Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Người dân Việt Nam mong muốn gì sau 41 năm đất nước hòa bình?

Hòa Ái, phóng viên RFA



 000_ARP3893338.jpg
Các cư dân Sài Gòn trong các thị trấn bị phá hủy vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 sau khi quân đội Bắc Việt đánh chiếm Sài Gòn.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 vẫn mãi là thời khắc lịch sử ghi dấu trong lòng của dân tộc Việt như cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói “có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn”. Dù cục diện đất nước tại thời điểm đó được nhiều người hân hoan đón mừng hay là nỗi kinh hoàng đối với rất nhiều người khác thì đa số người dân cả hai miền Nam-Bắc có cùng suy nghĩ quốc gia đã quy về một mối và đã im tiếng súng sau nhiều năm dài chiến tranh, loạn lạc.

Tháng 4 năm 2016 đánh dấu 41 năm được hòa bình, độc lập dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN). Theo đánh giá của các nhà quan sát quốc tế, Việt Nam đạt được nhiều thành quả đáng kể, đặc biệt trong lãnh vực xuất khẩu, từ một quốc gia đói kém sau chiến tranh đã vươn mình nằm trong danh sách xuất khẩu gạo và nông sản hàng đầu thế giới. Hiện nay Việt Nam có trên 230 thị trường xuất khẩu khắp các châu lục. Trong quá trình hội nhập toàn cầu hóa, Việt Nam là thành viên của hơn 60 tổ chức quốc tế và có quan hệ với hàng trăm tổ chức phi chính phủ; điển hình như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Kinh tế Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Tổ chức Liên Hiệp Quốc... Qua đó, Việt Nam luôn là quốc gia được nhiều ưu đãi trong đầu tư nước ngoài để phát triển, nâng cao đời sống của người dân. Điểm sáng được ghi nhận là Việt Nam vẫn duy trì mức độ tăng trưởng kinh tế xã hội ổn định trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn cũng như kinh tế toàn cầu ảm đạm suốt gần một thập niên trở lại đây.

Song song với những thành tựu đạt được trong 4 thập niên qua, Việt Nam đang phải đối diện với nhiều vấn đề nan giải mà dư luận cho rằng đó là hậu quả của chính sách với tên gọi “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” gây ra trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do (ACTD), số đông người dân từ Bắc vào Nam, dọc theo chiều dài địa lý hình chữ S, cho biết họ không rõ viễn ảnh của đất nước sẽ như thế nào khi chính Tổng Bí thư Đảng CSVN tuyên bố rằng “Đến hết thế kỷ 21 không biết có Chủ nghĩa Xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?” nhưng trước mắt họ thực tế quốc gia đã tụt hậu vài chục năm so với các nước láng giềng trong khu vực, tình trạng thâm hụt ngân sách triền miên, gánh nặng nợ công khó trả, tham nhũng tràn lan, phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn… Nhiều người cho rằng Việt Nam hòa bình được 41 năm nhưng dân chúng vẫn phải đương đầu với nhiều cuộc chiến không tiếng súng. Ông Nguyễn Phú Bần ở Hà Nội lên tiếng:

“Người Việt Nam đang đối diện với rất nhiều cuộc chiến đang tiếp diễn. Cuộc chiến của nông dân, dân oan mất đất hay cuộc chiến chống lại ô nhiễm môi trường, cuộc chiến với tham nhũng, cuộc chiến với cường quyền, rất nhiều cuộc chiến khác... Nói chung nó hiển hiện mọi nơi mọi lúc. Ví dụ chỉ lấy đơn giản những nạn nhân chết vì giao thông có khi còn nhiều hơn cả chiến tranh ở Trung Đông, chẳng hạn như thế.”

Đối với giới trẻ tại Việt Nam, nhiều người trong số họ hình dung bức tranh xã hội như một chiếc áo choàng có nhiều mảng màu tối vì đạo đức suy đồi, văn hóa xuống cấp, bất công xã hội khắp nơi… gây ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống và hoài bão của chính họ. Một sinh viên năm 3 đại học tâm sự với Hòa Ái:

“Em thấy người ta nói một đường mà làm một nẻo. Em cũng thấy thực trạng xã hội trước mắt của mình nên đâm ra mình cũng chán nản việc học.”

Trong những ngày tháng 4 này, người dân đối diện với nhiều thông tin cấp bách bủa vây; trong quốc nội là sông Mê Kông cạn dòng, cá chết trắng biển miền Trung, khu vực Cao nguyên khô hạn, Hà Nội bị ô nhiễm không khí ở mức báo động, hàng trăm người chết vì ung thư mỗi ngày… Về đối ngoại vẫn kiên trì chính sách “vừa hợp tác vừa đấu tranh” với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Hoa Kỳ chỉ trích Việt Nam gia tăng bắt bớ các nhà hoạt động trong nước qua vòng đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ lần thứ 20. Tổ chức Phóng viên không biên giới xếp hạng Việt Nam đứng thứ 175/180 quốc gia có tự do truyền thông trong báo cáo vừa được công bố… Một bộ phận không nhỏ trong dân chúng tỏ ra bất mãn với nhà cầm quyền Việt Nam trước hiện tình đất nước. Blogger Nguyễn Tường Thụy, một cựu quân nhân thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam, chia sẻ cảm nghĩ của ông với RFA:

“Kể cả thế hệ thứ nhất trong kháng chiến chống Pháp và thế hệ chúng tôi có thể gọi là thế hệ thứ hai, nói chung sau này nhiều người đã ngộ ra nhiều điều là do tuyên truyền quá giỏi nên nhiều lúc bị ngu ngơ, mờ mịt, bưng bít. Sau này dần dần mọi thông tin từ nhiều luồng mà đặc biệt qua internet thì mới hiểu vấn đề. Và lúc ấy, có nhiều người ngỡ ngàng ra mình đã bị lừa. Quá buồn vì sự hy sinh của đồng đội tôi không nghĩ rằng sẽ đem lại một đất nước quá tồi tệ như thế này.”

Qua các cuộc trao đổi với người dân trong nước, Đài ACTD ghi nhận sự bất an hiện rõ trong từng lời chia sẻ của mỗi người khi tâm tình rằng uống một ly nước cũng phải cân nhắc đây là nước sạch hay nước bẩn. Điều khiến họ lo lắng nhất là đời sống của họ đang bị đe dọa về mọi mặt khi nông dân không có ruộng để canh tác, ngư dân không thể đánh bắt cá trên ngư trường thuộc chủ quyền của Việt Nam, hàng trăm ngàn lao động Việt phải tha phương xứ người và thậm chí lòng tự tôn dân tộc cũng bị bóp nghẹt vì phải cúi đầu trước những ông chủ ngoại quốc ngay trên lãnh thổ của mình.

“Sếp Hàn Quốc ‘chửi’ một đám nhân viên người Việt Nam, bảo rằng tôi phải cảm ơn các bạn vì các bạn quá ngu nên chúng tôi có thể làm giàu ngay trên mảnh đất của các bạn.”

Với thực trạng của Việt Nam hiện tại, ngày càng có nhiều người trong số hơn 90 triệu dân không còn thụ động để đợi chờ mọi chuyện đã có “Đảng và Nhà nước lo” mà họ chủ động hơn trong nhận thức về quyền mưu cầu cuộc sống của công dân trong một quốc gia tự do dân chủ. Một cư dân ở Sài Gòn nêu lên chính kiến với chúng tôi:

“Tất cả chính sách hiện tại của chính quyền đi ngược lại với lợi ích của người dân. Họ chỉ chăm chú và chăm chút vào quyền lợi của riêng họ, của một nhóm nào đó nên gây ra cho mình điều gì đó cũng bức bí về mọi mặt, nói chung những gì ảnh hưởng tất cả trong cuộc sống của mình, len lỏi từ những điều nhỏ nhất cho đến những gì lớn hơn. Điều nhỏ nhặt nhất về quyền lợi của mình là mình có quyền bày tỏ, có quyền phản ứng mà hiện tại mình không được nên mình mới đặt câu hỏi ‘tại sao lại như vậy? Chính quyền, họ đang muốn điều gì và họ đưa đất nước tới đâu?’”

Những người dân Đài ACTD tiếp xúc bày tỏ vì một Việt Nam độc lập, hòa bình, tự do dân chủ, họ mong muốn phải có sự đồng thuận giữa chính phủ với nhân dân trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước cũng như đừng đẩy người dân trở nên “thành phần chống đối” khi họ cất lên tiếng nói cho vận mệnh của quốc gia và dân tộc mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét