Ông nói.
Ở thị trường tiền Ấn Độ, những tờ tiền hiếm nhất, giá trị
cao nhất là những tờ được in vào thời Đế quốc Pháp, Bồ Đào Nha và Anh cai trị.
Cũng hiếm và được người ta truy lùng là tờ rupee chính phủ Ấn Độ phát hành năm
1959, dành riêng cho những chuyến hành hương Haj từ Ấn Độ đến các quốc gia Vùng
Vịnh.
Razack nói: "Các tờ tiền này chỉ được phát hành một lần"
- Ông cho biết giờ đây một tờ 100 rupee này có thể có giá tới 30.000 đô la Mỹ
trên thị trường.
"Đặc điểm nổi bật nhất là màu sắc của tờ tiền này hoàn
toàn khác với những tờ tiền được lưu hành ở Ấn Độ cùng thời gian đó. Sự khác biệt
màu sắc dùng để phân biệt và cho biết tiền này không được lưu hành hợp pháp
trong Ấn Độ."
“Tiền đầu quỷ dữ”
John Millensted, chuyên gia tiền tệ tại Nhà đấu giá Bonhams
của Anh Quốc, cho biết các tờ tiền hiếm nhất thường là các mẫu vật hoặc mẫu thử
nghiệm, chứ không hẳn là thiết kế cuối cùng cho tờ tiền. "Hầu hết những tờ
trên 40 tuổi đều có giá trị." - ông nói.
Đôi khi chỉ một tờ bạc đơn giản nhất cũng có thể trở thành tờ
có giá trị nhất. Ví dụ, tờ một bảng Anh từ Thế chiến thứ Nhất với chữ Ả Rập in
đè lên trên, được quân đội Anh sử dụng ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 1915, được định giá tới
8.000 bảng Anh hiện giờ, mặc dù tờ tiền này nhìn có vẻ rất đơn giản, Millensted
cho biết.
Ngoài những tờ tiền được in số lượng giới hạn và có chất lượng
tốt, một tờ tiền có vẻ ngoài khác lạ cũng rất hấp dẫn.
Ví dụ như tờ 50 rupee của Seychelles, với một chữ
"sex" (tình dục) kín đáo in ở giữa những cây cọ. Một ví dụ khác là tờ
2 đô la Canada được bán trong một cuộc đấu giá công khai với giá 13.000 đô la
Canada vì nó in sai chữ ký của một quan chức, Stapleton cho biết. Ông cũng có một
cửa hàng buôn bán tiền tên Metro Coin & Banknote Company ở Toronto.
"Trong quá trình in ấn, một vài tờ in sai chữ ký của quan chức vẫn đến được
quy trình đánh số tờ tiền, và cuối cùng thành ra các tờ bạc với chữ ký hiếm."
- Ông nói.
Tuy nhiên, loạt tiền "Đầu quỷ dữ" năm 1954 chỉ được
sản xuất trong một năm rưỡi mới là một trong những tờ tiền cũ của Canada được
giới sưu tầm săn tìm dữ dội nhất. Stapleton cho biết một trong số các tờ này, tờ
2 đô la Canada, được bán trong một cuộc đấu giá với giá tới 10.000 đô la Canada
vài năm trước đây.
Loạt tiền này gây tranh cãi vì một phần trên tóc của bức
chân dung nữ hoàng dường như có tạo ra ảo giác hình ảnh của một cái mặt quỷ
đang cười. "Loạt tiền Đầu quỷ dữ vẫn được lưu hành đến khi cũ, nhưng loạt
tiền này được săn tìm vì nó chỉ được sản xuất trong một thời gian ngắn." -
Stapleton nói.
Món hời tương lai
Nếu bạn có thể để dành một số tờ tiền mới chưa phát hành, mới
in xong, mới ráo mực và sạch sẽ của một vài loạt tiền hiện tại, chúng có tiềm
năng trở thành những món sưu tập rất có giá trị, Stapleton nói.
Millensted nói với tiền giấy Anh Quốc, những tờ tiền giấy tỉnh
của Anh có thể là một món đầu tư hời. "Chúng có tuổi thọ khá tốt rồi, khoảng
200 năm tuổi, và giờ vẫn có thể mua được với giá khá rẻ."
Những người sưu tầm tiền từ thời đế quốc có thể kiếm được cả
một gia tài với những tờ do các Ngân hàng Trung ương thuộc địa Ấn Độ - gồm Ngân
hàng Bengal, ngân hàng Madras và Ngân hàng Bombay - và những tờ tiền giấy với ảnh
chân dung của Nữ hoàng Victoria, Vua George V và VI, mà theo Razack, sẽ sớm
không còn nữa.
Ông nói: "Một nhà sưu tập đam mê nên mua ngay những tờ
này bây giờ, bởi chúng có thể đáng giá cả gia tài trong những năm sắp tới."
Tờ tiền duy
nhất do một bang ở Ấn Độ phát hành là Hyderabad từ 1920-1948. Ảnh: Rekha
Chandrabhanu
Mua tiền hiếm ở đâu?
"Trang web tốt nhất để mọi người tìm hiểu về những loại
tiền giấy không còn lưu hành là những website đấu giá như nhà đấu giá Baldwin's
(Anh Quốc), Nhà đấu giá tiền Lyn Knight Currency Auctions (Mỹ), Noble
Numismatics (Úc) and Todywalla Auctions (Ấn Độ)" - Razack nói.
Những người bán lẻ trên mạng như eBay, Amazon, và trang web
của Đức tên Banknoten, những phòng trưng bày và nhà buôn tiền như Certified
Coin Exchange, Inc., Metro Coin and Banknote, George LaBarre hay hội chợ trưng
bày tiền cổ như Hội chợ tiền Toronto ở Canada, Hội chợ tiền ở Úc và Anh ANDA
cũng là những nguồn thông tin tốt cho người sưu tầm.
Đồng thời, người sưu tầm không bao giờ được đánh giá thấp
thông tin truyền miệng. Bạn bè, người quen và họ hàng đều có đóng góp vào bộ
sưu tập của Razack.
Ông cho biết: "Không có ai mà tôi không hỏi liệu có bao
giờ họ có một tờ tiền giấy cũ vứt trong tủ không.”
Đôi khi, đó chỉ là chuyện tình cờ. Có rất nhiều câu chuyện kể
người ta tìm được những tờ bạc sưu tầm giá trị cao từ những tờ tiền có ghi ngày
tháng trong sổ sách, rương hòm cũ, gác xép, từ trong khung ảnh của người thân
đã qua đời.
Chăm sóc tiền cổ
Dù có hiếm hay lâu đời, tiền giấy mà bị hư hại như bị rách,
mòn, sờn rách, phai màu đều không có giá trị như giá trị in trên chúng. "Chúng
cần được bảo quản bởi những túi bảo quản đặc biệt do công ty Lindner hoặc
Lighthouse sản xuất để bảo vệ chống khỏi độ ẩm và tay người." - Razack cho
biết.
Những túi đựng bằng nhựa này có giá dưới 50 đô la Mỹ "bảo
vệ tiền giấy khỏi dấu vân tay, chống gập và bị ố màu" – Weinberg cho biết
- "Một khi đã bỏ tiền vào túi bảo vệ, bạn không nên cầm tờ tiền quá thường
xuyên." Tiền giấy mà bị rách, mòn, sờ hay phai màu sẽ không còn giá trị nữa.
Cầm tiền trên tay quá nhiều có thể khiến vết bẩn và mồ hôi từ
tay bạn dính lên tiền, gây gập tiền và khiến chất bẩn bám theo.
Stapleton cảnh báo một số lỗi mà người mới chơi tiền hay mắc
phải: điều chỉnh và can thiệp vào tiền giấy. "Đừng tẩy hoặc ấn một tờ tiền
giấy, đừng cố tẩy đi một dấu vết gì dính trên tiền, hoặc cắt các góc của tờ tiền
đi." - Ông lưu ý các hành động này làm biến dạng hình dáng ban đầu của tờ
tiền, gây hại cho cả giá trị và đẳng cấp tờ tiền.
“Giá trị gấp 10 lần”
Mặc dù đó là một dự án đầy đam mê, nhưng Millensted cho rằng
"nhà sưu tập nghiêm túc muốn chắc chắn họ đã mua bán khôn ngoan và vẫn hi
vọng có lời khi đến lúc bán."
Stapleton nói tin tốt là "qua khoảng 1/4 thế kỷ, số tiền
đầu tư của bạn sẽ đem lại giá trị gấp 10 lần."
Và trong khi Razack nói ông không bao giờ bán bộ sưu tập của
mình, ông cũng thú nhận: "Qua thời gian, bộ sưu tập càng có tiềm năng tăng
giá trị, nhiều hơn bất kỳ tài sản nào khác."
Nguồn: BBC Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét