Thảm họa quốc gia về ô nhiễm môi trường đã hiển hiện qua sự kiện cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung. Giới khoa học cho rằng đây là hậu quả của nhiều thập niên phát triển kinh tế bằng mọi giá và xem nhẹ việc hủy hoại môi trường.
Lời cảnh báo đã được chứng thực
Vụ cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung trở thành một thảm họa quốc gia về môi trường, đã chứng thực những lời cảnh báo mà giới khoa học và các nhà hoạt động dân quyền từng đưa ra và không được chính phủ lắng nghe. Những năm trước, giới khoa học đã khuyến cáo không nên phát triển nóng những khu công nghiệp ven biển đặc biệt là công nghiệp nặng.Dự án khổng lồ khu liên hợp gang thép 22 triệu tấn/năm và nhà máy nhiệt điện 1.500 MW của Tập đoàn Formosa ở Vũng Áng Hà Tĩnh, từng được cảnh báo là sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Lúc đó các nhà khoa học đã đặc biệt lưu ý về việc phải đảm bảo những biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và không nên tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá.
Thế nhưng, không hiểu vì cố ý hay vô tình, đánh giá tác động môi trường của dự án khu phức hợp Formosa chưa lường trước những tác động mà ông Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà gọi là ảnh hưởng gián tiếp. Ngoài ra cơ quan chức năng của Việt Nam còn bỏ qua vi phạm pháp luật của Formosa, để cho Công ty này thiết lập đường ống xả thải đặt ngầm dưới biển và đã xả thải gọi là thử nghiệm từ tháng 3/2015 và được cấp phép chính thức vào cuối năm 2015. Phát biểu ngày 28/4/2016 tại Vũng Áng của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhìn nhận là, cho đến nay phía Việt Nam chưa thể tiếp cận, giám sát, hệ thống xả thải ngầm dài 1,5km đặt sâu 17 mét dưới mực nước biển của Formosa. Ở thời điểm muộn màng này, ông Bộ trưởng mới nói là sẽ đề nghị các biện pháp sửa sai, để giám sát đường ống ngầm. Tuy vậy Bộ trưởng Trần Hồng Hà không đề cập tới việc Formosa phải đưa đường xả thải lên trên mặt nước, như pháp luật Việt Nam qui định.
Các nhà khoa học thiên về giả thiết Formosa súc rửa đường ống bằng hóa chất kịch độc là nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường. TS Tô Văn Trường, chuyên gia tài nguyên nước và môi trường được báo Thanh Niên trích lời, xin phép dẫn nguyên văn: “Suy cho cùng lỗi lớn nhất là giám sát để thi hành quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường gọi tắt là DTM còn nhiều lỗ hổng. Báo cáo DTM nếu làm nghiêm túc sẽ chỉ rõ các đầu vào, đầu ra kể cả chất độc, chất thải dạng khí, nước và rắn. Cho nên nếu có sự cố, mở DTM ra đối chiếu với thực tế sẽ không bị mù tịt như những ngày qua.”
TS Nguyễn Quang A, nhà phản biện độc lập nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS từ Hà Nội kêu gọi Nhà nước sửa sai:
“Tai họa môi trường này phải là một bài học cảnh tỉnh đối với các nhà chức trách Việt Nam, phải cân nhắc rất là kỹ. Các chuyên gia thực sự đã cảnh báo về vấn đề phát triển bền vững, về vấn đề hủy hoại môi trường, về những dự án nhất là dự án công nghiệp nặng. Từ lâu lắm rồi từ vụ bauxite Tây nguyên…hoặc ở IDS chúng tôi 8-9 năm trước thì anh Trần Vĩnh Nguyên đã đặt ra khái niệm GDP bẩn, việc chỉ chú trọng tăng trưởng mà không chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường thì có thể được một cái trước mắt, nhưng mà hại một cái vô cùng lâu dài và sẽ rất tốn kém để sửa lại những lỗi lầm đó…rất đáng tiếc những hậu quả ấy nay đã hiển hiện lên rồi.”
Cố gắng thoát khỏi đói nghèo
Nhà nước Cộng sản Việt Nam cố gắng thoát khỏi đói nghèo và đánh giá thành tích phát triển 40 năm của mình là đã tăng thu nhập đầu người từ mức vài trăm USD lên hơn 2.000 USD/năm. Mặc dù cho đến nay Việt Nam vẫn tụt hậu so với láng giềng hàng chục năm, nhưng để được xếp vào danh sách quốc gia có thu nhập trung bình thấp, Nhà nước Việt Nam dựa vào các dự án đầu tư nước ngoài với nguồn vốn FDI hàng chục tỷ USD mỗi năm. Trong 25 năm từ 1988 tới 2013 Việt nam đã tiếp nhận khoảng 100 tỷ USD từ nguồn vốn FDI.Phó Giáo sư Tiến sĩ Hồ Uy Liêm, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, đồng thuận về việc phát triển kinh tế phải bền vững, không thể xem nhẹ việc hủy hoại môi trường. Từ Hà Nội PGS-TS Hồ Uy Liêm phát biểu:
“Việt Nam muốn phát triển, muốn sự hỗ trợ của các nước để phát triển nhanh hơn nhưng không thể bằng cách hủy hoại môi trường. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, ảnh hướng giống nòi người Việt Nam. Đây là những vấn đề vô cùng trầm trọng tôi thấy cần phải xử lý nghiêm.”
Tất cả các tỉnh thành ở Việt Nam đều trông chờ các dự án đầu tư nước ngoài để có tăng trưởng GDP cho địa phương, tạo công việc làm cho người dân. Đó là chưa kể vấn đề hoa hồng và phần trăm chia chác, dự án càng lớn tỷ lệ này càng cao. Đây là vấn đề được xem như thường tình ở Việt Nam, tuy rằng cũng có những vụ bị phát hiện từ nước ngoài, được đưa ra ánh sáng và buộc phải truy tố.
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dựa trên sản xuất và xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài, tỷ lệ hiện tại vào khoảng 70% tổng xuất khẩu của Việt Nam. Rõ ràng, có quá nhiều động cơ để chính quyền Việt Nam các cấp, quyết tâm trải thảm đỏ, ưu đãi các dự án đầu tư nước ngoài. Bất kể đó là dự án gì cho dù khả năng khi sản xuất có thể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và rất khó giảm thiểu những tác động ngược chiều đó.
Nhà phản biện TS Nguyễn Quang A, từ Hà Nội lên tiếng đánh động dư luận về thực tế ô nhiễm môi trường ở Việt Nam, có thể còn nghiêm trọng hơn nữa ở trong tương lai:
“Đã đến lúc phải lên tiếng, phải cảnh báo và phải bằng áp lực xã hội để buộc những người có quyền quyết định phải lắng nghe ý kiến của người dân và phải cân nhắc những vấn đề môi trường, không thể có chuyện đánh đổi tăng trưởng lấy môi trường, hủy hoại môi trường… Hiện bây giờ rất đáng tiếc là những hậu quả ấy đã hiển hiện lên rồi. Tôi nghĩ bây giờ cũng khá là muộn, nhưng muộn còn hơn không, còn tiếp đến những chuyện mà người ta đặt vấn đề là điện hạt nhân và nhiều dự án như thế…ví dụ dự án khu gang thép Thái Nguyên, không những chuyện ô nhiễm môi trường mà hiệu quả kinh tế sờ sờ ra đấy, vấn đề này thực sự các chuyên gia chúng tôi đã cảnh báo từ cách đây 20 năm rồi… với những trường hợp như thế không bao giờ nên tiếp tục mở rộng với những công nghệ như vậy…”
Theo dõi lịch sử Việt Nam cận đại, nhiều người tỏ vẻ kinh ngạc tại sao Việt Nam lại không tránh những vết xe đổ mà những quốc gia khác đã trải nghiệm qua. Từ chuyện cố đeo đuổi mấy chục năm rồi mới từ bỏ mô hình kinh tế kế hoạch tập trung kiểu Liên Xô, cho tới việc khai thác bauxite dù chưa thấy lợi nhuận đã ẩn hiện thảm họa môi trường, hay mơ ước phát triển điện hạt nhân, khi các nước đi trước vì mối lo an toàn đang cố gắng từ bỏ nó.
Chính vì thế trên mạng xã hội đầy rẫy những lời bình phẩm cho rằng, thảm họa môi trường ven biển miền Trung, khởi phát từ vùng biển khu Công nghiệp Vũng Áng Hà Tĩnh, đã là những dấu hiệu ban đầu của một thảm kịch quốc gia lâu dài, mà giống nòi Việt Nam phải gánh chịu.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/dirty-gdp-to-get-economic-growth-at-any-costs-nn-04302016094150.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét