Tạ Dzu
(VNTB) - “Bốn chữ tự nhiên kinh tế mâu thuẫn lẫn
nhau, vì kinh tế bao giờ cũng bao hàm một thủ đoạn nhân vi trái ngược với hai
chữ tự nhiên” (Lý Đông A).
Tổng
Bí thư đảng CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng, năm 2013, trong lần tham dự bàn về dự
thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã phát biểu rằng “…Đổi mới chỉ là giai đoạn, còn xây dựng Chủ nghĩa Xã hội còn lâu dài lắm.
Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.
Người ta có thể tin rằng ông nói điều đó thật lòng
vì ông từng là Tiến sĩ Chính trị học, chuyên ngành Xây dựng đảng và đã nắm giữ
các chức vụ quan trọng. Từ 1987 – 1989, ông là Trưởng ban xây dựng đảng; rồi
1991-1996 là Tổng Biên tập tạp chí Cộng Sản. Dù biết rằng cho đến cuối thế kỷ
21 chưa chắc đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam, nhưng vì tin tưởng hoàn toàn vào
những điều căn bản làm nền tảng xây dựng chủ thuyết cộng sản, như xã hội cộng sản
nguyên thuỷ, kinh tế tự nhiên, động lực làm lăn bánh xe lịch sử, những quy luật
biện chứng, tính quyết định của vật chất v.v… nên ông và Đảng CSVN vẫn kiên định
đưa đất nước tiến lên XHCN.
Những điều căn bản đó có đúng hoặc có bám sát thực
tại hay không? Nếu không, ông và các đồng chí của ông vẫn lú lẫn tin vào, thì
thay vì đi lên Xã Hội Chủ Nghĩa, lại như dân gian thường nói, Xuống Hố Cả Nước.
Nhận định sai dẫn đến tư duy sai rồi hành động sai.
Chính sách xây dựng quốc gia, do đó, càng sai.
Xã hội cộng sản nguyên thuỷ
Vì nhu cầu của cuộc sống, người tinh khôn (homo
sapiens) đã biết quây quần tổ chức thành thị tộc, khởi đầu bằng tập thể nhỏ một
vài chục người, có quan hệ huyết thống gần gũi với nhau. Nhu cầu vật chất của họ
rất giới hạn, chỉ nhằm thoả mãn các nhu yếu căn bản như đói ăn, khát uống, ngủ
nghỉ mà thôi.
Họ sống chủ yếu nhờ vào hái lượm và săn bắt. Công
việc săn bắt cần sự phối hợp của số đông bầy đoàn như cùng lùa con thú vào bẫy
hay vực thẳm rồi ném đá, phóng cây cho đến chết.
Họ săn chung, hưởng chung, ăn lông ở lỗ không khác
mấy với loài thú. Ý thức tư hữu cá nhân chưa xuất hiện, nhưng tư hữu thị tộc
thì có. Mỗi thị tộc chiếm cứ một khu vực riêng, bất khả xâm phạm, giống với rừng
nào cọp nấy.
Một nhóm nhỏ sơ khai sinh sống đơn giản, chưa có mô
hình tổ chức xã hội, không có điều kiện khách quan để phân chia giai cấp, hay
đúng hơn, các giai tầng xã hội.
Cái xã hội nguyên thủy đó, Mác và Ăng ghen cho là
xã hội đầu tiên của con người, có nhiều điều nên được phát huy để xây dựng một
xã hội tốt đẹp, mà ông gọi là xã hội cộng sản trong tương lai. Nhưng với bản
tính “tự nhiên” của lối sống bầy đoàn đó, thời kỳ nguyên thủy này đã thật sự là
giai đoạn đầu tiên của xã hội loài người chưa, hay vẫn còn là giai đoạn mà loài
người sống như tự nhiên, chưa thoát khỏi tự nhiên giới? Chúng ta hãy theo dõi
xem nhân chủng học và nguyên-thủy-sử học khám phá ra như thế nào.
Cho đến khoảng 4000 năm trước Công nguyên, con người
phát hiện ra đồng nguyên chất, rất mềm, chủ yếu làm đồ trang sức. Họ tìm cách
pha chì và thiếc cho đồng cứng hơn, tạo ra các loại rìu, cuốc, thương, giáo,
mũi tên… và cả trống đồng.
Nhờ công cụ lao động bằng kim loại, con người đã có
thể gia tăng năng suất, khai khẩn đất hoang tăng, sản phẩm ngày càng nhiều. Một
số người nhờ lao động giỏi hơn người khác, hoặc lợi dụng uy tín để chiếm đoạt sản
phẩm của người khác mà trở nên khá giả. Thời kỳ hái lượm, săn bắt chung, hưởng
chung của xã hội nguyên thuỷ dần tan vỡ, mở đầu cho một xã hội có nhiều giai tầng
mang tính đa nguyên đầu tiên xuất hiện.
Đó là quy luật phát triển khách quan của xã hội
loài người.
Sai lầm căn bản của Mác là không thấy được khả năng
đặc biệt của con người là có thể tu chỉnh lại tự nhiên. Như Lý Đông A đã thấy: “…loài người thành tựu được là bởi sự tu chỉnh tự
nhiên, nó là cuộc cách mạng tối sơ của loài người, nó là động cơ tiến hóa không
dứt…”. Nhờ đó mà loài người tiến hóa không ngừng, từ thời nguyên thủy tới
nay và mãi mãi không dứt, khác hẳn với tự nhiên và với động vật khác. Khoa học
đã và đang tiếp tục khám phá các giai đoạn phát triển khác nhau của loài người
kể từ thời nguyên thủy thô sơ cách đây vài triệu năm, khởi đi và căn bản là “tu
chỉnh tự nhiên”. Nếu chỉ sống theo hay như tự nhiên thì không có tiến hóa,
không có loài người như hôm nay.
Mác và những người cộng sản cũng không thấy được rằng
trong quá trình tu chỉnh tự nhiên, con người phát huy các khả năng và sự sáng tạo
đa dạng, tùy cá nhân, nhu cầu và môi trường sống khác nhau. Đây là những khả
năng và động lực phát triển khác nữa của con người. Sự đa dạng khác biệt này cần
được điều phối để không gây ra mâu thuẫn, xung khắc. Triệt tiêu tính đa dạng tức
là triệt tiêu động lực và khả năng tiến hóa của loài người. Đó là sai lầm tai hại
của những người Mác-xít. Họ tìm cách áp đặt nguyên tắc vô giai cấp của thời kỳ
xã hội nguyên thuỷ sơ khai, cho đó là lý tưởng nhằm triệt tiêu các giai tầng xã
hội và cào bằng cho mọi người vô sản như nhau, ai cũng suy nghĩ giống nhau.
Càng về sau họ càng phải chỉnh sửa nhiều nhưng trên căn bản vẫn giữ các nguyên
tắc ban đầu của chủ nghĩa Mác.
Họ không thấy được tính đa nguyên khách quan khi xã
hội phát triển. Vì không bám sát thực tại như vậy nên không biết cách tôn trọng
đa nguyên tính, thản nhiên hô hào giai tầng công nhân vùng lên lật đổ giai tầng
tư sản, thương gia, trí thức để tạo nên xã hội không giai cấp. Giai cấp này
dùng bạo lực tiêu diệt giai cấp khác là cách giải quyết của tự nhiên, của thế
giới động vật, mạnh được yếu thua, không phải cách thức giải quyết của con người.
Mỗi người, mỗi nhóm là mỗi đơn vị xã hội, có giá trị
nội tại của nó, cần được phát huy cũng như cạnh tranh ôn hòa cùng tồn tại để xã
hội được phát triển nhiều mặt, phong phú và không ngừng tiến hóa. Một trong những
trách nhiệm trọng yếu của nhà nước hiện đại là tạo mọi điều kiện thuận lợi để mỗi
đơn vị, mỗi “tế bào xã hội” đó phát huy hết tính đặc thù và sức sáng tạo của
mình thông qua giáo dục, định chế và luật pháp. Đồng thời tạo môi trường và điều
kiện để điều phối những dị biệt, giảm thiểu tối đa mâu thuẫn và xung khắc dẫn đến
tan vỡ xã hội, nhờ đó mang lại cuộc sống hài hòa lợi ích cho mọi thành phần dân
chúng.
Cộng sản thường hô hào ổn định để phát triển. Ổn định
theo cách nhìn của cộng sản là làm mọi cách, sử dụng mọi phương tiện để trói buộc
tính đa nguyên của xã hội vào độc nguyên - nguyên cộng sản. Cả sinh lực của đảng
dành cho việc níu kéo độc nguyên nhằm gìn giữ ổn định. Nhưng càng níu kéo trói
buộc lại càng bị tính đa nguyên tìm cách bung phá, càng có nhiều tổ chức ra đời
dù bị cấm đoán, đấu tranh ôn hòa hay bạo động để đòi đảng phải chấp nhận sự xuất
hiện của họ và đòi chia sẻ quyền lực chính trị trong ôn hoà bằng bầu cử dân chủ
thực sự. Cứ nhìn xã hội dân sự đang ra đời ở Việt Nam và đông đảo những người
không cộng sản tự ứng cử vào quốc hội thì thấy rõ tính đa nguyên bung phá đó.
Vấn đề ở đây là làm thế nào, chính sách nào cho đa
nguyên phát triển trong thống nhất (unity in diversity) chứ không phải dồn ép
đa nguyên vào một rọ độc nguyên. Làm sao để biết được tính thống nhất? Đó chính
là văn hoá và những giá trị chung (core values) đã được đãi lọc qua thời gian
và được cả cộng đồng dân tộc chấp nhận. Lỗi lầm lớn nhất của đảng CSVN là đã huỷ
diệt văn hoá ngàn đời của cha ông để lại, chỉ vì những nhận định sai khớp với lịch
sử.
Đảng CSVN đi ngược quy luật phát triển khách quan
đa nguyên của xã hội nên chỉ còn biết sử dụng côn đồ, bạo lực để giữ ổn định giả
dối tạm thời. Ông Nguyễn Phú Trọng chỉ còn biết nói, không để lọt vào quốc hội
những phần tử “thế này thế khác”. Ông nói thế vì ông thầy Các Mác của ông không
hiểu rằng “thế này thế khác” chính là đa nguyên xã hội, luôn cần thiết để xã hội
loài người phát triển được.
Trong thời chiến, người ta cần sự đoàn kết, trên dưới
một lòng để đạt được hiệu quả đấu tranh cao. Ngược lại, trong thời bình, muốn
phát triển phải biết tôn trọng tính đa nguyên để mọi người, mọi giới, cộng sản
hay không cộng sản, đều có thể đóng góp tài sức của mình một cách bình đẳng và
được hưởng thành quả một cách hợp lý.
Kinh tế tự nhiên
Kinh tế tự nhiên theo cộng sản, được hiểu là kinh tế
tự cung tự cấp, có nghĩa sản phẩm tạo ra nhằm thoả mãn nhu cầu trực tiếp của
người sản xuất. Ngành sản xuất chính là săn bắt, hái lượm và nông nghiệp thô sơ
(gộp nông nghiệp vào với săn bắt hái lượm là điều sai lầm sẽ nói ở đoạn sau).
Trình độ phát triển của lực lượng sản xuất giai đoạn này rất thấp và phải phụ
thuộc chặt chẽ vào tự nhiên. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, bị giới hạn bởi nhu cầu và
nguồn lực cá nhân, gia đình.
Kinh tế sản xuất phát triển đi tiếp liền với kinh tế
thị trường. Để tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa cần có chợ búa, thị trường trao đổi,
thoả mãn nhu cầu của đông đảo khách hàng. Người cộng sản chọn áp dụng nguyên tắc
tự cung cấp và phân phối lấy nên phải đặt kế hoạch mỗi năm năm, gọi là kinh tế
kế hoạch hay kinh tế chỉ huy.
Trong nền kinh tế kế hoạch, nhà nước hoàn toàn kiểm
soát và toàn quyền sử dụng các yếu tố sản xuất (vốn, nhân lực và tài nguyên
thiên nhiên), đồng thời tự quyết định việc phân phối thu nhập với yếu tố bình
quân là quan trọng. Nhà nước cũng quyết định mặt hàng nào với khối lượng bao
nhiêu sẽ được sản xuất, trái với kinh tế thị trường, sản xuất hàng hoá phi kế
hoạch, dựa chủ yếu trên cung và cầu của thị trường.
Ví dụ: Mỗi người cần hai thước vải một năm, dân số
30 triệu, kế hoạch đặt ra là phải có 60 triệu mét vải. Cứ thế mà sản xuất cho đủ
chỉ tiêu. Ai cũng được hai mét vải bình quân như nhau, không có sự giầu nghèo
bóc lột nhau ở đâu hết!
Điểm rất cần lưu ý ở đây là trong nền kinh tế chỉ
huy, yếu tố con người không được coi trọng, ý kiến người dân không cần thiết vì
tất cả đã được đảng và nhà nước lên kế hoạch giùm. Đạt yêu cầu, đạt chỉ tiêu sản
xuất vật chất mới quan trọng. Cả xã hội làm việc cứ như đàn ong đàn kiến, không
cần cạnh tranh và sáng kiến nên sản phẩm kém phẩm chất, đơn điệu, nghèo nàn; đời
sống xã hội cũng kém đa dạng và phong phú.
So với sản xuất tự cung cấp thì sản xuất hàng hoá dựa
trên cung cầu của kinh tế thị trường có ưu thế vượt trội.
1.
Sản xuất hàng hoá dựa trên chuyên môn hoá sản xuất
và phân công lao động hợp lý bởi thị trường nhân dụng nên khai thác được những
lợi thế của tự nhiên, khả năng của từng cá nhân, cơ sở, từng địa phương và của
toàn xã hội.
2.
Việc khai thác những lợi thế trên tác động trở lại
thị trường làm cho phân công lao động ngày càng hợp lý hơn, khiến cho mỗi người
phát huy hết khả năng đặc thù và sáng kiến, hết mình với chức năng công việc
(được gọi là phân mệnh). Qua chuyên môn hoá sản xuất, mỗi cá nhân nắm giữ phần
vụ tuỳ khả năng ngày càng cao (phân công), thu nhập vì thế càng nhiều (phân lợi).
Quan hệ giữa các ngành nghề và vùng miền (quốc gia) hay với khu vực (quốc tế)
ngày càng mở rộng ở cả bề mặt lẫn bề sâu.
3.
Quy mô sản xuất không còn bị giới hạn bởi nhu cầu
và nguồn lực của mỗi cá nhân, gia đình hay mỗi vùng mà mở rộng ra, dựa trên nhu
cầu và nguồn lực của cả xã hội, tạo điều kiện cho việc ứng dụng khoa học kỹ thuật
vào sản xuất, thúc đẩy sản xuất gia tăng để chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất
lớn.
4.
Kinh tế sản xuất hàng hoá phát triển sẽ tiến sang
khu vực dịch vụ và kinh tế tri thức, vốn là hai mặt yếu kém của kinh tế chỉ
huy.
Điều cần lưu ý là việc đáp ứng nhu cầu và thị hiếu
của người tiêu dùng rất quan trọng. Để tồn tại và có lời, nhà sản xuất phải
luôn luôn năng động, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá và giảm chi phí sản xuất nhằm
nâng cao năng suất lao động.
Nói khác đi, yếu tố con người trong việc tổ chức
sinh hoạt kinh tế và xã hội là then chốt. Phản hồi của khách hàng trong quá
trình phân phối và tiêu thụ ngày càng mang tính quyết định trong nền kinh tế thị
trường. Kinh tế kế hoạch không có các yếu tố nhân bản này nên không phù hợp với
con người và không giúp xã hội phát triển được.
Khi nói đến kinh tế, người ta nói đến toàn bộ các
hoạt động sản xuất, trao đổi, phân phối, lưu thông, lao động, tài chánh và các
hoạt động liên quan. Nói khác đi, hoạt động kinh tế mang tính nhân vi, do con
người chủ động.
Tự nhiên, còn được gọi là vũ trụ và thế giới tự
nhiên, là tất cả những gì bên ngoài con người, tồn tại dù có sự xuất hiện của
con người hay không.
Người tinh khôn ở giai đoạn xã hội nguyên thuỷ dù
đã đứng thẳng nhưng vẫn còn ăn lông ở lỗ, chưa có ý thức tư hữu, vẫn còn là một
phần của tự nhiên, chưa nhận ra mình khác với tự nhiên giới. Chung quanh thiên
nhiên có cái gì thì con người thụ hưởng cái đó. Họ săn bắt hái lượm những thứ
có sẵn trong thiên nhiên, không phải tự cung tự cấp lấy. Đây là lối sống tự
nhiên của muôn loài, chưa phải là hoạt động kinh tế. Chỉ có con người mới có hoạt
động kinh tế. Và chỉ khi con người bắt đầu làm kinh tế, nghĩa là tu chỉnh lại
cách sinh sản của tự nhiên (như hạt trái cây rơi xuống đất, may rủi nẩy mầm
thành cây. Chỉ con người mới chủ động đem hạt đi trồng cây mới) thì lúc đó mới
có đời sống và xã hội con người.
Mác đánh đồng giai đoạn nông nghiệp thô sơ vào thời
kỳ săn bắt hái lượm tồn tại rất lâu dài trước đó là một kết hợp gượng ép, vì ở
thời kỳ đầu nông nghiệp dù còn thô sơ, con người đã biết mình khác với tự nhiên giới,
khác với các động vật khác (làm thế nào vượn người thành người sẽ được bàn đến ở
bài khác, không phải như Mác nghĩ). Do đó, kinh tế và tự nhiên phủ định lẫn
nhau. Không thể có cái gọi là kinh tế tự nhiên tự cung tự cấp để phóng chiếu
xây dựng CNXH với nền kinh tế kế hoạch.
Những người Mác-xít đã sai lầm từ nhận định và những
khái niệm căn bản.
Động lực của lịch sử
Những người cộng sản luôn coi đấu tranh giai cấp là
động lực làm lăn bánh xe lịch sử. Họ không nhận ra tính tự động điều chỉnh được
hướng dẫn bởi nhân đạo, vì họ đặt trọng tâm trên tiền đề vật chất, giành giật
quyền lợi vật chất và phương tiện sản xuất chứ không đặt tiền đề triết học trên
con người.
Con người phải là trọng tâm trong tất cả các chương
trình thiết kế xã hội.
Đành rằng tư bản thời hoang dã là thối nát bất
công, chẳng ai muốn thời kỳ đó tái hiện. Nhưng với tính tự động điều chỉnh của
nhân đạo - tức đời sống người, lối sống người - chứ không phải của thần linh
(duy tâm) hay tự nhiên (duy vật), xã hội tư bản ngày càng hoàn thiện, ngày càng
“người” hơn, hơn hẳn các xã hội tự xưng cộng sản hay đang trên đường tiến đến
CNXH.
Nhân đạo – do con người và cho con người - chính là
động lực đẩy bánh xe lịch sử chuyển động rồi lăn đi, tiến mãi. Đấu tranh giai cấp
không phải là cách giải quyết vấn đề đa nguyên khách quan của con người. Đó là
cách giải quyết của tự nhiên, là tình trạng bệnh thái chứ không phải thường
thái, xẩy ra khi khoa học kỹ thuật và phương tiện sản xuất phát triển quá nhanh
mà xã hội chưa kịp thời điều chỉnh.
Trong thời kỳ tư bản hoang dã, không ai chối cãi
tính cách bóc lột của giới chủ nhân. Nhưng với lối sống người, không chỉ giai tầng
công nhân mà các giai tầng khác đều tham gia đấu tranh, buộc chính quyền phải
can thiệp, bảo vệ thợ thuyền và người dân nói chung bằng các đạo luật về tài
chính, thuế khoá, phúc lợi công cộng để giảm thiểu chênh lệch giầu nghèo; ưu
đãi những nhóm thua kém và thiểu số để giảm thiểu bất công.
Xã hội với nền kinh tế tư bản có thể điều chỉnh được
các khiếm khuyết không phù hợp với nhân bản là nhờ thể chế chính trị dân chủ, một
thành quả tiến hóa khác của loài người. Không có chế độ dân chủ, khả năng tự điều
chỉnh của con người không phát huy được. Kinh tế thị trường tự do và thể chế
chính trị dân chủ tạo điều kiện cho đa nguyên phát triển. Qua đó, chế độ tư bản
mở ra cơ hội cho mọi người mọi giới, cộng sản hay không cộng sản, tham gia vào
tiến trình điều chỉnh những sai trái của chế độ trong ôn hoà và tôn trọng lẫn
nhau.
Ở những chế độ độc tài như cộng sản thì hoàn toàn
không thể.
Nguồn: Việt Nam Thời Báo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét