Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh: “Xu thế ghét Trung Quốc gây nguy hiểm cho dân tộc.” (Ảnh chụp màn hình.)
Quân đội Trung Quốc: hết thời ‘nhảy múa kiếm cơm’
Tháng 11 năm ngoái, lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận
Bình đề ra chính sách buộc quân đội nước này phải ngừng tất cả các hoạt động
cung cấp dịch vụ phục vụ dân sinh có thu tiền, để tập trung vào nhiệm vụ chính
là bảo vệ an ninh, quốc phòng. Dịch vụ dân sinh thu tiền là những hoạt động như
khám chữa bệnh, xây dựng, biểu diễn văn nghệ… phục vụ dân chúng.
Ban đầu, ông Tập đưa ra lộ trình thực hiện quyết sách trên
là trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, cuối tháng Ba vừa qua, ông ta lại ra lệnh cho
quân đội ngưng ngay lập tức các hoạt động dịch vụ có thu tiền, thay vì theo lộ
trình 3 năm như trước. Động thái này thể hiện quyết tâm rất lớn của lãnh đạo
Trung Quốc trong việc lành mạnh hoá và chuyên nghiệp hoá quân đội.
Trên thực tế, ngay từ năm 1998, dưới thời Giang Trạch Dân,
chính phủ Trung Quốc đã cấm quân đội tham gia hoạt động kinh tế. Đây là nhân tố
rất quan trọng giúp cho quân đội Trung Quốc trở nên hùng mạnh hơn, chuyên nghiệp
hơn, bởi hoạt động kinh tế trong quân đội là những ung nhọt tham nhũng, gây ra
những tác hại khôn lường, khiến sức chiến đấu của quân đội bị suy giảm.
Quân đội Việt Nam: mải mê kiếm tiền
Trong khi quân đội Trung Quốc – trên thực tế hầu như là đối
tượng tác chiến duy nhất và nguy hiểm nhất của Việt Nam – đang nhanh chóng lột
xác như vậy thì quân đội Việt Nam lại ngày càng trở thành một cỗ máy kiếm tiền
khổng lồ.
Hiện nay, bên cạnh Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) lớn
hàng đầu quốc gia, Bộ Quốc phòng còn có đến 20 tổng công ty mà nhà nước nắm giữ
100% vốn điều lệ. Đó là các tổng công ty: Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Quốc
phòng, Xây dựng Công trình Hàng không, Xuất nhập khẩu Tổng hợp Vạn Xuân, Đầu tư
phát triển nhà và đô thị, Xăng dầu Quân đội, Hợp tác Kinh tế, Tân cảng Sài Gòn,
Trực thăng Việt Nam, Đông Bắc, Trường Sơn, Lũng Lô, Thái Sơn, Sông Thu, Ba Son,
Thành An, 15, 28, 36, 319 và 789.
Thêm vào đó, Bộ Quốc phòng còn quản lý 2 doanh nghiệp cổ phần
quy mô lớn là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội và Tổng Công ty Cổ phần Bảo
hiểm Quân đội.
Ngoài số tập đoàn, tổng công ty hùng hậu ở trên cùng các
công ty trực thuộc chúng, số doanh nghiệp khác trực thuộc Bộ Quốc phòng, tổng cục,
quân chủng, binh chủng, quân khu… là không đếm xuể.
Không chỉ hàng trăm tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp cùng hàng vạn
quân nhân đang ngày đêm “chiến đấu” trên “trận địa kinh tế”, mà ngay cả lãnh đạo
Bộ Quốc phòng cũng “thân chinh cầm quân” trên cái “chiến trường” đầy mê hoặc
này – chẳng hạn như trường hợp Uỷ viên Trung ương Đảng/Thượng tướng/Thứ trưởng
Lê Hữu Đức làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội,
hay Uỷ viên Trung ương Đảng/Đô đốc/Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến làm Chủ tịch Hội
đồng Thành viên Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn.
Nghị quyết một đàng thực hiện một nẻo
Trên thực tế, lãnh đạo Việt Nam cũng (từng) ý thức rất rõ về
sự cần thiết phải lành mạnh hoá và chuyên nghiệp hoá quân đội. Bằng chứng là
vào tháng 1/2007, Hội nghị Trung ương 4 khoá X đã thống nhất chủ trương chuyển
các doanh nghiệp làm kinh tế đơn thuần hiện có thuộc các cơ quan Đảng, lực lượng
vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội sang các cơ quan
nhà nước quản lý từ năm 2007.
Thế nhưng, kể từ đó đến nay, không những chưa có doanh nghiệp
quân đội nào được chuyển sang cho các cơ quan dân sự quản lý, mà ngược lại, hoạt
động kinh tế trong Bộ Quốc phòng ngày càng nở rộ, với sự ra đời của một loạt tổng
công ty mới: Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội ra đời ngày 31/12/2008; Tổng Công
ty 28 ra đời ngày 31/12/2008; Tập đoàn Viễn thông Quân đội ra đời ngày
14/12/2009; Tổng Công ty Hợp tác Kinh tế ra đời ngày 9/2/2010; Tổng Công ty Tân
Cảng Sài Gòn ra đời ngày 09/02/2010; Tổng Công ty XNK Tổng hợp Vạn Xuân ra đời
ngày 23/8/2011; Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị, Tổng Công ty 36,
Tổng Công ty 319 và Tổng Công ty 789 cùng ra đời ngày 23/8/2011; Tổng Công ty
Xây dựng Lũng Lô ra đời ngày 12/1/2012; Tổng Công ty Sông Thu ra mắt ngày
8/11/2013; Tổng Công ty Ba Son ra đời ngày 27/6/2014.
Ngày 8/10/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số
1604/TTg-ĐMDN về việc phê duyệt Đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn
nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo duy trì đến 90 doanh
nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc Bộ Quốc phòng, gồm Tập đoàn Viễn thông Quân
đội (Viettel) cùng 17 tổng công ty và 72 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành
viên.
Ngoài ra, Thủ tướng còn yêu cầu duy trì 69 doanh nghiệp 100%
vốn nhà nước là công ty con của các doanh nghiệp hoạt động theo hình thức công
ty mẹ - công ty con thuộc Bộ Quốc phòng.
Chưa hết, Thủ tướng còn giao Bộ Quốc phòng nhiệm vụ xây dựng,
trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề án hình thành các Tổng Công ty
16, Ba Son, Sông Thu và Hồng Hà, cùng đề án chuyển các công ty TNHH một thành
viên Tây Nam và Duyên Hải sang hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty
con, đồng thời bổ sung vốn chủ sở hữu cho các tổng công ty nhà nước trực thuộc.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Công ty Ba Son và
Tổng Công ty Sông Thu đã lần lượt ra mắt ngày 8/11/2013 và 27/6/2014. Sắp tới
đây, Bộ Quốc phòng sẽ còn “trình làng” thêm hai tổng công ty nữa là Tổng Công
ty 16 (từ Binh đoàn 16) và Tổng Công ty Đóng tàu Hồng Hà (từ Công ty Đóng tàu Hồng
Hà).
Tóm lại, hoạt động kinh tế trong lực lượng vũ trang sẽ tiếp
tục ngày một phát triển. Và sẽ không có bất kỳ quốc gia nào thách thức được
ngôi vị quán quân thế giới về làm ăn kinh tế của quân đội nhân dân Việt Nam.
Và những hệ luỵ khôn lường
Đằng sau mỗi doanh nghiệp quân đội là những thế lực che chắn
cho hoạt động cũng như “ghế” lãnh đạo doanh nghiệp. Với một lực lượng doanh
nghiệp “đông như quân Nguyên” kể trên, có thể nói, phần lớn các tướng lĩnh, sỹ
quan cao cấp trong Bộ Quốc phòng đều dính dáng ở mức này mức khác đến hoạt động
của các doanh nghiệp quân đội.
Tình trạng tham nhũng trong các doanh nghiệp nhà nước ở Việt
Nam vốn dĩ đã nghiêm trọng; tham nhũng trong các doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng
lại còn phổ biến và trắng trợn hơn nhiều. Điều này xuất phát từ một thực tế là
do tính chất quân phiệt và khép kín của môi trường quân đội, với hệ thống viện
kiểm sát và toà án riêng, nên các vụ tham nhũng trong quân đội hiếm khi bị
phanh phui; trường hợp bị đưa ra toà xét xử lại càng hiếm.
Cách đây không lâu, trang Chân Dung Quyền Lực đã khiến công
chúng Việt Nam xôn xao khi công bố một loạt hình ảnh về những dinh thự cùng lối
sống vương giả của Đại tá Phùng Quang Hải, Tổng Giám đốc Tổng Công ty 319, “cậu
ấm” của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh.
Trường hợp Phùng Quang Hải hoàn toàn không phải là cá biệt.
Ngược lại, đó là hình ảnh tiêu biểu cho vô số ông “vua con” khoác quân phục ở
Việt Nam hiện nay. Điều này phần nào giải thích tại sao người lính gan dạ, dạn
dày trận mạc Phùng Quang Thanh ngày nào lại trở thành viên Đại tướng/Bộ trưởng
Quốc phòng hèn mạt và bạc nhược bậc nhất trong lịch sử Việt Nam. Trên thực tế,
tổng doanh thu của các doanh nghiệp quân đội năm 2014 lên tới hơn 292.000 tỷ
VNĐ; nghĩa là, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đang thống lĩnh một nền kinh tế có
quy mô suýt soát bằng GDP của Campuchia, hay 1,5 lần GDP của Lào.
Trong khi Trung Quốc đang gấp rút hiện đại hoá và chuyên
nghiệp hoá quân đội, gấp rút bồi đắp và
quân sự hoá Hoàng Sa - Trường Sa, nhanh chóng chiếm lĩnh các vị trí xung yếu về
an ninh quốc phòng trên khắp dải đất hình chữ S… thì đội ngũ tướng lĩnh hùng hậu
bậc nhất thế giới của Việt Nam vẫn mải mê chìm đắm trong vòng xoáy kim tiền. Ai
sẽ bảo vệ đất nước chúng ta?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét