Mấy tuần qua, dân chúng trên các diễn đàn mạng xã hội bàn
tán rất nhiều về “tương lai đất nước” xung quanh sự kiện bầu cử các chức vụ cao
cấp trong Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ của Việt Nam. Có đứa bạn nhắn tin cho tôi
hỏi “người Việt trẻ như mình nên kỳ vọng vào ai?”.
Câu hỏi của người bạn khiến tôi nhớ lại rằng mình từng đọc ở
đâu đó về câu hỏi “như thế nào là yêu nước”. Đây có lẽ vẫn là cuộc tranh luận
chưa bao giờ ngã ngũ. Có người cho rằng yêu nước đơn giản lắm, như những dòng
văn chương bất hủ, mượt mà và có phần lý tưởng của Ilya Ehrenburg: "Lòng
yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc". Tổ quốc là
gì nếu không bắt nguồn từ những điều giản đơn như thế? Vậy nhưng có người lại
cho rằng, yêu nước là phải biết kỳ vọng và đặt kỳ vọng.
Kỳ vọng bản thân sẽ tạo ra sự thay đổi, hay ít nhất là đặt kỳ
vọng vào một ai đó có khả năng tạo ra những bước ngoặc mang tính lịch sử cho cả
dân tộc 90 triệu người của đất nước này. Nhưng một người nào đó từng viết rằng
“Tôi chỉ mong bạn đừng đặt sự kỳ vọng thay đổi xã hội vào tay một ai đó. Bởi
chính tay chúng ta sẽ làm nên những bước ngoặt lịch sử bằng việc sống, yêu, học
tập, làm việc và không thoả hiệp với những cái xấu là đã đóng góp những giá trị
tích cực cho xã hội”.
Thậm chí còn có những người quan niệm cái nghĩa yêu nước
theo kiểu lãng mạn, rằng phải để quê hương đất nước thấm nhuần vào máu thịt,
suy nghĩ và ngay cả những giấc mơ. Biết mơ những giấc mơ lớn, dám làm những việc
ít ai dám làm, và sẵn sàng hi sinh để đất nước được tốt hơn.
Tất nhiên, chưa bao giờ tôi phủ định những ý kiến vừa nêu. Mỗi
khái niệm xuất phát từ những con người khác nhau, trong những bối cảnh khác
nhau. Người dân thời phong kiến luôn đề cao
câu “trung quân, ái quốc”, làm trung thần chính là kẻ yêu nước vì dân.
Người lính trước những năm 1975, trong những trận chiến đầy chết chóc nhưng oai
hùng trước Pháp, Nhật, Mỹ... lấy máu xương và tính mạng để chứng tỏ lòng trung
thành, một lòng vì tổ quốc. Nhưng với những kẻ sinh sau thời chiến, những người
trẻ lớn lên trong thời bình, thì yêu nước có khi là lãng man, cũng có khi là kỳ
vọng, thậm chí có lúc còn là những giấc mơ phía sau quá trình học tập miệt mài,
phấn đấu không mệt mỏi.
Trong một chuyến thăm Nhật Bản, tôi có hỏi một người bạn của
mình rằng điều gì khiến Nhật Bản đứng dậy mãnh liệt sau một trận thế chiến đại
bại và đau đớn? Người Nhật chưa bao giờ nhận họ sai trong trận thế chiến, vì
anh bạn này cho rằng “tình yêu đất nước” cũng có lúc mù quáng. Nhưng những va
chạm và vấp ngã khiến người ta yêu nước một cách tỉnh táo hơn. Mỗi công dân Nhật
Bản là một chỉnh thể không hoàn hảo, nhưng ghép lại thành một bức tranh tuyệt vời.
Ở đó, họ ít nói với nhau về những câu chuyện phiếm; ít ngồi mân mê ly cà phê từ
sáng đến tận trưa; ít đi làm trễ và bỏ về sớm; càng hiếm khi bỏ ngang một công
việc đang làm. “Yêu nước là vậy, bắt nguồn từ yêu bản thân, yêu công việc, yêu
những gì do đôi bàn tay mình làm ra”, bạn tôi đáp.
Việt Nam hiện không phải là một Nhật Bản sau chiến tranh thế
giới; nhưng những gì mà chúng ta đang đối mặt cũng khó khăn vô cùng. Ngoài kia,
từng chuyến tài nguyên thô xuất khẩu vẫn làm đau đất mẹ từng ngày; môi trường ô
nhiễm khiến dân sinh chật vật; giáo dục trì trệ khiến bao người cầm trên tay tấm
bằng nhưng không có việc làm; dân chúng lắm người khóc than vì một nền y tế còn
nhiều bất cập; đường sá và cầu cống, hệ thống chống ngập vẫn còn là nỗi ám ảnh
của hàng triệu đồng bào; thực phẩm bẩn tràn lan khiến bữa cơm gia đình cũng vì
thế mà nguội lạnh phần nào; tình trạng tham nhũng, quan liêu, hệ thống hành
chính còn nhiều bất cập nhưng mãi vẫn chưa giải quyết triệt để; hệ thống tư
pháp thỉnh thoảng ban hành vài ba bộ luật, quy định khiến dân chúng không khỏi
nhọc lòng...
Trong bối cảnh đó, người ta lại càng đặt nhiều kỳ vọng vào
những người lãnh đạo. Đâu đó có người vẫn thầm mong có một Obama của Việt Nam với
khẩu hiệu “We can do it” (chúng ta có thể làm được) và “Hope” (Đất nước nhiều
hi vọng). Tất nhiên, không có nhà lãnh đạo nào có thể thay đổi mọi sự nếu không
có sự ủng hộ, đồng hành và hợp tác của người dân. Thế nên không nên chỉ đặt kỳ
vọng, thậm chí càng không nên đặt kỳ vọng vào một cá nhân nào khác để có thể
thay đổi được lịch sử, ngoài chính bản thân mình. Mỗi người trẻ, cần có ước mơ
của riêng mình và mạnh dạn thực hiện nó bằng sự khát khao và quyết liệt như
cách mà người Nhật từng làm để đứng dậy từ nỗi đau.
Thế nhưng không nên nhầm lẫn giữa quyết tâm và khẩu hiệu. Chỉ
xin mượn lời của một tác giả có bài viết “Người trẻ làm gì trong thời cuộc này”
để khẳng định rằng “Tôi cũng không mong bất kỳ một bạn trẻ nào phải mô phạm yêu
nước trong mớ ngoa ngôn ‘hi sinh’ đầy hô hào để rồi sau đó lại chua chát thừa
nhận một thực tế cay đắng. Thế hệ tôi một thế hệ cúi đầu. Cúi đầu trước tiền
tài, cúi đầu sau mông người khác. Cúi đầu trước chính mình, cúi đầu bạc nhược.
Chỉ ngẩng đầu vì đôi lúc phải cạo râu". Cá nhân tôi không bao giờ dám đặt
hết kỳ vọng vào một ai khác, chỉ mong rằng ai cũng âm thầm sống tốt, trách nhiệm
với bản thân mình, sống có ước mơ và dám thực hiện nó để tạo động lực cho xã hội.
Vậy là quý lắm rồi, chẳng cần bàn luận cao xa về ba chữ “lòng yêu nước”.
Nguồn: VOA Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét