Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

26/04/1986: Tai nạn hạt nhân nổ ra tại Chernobyl

Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân



Vào ngày này năm 1986, tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất thế giới cho đến nay xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl gần Kiev tại Ukraine. Tổng số người chết vì thảm họa này vẫn đang được kiểm đếm, nhưng các chuyên gia tin rằng hàng ngàn người đã thiệt mạng và tới 70.000 người bị nhiễm xạ nặng. Ngoài ra, một diện tích đất rộng lớn trở nên không phù hợp với sự sống trong vòng 150 năm. 150.000 người từng sống trong bán kính 18 dặm xung quanh Chernobyl đã phải dời đi vĩnh viễn.

Liên Xô xây dựng nhà máy điện Chernobyl, trong đó có bốn lò phản ứng công suất 1.000 MW, ở thị trấn Pripyat. Vào thời điểm xảy ra vụ nổ, nó là một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất và lâu đời nhất trên thế giới. Vụ nổ và tan chảy sau đó của một lò phản ứng là một sự kiện thảm khốc ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm ngàn người. Tuy nhiên, chính phủ Liên Xô đã không thông tin đầy đủ cho người dân của họ cũng như phần còn lại của thế giới về vụ tai nạn mãi cho đến nhiều ngày sau đó.


Lúc đầu, chính phủ Liên Xô chỉ xin tư vấn về cách làm thế nào để dập các đám cháy than chì (graphite) và thừa nhận cái chết của hai người. Tuy nhiên, người ta nhanh chóng nhận ra Liên Xô đã che đậy một vụ tai nạn nghiêm trọng và đã bỏ qua trách nhiệm trong việc cảnh báo cho người dân nước mình cũng như các quốc gia lân cận. Hai ngày sau vụ nổ, chính quyền Thụy Điển bắt đầu đo được mức độ phóng xạ cao tới mức nguy hiểm trong bầu không khí của họ.

Nhiều năm sau, toàn bộ câu chuyện cuối cùng đã được công khai. Công nhân tại nhà máy đã thực hiện việc kiểm tra hệ thống. Họ đã tắt các hệ thống an toàn khẩn cấp và hệ thống làm mát, vi phạm các quy định đã có, để chuẩn bị cho công tác kiểm tra. Ngay cả khi các dấu hiệu cảnh báo nhiệt độ lên tới mức nguy hiểm bắt đầu xuất hiện, các công nhân vẫn không ngừng công tác kiểm tra. Khí xenon tích tụ dần và vào lúc 1:23 sáng, vụ nổ đầu tiên đã làm rung chuyển lò phản ứng. Tổng cộng có ba vụ nổ cuối cùng đã thổi bay nóc bằng thép nặng 1.000 tấn của lò phản ứng.

Một quả cầu lửa khổng lồ bùng lên giữa bầu trời. Ngọn lửa bốc cao tới 1.000 feet (304,8 mét) kéo dài hai ngày khi toàn bộ lò phản ứng bắt đầu tan chảy. Chất phóng xạ đã bắn vào không khí như pháo hoa. Mặc dù việc chữa cháy là vô ích, nhưng 40.000 người dân Pripyat vẫn không được sơ tán trong vòng 36 giờ sau vụ nổ.  Những trận mưa có khả năng gây chết người đã rơi xuống khi các đám cháy vẫn tiếp tục kéo dài trong tám ngày. Các con đê đã được xây dựng tại sông Pripyat để hạn chế thiệt hại do dòng nước ô nhiễm từ nhà máy và người dân Kiev đã được cảnh báo phải ở trong nhà khi một đám mây phóng xạ hướng tới phía thành phố.

Ngày 9 tháng 5, công nhân bắt đầu dùng bê tông để chôn lò phản ứng. Sau đó, chuyên gia Hans Blix của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế khẳng định rằng khoảng 200 người đã bị phơi nhiễm trực tiếp và 31 người đã chết ngay tại Chernobyl. Tuy nhiên, công tác dọn dẹp và việc phơi nhiễm với chất phóng xạ nói chung trong khu vực thậm chí tỏ ra còn nguy hiểm hơn. Một số báo cáo ước tính rằng có đến 4.000 công nhân vệ sinh bị chết vì nhiễm độc phóng xạ. Dị tật bẩm sinh ở những người sống trong khu vực đã tăng lên đáng kể. Ung thư tuyến giáp đã tăng gấp mười lần ở Ukraine kể từ khi xảy ra tai nạn.

 Nguồn: “Nuclear explosion at Chernobyl”, History.com (truy cập ngày 26/4/2016) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét