Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục làm rõ tác động của độc tỗ hóa học và sớm
công bố kết quả cho nhân dân
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo trong cuộc
họp Chính phủ ngày 28/4 về kết quả xét nghiệm mẫu, theo đó "bước đầu loại
trừ nguyên nhân do hiện tượng dị thường của tự nhiên kết hợp với tác động của
con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa mà thế giới gọi là thủy triều đỏ".
Tuy nhiên bài nói về báo cáo này trên một số báo như Sài
Gòn Giải Phóng hay Dân Trí đã bị gỡ bỏ vài tiếng đồng hồ sau khi đăng.
Kết luận này có nghĩa nguyên nhân thủy triều đỏ gây ra cá
chết bất thường hàng loạt mà Bộ Tài nguyên - Môi trường đưa ra hôm 27/4 là
không chuẩn xác.
Cuộc họp về vấn đề cá chết có tham dự của Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc và đại diện các bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, Khoa học -
Công nghệ, Công an, Thông tin-Truyền thông và Y tế.
Bài trên báo Sài Gòn Giải Phóng bản cached cho hay "các
nhà khoa học hiện nay đang hướng nghiên cứu vào nhóm nguyên nhân chính có thể
gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt là tác động của độc tố hóa học thải ra từ
hoạt động của con người trên đất liền và trên biển".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được nói đã giao cho Bộ Khoa học
- Công nghệ "chủ trì huy động và điều phối các cơ quan nghiên cứu khoa học
để xét nghiệm, nghiên cứu làm rõ về tác động của độc tố hóa học trên cơ sở các
kết luận khoa học, sớm công bố kết quả cho nhân dân".
Ông Phúc cũng nói nếu sau khi có kết luận của giới khoa học
mà các cơ quan chức năng phát hiện ra sai phạm của các tổ chức, doanh nghiệp
hay cá nhân liên quan đến độc tố hoá học thải ra làm chết cá hàng loạt thì
"phải xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật".
Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn được giao nhiệm vụ sớm
đưa ra khuyến cáo về hoạt động đánh bắt, nuôi trồng và tiêu thụ thủy sản hỗ trợ
các địa phương.
Trước đó, một số nhà khoa học đã bày tỏ hoài nghi về lý do
'thủy triều đỏ' mà Bộ Tài nguyên - Môi trường đưa ra.
'Hiện tượng cá chết vẫn phức tạp'
Ngư dân thấy 'thất vọng' trước nguyên nhân làm cá chết mà Bộ
Tài nguyên - Môi trường Việt Nam công bố, một nhà hoạt động nói với BBC.
Xem thảo luận trực tuyến của BBC Tiếng Việt về vấn đề này
lúc 19h30 (giờ Việt Nam) ngày 28/4 tại: http://bit.ly/1TfLYCW
Cá chết dạt vào bờ biển ở
miền Trung Việt Nam
Ông Nguyễn Anh Tuấn, một nhà hoạt động xã hội hiện có mặt
tại Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: "Tối qua tôi ra âu
thuyền Kỳ Phương, dân ở đây đổ đậu ghe tàu thì rất nhiều ghe thuyền đã được kéo
lên trên cồn. Người ta bỏ biển rất nhiều ngày."
"Những ngư dân sau khi nhiều ngày đánh bắt cá không được
thu mua, thì bị ép giá, mua với giá rất thấp" - ông cho biết.
Ông Tuấn cũng nói sau khi theo dõi kết quả công bố nguyên
nhân gây chết cá hàng loạt, nhiều ngư dân tỏ ra "thất vọng".
"Người ta nói không phải họ không đánh được con cá con
tôm, mà là đánh lên không ai tiêu thụ, không ai mua."
"Họ lo ngại thương hiệu cá mực Vũng Áng và cả Hà Tĩnh sẽ
bị mất đi. Họ sợ người dân cả nước một thời gian dài nữa sẽ không mua cá mực ở
đây. Rồi sau này cá mực họ xuất khẩu như qua Trung Quốc cũng sẽ không bán được."
Ông Tuấn cũng cho biết: "Chiều qua khi tôi ra cảng, thấy
giá cá xuống rất thấp. Các loại cá thông thường giá 20.000đ/kg, giờ chỉ còn
3.000 - 4.000đ/kg. Có những người sáng không bán được, chiều có thương lái đi
gom, nhưng giá thì chưa biết phải đợi báo sau."
Ông Tuấn đã gặp gỡ nhiều ngư dân tại khu vực này trong những
ngày vừa qua, khi sự kiện cá chết hàng loạt xảy ra từ khu vực Vũng Áng, Kỳ Anh,
Hà Tĩnh bị cho là lan xuống các tỉnh lân cận.
'Không có cơ sở khoa học'
Bè nuôi cá ở miền Trung
Việt Nam, ảnh minh họa
Trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt, Tiến sỹ khoa học Nguyễn
Văn Tác – Nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, Phó chủ tịch Hội Khoa học Kỹ
thuật Biển Việt Nam, nói “phải xem lại” nguyên nhân thủy triều đỏ.
Ông Tác giải thích: “Về nguyên tắc thủy triều đỏ có thể gây
chết sinh vật biển. Thủy triều đỏ là hậu quả của sự ô nhiễm dinh dưỡng. Và khi
xuất hiện thủy triều đỏ, màu nước biển thay đổi và tạo ra mùi khó chịu, và dân
biết trước được.”
“Đàng này tôi không nghe ngư dân hay báo chí nói có hiện tượng
mùi khó chịu hay màu nước thay đổi. Nếu như cá tôm chết, thì thủy triều đỏ phải
xuất hiện trước đó khoảng 10 ngày và khi xuất hiện thủy triều đỏ, mặt biển sẽ
xuất hiện màu hồng, màu vàng hoặc màu xanh, và sẽ tạo ra mùi tanh, hôi rất đặc
trưng. ”
“Thứ hai, cá vừa rồi chết phần nhiều là cá đáy (sống dưới
đáy biển). Thủy triều đỏ chỉ tác động mạnh đến các loài cá sống nổi thôi.” –
ông Tác cho biết.
Hiện tượng cá chết hàng
loạt xảy ra nhiều ngày qua ở bốn tỉnh miền Trung Việt Nam
“Thủy triều đỏ là sự phát triển nở hoa của các loại thực vật
đơn bào sống trôi nổi thì đầu tiên nó phải tác động đến những sinh vật nổi trên
nước. Còn vừa rồi, phần nhiều cá chết là sinh vật đáy.”
Tiến sỹ Tác cũng nói lý do thủy triều đỏ là “chưa có cơ sở
khoa học".
Khi được hỏi những hóa chất nào có thể làm chết cá ở tầng
đáy, ông Nguyễn Văn Tác cho biết:
“Thứ nhất, cá tầng đáy chết, nghĩa là có thể các loại hóa chất
đấy có hàm lượng hữu cơ rất lớn, làm oxy cạn kiệt và làm cho môi trường thiếu
oxy.”
“Cái thứ hai là có độc tính rất lớn làm cá không chịu được
và chết."
“Ngoài ra, có khả năng do các công trình ngầm thải ra những
chất có tác động cực mạnh với các sinh vật sống ở đấy. Dù nguyên nhân nào cũng
phải tập trung vào xem nguồn gốc thải ở đâu ra.” - ông Tác nói với BBC Tiếng Việt.
Ông Tác nhấn mạnh: "Nếu nói về nguyên nhân thủy triều đỏ
phải tìm cho được nguyên nhân nào gây thủy triều đỏ, thủy triều đỏ ở đây là
loài tảo gì, nó hình thành như thế nào, ở thời điểm nào. Các cơ quan chức năng
phải làm rõ điều này."
Vụ cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh miền Trung Việt Nam đang là
tâm điểm chú ý của người dân tại Việt Nam.
Tối 27/4, Bộ Tài nguyên-Môi Trường Việt Nam họp báo và nêu
nguyên nhân cá chết: Một là do tác động độc tố hoá học của con người và trên biển
và hai là do tác động của hiện tượng tảo nở hoa hay thủy triều đỏ.
Cuộc họp báo diễn ra trong 10 phút và không phóng viên nào
được đặt câu hỏi.
Xem Bàn tròn thứ Năm của BBC Tiếng Việt về vụ cá chết và
phép thử với tân chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại: http://bit.ly/1TfLYCW
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét