Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

Tại sao tôi không ứng cử

Nguyễn Lân Thắng



Trong vài tháng gần đây, mặc cho tin tức bầu cử Mỹ đầy gay cấn, mặc cho các hành động leo thang của Trung Quốc trên biển Đông ngày càng quyết liệt, mối quan tâm của cộng đồng mạng tại Việt Nam càng ngày càng hướng về cuộc bầu cử quốc hội lần thứ 14 trong tháng 5/2016 này.

Việt Nam kể từ khi thành lập nước năm 1945 đến giờ, 13 kỳ bầu cử trước, có lẽ chưa bao giờ nhân dân lại quan tâm theo dõi đến tình hình bầu cử như bây giờ. Ngay chính bản thân tôi trong vài lần bầu cử trước đây, đúng thực là chỉ đến khi ông tổ trưởng gọi đi bầu thì mới chạy quáng quàng ra đọc chút tiểu sử ứng cử viên và gạch theo hướng dẫn rồi về. Chắc nhiều bạn còn nhớ cái cảnh đi bầu hộ, rồi cảnh nhanh nhanh chóng chóng cố đi bầu cho xong buổi sáng để đến trưa người ta còn về. Với tình hình hiện nay, tôi nghĩ rằng kỳ bầu cử lần này sẽ không còn chuyện đó nhiều nữa.


 Khắp từ trên mạng đến nơi chè chén vỉa hè, người ta lầm rầm bàn tán chuyện bầu cử. Có được điều này, một phần rất lớn là do truyền thông xã hội ngày càng phát triển, một phần nữa là do phong trào tự vận động ứng cử bùng lên khắp nơi. Sau rất nhiều màn cản trở gây khó dễ từ khâu hồ sơ, đã có 50 người tự ứng cử tại tp. HCM, 47 người tự ứng cử tại Hà Nội và một số tỉnh thành khác nữa tôi không có số liệu. Tôi biết nhiều người cũng có ý định ra ứng cử, nhưng không chịu được màn khủng bố gắt gao dù mới chỉ ngỏ ý trên mạng xã hội, nên bỏ cuộc. Người ta cản trở ứng cử viên tự do bằng đủ kiểu. Nào thì cho an ninh đến từng phường doạ dẫm, nào thì công an hộ khẩu, phòng thuế kiểm tra bất thình lình cơ sở kinh doanh của ứng cử viên. Khốn nạn nhất là dùng cả truyền thông nhà nước lẫn blog mạo danh đấu tố, kích động, nhục mạ người ra ứng cử. Thôi thì đến được bước này là coi như xong màn đầu tiên. Màn thứ hai đang chờ sẵn các ứng cử viên tự do là trò đấu tố tại phường, điều ai cũng biết trước như đã từng xảy ra với luật sư Lê Quốc Quân, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải... trong kỳ bầu cử quốc hội lần thứ 13 năm 2011. Thôi thì đủ trò bới móc đời tư, nhục mạ ứng cử viên sẽ được một đám lạ hoắc, không biết có phải là người ở phường đó không lôi ra dùng, dù nó chẳng hề liên quan đến năng lực làm việc cũng như tín nhiệm của cử tri dành cho những ứng cử viên này. Với 90 triệu dân trên 500 đại biểu, mỗi đại biểu là đại diện cho khoảng 200 ngàn người thì thủ đoạn sử dụng khoảng 100-200 người có bàn tay sắp xếp ở địa phương để gạt bỏ ứng cử viên tự do là hành động khốn nạn, phi dân chủ, chỉ có chế độ dân chủ giả hiệu mới dùng đến.

Người nào thì tôi không biết, nhưng những ứng cử viên mà tôi đã biết thông qua hoạt động xã hội thì không hề run sợ. Bản thân họ đã từng nhiều năm bị khủng bố, bị đánh đập, bị bao vây kinh tế, bị bôi nhọ đủ kiểu vì những hoạt động của mình cho xã hội, những trò bẩn thỉu này chỉ như đuổi ruồi mà thôi. Bản thân họ có chính thức thành đại biểu quốc hội hay không không quan trọng, mà điều cốt yếu họ hi vọng là thức tỉnh toàn dân để có thể ý thức được quyền của mình.

Có hi vọng nào cho các ứng cử viên tự do không? Tôi nghĩ là không. Ai cũng biết từ trước đến nay, bàn tay của đảng cộng sản đã thò vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, chi phối mọi hoạt động kinh tế, chính trị, văn hoá nhằm độc tôn quyền lực, ngăn chặn mọi mầm mống phản kháng có thể đe doạ vị thế cũng như tính chính danh (dù giả hiệu) của chúng. Cách đây 2500 năm, Khổng Tử đã đề ra thuyết Chính Danh nhằm kiến giải và cải tạo xã hội. Ông cho rằng: mỗi vật, mỗi người sinh ra đều có một địa vị, công dụng nhất định. Ứng với mỗi địa vị, công dụng đó là “danh” nhất định. Vật nào, người nào trong thực tại đều có danh hợp với nó, nếu không danh sẽ không hợp với thực, là loạn danh. Chính danh là danh và thực phải phù hợp với nhau. Ông cho rằng, sở dĩ xã hội loạn lạc là do danh không phù hợp với thực, từ đó dẫn đến làm cho kỷ cương phép tắc đảo lộn. Muốn ổn định trật tự xã hội, Khổng Tử chủ trương phải giáo hoá đạo đức và thực hiện chủ nghĩa “Chính danh, định phận”.

Tôi nói đến chuyện chính danh là bởi lẽ, cứ nhìn vào thực tế xã hội mấy chục năm qua, liệu có thực sự đại biểu quốc hội là người đại diện cho nhân dân, có thực sự chế độ này là của dân, do dân, vì dân? 

Khi thực không hợp với danh thì phải lừa dối. Khi đã lừa dối ắt có ngày bị vạch trần. Khi đã bị vạch trần thì không có cách gì có thể cứu vãn được tính chính danh cho chế độ. Và vì thế, hi vọng là ở đấy, dù thành hay bại, những ứng cử viên tự do chính là thiên sứ giúp chúng ta tỉnh ngủ, vạch trần đến tận cùng bản chất của chế độ này, buộc thượng tầng xã hội phải thay đổi, cho người dân được thể hiện sức mạnh của mình bằng những biện pháp phi bạo lực, góp phần thay đổi xã hội một cách hoà bình, hạn chế đổ vỡ thiệt hại nhất.

Có nhiều người hỏi tại sao tôi không ra ứng cử. Rất nhiều người hỏi như vậy. Một trong các điều kiện để trở thành đại biểu quốc hội là phải trung thành với hiến pháp Việt Nam. Tôi đã nhiều lần tuyên bố muốn thay đổi hiến pháp Việt Nam, mà cụ thể là ở 3 điểm sau:

Một là, Hiến Pháp Việt Nam trao quyền lực tuyệt đối cho đảng cộng sản. Đây là điều phi dân chủ, đi ngược lại tất cả những hình thức xã hội tiến bộ. Đảng cộng sản chỉ là vài triệu người, không thể cướp quyền tham gia chính trị của nhóm người khác, không thể là đại diện cho quyền lợi của 90 triệu người Việt Nam.

Hai là, Hiến Pháp Việt Nam không tôn trọng quyền sở hữu đất đai cũng như tư liệu sản xuất. Bằng việc đề ra khái niệm sở hữu nhà nước, hiến pháp đã tước bỏ quyền định đoạt của người dân đối với tài sản của mình. Chỉ cần thích là bất cứ lúc nào cũng có thể trưng mua, trưng thu tài sản của người dân bằng cái giá rẻ mạt không khác gì ăn cướp.

Ba là, Hiến Pháp Việt Nam đặt các lực lượng vũ trang vào vị trí là người bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ. Quân đội, công an được hình thành và nuôi dưỡng từ tiền thuế của nhân dân, máu xương của người dân. Khi chế độ ăn cướp của người dân thì ai đứng ra bảo vệ người dân đây? Quân đội chỉ làm nhiệm vụ chống ngoại xâm, công an chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự trị an, còn chế độ hèn với giặc, ác với dân thì hãy để cho nhân dân xử.

Đó chính là lý do tôi không ra ứng cử đại biểu quốc hội dù rất muốn góp sức mình thay đổi xã hội này. Hiện tại, với vai trò là một blogger, một người hoạt động xã hội, tôi nghĩ rằng mình có thể làm được nhiều việc hơn khi đứng ở vai trò độc lập, không chịu sự chi phối của bất cứ luật lệ nào, nhất là luật lệ do đảng đề ra. Trên nghị trường, một đại biểu có thể trốn tránh cử tri, chứ trên không gian mạng xã hội, một blogger không thể trốn tránh chất vấn của 90 triệu người dân. Và tôi nguyện sẽ là người dám nói lên tất cả những tâm tư nguyện vọng của dân tộc này.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét