Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

Trump, Cruz, Sanders, Clinton đều chống TPP?

Ngô Nhân Dụng


Bốn ứng cử viên tổng thống dẫn đầu hai đảng lớn đều có khuynh hướng chống Thỏa Ước Mậu Dịch Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, TPP), trong đó có Việt Nam mà không có Trung Quốc.

Các ông Donald Trump và Ted Cruz chống tự do mậu dịch nói chung, với những lời lẽ hùng hồn nhất, hoàn toàn trái ngược với chủ trương cố hữu của đảng Cộng Hòa, nhưng họ chú ý nhất tới Trung Quốc và Mexico. Bên đảng Dân Chủ, ông Bernie Sanders là người theo “chủ nghĩa xã hội” tất nhiên chống mậu dịch tự do; nhưng bà Hillary Clinton cũng không đồng ý với thỏa hiệp TPP mà chính quyền Barack Obama đã ký kết. Nếu một trong bốn vị này lên làm tổng thống Mỹ năm 2017, liệu thỏa hiệp TPP có bị bỏ xó hay không? Có lẽ chúng ta không cần lo lắng quá. Vì vào năm 2008, khi vận động tranh cử, Nghị Sĩ Obama cũng chống tự do mậu dịch; nhưng sau đó chính phủ ông đã vận động cho thỏa hiệp TPP thành hình, và đang tiến hành một thỏa hiệp Xuyên Ðại Tây Dương sâu và rộng hơn nữa.


Trong mùa tranh cử, các ứng cử viên đều phải chiều theo ý những người đang mất việc vì hàng nhập cảng khiến nhiều xí nghiệp Mỹ đóng cửa, hoặc vì các công ty đem công việc ra nước ngoài làm rẻ hơn. Các công đoàn đều chống tự do mậu dịch, cho nên ông Sanders chỉ trích TPP mạnh nhất, ông nói: “Chúng ta cần những hiệp ước mậu dịch đem lợi ích cho công nhân và người tiêu thụ, chứ không chỉ lợi cho ban giám đốc các đại công ty liên quốc!” Bà Hillary Clinton sợ ông Sanders chiếm mất phiếu của công đoàn, cũng phụ họa với luận điệu úp mở, dè dặt hơn: “Tôi vẫn tin vào mục tiêu một thỏa hiệp mậu dịch mạnh mẽ và công bằng trong chiến lược rộng lớn quốc tế cũng như quốc nội, như tôi vẫn tin tưởng như vậy khi làm ngoại trưởng.” Nhưng bà lại nói thêm: “Dựa trên những điều tôi biết thì tôi không thể ủng hộ thỏa hiệp (TPP) hiện nay.”

Ông Trump được nhiều người ủng hộ khi giải thích tại sao nhiều người mất việc: “Họ không có việc làm vì Trung Quốc lấy hết việc, vì Mexico lấy hết việc! Họ lấy hết công việc của chúng ta!” Ông Trump nói rõ ràng sẽ đánh thuế 45% trên hàng nhập cảng từ Trung Quốc.

Lúc đều, ông Curuz mới nghe đã phản công, đặt câu hỏi: “Làm sao các bạn có thể bầu cho một ông tổng thống đòi đánh thuế 45% trên những cái tã khi bạn cần mua tã lót cho con, trên quần áo khi bạn cần mua quần áo?”

Tuy nhiên, ông Cruz cuối cùng lại nói giống ông Trump. Trong cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên Cộng Hòa, khi được hỏi về TPP, ông Cruz nói: “Mậu dịch quốc tế giết chúng ta!” (We're getting killed in international trade); vì chính quyền hiện nay không bảo vệ công nhân, họ đưa công việc làm ra nước ngoài. Một cách cụ thể, ông Cruz đề nghị, “chúng ta cần một kế hoạch thuế khóa, như tôi đã đề nghị, kế hoạch này nó không đánh thuế hàng xuất cảng, nó đánh thuế hàng nhập cảng, nó sẽ mang trở về nước Mỹ hàng triệu công việc làm với lương bổng cao.”

Nhưng đánh thuế trên hàng nhập cảng từ Trung Quốc và Mexico thì các nước này sẽ trả đũa, họ cũng đánh thuế nhập trên hàng Mỹ. Công ty nghiên cứu kinh tế Moody đã phân tích, kết luận rằng kinh tế Mỹ sẽ giảm mất 4.6% vào năm 2019 nếu hai nước trên đánh thuế trả đũa. Nước Mỹ sẽ mất 7 triệu công việc làm, tỷ lệ thất nghiệp sẽ lên tới 9.5% vào giữa năm 2019; và ngân sách quốc gia sẽ khiếm hụt thêm 60%. Nếu hai nước trên không trả đũa thì tỷ lệ tăng trưởng của kinh tế Mỹ cũng giảm xuống số không, và hơn 3 triệu công việc làm cũng sẽ mất.

Ông Donald Trump giải thích tại sao tự do mậu dịch làm thiệt hại nước Mỹ, ông nói: “Tự do mậu dịch tuyệt vời (wonderful) đối với những người khôn (smart people, ý nói những người trong chính quyền). Nhưng chúng ta không có những người khôn. Chúng ta có những người ngốc (stupid), những người bị các nhóm quyền lợi tư chi phối.”

Nói cả guồng máy chính quyền Mỹ, từ hàng thế kỷ nay, chỉ toàn những người ngốc, thật khó tin. Nước Mỹ xưa nay vẫn đề cao mậu dịch tự do. Một quy tắc của kinh tế tư bản, từ Adam Smith đã nhận thấy, là loài người chỉ trao đổi khi hai bên đều có lợi. Sức mạnh của nước Mỹ là do kinh tế tự do, tạo cơ hội đồng đều cho tất cả mọi người. Vì người ta tin rằng dân Mỹ nhờ sống tự do cho nên nhiều sáng kiến, nhiều nhà kinh doanh táo bạo hơn, cuối cùng có mậu dịch tự do thì người Mỹ sẽ được lợi.

Một sự thật mà các ứng cử viên tổng thống không nói ra, là nước Mỹ không hề có một thỏa ước tự do mậu dịch với Trung Quốc. Chính phủ Obama vẫn không cho Trung Cộng tham dự TPP mặc dù nó mang tên Xuyên Thái Bình Dương. Hàng Trung Quốc tràn ngập vào Mỹ từ năm 2001, vì năm đó Bắc Kinh đã gia nhập WTO - Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Trước năm 2001, chính phủ Mỹ có thể đánh thuế hàng Trung Quốc tùy ý. Năm 2000, số hàng nhập cảng từ Trung Quốc chỉ chiếm 1% tổng sản lượng nội địa (GDP) của Mỹ, năm 2015 đã tăng lên thành 2.7%.

Nhưng giới tiêu thụ ở Mỹ được hưởng lợi nhờ hàng rẻ mua từ Trung Quốc. Giá quần áo bây giờ vẫn rẻ như giá năm 1986. Ðồ đạc trong nhà rẻ như năm 1980. Người ta đã tính ra, trong năm 2008, trung bình mỗi người Mỹ được lợi 250 đô la nhờ nhập cảng hàng Trung Quốc. Những người được lợi nhất là dân nghèo, còn dân khá giả không mua hàng Trung Quốc. Số khiếm hụt mậu dịch giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ phản ảnh tình trạng dân Trung Hoa làm nhiều mà hưởng ít, trong khi dân Mỹ thường tiêu tiền thoải mái, có khi chi tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được. Dân Trung Hoa bị chính quyền “cưỡng bách tiết kiệm,” còn dân Mỹ được khuyến khích tiêu thụ!

Từ năm 2005 đến 2014, hàng Mỹ xuất cảng sang Trung Quốc tăng 200%, dẫn đầu là máy bay, xe hơi, và nông sản. Năm 2010, khi chính phủ Obama bán 6.4 tỷ Mỹ kim vũ khí cho Ðài Loan, Trung Cộng đe dọa sẽ trả đũa, phong tỏa các công ty sản xuất các hỏa tiễn và phi cơ này. Nhưng sau đó họ vẫn tiếp tục mua máy bay của hãng Boeing; một nửa máy bay đang dùng ở Trung Quốc do Boeing làm, vẫn cần mua đồ thay thế.

Nhiều xí nghiệp chế tạo ở Mỹ phải đóng cửa, phần lớn vì kỹ thuật đã lỗi thời đang được thay thế bởi những xí nghiệp dùng kỹ thuật mới, cũng do Mỹ sáng chế. Chỉ có một phần nhỏ đóng cửa vì bị hàng Trung Quốc cạnh tranh. Một cuộc nghiên cứu tính ra rằng từ năm 1999 đến 2011, số công việc trong công nghiệp chế tạo ở Mỹ bị xóa bỏ là 5.5 triệu thì số công việc mất vì bị hàng nhập cảng từ Trung Quốc chỉ chừng một triệu. Giả thiết mỗi đô la mua hàng Trung Quốc làm mất một đô la mua hàng do công nhân Mỹ làm ra, một cuộc nghiên cứu khác thấy từ năm 2000 đến 2007, trong số trung bình mỗi năm 484,000 công việc bị xóa bỏ thì con số mất vì nhập cảng hàng Trung Quốc chỉ có 188,000. Số còn lại là do kỹ thuật thay đổi. Trong cùng thời gian đó, nước Mỹ mỗi tháng có 5 triệu người Mỹ mất việc và 5.1 triệu người bắt đầu việc làm mới. Ảnh hưởng của hàng nhập cảng trên thị trường lao động thực ra không lớn như người ta tưởng.

Ngay cả khi các xí nghiệp đem công việc đưa sang các nước nghèo làm, thì nhiều người Mỹ cũng được lợi, vì họ vẫn làm những công việc cần kỹ thuật cao. Khi một món hàng bán giá rẻ nhờ được lắp ráp ở Trung Quốc, Việt Nam hay Malysia thì công ty sẽ bán được nhiều hơn. Những công nhân của công ty này ở Mỹ sẽ được trả lương cao hơn, trong khi họ làm những công việc cao cấp không thể đưa ra nước ngoài. Một máy điện thoại di động iPhone ráp ở Trung Quốc chỉ mang lại cho người Trung Hoa 1% của giá bán, trong khi hơn 50% trả cho những người làm cho công ty Apple ở Mỹ, trong đó có các kỹ sư nghiên cứu, thiết kế và vẽ kiểu cái máy này.

Tại sao những lời lẽ chống tự do mậu dịch lại thu hút được nhiều cử tri, khiến cả bốn ứng cử viên trong hai đảng đều hô hào cùng một luận điệu như vậy?

Lý do chính là những lợi ích mà tự do mậu dịch đem lại không nhìn thấy dễ dàng. Những người được hưởng lợi trải rộng ra trong nhiều giới, tản mác nhiều nơi. Ðược lợi nhất là người tiêu thụ, rồi tới các xí nghiệp xuất cảng, các nhà cung cấp cho họ, và những công nhân nhiều khi không biết mình đang làm nguyên liệu hay bộ phận trong một món hàng hóa sẽ xuất cảng. Trong khi đó, những người thấy bị thiệt thòi vì hàng nhập cảng thì thường tập trung trong một số xí nghiệp, đặc biệt trong một số vùng, một số thành phố. Những thiệt thòi này rất dễ nhìn thấy, những người bị thiệt rất lớn tiếng khi than phiền.

Nhưng dù các ứng cử viên hô hào thế nào, khi lên làm tổng thống họ sẽ thay đổi. Các cố vấn kinh tế sẽ giải thích cho họ biết tự do mậu dịch là một nền tảng tạo ra sức mạnh của nước Mỹ. Thỏa Ước Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership) sẽ không biến mất sau khi nước Mỹ bầu tổng thống mới vào cuối năm nay!


Nguồn: nguoi-viet.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét