Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Tại sao AK-47 phổ biến như vậy?



Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Mikhail Kalashnikov qua đời vào ngày 23/12/2013, ở tuổi 94. Tuy nhiên, phát minh đã 66 tuổi của ông, khẩu Avtomat Kalashnikova, vẫn đang còn sống. Được phát minh vào năm 1947 và lần đầu tiên được sử dụng bởi lực lượng quân đội Liên Xô vào năm 1949, súng trường tấn công AK-47 và các phiên bản phái sinh khác của nó hiện đang được sử dụng bởi các lực lượng vũ trang tại hơn 80 quốc gia, và tại nhiều quốc gia hơn nữa bởi những người dùng súng tự do. Không ai thực sự biết có bao nhiêu khẩu súng đang được lưu hành: 100 triệu khẩu là một phán đoán hợp lý. Nếu tính theo tỉ lệ trên toàn bộ số súng của thế giới – một con số khác mà không ai có thể đoán chắc được – thì các khẩu Kalashnikovs có lẽ chiếm hơn một phần mười tất cả số lượng vũ khí. Tại sao một phát minh cũ của Liên Xô lại vẫn đang chiếm ưu thế trong chiến tranh hiện đại như vậy?


Ảnh hưởng văn hóa của AK được cảm nhận trên khắp thế giới. Những nhân vật phản diện của Quentin Tarantino ca tụng sự phù hợp của nó cho trường hợp “khi bạn hoàn toàn, chắc chắn phải giết mọi [kẻ thù] trong phòng“. Những kẻ ngoài vòng pháp luật ở Mexico tự hào về cuernos de chivo, hay chiếc “sừng dê” của họ, biệt danh được đặt cho loại súng trường này do ổ đạn cong của nó. Ở một số vùng tại châu Phi, nơi súng được xem như một biểu tượng của sự lật đổ những ông chủ thuộc địa, Kalash là một cái tên phổ biến cho các chàng trai. Mozambique vẽ hình khẩu súng này lên quốc kỳ của họ. Còn tại Lebanon, một mẫu súng AK có biệt danh là “Bin Laden” được bán với giá gấp đôi so với một khẩu AK-47 thông thường, bởi vì nó là loại mà vị cựu Thủ lĩnh của al-Qaeda được nhìn thấy là đã đeo trong một số video của mình.

Khẩu súng này không có gì đặc biệt. Các cơ cấu điều khiển của nó không hề phức tạp; nó thậm chí còn không đặc biệt chính xác. Nhưng sự đơn giản này là một lý do cho sự thành công của nó. So với những mô hình súng trường tấn công khác, AK-47 có khoảng cách lớn hơn giữa các bộ phận cơ học của nó. Điều này ảnh hưởng xấu đến độ chính xác, nhưng lại đồng nghĩa với việc cơ chế hoạt động của nó sẽ không dễ bị nghẽn, dù có bị cát của Sudan hay bùn của Nicaragua dính vào. Được thiết kế để những người lính Xô viết đeo găng tay mùa đông dày có thể vận hành, nó đơn giản tới mức các tân binh chưa qua đào tạo (bao gồm cả trẻ em) cũng có thể sử dụng được. Những tính năng này giải thích lý do tại sao loại súng này vẫn được sử dụng.

Nhưng thành công của nó một phần cũng nhờ vào nguồn cung. Liên Xô muốn chuẩn hóa thiết bị quân sự trong các nước đồng minh của mình, và do đó đã vận chuyển hàng kho khổng lồ vũ khí cho các nước đồng minh, nơi mà tại đó họ cũng đã thành lập nhà máy sản xuất súng trường với số lượng hàng trăm nghìn khẩu. (Liên Xô đã không quan tâm đến bản quyền, có nghĩa là các mẫu sao chép cũng có điều kiện tăng nhanh về số lượng.) Mẫu súng này đã lan rộng trên khắp thế giới. Nhưng tại những nơi Liên Xô có ít ảnh hưởng, AK-47 cũng trở nên ít phổ biến. Cho đến ngày nay, các băng cướp ở Philippines sử dụng nhiều hơn các biến thể của M16, một loại súng trường tấn công do Mỹ chế tạo để cung cấp cho quân đội Philippines.

Với sự thống trị được thiết lập vững chắc của AK, nó đã chứng minh là khó có thể bị thay thế. Tại Syria, một số chiến binh được chụp hình cho thấy họ sử dụng súng trường tấn công FAL, mà theo một số người là tiên tiến hơn. Nhưng theo Nicolas Florquin từ Small Arms Survey (Khảo sát Súng hạng nhẹ), một tổ chức nghiên cứu của Thụy Sỹ, thì loại súng này đã không được sử dụng lâu dài bởi vì thực tế đã chứng minh là khó kiếm đạn cho chúng hơn: FAL dùng đạn 51mm, một loại đạn ít có ở các vùng xung đột hơn so với đạn 39mm được sử dụng trong mẫu AK-47 cũ. Có lẽ điều quan trọng nhất là cách các cuộc chiến tranh được tiến hành đã không thay đổi nhiều kể từ Thế Chiến II. Máy bay không người lái và vũ khí thông minh đang cách mạng hóa các đội quân của các cường quốc giàu có trên thế giới. Nhưng ở những nơi khác, phần lớn các cuộc đổ máu ngày nay lặp lại cùng một hình mẫu như từng được thấy trong những năm 1940. Cho đến khi chiến tranh tiến hóa hơn, AK-47 sẽ vẫn còn là một vũ khí chết người hữu ích như nó đã từng cách đây nửa thế kỷ trước.


Ảnh: Ảnh chụp vào thứ Tư, ngày 29/10/1997. Mikhail Kalashnikov cùng với một mô hình súng trường tấn công AK-47 nổi tiếng thế giới của mình. Ảnh chụp tại nhà ở thành phố Ural, núi Izhevsk, cách Moskva 1.000 km (625 dặm) về phía đông. Kalashnikov từng giữ vai trò là nhà thiết kế vũ khí cho Liên Xô, trở nên bất tử với tên gọi được đặt cho loại vũ khí phổ biến nhất thế giới.  Kalashnikov mất vào hôm thứ Hai, ngày 23/12/2013, ở tuổi 94, tại một bệnh viện của thành phố Izhevsk nơi ông sống. AK-47 đã được ưa chuộng bởi các lực lượng quân du kích, khủng bố và những người lính của nhiều quân đội. Ước tính có khoảng 100 triệu khẩu AK-47 đang được lưu hành trên khắp thế giới. (Ảnh: Vladimir Vyatkin)


Nguồn: “Why did the AK-47 become so popular?“, The Economist, 08/01/2014.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét