Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

Vụ cá chết hàng loạt: Vẫn đang tìm nguyên nhân!

FB Lang Anh

H1 

Ngư dân phát hiện đường ống xả thải khổng lồ chôn ngầm dưới biển, dài tới 1,5 km dẫn từ Formosa. Việc này đã được người dân báo cho Đồn biên phòng từ ngày 04/04/2016. Đã không có hành động nào, nửa tháng sau cá chết hàng loạt trên vùng biển 4 tỉnh. Và giờ chính quyền vẫn đang tìm nguyên nhân. Nếu gọi đây là một trò tấu hài thì nó quá cay đắng. Hàng vạn ngư dân mất nghề, hàng chục triệu người bị ảnh hưởng và tổn thất môi trường có thể phải cần đến nhiều chục năm mới khôi phục được. Ai sẽ cứu chúng ta???


Theo tường thuật của người phát hiện đường ống xả thải, đường ống này được chôn dưới đáy biển, phủ phía trên là một lớp đất cùng nhiều đá hộc, bao tải cát; chiều dài của đường ống khoảng 1,5 km; đường kính 1,1 m. Một đầu của đường ống nối từ khu vực dự án Formosa (khu kinh tế Vũng Áng, TX.Kỳ Anh), đầu còn lại nối liền với 3 đoạn đường ống nhỏ (mỗi đoạn dài khoảng 2 m, đường kính khoảng 40 cm) – “Vào thời điểm phát hiện, tôi thấy đường ống này phun nước rất mạnh. Nước phun từ đường ống ra có màu vàng đục, nhừa nhựa, mùi hôi thối, khi ngửi thì cảm thấy rất ngạt thở”.


Tôi có thể dự đoán trước diễn biến sự việc cho các bạn hình dung: Người ta sẽ chờ vài ngày để Formosa khoá van và tẩy trừ dấu vết. Sau đó một đoàn kiểm tra sẽ được lập, đến khu vực ống xả và đưa ra kết luận: “Tại thời điểm kiểm tra thấy ống không hoạt động và/hoặc không phát hiện thấy hoá chất gây ô nhiễm môi trường”. Có thể sau đó sẽ có một quyết định xử phạt hành chính về xây ống xả ngầm chưa được cấp phép.

Formosa mang lại gì cho Việt Nam? Cứ cho là nó sẽ trả lương cho vài nghìn công nhân đi. Nhưng liệu được bao nhiêu??? Những dự án công nghiệp không xấu, nhưng sự cấu kết giữa một đám tham nhũng và những thương nhân bất lương sẽ khiến mọi dự án công nghiệp biến thành những thứ quái vật tiêu diệt con người. Trong khi đó hàng vạn ngư dân đang mất kế sinh nhai, hàng chục triệu người Việt bị đe dọa tính mạng, môi trường biển bị ô nhiễm và sinh vật biển bị tận sát, những thứ đó liệu có ước đoán được thành tiền???
Và người ta vẫn đang tìm nguyên nhân.

Sẽ chẳng ai cứu người Việt Nam hết ngoài chính chúng ta, hãy đọc, suy ngẫm và hành động.
____
Thanh Niên

Vụ cá chết hàng loạt: Nghi vấn ống xả thải khổng lồ dưới biển Vũng Áng

22-4-2016
Ngày 21.4, ông Phạm Khánh Ly, Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), xác nhận ngư dân Hà Tĩnh trình báo đã phát hiện một đường ống nghi là hệ thống xả thải từ dự án Formosa “cắm” xuống đáy biển Vũng Áng.

Ngư dân Nguyễn Xuân Thành (36 tuổi, ngụ thôn Ba Đồng, P.Kỳ Phương, TX.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết ngày 4.4, trong khi lặn xuống biển “săn” cá, anh bất ngờ phát hiện một đường ống xả thải khổng lồ “cắm” xuống biển.

Theo anh Thành, đường ống này được chôn dưới đáy biển, phủ phía trên là một lớp đất cùng nhiều đá hộc, bao tải cát; chiều dài của đường ống khoảng 1,5 km; đường kính 1,1 m. Một đầu của đường ống nối từ khu vực dự án Formosa (khu kinh tế Vũng Áng, TX.Kỳ Anh), đầu còn lại nối liền với 3 đoạn đường ống nhỏ (mỗi đoạn dài khoảng 2 m, đường kính khoảng 40 cm). “Vào thời điểm phát hiện, tôi thấy đường ống này phun nước rất mạnh. Nước phun từ đường ống ra có màu vàng đục, nhừa nhựa, mùi hôi thối, khi ngửi thì cảm thấy rất ngạt thở”, anh Thành nói.

Sau khi phát hiện đường ống trên, anh Thành đã tới Đồn biên phòng Đèo Ngang (thuộc Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh) trình báo, đồng thời vẽ lại sơ đồ và vị trí của đường ống cho đơn vị này nắm được. Trung tá Nguyễn Khắc Minh, Đồn phó Đồn biên phòng Đèo Ngang, xác nhận đơn vị đã nhận được thông tin về việc có một đường ống khổng lồ nghi được sử dụng để xả thải, nối liền từ khu vực dự án Formosa ra đáy biển như anh Thành đã trình báo. “Chúng tôi đã trình báo vụ việc này cho cấp trên là Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và đang chờ ý kiến chỉ đạo”, trung tá Minh nói.

Trong ngày 21.4, đoàn công tác của Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT), Chi cục Nuôi trồng thủy sản (Sở NN-PTNT Hà Tĩnh) và chính quyền TX.Kỳ Anh kiểm tra thực tế, tìm hiểu nguyên nhân cá chết hàng loạt tại cảng Vũng Áng (gần dự án Formosa) và 2 xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà (TX.Kỳ Anh).
Làm việc với đoàn công tác, nhiều ngư dân địa phương cũng đã cung cấp thêm thông tin cụ thể về đường ống xả thải nối liền từ khu vực dự án Formosa ra biển mà ngư dân đã tận mắt nhìn thấy. Anh Hoàng Văn Thiện (26 tuổi, ngư dân xã Kỳ Lợi) nói: “Đây là một đường dài được chôn lấp ở độ sâu khoảng 13 m so với mặt nước biển”.

Vẫn đang… phân tích nguyên nhân

Chiều 21.4, PV Thanh Niên đã theo đoàn kiểm tra của Trung tâm quan trắc môi trường biển thuộc Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ NN-PTNT) tiếp cận những vùng đã và có nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường làm cá chết tại tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Đoàn đã đến nhiều địa điểm ven biển từ bắc vào nam để lấy mẫu kiểm nghiệm, phân tích. Đặc biệt tại vùng biển Lăng Cô (H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế), đoàn đã tiếp cận và lấy mẫu nước, trầm tích tại nhiều điểm trên đầm Lăng Cô, cửa biển và ngoài khơi của biển Lăng Cô. Ông Trần Quang Thư, Phó giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường biển, Trưởng đoàn công tác, cho hay sau khi có kết quả đoàn sẽ báo cáo Bộ NN-PTNT cũng như thông báo các địa phương liên quan để có hướng xử lý.

Trong khi nguyên nhân cá chết chưa tìm ra thì hôm qua, lãnh đạo xã Vinh Hiền, H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết trên vùng biển của địa phương cũng đã xuất hiện tình trạng cá tự nhiên chết nổi trên biển hoặc lừ đừ bơi gần bờ. Như vậy Vinh Hiền là địa phương thứ 3 ở phía nam tỉnh Thừa Thiên-Huế ghi nhận cá biển chết bất thường, sau Lăng Cô và Lộc Vĩnh, H.Phú Lộc.

Hôm qua, Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc – Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã cử đoàn cán bộ đến các xã Cảnh Dương (H.Quảng Trạch), Hải Ninh (H.Quảng Ninh) và 3 xã vùng Ngư Thủy (H.Lệ Thủy) của Quảng Bình lấy mẫu nước, chất bùn đáy, cá, tảo để tiếp tục xét nghiệm nhằm làm rõ hơn nguyên nhân cá chết bất thường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét