Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

LỜI NGUYỀN LÁNG GIỀNG

Bùi Quang Vơm


Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phần 1: Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Việt Nam và Trung Quốc có lời nguyền láng giềng đeo đẳng từ khi lập nước. Một nghìn năm Bắc thuộc, là châu quận của Trung Quốc, An Nam Ðô Hộ Phủ. Rồi gần một nghìn năm tiếp theo, dù có một vương trìều độc lập, cho đến trước khi chính thức bị giao nhượng cho Pháp bằng hiệp định Pháp Thanh năm 1885, Việt Nam vẫn là một quốc gia phiên thuộc của Trung Quốc, ít nhất trên hình thức.

Các vị vua của Việt Nam, sau khi lên ngôi, phải được sự thừa nhận của Thiên triều. Không có chiếu phong vương, vương triều Việt không có tính chính danh và triều đình có nguy cơ bị Thiên triều cất binh trừng phạt. Thông thường, vị vua hay hoàng đế tự lập của Việt Nam, ngay sau khi lên ngôi phải đích thân diện kiến Thiên tử để nhận chiếu phong vương. Nếu không thể đích thân, phải cử đặc sứ trình bẩm việc lên ngôi và xin chiếu tấn phong. Những tập quán như thế đã trở thành một quy tắc hàng nghìn năm, như một lẽ đương nhiên trong tiềm thức của cả người Trung Hoa lẫn quan dân người nước Việt. Sự thật lịch sử này, về phía Việt Nam được giải nghĩa là sự khôn khéo để vừa giữ được độc lập, vừa giữ được hoà bình, tránh được thảm họa chiến tranh. Nhưng ở phía Thiên triều, nghĩa là đối với người Trung Quốc thì đó là sự thần phục, một sự thừa nhận phiên thuộc.


Trong lịch sử quan hệ với láng giềng Trung Hoa, người Việt nam chỉ có yên bình khi thực sự là châu quận của Trung Quốc. Ngược lại, nếu chỉ là thuộc quốc, thì dù chịu thụ phong và cống nạp hàng năm, không một lúc nào, triều đình Việt, dân tộc Việt thoát khỏi mối đe dọa mất nước từng ngày. Bất cứ lúc nào, chỉ cần nước Việt gặp thiên tai, đói khát, vua tôi nước Việt lục đục, dân tình rục rịch nổi dậy, vua mới lên ngôi không đích thân diện kiến, không chịu sắc phong, thậm chí mới chỉ chậm trình bẩm… tất cả đều có thể trở thành lý do để Thiên triều nổi giận cất binh trừng phạt, hay ít ra cũng là mầm của tai hoạ mất nước.

Cho đến tận bây giờ, có vẻ như trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, vẫn tồn tại một tiềm thức như vậy, cả trong những người lãnh đạo đảng CS Trung Quốc lẫn những người lãnh đạo đảng CS Việt Nam.

Từ sau Hội nghị Thành Đô, ở tất cả các kỳ Đại hội Đảng CS Việt Nam, người ta thấy một hiện tượng rất rõ là, trong giai đoạn chuẩn bị nhân sự, bao giờ cũng có hoặc một cán bộ cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam sang thăm Trung Quốc, hoặc một phái viên cao cấp của đảng cộng sản Trung Quốc sang thăm Việt Nam. 

Đại hội kết thúc, người đắc cử vị trí cao nhất của đảng ngay lập tức, hoặc chuyến thăm đối ngoại đầu tiên bao giờ cũng là chuyến đi Trung Quốc hoặc thăm chính thức, hoặc không công bố. Đặc biệt là Tổng bí thư Đỗ Mười, chỉ trong khoảng một nhiệm kỳ đầu và một năm của nhiệm kỳ hai, hai lần thăm Trung Quốc, tháng 12/1995 và 18/07/1997 và Nông Đức Mạnh, với hai nhiệm kỳ có tới 3 lần thăm Trung Quốc, 14/04/2003, 26/08/2006 và 2/6/2008.

Ngày 20/10/2008 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Trung Quốc lần đầu, lần thứ hai 26/04/2010. Nguyễn Phú Trọng thăm TQ lần đầu tháng 11/10/2011, Trương Tấn Sang thăm TQ ngày 19- 21/6/2013. Trước khi thăm Mỹ đúng 3 tháng, Nguyễn Phú Trọng đi Trung Quốc lần hai ngày 7/04/2015. Tháng 11/2015, trước khi đại hội đảng XII khai mạc hai tháng, Tập Cận Bình sang thăm, phát biểu trước Quốc hội Việt Nam. Sau hội nghị 14, là hội nghị quyết định nhân sự cho Đại hội XII chính thức, ngày 22/12/2015, một tháng trước Đại hội, Nguyễn Sinh Hùng sang thăm Trung Quốc theo lời mời của chính Tập Cận Bình. Sau Đại hội XII kết thúc, trưởng Ban đối ngoại Trung ương đảng Hoàng Bình Quân,  đặc phái phiên của Tổng bí thư vừa đắc cử sang thăm Trung Quốc, cũng trực tiếp gặp họ Tập.

Và cũng sau hội nghị Thành Đô, tiếp tục bài ca “Việt Nam Trung Hoa núi liền núi, sông liền sông, chung một biển đông”…lại xuất hiện 16 chữ vàng ” Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan”  là “bốn tương”, dịch ra tiếng Việt thành 4 chữ “chung”, tức là chung sông núi, chung lý tưởng, chung văn hoá, chung vận mệnh.

Ông Phạm Trường Long, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, trong cuộc hội kiến với bộ trưởng Phùng Quang Thanh, 18/10/2015, nói: “Láng giềng là không thể dời đi, hai nước Trung-Việt chung sống hữu nghị, xử lý ổn thỏa bất đồng, cùng phát triển phù hợp với lợi ích chung của hai nước”.

Tiến sĩ lịch sử học Trường Đại học Bắc Kinh, Vương Hàn Lĩnh trả lời báo chí Việt Nam: “Tôi có thể nhấn mạnh rằng anh có thể tự lựa chọn cách giải quyết tranh chấp mà anh cho là tốt nhất, có thể phân định được lãnh hải bằng cách này hay cách khác, nhưng chắc chắn là anh không thể tự lựa chọn được hàng xóm. Hai nước Trung Quốc và Việt Nam mãi mãi là hàng xóm, qua biết bao thế hệ và còn tiếp tục với rất nhiều thế hệ nữa”.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi trả lời cử tri quận Tây hồ, 1/07/2015, cũng nói Trung Quốc là “người bạn láng giềng lớn, muốn hay không cũng phải ăn đời ở kiếp với nhau, có ai chọn được láng giềng đâu”.
Đó là sự cay đắng của lời nguyền láng giềng. Đó là định mệnh, định phận tại thiên thư. Không thể là láng giềng mà không bị xâm chiếm.

Từ sâu thẳm, đáy sâu của lịch sử Trung Hoa, xâm chiếm láng giềng đã là lựa chọn như một triết lý, một nhân sinh quan của người Trung Hoa.

Theo Sử ký Tư Mã Thiên, Tể tướng nhà Tần (221-206 TCN) là Phạm Thư khi đến Tần, gặp vua Tần là Tần Chiêu Vương, đã bày kế:

“… Ngày xưa vua Dẫn Vương nước tề phía Nam đánh Sở, phá quân, diệt tướng, hai lầnmở mang đất đai ngàn dặm, nhưng rốt cuộc, nước Tề vẫn không lấy được tấc đất nào. Điều đó đâu phải vì vua Tề không muốn, mà là vì lấy đất xa thì không giữ được. Chư hầu thấy nước Tề mệt mỏi, vua tôi không hoà, đem quân đánh tan quân Tề. Tướng sĩ bị nhục, binh lính bị khốn đốn đều đổ lỗi cho nhà vua, nói “Ai bày kế này cho nhà vua?”, nhà vua nói ” Văn Tử “. Đại thần làm loạn, Văn Tử hoảng sợ bỏ trốn ra nước ngoài.

Cho nên, nước Tề sở dĩ thua to là vì đánh Sở, là nước ở xa, làm cho nước Hàn, nước Nguỵ được hưởng. cách đó gọi là trao binh cho giặc, đem lương cho cướp vậy.

Chi bằng nhà vua giao hiếu với nướxc ở xa, để đánh chiếm các nước ở gần. Được tấc đất nào thì ghép vào đất Tần, mở rộng cương giới. Được thước đất nào, đều trở thành đất của nhà vua.

Vua Tần nghe kế của Phạm Thư, sai Ngũ Đại phu và Uyển đánh láng giềng là Nguỵ, lấy đất Hoài, nhập vảo Tần, hai năm sau lấy đất Hình Khâu…”.


Từ Thục An Dương Vương, Triệu Đà, Hán Vũ Đế, đến Đông Ngô, nhà Tấn, Lưu Tống tới Nam Tề, nhà Lương, Tuỳ, Đường, rồi từ  Nam Hán, đến Tống, Nguyên, Minh, Thanh, suốt hai nghìn năm, không một triều đại Trung Hoa nào buông bỏ ý chí chiếm đoạt và nô dịch người Việt.

Cho đến tận chế độ cộng sản của Mao Trạch Đông.


Theo tác giả Giao Hưởng (Hoàng đế đỏ của Trung Hoa cộng sản): “Trong cuốn trước tác “Cách mạng Trung Quốc và Đảng cộng sản Trung Quốc” của chủ tịch Mao Trạch Đông viết năm 1939 do hiệu sách Tân Hoa thư điếm (Dực Nam) tái bản tháng 6 năm 1949, Mao viết:

– “Sau ngày đánh bại Trung Quốc, các nước đế quốc đã chiếm các nước phụ thuộc của Trung Quốc : Nhật chiếm Triều Tiên, Đài Loan, Lưu Cầu, quần đảo Bành Hồ và Lữ Thuận – Anh chiếm Miến Điện, Butan, Hương Cảng – Pháp chiếm An Nam…”.

Dùng cụm từ “các nước phụ thuộc của Trung Quốc” trong đó có An Nam (Việt Nam) rõ ràng Mao muốn “xóa” và “ghép” chủ quyền của một số quốc gia khác vào nước Trung Hoa của Mao. Mười năm sau (tháng 6.1949), một lần nữa “các nước phụ thuộc” theo ý Mao lại được nhắc đến qua lần tái bản (sách trên) bởi cơ sở Tân Hoa thư điếm – Dực Nam.

Đến 1954, Trung Quốc ấn hành “Sơ lược lịch sử Trung Quốc hiện đại” tại Bắc Kinh kèm tấm bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc bao gồm nhiều nước Đông nam châu Á và vùng biển Đông một cách trắng trợn.

Đẩy xa hơn, chủ tịch Mao Trạch Đông không cần giấu giếm, nói thẳng với các đại biểu Đảng Lao động Việt Nam (tức Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay) tại hội đàm Vũ Hán năm 1963 về chủ trương bành trướng của giới cầm quyền Trung Nam Hải:

– Tôi sẽ làm chủ tịch của 500 triệu bần nông tràn xuống Đông nam châu Á.

Minh họa chủ trương đó, Mao đưa ra một số đối chiếu cụ thể đầy ẩn ý về trường hợp Thái Lan. Mao nói, diện tích cả nước Thái Lan so với một tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc tương đương nhau – nhưng về dân số Tứ Xuyên đông gấp đôi Thái Lan – cần đưa bớt người Trung Quốc xuống Thái Lan cư trú. Mao cũng nói, nước Lào dân cư thưa thớt, Trung Quốc phải đưa người xuống Lào lập nghiệp…

Sau ngày Trung Quốc thử nghiệm thành công bom nguyên tử lần đầu tiên năm 1964, Mao càng quyết liệt và công khai khẳng định chủ trương bành trướng của mình trong Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 8.1965:

– Chúng ta phải giành cho được Đông Nam châu Á, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore…”

Sự thèm khát mở rộng cương thổ của Mao khiến một nhà nghiên cứu người Nga Aleksei Volynhets phải thốt lên rằng, Mao và Lưu Bang là hai hoàng đế xuất thân từ nông dân, có chung sự thèm khát đất đai.

 Nhà Hán của Lưu Bang là thời mà Trung Quốc tiến hành nhiều nhất các cuộc chiếm đoạt, mở rộng lãnh địa, cương giới, sáp nhập lãnh thổ của các lân bang.

Mao Trạch Đông là người ngưỡng mộ Tần Thủy Hoàng, mặc dù vị Hoàng đế này nổi tiếng là tên bạo chúa, từng thiêu sống hàng vạn người, chỉ vì ông ta loà người đầu tiên trong lịch sử thống nhất được Trung Hoa.

Sự vĩ đại của các vị Hoàng đế hay lãnh tụ Trung Hoa thường gắn và phải gắn với chiến tích bành trướng chiếm đất và mở mang bờ cõi.

Từ ngày ra đời nhà nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa, không một quốc gia láng giềng của Trung quốc có một biên giới bình yên. 

Cuộc chiếm đoạt Tân Cương bắt đầu từ nhà Hán, nhưng 2000 năm sau, đến năm 1949, Mao mới chính là người kết thúc, biến nó thành khu tự trị, tháng 1/1955.

Tây Tạng cũng vậy, mặc dù vùng trung Tây Tạng có tên là Koko Nor (hồ xanh), bị nhà Thanh chiếm năm 1723, nhưng toàn bộ lãnh thổ Tây Tạng, phải đến khi quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa tiến vào, theo lệnh của Mao Trạch Đông, năm 1950, mới thực sự bị chiếm đoạt, Koko Nor thành tỉnh Thanh Hải và năm 1951, Tây Tạng biến thành khu tự trị.

Riêng với Việt Nam?

Trong một mưu đồ xâm chiếm khi nthời cơ thuận lợi, Mao Trạch Đông muốn duy trì tình trạng bị chia cắt, không thống nhất, ông ta trực tiếp nói với các nhà lãnh đạo Việt Nam vào 11.1956, trong đó có Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng:

– “Tình trạng nước Việt Nam bị chia cắt không thể giải quyết được trong một thời gian ngắn mà cần phải trường kỳ… Nếu 10 năm chưa được thì phải 100 năm!”.

Mao đặc biệt muốn nắm Việt Nam làm bàn đạp mở đường xuống các nước khác ở phương Nam.

 Tại hội đàm giữa lãnh đạo của bốn đảng cộng sản: Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Lào (Quảng Đông 9.1963) – thủ tướng Chu Ân Lai đánh tiếng:


– Nước chúng tôi thì lớn nhưng không có đường ra, cho nên rất mong Đảng Lao động Việt Nam mở cho một con đường mới xuống Đông nam châu Á.

Ngay từ khi đó, con đường đi xuống Đông Nam Á đã được hình dung bằng con đường xuyên suốt từ Vân Nam qua Việt Nam, Lào, Cămpuchia, Thái Lan tới tận Singapore. Tập Cận Bình đang biến nó thành sự thật “giấc mơ Trung Hoa”, bằng những dự án đường sắt xuyên Á.

Và ý đồ chiếm đoạt biển Đông đã gặp tấm bản đồ của một cá nhân phóng hoạ năm 1949, để trở thành “chủ quyền từ cổ đại”. Nó được biến hoá thành nghị quyết của Ban thường trực Quốc hội nhân dân trung Hoa, ngày 4/9/1958, trong khi đã chiếm nửa phía đông của Hoàng Sa từ tay chính quyền Việt Nam Cộng hòa năm 1956.  Ngay từ khi đó, một ý đồ nung nấu chiếm đoạt biển Đông chỉ còn chờ cơ hội để thực hiện.

 Cơ hội đó đến năm 1974, khi Mỹ đã rút hoàn toàn khỏi chiến trường và chính phủ cộng sản Bắc Việt Nam phải dồn toàn bộ sức lực cho chiến dịch giải phóng miền Nam, Trung Quốc đánh chiếm nốt nửa phía tây Hoàng Sa.

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự Quán Việt Nam tại Quảng Đông, nói: 

“Tôi có tài liệu, Mao Trạch Đông là người quyết định đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, 1974… Chu Ân Lai chính là người vạch ra kế hoạch, Diệp Kiếm Anh là người đôn đốc thi hành, và Đặng Tiểu Bình lúc đó mới được phục hồi, cũng sang Cục Tác chiến của Trung Quốc để áp trận.”


Trường sa cũng nằm trong cùng một mưu đồ được chuẩn bị sẵn chỉ để chờ cơ hội. Năm 1988, trong bối cảnh kiệt quệ vì chiến tranh và những sai lầm liên tiếp trong các chính sách, nền kinh tế Việt Nam tan ra từng mảnh. Trung Quốc sau chiến tranh biên giới bao vây kinh tế, cắt đứt ngoại giao. Liên xô và XHCN /Đông Âu chìm trong khủng hoảng, nguy cơ tan vỡ. Mỹ cấm vận cả ngoại giao lẫn kinh tế. Chế độ đứng trước nguy cơ sụp đổ. Lê Đức Anh, uỷ viên bộ chính trị, bộ trưởng Quốc phòng đưa ra sáng kiến nhượng bộ Trung Quốc, rút toàn bộ quân đội khỏi Cămpuchia và chủ động tìm kiếm thương lượng bình thường hoá với đảng cộng sản Trung quốc, trên danh nghĩa bảo vệ chủ nghĩa cộng sản. Binh lính trực chiến trên biên giới và hải đảo được lệnh không nổ súng trước, tìm mọi cách giữ hoà hiếu, không làm mếch lòng bạn Trung Quốc.

 Chính vào lúc đó, hải quân Trung Quốc được lệnh tấn công chiếm Gạc Ma và một lọat những hòn đảo khác trên Trường Sa.

…..
Đường lưỡi bò đang trở thành hiện thực. Và không có gì có thể ngăn cản được. Những ý đồ, những khát vọng biến thành âm mưu và kế hoạch thực hiện trong suốt cả nghìn năm, thì khi đủ điều kiện hay khi cơ hội chín muồi, khó có gì, khó sức mạnh nào ngăn cản được.

Cho nên, Việt Nam không thể không bị xâm chiếm, vì Việt Nam là láng giềng.

29/04/2016

Bùi Quang Vơm


Nguồn: anhbasam.wordpress.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét