Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Có thật ‘nợ công Việt Nam vẫn an toàn’?



 Chuyên gia Nguyễn Văn Phú nói "không biết dựa vào đâu mà báo Việt Nam nói tổng nợ công Việt Nam vẫn còn trong ngưỡng an toàn"


Một chuyên gia tài chính bình luận với BBC về việc truyền thông Việt Nam thường đưa tin ‘nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn’.



Theo Báo cáo của Chính phủ Việt Nam trước Quốc hội (tháng 3/2016), nợ công của Việt Nam năm 2015 chiếm 62,2% GDP, trong đó nợ nước ngoài chiếm 43,1% GDP.



Hôm 22/4, trả lời BBC Tiếng Việt, chuyên gia tài chính Nguyễn Văn Phú, từ thành phố Strasbourg, Pháp, cho hay: “Vấn đề cốt lõi cho chính sách kinh tế tài chính của Việt Nam là nợ công, nhất là nợ nước ngoài của Việt Nam”.




“Những con số nợ nước ngoài, theo ngoại tệ (như đồng yen hoặc đôla) đang là thách thức đáng kể cho chính sách hối đoái của Ngân hàng Nhà nước."



“Điều này đặt nền kinh tế vào thế lưỡng nan: nếu các ngoại tệ tăng giá so với đồng tiền Việt Nam (đồng yen Nhật đã tăng giá, còn đồng đôla Mỹ hiện đang dưới sức ép tăng giá), tuy đây là điều tốt cho xuất khẩu, nó lại gây sức ép lên khả năng chi trả nợ nước ngoài, vì nợ nước ngoài trở nên cao hơn trước."

        Mỗi người Việt đang gánh gần 30 triệu đồng nợ công


Tiến sĩ kinh tế nói thêm: “Tôi không biết dựa vào đâu mà các báo Việt Nam hay nói tổng nợ công Việt Nam vẫn còn trong ngưỡng an toàn, dưới 65% GDP. Theo tôi được biết, có nhiều nghiên cứu đưa ra các con số ngưỡng an toàn thấp hơn nhiều."



“Sức ép nợ công có thể dẫn đến khủng hoảng nợ công, gây vỡ nợ, nhất là nợ nước ngoài, khi đó ảnh hưởng kinh tế và xã hội sẽ rất lớn. Trường hợp của Argentina năm 1998 - 2002 và Hy Lạp từ năm 2010 đến nay là những ví dụ điển hình."


Theo ông Phú, những biện pháp nhằm giảm nợ công là: siết chặt chi tiêu công; tập trung chi tiêu công vào đầu tư phát triển; và giảm thâm hụt ngân sách nhà nước.



“Báo cáo của Chính phủ ghi, chi tiêu công năm 2015 cho đầu tư phát triển chỉ chiếm 21% trong tổng chi ngân sách nhà nước (trong khi đó có tới 66,4% là chi tiêu thường xuyên), đây là con số khá thấp (so với con số 27,5% trong tổng chi ngân sách nhà nước năm 2012). Về thâm hụt ngân sách thì nó đã là -6,1% trong năm 2015, đây là con số rất cao so với các nước trong khu vực," ông Phú bình luận.



Thời báo Kinh tế Sài Gòn hôm 20/4 dẫn Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý 1 năm 2016 của của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho hay nghĩa vụ trả nợ công lên tới 418.000 tỷ đồng năm 2015.



“Nguyên nhân là do giai đoạn 2010 - 2012, Chính phủ vay nợ ngắn hạn nhiều, chủ yếu bằng trái phiếu kỳ hạn 1 - 2 năm. Đây sẽ là áp lực rất lớn đối với chi ngân sách nhà nước, nếu phát hành trái phiếu chính phủ không đạt mục tiêu đề ra”.



“Rủi ro kỳ hạn và mất khả năng thanh toán tạm thời có thể xảy ra. Đó có thể là lý do khiến Bộ Tài chính phải vay Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỷ đồng và phát hành 1 tỷ đôla Mỹ trái phiếu riêng cho Vietcombank trong năm 2015”, báo này viết.



Nguồn: BBC Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét