Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

'Quốc hội cần thiết lập nền tảng quốc gia'



Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung



 
Sau Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam, kì bầu cử Quốc hội sắp tới đang thu hút sự chú ý của dư luận, thể hiện ngay trong nhận định của một thành viên trong Hội đồng Bầu cử Quốc gia là kì bầu cử này “phức tạp hơn, đã hình thành phong trào tự ứng cử”.

Đây là tín hiệu rất rõ của ý dân. Nhân dân đã không còn tin vào sự lãnh đạo “sáng suốt, tài tình” như tuyên truyền của các lãnh đạo cộng sản nữa, và cũng không chấp nhận giao phó vận mệnh quốc gia vào tay một thiểu số thống trị nữa.

Nhân dân đã ý thức về quyền làm chủ đất nước của mình, tự mình phải nắm lấy vận mệnh của chính mình, của đồng bào mình, và của đất nước mình.


Quyền làm chủ đất nước đó phải đến với từng công dân cụ thể trong thực tế chứ không phải chỉ là cái “nhân dân” chung chung, mơ hồ, tương tự như các “quan” tuyên bố rằng họ làm quan là do “đảng, nhà nước và nhân dân giao phó”.

Hành động, phát ngôn của giới cầm quyền trong kì bầu cử lần này tiếp tục phơi bày rõ ràng hơn các vấn đề chính trị bức bách khiến Việt Nam trở thành một quốc gia “không chịu phát triển”, lẻ loi và cô độc với thế giới bên ngoài vốn đang phát triển như vũ bão.

Siêu ứng cử viên?

Sáng 15/3, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu một đoàn đi giám sát công tác bầu cử ở Hà Nội. Ông Phúc cũng chỉ là một ứng cử viên vào quốc hội bình đẳng như các ứng cử viên khác nhưng ông lại có quyền đi giám sát công tác bầu cử, chỉ đạo ủy ban bầu cử. Rõ ràng ông Phúc là một “siêu ứng cử viên”.

Tương tự, Mặt trận Tổ quốc tổ chức các vòng hiệp thương, nhưng chủ tịch Mặt trận - ông Nguyễn Thiện Nhân cũng là ứng cử viên vào Quốc hội. Hiệp thương chọn ứng cử viên nào, kiểm phiếu ra sao ông hoàn toàn có quyền thao túng. Một “siêu ứng cử viên” như ông mà không trúng cử vào Quốc hội thì ai có thể trúng?

Minh họa rõ hơn nữa cho điểm này, đến giờ phút này chỉ có các ứng cử viên độc lập than phiền bị Ủy ban Bầu cử gây nhiều khó dễ trong việc hoàn thành các thủ tục ra ứng cử, chứ chưa thấy ai là ứng cử viên do các cơ quan của đảng cộng sản đề cử than phiền điều gì.

Quốc hội Việt Nam khóa sắp mãn có thể bầu lại một số chức vụ lãnh đạo cao cấp của nhà nước và chính quyền trong tháng Tư tới đây.

Các ứng cử viên của đảng cộng sản được cả hệ thống chính trị hỗ trợ, từ truyền thông tới chuyện kiểm phiếu, công bố kết quả. Còn các ứng cử viên độc lập phải tự thân vận động, không thể lên báo đài trình bày cương lĩnh tranh cử, không thể diễn thuyết nơi công cộng, không thể giám sát quá trình kiểm phiếu…

Những điểm bất công này chưa kể đến việc lãnh đạo cộng sản đưa ra những cáo buộc như “tổ chức phản động” đứng sau các ứng cử viên độc lập mà không đưa ra được bằng chứng, hoặc chỉ thị không để các phần tử “thế này, thế khác” vào Quốc hội, v.v…

Qua đó cũng thấy rõ sự thiếu công bằng giữa các ứng cử viên trong đảng và ngoài đảng cộng sản.

Thiếu vắng nền tảng

Điều 7 Hiến pháp do đảng cộng sản tự ban hành có ghi rõ: “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”.

Điều 69 Hiến pháp khẳng định “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Tuy nhiên, thiếu tướng Trần Ngọc Thổ tại Hội nghị hiệp thương lần 2 ở Sài Gòn chiều ngày 17/3 đã nói thẳng: “Nhìn vào danh sách ứng cử đại biểu quốc hội thì thấy ngoài Đảng quá nhiều, tự ứng cử quá nhiều. Đây là tổ chức thứ tư (ý ông Thổ nói Mặt trận Tổ quốc) của Đảng sau Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội chứ có phải ai muốn vào thì vào, ai muốn ra thì ra”.

Như thế, thiếu tướng Thổ đã khẳng định Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc là các tổ chức, cơ quan của đảng cộng sản. Các ứng cử viên trong kì bầu cử quốc hội thực chất là đang thi tuyển vào một cơ quan của đảng cộng sản, với giám khảo là giới lãnh đạo đảng cộng sản chứ không phải nhân dân.
Rõ ràng đây không phải là một cuộc bầu cử “bình đẳng” như điều 7 Hiến pháp quy định. Quốc hội là cơ quan của đảng cộng sản chứ không phải là “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân” như điều 69 quy định. Quyền làm chủ của nhân dân đang bị vi phạm nghiêm trọng.

Việc nhà cầm quyền thản nhiên đứng trên Hiến pháp và luật pháp do chính họ ban hành cho thấy đất nước này không hề có nền tảng quốc gia. Cai trị quốc gia chỉ là ý chí của thiểu số thống trị chứ không hề dựa trên nền tảng pháp luật chuẩn mực phục vụ cho toàn dân.

Lạm dụng nhân dân?

Từ chuyện không có nền tảng quốc gia đó, nhà cầm quyền dễ dàng lạm dụng nhân dân bằng thứ pháp luật tùy tiện, bất công.

Hiện nay, nhà cầm quyền có thể tăng thuế, phí vô tội vạ. Từ hạt gạo, quả trứng tới chiếc ô tô, xăng dầu, cầu đường,… đều chịu hàng chục loại thuế, phí. Tình trạng thu hồi đất rồi đền bù với giá rẻ mạt đã đẩy không biết bao nhiêu gia đình vào cảnh màn trời chiếu đất, phải lặn lội kêu oan từ Nam tới Bắc.

Chính Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng phải than: “Thủ tục hành chính của mình cay độc lắm, độc ác lắm, quá nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân. Nhiều thủ tục để làm gì, để có tiền thì mới xong chứ sao nữa”.

Thậm chí, khoản 1 điều 46 trong điều lệ của đảng cộng sản còn thẳng thừng: “Tài chính của Đảng gồm đảng phí do đảng viên đóng, từ ngân sách nhà nước và các khoản thu khác”.

Việc này đồng nghĩa người dân phải đi làm vất vả để đóng thuế nuôi một đảng độc quyền nhà nước, đứng trên pháp luật, ngồi lên đầu lên cổ nhân dân. Liệu đây có phải là “người bóc lột người”, “phân chia giai cấp” như thời thực dân phong kiến mà chính các đảng viên cộng sản ngày xưa đã đấu tranh để xóa bỏ?

Các đại biểu quốc hội không hề lên tiếng về chuyện lạm dụng quyền lực, lạm dụng nhân dân này của giới lãnh đạo cộng sản. Vậy họ đang đại diện cho ai?

Rõ ràng cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945 còn dang dở vì quyền làm chủ của người dân chưa được hiện thực và bình đẳng trên nền tảng pháp luật chuẩn mực.

Cần phải tiếp tục cuộc cách mạng đó để hiện thực hóa quyền làm chủ bình đẳng của người dân qua một nhà nước cộng hòa chính danh, chấm dứt tình trạng giới cầm quyền đang thao túng quyền làm chủ và lạm dụng nhân dân.

Cần chuẩn pháp luật

Trong báo cáo Việt Nam 2035 của Ngân hàng Thế giới, các chuyên gia trong và ngoài nước đã khuyến cáo: để thực hiện khát vọng của quốc gia, thể chế chính trị cần phải trở nên hiện đại, minh bạch và hoàn toàn dựa trên nền tảng nhà nước pháp quyền, tức pháp luật chuẩn mực (rule-of-law).

Các lãnh đạo đảng cộng sản và quốc hội bù nhìn không thể làm ra pháp luật chuẩn mực với kiểu tư duy độc quyền như bấy lâu nay. Pháp luật do họ làm ra chỉ phục vụ cho một thiểu số cai trị bất kể nhân dân đang sống như thế nào, có nguyện vọng gì.

Do đó, nếu các ứng cử viên ra ứng cử vào quốc hội lần này mà không đặt mục tiêu hàng đầu trong cương lĩnh tranh cử là làm cho đất nước có pháp luật chuẩn mực, nhằm phục vụ cho toàn dân và thúc đẩy cho xã hội phát triển toàn diện thì không có gì xứng đáng để nói, nghĩa là vẫn tiếp tục muốn được vào Quốc hội để làm đại biểu quốc hội bù nhìn, là công cụ cho đảng cộng sản lạm dụng nhân dân.

Quyền làm chủ của nhân dân là hệ trọng, đất nước phải có pháp luật chuẩn mực là nhất thiết. Nếu không thì làm sao có công lý?

Triết gia Saint Augustine thời trung cổ đã từng nói, “nếu không có công lý, nhà nước sẽ là gì nếu không phải là một băng cướp có tổ chức?”

Đã qua thế kỷ 21 lâu rồi, lẽ nào các lãnh đạo cộng sản lại muốn điều hành đất nước như thời trung cổ?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét