Tuần vừa qua nhân dân cả nước được nghỉ tới 5 ngày, dù chỉ
có một ngày nghỉ chính thức là giỗ Tổ Hùng Vương. Nếu trùng vào ngày cuối tuần
thì tính ra cũng chỉ thêm được 1 ngày nghỉ bù, nhưng thôi âu cũng là đất nước của
hội hè, chúng ta không nên có nhiều thắc mắc. Nghỉ lễ 5 ngày ở Việt Nam thì làm
gì? Giống như gần 6 triệu dân khắp vùng Vịnh Bắc Bộ, bạn có thể khăn gói về đền
Hùng giỗ tổ và cảm nhận được không khí náo nức đến khó quên tại nơi này.
Tại đền Thượng, Phú Thọ, trong cái tiết trời sang hè nóng nực,
người người nhà nhà mồ hôi nhễ nhại kéo nhau vào làm lễ. Họ chen chúc đẩy đưa dẫm
đạp lên nhau, công an chạy phía trước, dân chúng chạy theo sau. Cảnh tượng kinh
hoàng mà tôi dám chắc những con chiên khắp thế giới có cùng hành hương về thành
phố Vatican cũng phái khiếp đảm mà tự đặt câu hỏi về một thứ đạo nào mà mê hoặc
người ta đến thế?
Những cuộc xin ấn, những cơn thèm khát lấy tiền nhúng máu
trong lễ hội chém trâu chém lợn, những ngày đầu năm lên chùa cúng bái... tất cả
các khung cảnh đó như đi ngược lại một quy luật duy nhất dành cho kẻ nguyện cầu:
sự thành tâm. Tôi đã từng lên chùa Hương vào thời là học sinh trung học, dám chắc
đó cũng là lần đầu tiên và duy nhất trong đời. May mắn thay, những gì tôi được
trải nghiệm vào thời đó rất đẹp và rất thơ, đúng như ý nghĩa cái tên của nó,
“Chùa Hương - Perfume Pagoda.” Tôi nhớ từng bậc thang rộng thênh thang là những
sạp hàng nhỏ bán chuông kêu leng keng vui tai, là những bụi cây bonsai to lớn uốn
lượn ngoằn nghoèo. Tụi trẻ chúng tôi còn leo lên cây ngồi, xòe chiếc quạt giấy
mới mua chụp chơi vài tấm ảnh. Lên đến nơi mệt nhừ, ngắm nhìn dòng Yến xanh chảy
dài lấp lánh sau sương mù phủi bụi. Đó là lúc tôi cảm thấy được cái mùi man mác
của hương trầm hòa với cái lạnh của sương đầu xuân.
Những điều ấy giờ đây đã mất hẳn, bởi cái thứ hoạt động tín
ngưỡng đến kỳ quặc ngày nay. Người dân trèo qua tường, hàng rào để đến cho kịp
dự lễ hội. Hàng quán đắt đỏ chặt chém khách chiếm từng millimet bậc thang lên
chùa. Đền chùa nghiễm nhiên trở thành một nơi mà những người thành tâm nhất muốn
tránh xa trong các dịp lễ. Văn hóa truyền thống là những tập quán được con người
tạo ra, được xây đắp và gìn giữ, và đáng lẽ ra cần được phát triển một các đẹp
đẽ hơn, văn minh hơn, thì qua từng đời trên đất nước này, nó trở nên lạc hậu và
trì trệ. Đứng ngoài mà nhìn vào dòng người đang xô đẩy nhau trước cửa Phật, như
nhìn thấy cả một thế hệ dân tộc hỗn loạn và mông muội.
Tôi đã đọc được trong một cuốn sách bàn về vấn đề chủng tộc
(race), trong đó có một chương viết về việc các đất nước thực dân đã làm gì để
hình thành khái niệm về white people (người da trắng) tại các nước bị đô hộ. Họ
tổ chức những cuộc hội chợ, các cô gái da trắng nõn nà, cao lớn, và đẹp tuyệt
trần đi vòng quanh, các cuộc vui, đấu đá cũng được “dân đen” tại các nước tham
gia nhiệt tình. Đó là cuộc đô hộ về tư tưởng, để người ta khao khát một thứ
hình ảnh huyễn hoặc nào đó mà quên đi tình cảnh thực tại của đất nước. Cả trăm
năm sau, dù không có Pháp, có Mỹ, dân Việt ta vẫn sống cùng quẫn trong những cuộc
vui, những tín ngưỡng dông dài không ngừng nghỉ. Đứng trước cửa Phật, có ai chắp
tay cầu nguyện về một biển Đông tự do đầy rẫy ngư dân Việt quăng lưới kéo chài,
về mùa cá quẫy đầy thuyền chứ không phải chết dạt bờ hàng loạt…
Ở đâu đó trên quả đất này, có những biến động khiến người ta
kinh hoàng vì sự thay đổi vận mệnh của đất nước, có những nhóm người đang nắm
tay nhau cùng đi để cứu lấy thế hệ mình, thế hệ tương lai, khỏi chính quyền
tiêu cực đang gặm nhấm tài nguyên thiên nhiên, làm thui chột tài nguyên con người,
và cũng vẫn tồn tại cả triệu triệu người đang điên cuồng rộn rã trong các lễ hội
mê tín, bỏ mặc số phận quốc gia lênh đênh trong tay những kẻ cầm quyền “khát
máu.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét