Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Tranh luận về chiến tranh Việt Nam tiếp diễn sau hơn 50 năm



Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại Thượng đỉnh Chiến tranh Việt Nam tại Thư viện Tổng thống Lyndon Johnson trong khuôn viên Đại học Texas ở Austin, ngày thứ tư 27/4/2016.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại Thượng đỉnh Chiến tranh Việt Nam tại Thư viện Tổng thống Lyndon Johnson trong khuôn viên Đại học Texas ở Austin, ngày thứ tư 27/4/2016


Greg Flakus
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm thứ tư đã đọc bài diễn văn đầy cảm xúc tại Thượng đỉnh Chiến tranh Việt Nam tại Thư viện Tổng thống Lyndon Johnson trong khuôn viên Đại học Texas ở Austin. Theo tường thuật của thông tín viên Greg Flakus của đài VOA, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đã nghẹn ngào, suýt khóc, khi ông nói tới cái giá kinh khiếp mà những người tham gia cuộc chiến đã phải trả, cũng như sự chuyển đổi của mối quan hệ Việt-Mỹ thông qua những liên hệ về thương mại và sự hợp tác trong các lãnh vực khác mà ông nói là đã làm cho hai nước cựu thù trở thành đối tác của nhau.


Trong lúc vụ tranh luận về cuộc chiến tranh Việt Nam tiếp diễn, sự có mặt của ông Kerry tại cuộc hội thảo này đã gây ra những sự tranh cãi. Một số cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam không tán thành vai trò của ông tại sự kiện này. Họ chỉ trích ông Kerry là người đã phản bội lý tưởng mà họ từng theo đuổi khi tham gia cuộc chiến ở Việt Nam là bảo vệ cho miền Nam Việt Nam trước cuộc xâm lăng của Cộng Sản miền Bắc.

Một số những người chỉ trích ông Kerry đã tham dự một buổi lễ tại khoảng sân trống bên ngoài thư viện Tổng thống Johnson để vinh danh những người tham chiến ở Việt Nam. Ông Edward Zielinski, người từng lái máy bay trực thăng ở Việt Nam vào năm 1969 và 1970, cảm thấy tức giận vì sự có mặt của ông Kerry. Ông Zielinski nói “Tôi nghĩ rằng đây là một việc đáng xấu hổ. Bởi vì tôi nghĩ rằng ông ấy là một kẻ phản bội, nhất là đối với các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam.”

Ông Zielinski nằm trong số những cựu chiến binh cảm thấy bị phản bội vì những hoạt động phản chiến của ông Kerry sau khi ông về nước từ chiến trường Việt Nam. Nhiều người trong số họ cũng tin rằng ông Kerry đã lợi dụng sự phục vụ của mình trong quân ngũ cũng như những hoạt động phản chiến để theo đuổi những tham vọng chính trị của mình.


Ông Edward Zielinski, người từng lái máy bay trực thăng ở Việt Nam vào năm 1969 và 1970, cảm thấy tức giận vì sự có mặt của ông Kerry.
Ông Edward Zielinski, người từng lái máy bay trực thăng ở Việt Nam vào năm 1969 và 1970, cảm thấy tức giận vì sự có mặt của ông Kerry.
Tuy nhiên, những cựu chiến binh khác không tán thành ý kiến đó. Ông Thomas Goff, cựu trung tá lục quân từng chiến đấu ở Việt Nam, nói rằng ông rất kính nể ông Kerry.

Ông nói “Tôi cũng đã trở thành một người phản chiến. Cuộc chiến đó là một thảm hoạ cho quân đội Mỹ, một thảm hoạ kinh khiếp. Phải mất nhiều năm chúng ta mới vượt qua được.”

Trong số những người bênh vực cho ông Kerry có cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, là người đã phục vụ dưới thời Tổng thống Richard Nixon và thực hiện những cuộc thương thuyết hoà bình với Bắc Việt dẫn tới hoà ước Paris. Ông Kissinger nói rằng ông nhớ tới thời gian khi ông ngồi trong Tòa Bạch Ốc và ông Kerry dẫn đầu những cuộc biểu tình phản chiến ở bên ngoài. Nhưng ông nói rằng ông và ông Kerry đã trở thành bạn thân và kính trọng lẫn nhau.

Hôm thứ ba, cả ông Kissinger lẫn ông Kerry đều là mục tiêu đả kích của hơn 30 người biểu tình bên ngoài Thư viện Tổng thống Johnson. Họ tố cáo ông Kissinger tiếp tay thực hiện cuộc chiến tranh bất hợp pháp ở Việt Nam và lên án ông Kerry vì vai trò của ông trong các chính sách can thiệp của Mỹ ở Trung Đông và những nơi khác.

Trong một cuộc nói chuyện trên sân khấu với nhà làm phim tài liệu Ken Burns, ông Kerry đã nói tới sự phẫn nộ còn tồn đọng của nhiều người chưa thoát ra được sự ám ảnh của cuộc chiến tranh Việt Nam.


Ảnh tư liệu: Nhiếp ảnh gia AP Horst Faas đi cùng với các binh sĩ ở miền nam Việt nam.
Ảnh tư liệu: Nhiếp ảnh gia AP Horst Faas đi cùng với các binh sĩ ở miền nam Việt Nam.
Ông nói “Một số người bị đóng băng tại chỗ và họ không thể thay đổi và đó là một điều đáng buồn.”

Ông Kerry tỏ ý hoan nghênh sự kính trọng mà đại đa số dân chúng Mỹ ngày nay dành cho những người phục vụ trong quân đội – một việc mà ông nói là đã không có trong những năm tháng có nhiều chia rẽ vì cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhưng ông nói rằng có một vấn đề mà ông gọi là “một sự tách biệt nguy hiểm” giữa những người Mỹ chiến đấu cho tổ quốc với đa số những người không có liên hệ với quân đội. Ông cho rằng mọi công dân Mỹ nên phục vụ cho đất nước dưới một hình thức nào đó, cho dù không ở trong quân đội.

Ngoại trưởng Kerry nói rằng bài học quan trọng nhất của chiến tranh Việt Nam là nước Mỹ cần phải nhìn thế giới từ những góc độ của người dân ở những nước khác.

Ông nói “Chúng ta nên đặt mình vào vị thế của người khác và nhìn nước họ như họ nhìn nó.” Ông nói thêm rằng nếu được như vậy thì “chúng ta sẽ có được nhiều thành quả hơn.”

Cuộc hội thảo Thượng đỉnh Chiến tranh Việt Nam sẽ tiếp diễn trong ngày hôm nay, thứ 5, với những ý kiến của các ca sĩ, nhạc sĩ phản chiến, một cuộc thảo luận của các cựu chiến binh về cái nhìn của những người ở tiền tuyến đối với cuộc chiến và một bài diễn văn của Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh.


 http://www.voatiengviet.com/content/tranh-luat-ve-chien-tranh-vietnam-tiep-dien-sau-hon-nam-muoi-nam/3306368.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét