Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

Sống với “thuỷ triều đỏ”

Manh Kim



Cách đây 10 năm, khi Việt Nam gia nhập WTO, hãng tin CBS (Mỹ) đã dùng hàng tít rất ấn tượng: Việt Nam đang gầm như sấm sét tiến vào kinh tế thế giới (“Vietnam Thundering Into World Economy”). Roger Wilkison của Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) nhận định rằng việc Việt Nam vào WTO “gây sợ hãi cho các nước láng giềng”. Peter Capella của hãng tin Pháp AFP trích lời Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy rằng Việt Nam có thể là “một trong những ngôi sao đang lên của mậu dịch thế giới”. Với Asia Pulse (16-11-2006), tờ báo này nhắc lại lời Hannes Romauch (phó tổng giám đốc T&M Investment) trong cuộc họp báo 15-11-2006 tại Hà Nội: “Kinh tế Việt Nam đang phát triển cực mạnh và quan trọng hơn, nó cực kỳ ổn định”. 


“Dấu chấm hết cho sự kỳ diệu Việt Nam!”


10 năm sau những đánh giá tích cực về Việt Nam, bức tranh Việt Nam trở nên đen đúa xám xịt. Thậm chí cách đây 4 năm, trên Foreign Policy 11-7-2012, nhà báo Geoffrey Cain đã phải thốt lên: “Dấu chấm hết cho sự kỳ diệu Việt Nam!”. Geoffrey Cain nhắc lại vụ Vinashin và Vinalines, việc Moody's hạ mức tín nhiệm Việt Nam từ B1 xuống Ba3, việc Báo cáo cạnh tranh toàn cầu từ 2011-2012 của Diễn đàn kinh tế thế giới “cho” Việt Nam rớt 6 hạng, xuống còn 65… Geoffrey Cain dẫn lời một luật sư doanh nghiệp Mỹ tại Sài Gòn rằng “chẳng ai muốn chơi với những kẻ này cả”, và trích lời nhà cựu ngoại giao Mỹ David Brown: “Việc “dọn sạch nhà cửa” là điều vượt quá khả năng của hệ thống”…


Không chỉ tối tăm, kinh tế Việt Nam đang tiến tới giai đoạn khủng hoảng trầm trọng. Ngân sách trống rỗng. Nhân tài ra đi. Xã hội bất an cực độ. Cùng với tất cả điều đó là hiểm họa “ngoại xâm mềm”, bằng con đường kinh tế, từ Trung Quốc. Từng ngày từng giờ, cơn sóng thủy triều đỏ Trung Quốc lan rộng và phủ kín Việt Nam, từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau (chính xác là 54/63 tỉnh-thành). Báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài cho biết, Trung Quốc hiện xếp thứ 9/112 quốc gia-lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Tính đến đầu tháng 3-2016, Trung Quốc (không kể Đài Loan, Hong Kong và Macao) có 1.346 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 10,4 tỷ USD. Chỉ xếp thứ 9 với tổng vốn vỏn vẹn 10,4 tỷ USD nhưng tại sao sự có mặt của Trung Quốc trở nên đáng lo ngại?


Quá nhiều điều không bình thường


Vì có quá nhiều điều không bình thường. Chưa nhà đầu tư nước ngoài nào gây ra nhiều tai tiếng bằng Trung Quốc. Vô số điển hình. Dự án tuyến đường sắt cao tốc Cát Linh-­Hà Đông là một ví dụ. Dự án có tổng đầu tư là 552 triệu USD (thời giá năm 2008) trong đó vốn ODA Trung Quốc là 419 triệu USD. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành trong thời gian từ tháng 8-2008 đến tháng 11-2013 nhưng ì ạch mãi đến cuối năm 2015 mới xong. Cái giá của sự chậm tiến độ là 339 triệu USD cộng thêm! Không chỉ vậy, tổng thầu Trung Quốc còn nợ các nhà thầu phụ Việt Nam đến 554 tỷ đồng. Tương tự, trong dự án Nhà máy gang thép Lào Cai với tổng đầu tư khoảng 340 triệu USD (Việt Nam góp 55%), một nhà thầu Trung Quốc cũng quịt tiền. Sau khi ký hợp đồng mua vật liệu và thuê công nhân Việt Nam san ủi mặt bằng, nhà thầu phụ này lặng lẽ biến mất! Dù vậy, Trung Quốc vẫn có ưu thế giành thầu và chiếm nhiều dự án trọng điểm chẳng hạn các nhà máy nhiệt điện. Có quá bất thường không?


Điều bất thường thứ hai là có rất nhiều công nhân Trung Quốc được thoải mái vào Việt Nam mà không cần hộ chiếu-visa. Con chuột cũng khó có thể lọt vào cửa khẩu huống chi hàng chục ngàn người! Không người Việt nào không nhức nhối và lo âu trước hiện tượng đất nước bị nhuộm tái tím bởi làn sóng “thủy triều đỏ” từ Trung Quốc. Năm 2009, tờ VietnamNet từng thực hiện phóng sự về những ngôi làng Trung Quốc mọc tại Việt Nam. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam thường bày tỏ “bất bình” trước sự “ngang nhiên” tuyên xưng chủ quyền của Trung Quốc đối với biển đảo Việt Nam nhưng về sự ngang nhiên xuất hiện bất hợp pháp của hàng chục ngàn người Trung Quốc ngay trên đất Việt Nam thì gần như không ai lên tiếng hoặc hành động gì cả, đến mức sự bất thường này được phép đương nhiên tồn tại. Cuối năm 2015, tại Đà Nẵng, hai cửa hàng do người Trung Quốc làm chủ thậm chí đã “tuyên xưng chủ quyền” bằng cách không bán hàng cho người Việt. Người Việt đang mất chủ quyền ngay trên chính mảnh đất quê hương mình rồi chăng?


Điều bất thường nhất trong tất cả những điều bất thường là cách thức quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hãy đọc một đoạn trong bài viết “Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam trong 10 năm qua” của thạc sĩ Nguyễn Phương Hoa thuộc Viện nghiên cứu Trung Quốc (nằm tại số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội; trực thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam):


“Cùng với tăng cường xây dựng niềm tin chính trị, lãnh đạo hai nước luôn chú trọng đến xây dựng mối quan hệ kinh tế hiệu quả, thiết thực và đang được cụ thể hóa bằng những kế hoạch phát triển gắn kết hai nền kinh tế như “Hai hành lang, một vành đai”, “một trục hai cánh”, “hợp tác Vịnh Bắc bộ mở rộng”; hướng đến cân bằng trong cán cân thương mại; tăng đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam...”. Cách viết này, của một “chuyên gia” thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cùng với ngôn ngữ của nó, cho thấy một sự thật: quan hệ kinh tế Việt Nam với Trung Quốc còn là quan hệ chính trị, liên quan đến vấn đề thể chế và chính sách đối ngoại “đặc biệt”, giữa Việt Nam với Trung Quốc. Nó giải thích được những bất thường nói ở trên.


Mới đây, tại hội thảo “Vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường những vấn đề cải cách thể chế giai đoạn 2016-2020” tổ chức ngày 12-4-2016, PGS.TS Trần Đình Thiên đã thảng thốt: “Đi sau đã đành nhưng bi kịch ở chỗ ta lại đi theo cách của Trung Quốc”. Chính xác hơn, phải nói rằng, không phải “ta đi theo cách của Trung Quốc”, mà là “ta” đang bị Trung Quốc dắt đi. Đất nước đang bị ô nhiễm bởi nhiều thứ từ Trung Quốc, từ kinh tế đến lối sống. Nếu không dừng lại và cải cách thể chế, “ta” sẽ chẳng đi đâu khác ngoài cửa tử mà ngọn thủy triều đỏ Trung Quốc xô dạt “ta” vào.


M.K


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét