Biên dịch: Nguyễn Thị Nghĩa | Hiệu đính: Hoàng Thân Anh Tuấn
Nguồn: Andrew V. Papachristos[1] (2005). “Gang World”,
Foreign Policy, No. 147 (Mar. – Apr.), pp. 48-55.
Số lượng các băng nhóm đường phố đang tăng nhanh một cách
chóng mặt trên toàn cầu. Nước Mỹ đã vô tình làm bùng phát hiện tượng này khi trục
xuất hàng triệu dân nhập cư có tiền án ra khỏi Mỹ mỗi năm. Nhưng đây chỉ là một
phần lý do các băng nhóm hoạt động lan ra khắp thế giới. Internet cũng đóng góp
một phần vai trò, bởi đây là nơi các băng nhóm thiết lập lãnh địa hay truyền bá
văn hóa của mình. Các thành viên băng đảng có thể chưa bao giờ nghe nói tới
toàn cầu hóa, nhưng toàn cầu hóa lại làm cho chúng mạnh lên.
Một ngày mùa đông lạnh giá ở Chicago, Hector đứng ở điểm bán
thuốc phiện của cậu để phục vụ khách hàng như mọi ngày. Hector là con trai của
vợ chồng dân nhập cư gốc Mexico, năm nay mười chín tuổi, là thành viên của băng
nhóm đường phố có tên “Những vị vua Latinh”. Cậu chàng nói thứ tiếng Anh-kiểu-Tây-Ban-Nha
khá thành thạo, đệm thêm vài tiếng lóng đường phố, mặc đồ giống với bọn thanh
niên trong vùng: áo gió, quần jean rộng thùng thình và đôi giày trắng dáng thể
thao (dù vùng cậu ở có muối tuyết đủ làm hỏng hết nguyên tủ quần áo). Hector
chưa bao giờ đi đâu xa quá ba dặm kể từ căn hộ cậu ta sống, chứ chưa nói đến việc
rời Chicago.
Hector là đầu mối cuối cùng của chuỗi cung ứng hàng hóa quốc
tế dài lê thê và quen thuộc này. Trong túi của cậu ta có những túi nhựa nhỏ chứa
mấy mẩu cocaine vụn giá 10 đô, trông như những miếng đường hỏng. Trước khi được
đem bán ở đường phố Chicago, chỗ hàng này đã qua tay hàng tá người ở ba nước
khác nhau. Hector cũng không có hứng thú gì với chuỗi cung ứng toàn cầu đó. Mọi
mối quan tâm và việc làm thường nhật của cậu ta tập trung hoàn toàn vào vài tòa
nhà trong thành phố, và thực tình các mong muốn của cậu cũng chỉ đến vậy mà
thôi. Phần lớn thời gian trong ngày cậu làm những việc mà những đứa mười chín
tuổi khác hay làm: ngủ, chơi bời với lũ bạn, cưa gái, chơi game, đứng ở góc phố
cười đùa ầm ĩ. Hector bán hàng chỉ vài giờ trong ngày, thu được tầm 50 đô la,
khá hơn một chút so với làm việc ở nhà hàng của McDonald’s.
Hình tượng của Hector – một thành viên băng đảng trẻ, thuộc
nhóm thiểu số, sống ở nội đô – được lan truyền, thêm thắt và tán tụng trên khắp
thế giới. Sự gia tăng tính cơ động của
thông tin thông qua không gian mạng, phim ảnh, và âm nhạc làm cho các băng đảng,
thành viên băng đảng hay những kẻ muốn bắt chước xã hội đen dễ dàng hơn trong
việc lấy thông tin, thay đổi cá tính hay làm biến dạng những cách hành xử băng
đảng. Trong đa số các trường hợp, những tưởng tượng về cuộc sống của băng đảng
như vậy không chỉ quá cường điệu mà là hoàn toàn sai. Xe hơi hào nhoáng, nhẫn
kim cương (thật), tiền hàng nắm… không phải là thứ thường thấy trong thế giới
băng đảng. Xoay sở để sống, cố kiếm ăn mà không phải vào tù, mặc đi mặc lại một
bộ quần áo cho đến khi thủng lỗ chỗ, ngồi ngáp dài ở trường, thất nghiệp, không
có trợ cấp cho trẻ nhỏ mới là cuộc sống thực tế hơn.
Tuy nhiên, hiện tại có hai hình dung cơ bản về các băng nhóm
đường phố: Loại thứ nhất là các băng nhóm là những tay côn đồ buôn bán ma túy,
và loại thứ hai, xuất hiện gần đây hơn, là các băng nhóm là các tổ chức khủng bố.
Mặc dù các phương tiện truyền thông thường liên hệ các băng nhóm với ma túy,
nhưng thực ra chỉ một tỷ lệ rất nhỏ các nhóm thực sự buôn bán loại hàng hóa
này. Càng ít kẻ buôn bán một cách có tổ chức. Trung tâm Băng nhóm Vị Thành niên
Quốc gia (NYGC) ước tính khoảng 34% các băng nhóm Mỹ dính dáng đến buôn bán ma
túy có tổ chức. Các nhóm buôn thuốc phiện này đã lấp vào chỗ trống trong nền
kinh tế đô thị hậu công nghiệp ngày nay, thay thế cho các lao động trong ngành
sản xuất hoặc các công việc không đòi hỏi kỹ năng vốn từng được nhiều người dựa
vào làm phương thức kiếm sống trước đây.
Tương tự, cái tên Jose Padilla luôn được gán cho hai thứ:
nghi can khủng bố Al Qaeda và thành viên băng nhóm đường phố. Nhưng sẽ là sai lầm
nếu cho rằng hai thứ này có liên quan tới nhau. Padilla bị bắt ở sân bay quốc tế
O’Hare tại Chicago vào tháng 6 năm 2002 khi đang âm mưu cho nổ một quả “bom bẩn”
ở một thành phố của Mỹ. Tuy nhiên, khi buôn bán ma túy, phần lớn các băng nhóm
thiếu các nguồn lực để duy trì hoạt động các mạng lưới bí mật xuyên quốc gia.
Thay vào đó, chúng tham gia vào các hoạt động nhỏ lẻ mà một nhà nghiên cứu tội
phạm gọi là “tội phạm kiểu tự phục vụ”
(cafeteria style crimes), như có một ít về sử dụng ma túy, một ít trộm cắp, một
ít bỏ học, một ít đánh nhau … Hành động khủng bố của Padilla thực chất không mấy
liên quan đến việc hắn tham gia băng đảng.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ví dụ cho thấy có những băng đảng
có phạm vi hoạt động toàn cầu đủ để giúp chúng thực hiện các hoạt động khủng bố.
Năm 1986, El Rukns ở Chicago lên kế hoạch thay mặt chính phủ Lybia khủng bố nước
Mỹ để đổi lấy 2,5 triệu đô la. Những năm 1990, băng “Những vị vua Latinh”,
thông qua những mối quan hệ được hình thành trong hệ thống nhà ngục của Mỹ, đã
rót tiền cho một nhóm chiến binh ở Puerto Rico tên là FALN. Gần đây nhất, thủ
lĩnh của băng Mara Salvatrucha (MS-13), băng nhóm hoạt động ở phạm vi trên 31
bang và 3 nước khác, đã gặp một số thủ lĩnh quan trọng của Al Qaeda ở Honduras
để bàn về việc bí mật đưa người nhập cư từ Mexico vào Mỹ.
Một trong những khó khăn cấp bách nhất hiện nay đối với các
nhà hoạch địch chính sách là phân biệt được đâu là băng nhóm thông thường và
đâu là băng nhóm tội phạm. Cho tới gần đây, việc tham gia vào các băng nhóm là
một phần bình thường của thanh niên thành phố và không gây hại gì quá ghê gớm.
Các thành viên có thể ra khỏi băng khi họ kết hôn, tìm được việc làm, tham gia
quân đội hay không còn phù hợp với cách cư xử trong băng nhóm nữa. Tuy nhiên,
các thành phố thay đổi thì các băng nhóm cũng thay đổi theo. Kinh tế toàn cầu
hóa và sự dịch chuyển hàng loạt việc làm trong lĩnh vực sản xuất chế tạo từ các
nước phát triển sang các nước đang phát triển đã cô lập nhóm người nghèo cả về
mặt địa lý và xã hội. Không có gì đáng ngạc nhiên khi số lượng cũng như mức độ
nguy hiểm của các băng nhóm tăng cao đột biến cùng với xu hướng này. Ngày nay,
các băng nhóm đóng vai trò như là nơi che chở, là gia đình hay chính người tuyển
dụng của các thành viên. Các thành viên ở lại băng nhóm lâu hơn, số lượng phụ nữ
trẻ tham gia cũng tăng nhanh. Hiện nay, các băng nhóm hoạt động tại tất cả 50
bang trên khắp nước Mỹ và ở vô số các nước khác.
Các băng nhóm tồn tại trong bối cảnh toàn cầu hóa như một
nghịch lý: Các băng nhóm có mặt khắp các nước, không phải vì các nhóm hoạt động
xuyên quốc gia (rất ít nhóm hoạt động như vậy), mà là do sự linh hoạt cao độ của
các thành viên trong băng nhóm cùng với văn hóa của băng nhóm đó. Trong khi
toàn cầu hóa làm cô lập các vùng có đông người tham gia các băng nhóm, thì nó
cũng giúp mở rộng hoạt động và văn hóa băng đảng. Vì vậy, theo một nghĩa nào
đó, các băng nhóm giờ đã hoạt động trên phạm vi toàn cầu.
Khi các băng nhóm lầm đường
El Rukns là ví dụ điển hình nhất cho những gì tồi tệ nhất mà
các băng nhóm tội phạm có thể mắc phải. Ban đầu được biết tới với tên gọi
“Blackstone Rangers” [Biệt kích Đá đen], băng này xuất hiện vào cuối những năm
1950 ở phía Nam Chicago. Jeff Fort, thủ lĩnh của nhóm này đã tập hợp thêm 21
băng nhỏ nữa, tạo thành một tổ chức hùng mạnh. Năm 1968, Fort bị tòa án liên
bang kết án về tội biển thủ các quỹ trợ cấp chống đói nghèo của nhà thờ và các
tổ chức cộng đồng. Thay vì tạo ra công ăn việc làm, Fort dùng các quỹ này để
mua súng, ô tô, và thuốc phiện. Rời khỏi nhà tù Leavenworth năm 1976, Fort gia
nhập tổ chức tôn giáo “Moorish Science Temple of America” rồi sau đó cải sang đạo
Hồi. El Rukns (nghĩa là “nền tảng tri thức” trong tiếng Ả rập) trở thành tên gọi
mới thay cho “Blackstone Rangers”. Tháng 3 năm 1986, ba thành viên có máu mặt của
El Rukns đến Lybia để thỏa thuận với các quan chức quân sự nước này cho một kế
hoạch “khủng bố ngay trên đất Mỹ” để đổi lấy 2,5 triệu đôla. Một lần nữa, băng
đảng này lại bị những ham muốn về tiền bạc và danh tiếng thôi thúc. Cuộc gặp gỡ
tiếp theo giữa El Rukns và chính quyền Lybia diễn ra ở Panama vào tháng 5.
Nhưng lúc trở về, hải quan đã phát hiện ra nhiều tài liệu mật trong hành lý của
hai tên trong băng này, bao gồm bản nháp sơ bộ về một số âm mưu khủng bố. Các kế
hoạch của chúng được dàn dựng ở Chicago bao gồm phá hủy một số tòa nhà liên
bang, đánh bom máy bay, ám sát ủy viên hội đồng thành phố Milwaukee hay “giết
người rải rác ở các nơi khác nhau”.
Hai tháng sau, El Rukns mua một thứ vũ khí chống tăng hạng
nhẹ giá 1.800 đô la từ một điệp viên FBI chìm. Vụ mua bán này cùng với bằng chứng
từ những người cung cấp tin, và những đoạn băng ghi âm thu được đã thuyết phục
được vị thẩm phán bang công bố một lệnh truy nã. Các nhà chức trách cuối cùng
đã phát hiện được vũ khí chống tăng kể trên, 32 khẩu súng, bao gồm một súng máy
tự động MAC-10, một khẩu súng lục tự động cỡ nòng 0.45 inch, và nhiều vòng đạn.
Năm thành viên kỳ cựu của băng, bao gồm cả Jeff Fort, bị kết tội âm mưu khủng bố
và giờ vẫn ngồi tù. Câu chuyện này vẫn còn là ví dụ điển hình cho việc một băng
nhóm đường phố bình thường có thể trở nên nguy hiểm đến mức độ nào.
Giang hồ không biên giới
Các băng nhóm hiện có mặt ở 3.300 thành phố trên khắp nước Mỹ,
từ những thành phố trên 250 nghìn dân cho đến các thị trấn nhỏ đang phát triển
hay vùng nông thôn. Con số này tăng 433% so với năm 1970, khi chỉ khoảng 200
thành phố có các băng nhóm hoạt động. NYGC ước tính hiện nay có khoảng 731.500
thành viên ở trong khoảng 21.500 băng nhóm trên khắp nước Mỹ. Sự phát triển số
lượng nhanh chóng này không bị giới hạn về mặt địa lý. Các băng nhóm và những
“Câu lạc bộ thanh niên trẻ” có cả ở Pháp, Hy Lạp, Nam Phi, Brazil, Hà Lan, Tây
Ban Nha, Đức, Bỉ, Anh, Jamaica, Mexico, Canada, Nhật, Trung Quốc, Úc và các nước
khác.
Lý do thường được dùng để lý giải cho sự gia tăng nhanh
chóng này là các băng nhóm “di cư” để tìm kiếm thành viên, địa bàn hoạt động và
cơ hội phạm tội mới. Những nhóm như “Những vị vua Latin” hay MS-13 là có thật
nhưng rất hiếm. Thực tế không có nhiều chứng cứ cho thấy những ham muốn kinh
doanh kiểu xã hội đen có tính toán có liên quan đến việc số lượng băng nhóm gia
tăng. Một cách giải thích đáng tin cậy hơn, đó là khi con người di cư, họ mang
theo mình các yếu tố văn hóa. Ví dụ, Trey, thành viên của băng Gangster
Disciples [“Đệ tử xã hội đen”] ở Chicago, chuyển đến thị trấn nhỏ ở Arkansas sống
cùng người anh của hắn vốn không phải là giang hồ và đã xin được việc làm ở
đây. Dù cố gắng hòa nhập hợp pháp, hắn nhận thấy thân phận giang hồ trong nhóm
Gangster Disciples từ thành phố quê hương Chicago đã giúp hắn có được tiếng tăm
đáng kể ở Arkansas. Chỉ trong vòng chín tháng sau, hắn đã lập được một “chi
nhánh” mới cho băng Gangster Disciples với 15 thành viên. Nhưng băng này không
có bất kỳ mối liên hệ chính thức nào với băng nhóm ở Chicago cả.
Xu hướng tương tự cũng xảy ra mọi nơi, đặc biệt là ở Mỹ
Latinh và Châu Á. Trong một nghiên cứu trên 1.000 thành viên băng nhóm gần đây,
Trung tâm Nghiên cứu Băng nhóm Tội phạm Quốc gia nhận thấy 50% thành viên băng nhóm tin rằng nhóm của chúng có đường
dây quốc tế. Nghiên cứu khác của trung tâm này cũng chỉ ra rằng tỷ lệ này có thể
cao hơn đối với những nhóm thành viên là người nhập cư như Tây Ban Nha (66%) và
Châu Á (55%).
Việc các thành viên băng nhóm xuất ngoại không chỉ làm văn
hóa băng nhóm lan truyền mà còn xây dựng được mối liên hệ giữa các thành viên
băng nhóm ở nhiều nước khác nhau. Khi Lito, thành viên băng “Những vị vua
Latinh” của Hector, vướng vào rắc rối luật pháp ở Chicago, gia đình đã gửi hắn
sang sống ở Mexico với một người cô. Ở đây, tên này đã nhanh chóng trở thành cầu
nối cho các thành viên ở Mỹ trốn chạy và những người nhập cư Mexico tìm việc ở
Mỹ. Thực tế, băng “Những vị vua Latinh” biến những cầu nối kiểu này thành việc
làm ăn béo bở bằng cách làm thẻ căn cước giả. Một cuộc điều tra năm 1999 phát
hiện 31.000 thẻ căn cước giả cùng nhiều tài liệu phục vụ việc đi lại khác.
Tất nhiên, các băng nhóm không phải lúc nào cũng có thể xuất
ngoại dễ dàng. Từ giữa những năm 1990, chính sách di dân của Mỹ đã làm tăng mạnh
số lượng các băng đảng ở Mỹ Latinh và Châu Á bằng việc trục xuất hàng chục ngàn
người di dân có tiền án về nước mỗi năm, trong đó có ngày càng nhiều các thành
viên băng đảng. Năm 1996, có khoảng 38.000 người nhập cư bị trục xuất sau khi
phạm tội; đến năm 2003 con số này lên tới 80.000 người. Thông thường, các thành
viên băng đảng đã sống gần như cả đời ở Mỹ. Nhưng một khi đã phạm pháp, với tư
cách là người di dân, họ vẫn có thể bị trục xuất.
Các quốc gia có dòng người bị trục xuất trở về vẫn chưa được
trang bị để xử lý số thành viên băng đảng hồi hương lớn đến như vậy. Mặc dù có
nhiều ước lượng khác nhau, các chuyên gia cho rằng có khoảng 100.000 thành viên
băng nhóm ở khắp Trung Mỹ và Mexico. Hơn 2.100 dân nhập cư có tiền án bị trục
xuất khỏi Mỹ về Cộng hòa Dominica năm 2003. Cùng năm đó, El Salvador nhận về gần
2.000 người. Chính quyền Mỹ cũng không biết có bao nhiêu thành viên băng đảng
trong số những tội phạm bị trục xuất. Nhưng chính quyền các nước Mỹ Latinh đã
thấy được vấn đề và nhìn nhận các băng nhóm là mối đe dọa nguy hiểm đối với an
ninh quốc gia hiện tại. Năm 2003, Honduras, El Salvador, Guatemala, Panama và
Mexico đã nhất trí hợp tác tìm cách xử lý những thách thức từ các băng nhóm này.
Không mấy thành viên băng đảng muốn về nơi mình sinh ra. Ít
hoặc không có quan hệ gì với tổ ấm mới, những kẻ bị trục xuất chỉ có hai lựa chọn:
hoặc tìm cách quay lại Mỹ, hoặc tìm kiếm sự bảo hộ từ những thành viên băng
nhóm trong vùng. Sau vụ MS-13, chính quyền Mỹ trục xuất hàng trăm thành viên của
băng nhóm này. Nhiều người trong số này vẫn tiếp tục nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ,
buôn lậu hàng hóa hay buôn người. Một số khác ở lại quê nhà và kết nối với các
thành viên bị trục xuất khác. Chính quyền các nước này cho rằng tội phạm và bạo
lực gia tăng chủ yếu do nguyên nhân này. Như vậy, chính sách nhập cư của Mỹ
theo nghĩa nào đó rốt cuộc đã bảo trợ ngoài dự tính cho việc dịch chuyển xuyên
biên giới của các băng nhóm tội phạm. Thay vì giải quyết vấn đề, Mỹ có lẽ lại
đã giúp phát tán nó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét